Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: Sai lầm của những người mới startup là dùng "trái tim" quá nhiều

Ông Lý Quý Trung cho rằng các doanh nghiệp startup lần đầu (từ số 0) thường mắc sai lầm là thích gì làm nấy, đam mê cái gì khởi nghiệp cái đó, dùng “trái tim” quá nhiều.


Ông Lý Quý Trung cho rằng các doanh nghiệp startup lần đầu (từ số 0) thường mắc sai lầm là thích gì làm nấy, đam mê cái gì khởi nghiệp cái đó, dùng “trái tim” quá nhiều.

Sáng ngày 27/9/2019, trong phiên 2 chương trình “CEO-Chìa khóa trao tay” với chủ đề “Khởi nghiệp thành công những yếu tố cần và đủ” do Đài truyền hình Việt Nam (VTV) và VCCI thực hiện có sự góp mặt của ông Lý Quý Trung, Shark Nguyễn Thanh Việt, ông Huỳnh Hạnh Phúc (Chủ tịch HĐQT Teach for Việt Nam), bà Vũ Ngọc Hương (Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Venus Corp), ông Trần Thanh Hải (CEO Be Group).

 Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: Sai lầm của những người mới startup là dùng trái tim quá nhiều - Ảnh 1.

Ông Robert Trần (ngoài cùng bên phải), đang đặt câu hỏi cho các CEO tham gia chương trình Chìa khóa thành công.

 

Phiên 2 mở ra với nhiều ý kiến về việc làm sao để biến ý tưởng thành một doanh nghiệp kinh doanh thành công. Ông Lý Quý Trung cho rằng các doanh nghiệp startup lần đầu (từ số 0) thường mắc sai lầm là thích gì làm nấy, đam mê cái gì khởi nghiệp cái đó, dùng “trái tim” quá nhiều. Trong khi đó với người startup lần 2, lần 3 thì lại nghiêng về lý trí, thấy tiềm năng thị trường hay lĩnh vực nào có thể kinh doanh là làm.

“Nếu startup 3 năm không thành công thì tôi sẽ đóng cửa công ty và tôi thường xuyên đóng cửa các dự án không thành công”, ông Trung nói.

Ông Trần Thanh Hải, CEO Be Group, cũng chia sẻ về những thách thức khi khởi nghiệp với một lĩnh vực không mới mẻ và đầy cạnh tranh: “Tôi làm be bắt nguồn từ ý tưởng phát triển bền vững. Bởi vì theo tôi thấy hiện nay các mô hình kinh tế chia sẻ đang bị biến tướng theo chiều hướng không thực sự là kinh tế chia sẻ, một số doanh nghiệp đang có nhiều vấn đề như về lương, bảo hiểm xã hội… Vì vậy, khó khăn hiện nay của be chính là khung pháp lý không rõ ràng để thúc đẩy và phát triển.”

Bên cạnh khung pháp lý chưa cụ thể, rõ ràng, thì hành vi tiêu dùng của khách hàng cũng là thách thức đối với be.

“Trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, người dùng đã quen với việc sử dụng dịch vụ rẻ. Mà thực ra giá rẻ ở đây cũng “ảo” chứ không thực sự rẻ. Và trong thời gian tới, người dùng cũng như nền kinh tế cũng phải trả giá cho việc này. Vì vậy làm sao để xây dựng hình ảnh, ý tưởng của mình để truyền tải cho người tiêu dùng, thay đổi thói quen tiêu dùng này cũng là thách thức của be”, ông Hải chia sẻ.

Theo ông Hải, hiện nay thị trường xe công nghệ Việt có khá nhiều vấn đề về con người. Chẳng hạn tài xế muốn có mức thu nhập đủ sống phải đi làm từ 10-12 tiếng, phương tiện tự trang bị. Trong khi đó lại không có được chi trả bảo hiểm xã hội. Điều này sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy cho xã hội sau này.

Còn trước mắt người dùng cũng phải “trả giá” cho sự dễ dãi của mình khi “tiếp tay” cho các doanh nghiệp độc quyền, khiến giá cước có thể tăng cao trong thời gian tới. Mà điển hình là trong những khung giờ cao điểm, giá xe đã cao đến 3-4 lần, vượt qua cả taxi truyền thống. Đây chỉ là hậu quả trước mắt.

 Nhà sáng lập Phở 24 Lý Quý Trung: Sai lầm của những người mới startup là dùng trái tim quá nhiều - Ảnh 2.

Ông Trần Thanh Hải (trái), CEO Be Group, đang chuẩn bị trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình.

Khi nào thì nên gọi vốn và làm thế nào để gọi vốn thành công?

Đây là câu hỏi mà nhiều startup luôn trăn trở. Các CEO tham gia chương trình rất hào hứng chia sẻ về vấn đề này. Ông Hải cho biết khi thành lập be ông phải huy động vốn từ bạn bè, người thân.

Theo ông, quan trọng nhất là phải tạo ra được sản phẩm tốt, thuyết phục được người thân thì mới có thể thuyết phục các nhà đầu tư.

“Bạn cần phải có sự hiểu biết nhất định đối với nhà đầu tư. Bạn phải biết bạn sắp thuyết trình cho ai, người đó có hiểu về ngành nghề bạn đang kinh doanh hay không? Nếu người đó có sự hiểu biết về ngành nghề mà bạn lại có sản phẩm tốt thì khả năng gọi vốn rất cao”, CEO Be Group bày tỏ quan điểm.

Ông Hải cũng cho biết rất ủng hộ và khuyến khích các startup nên gọi vốn, có thể gọi vốn từ bạn bè, gia đình, người thân trước cũng được. “Đây cũng là cách để mọi người và chính bạn xem xét để xem mình có đi đúng hay không. Khi có người góp vốn, tức có người tin tưởng vào con đường mà bạn đang đi”.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Việt và ông Lý Quý Trung cho rằng không nên gọi vốn quá sớm khi mà doanh nghiệp chưa có gì. Sau khi có được thành tựu nhất định, đủ điều kiện thiên thời, địa lợi thì mới bắt đầu kêu gọi đầu tư. Đồng thời, Shark Việt cũng khuyên các startup trẻ chớ quá “tham lam”, phải biết cân bằng giữa lợi ích của doanh nghiệp mình và nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Thanh Việt đưa ra nhiều giải pháp cho các startup trẻ khi muốn gọi vốn hoặc định giá doanh nghiệp bằng cách tìm kiếm những nhà/công ty tư vấn để định giá chính xác doanh nghiệp mình và gọi vốn thành công.

Để trả lời cho câu hỏi lúc nào nên gọi vốn và nếu không gọi vốn sớm thì doanh nghiệp có thể “chết” vì hết tiền, ông Việt cho biết: “Làm doanh nghiệp phải chịu được bão, đặc biệt là vấn đề tài chính, phải dự trù được mình chịu được bao lâu. Còn nếu không có tiền thì hãy chia sẻ cơ hội cho những người khác cùng góp vốn đầu tư”.

Bà Vũ Ngọc Hương, một người đã từng khởi nghiệp thành công, sau đó tiếp tục startup sang một lĩnh vực khác chia sẻ: “Có đôi khi, lĩnh vực của bạn rất hay nhưng còn quá mới cũng là khiến các nhà đầu tư e dè. Vì vậy, khởi nghiệp thành công phải hội đủ các yếu tố về thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nếu thời điểm chưa tới thì bạn có thể tạm gác lại ý tưởng đó, tìm cái khác để kiếm sống. Khi nào thời cơ chín mùi, lại tiếp tục bắt đầu”.

Làm sao giữ người tài và phát huy họ?

Cuối phiên, các CEO thảo luận xung quanh vấn đề nhân sự - một vấn đề không kém phần quan trọng sống còn của các doanh nghiệp. Nhiều ý kiến lo lắng về việc tuyển và giữ chân nhân viên giỏi.

Đại diện một doanh nghiệp đặt câu hỏi: Làm sao để giữ chân nhân sự và cách nào để nhân viên không trở thành đối thủ của mình? Nhiều doanh nghiệp cho biết khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ nhân sự giỏi. Nhưng lại có doanh nghiệp “khổ” vì quá nhiều người giỏi và cạnh tranh lẫn nhau.

Ông Trần Thanh Hải cho biết tại be có rất nhiều người giỏi. Vì vậy, để quản trị họ, be sử dụng cách cho mọi người tự quản lý, CEO chỉ hỗ trợ cấp dưới phát huy khả năng của mình.

Ngoài ra, ông Hải cũng chia sẻ tại be các giám đốc và nhân viên phải tự chịu trách nhiệm về kết quả công việc của mình, hoàn thành hay không hoàn thành, không viện lý do.

“Tôi chỉ xem trọng kết quả, dù lý do khách quan hay chủ quan, chỉ cần không đạt KPI thì sẽ bị trừ điểm. Bởi vì một nhân sự giỏi phải biết dự trù cả những rủi ro của thị trường”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết, ông thường khuyến khích nhân viên phạm sai lầm, vì chỉ có thất bại mới khiến con người trưởng thành và rút ra được kinh nghiệm cho mình.


Theo Phương Uyên

Ictnews

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nha-sang-lap-pho-24-ly-quy-trung-sai-lam-cua-nhung-nguoi-moi-startup-la-dung-trai-tim-qua-nhieu-a113311.html