Masayoshi Son - tỷ phú đứng sau loạt thương vụ startup công nghệ đình đám cũng nhiều lần lao đao vì những khoản đầu tư tỷ đô thất bại: “Liều” có phải lúc nào cũng “ăn nhiều”?

Ông Masayoshi Son đã vạch ra một kế hoạch 300 năm để biến SoftBank trở thành công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, robot và các công nghệ tiên tiến khác. Nhưng các dự định lớn của ông đang va chạm với thực tế khắc nghiệt.


Ông Masayoshi Son đã vạch ra một kế hoạch 300 năm để biến SoftBank trở thành công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, robot và các công nghệ tiên tiến khác. Nhưng các dự định lớn của ông đang va chạm với thực tế khắc nghiệt.

Bất cứ ai đã sử dụng Uber, gửi tin nhắn Slack hoặc thưởng thức bia miễn phí tại WeWork đều nợ ông Masayoshi Son một chút gì đó.

Thông qua tập đoàn SoftBank và quỹ đầu tư 100 tỷ USD của mình, ông Son đã đầu tư một khoản tiền lớn vào các công ty nhằm thay đổi cách mọi người làm việc, du lịch và sinh sống. Các khoản đầu tư của ông đã khiến các công ty trẻ liều lĩnh và gây ra những tổn thất lớn khi họ mở rộng với tốc độ chóng mặt trong những năm gần đây. Ngay cả trong thế giới khởi nghiệp, nơi tổn thất là một huy hiệu danh dự, cách tiếp cận và tham vọng của ông Son rất nổi bật.

Ông đặt cược vào gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Alibaba và kiếm được khoản tiền lãi hơn 100 tỷ USD, củng cố danh tiếng là một nhà đầu tư có tầm nhìn xa. Ông đã vạch ra một kế hoạch 300 năm để biến SoftBank trở thành công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo, robot và các công nghệ tiên tiến khác.

Nhưng năm nay, các dự định lớn của ông đã va chạm với thực tế khắc nghiệt.

Phố Wall không mấy mặn mà với các công ty được SoftBank và Quỹ Vision Fund hỗ trợ. CEO của WeWork đã từ chức trong tuần này sau khi những lùm xùm liên quan khoản lỗ khổng lồ và cấu trúc quản trị rối rắm được phơi bày ở hồ sơ IPO. Cổ phiếu Uber đã giảm gần 30% so với giá IPO tháng Năm. Và cổ phiếu Slack - cung cấp dịch vụ nhắn tin tại nơi làm việc, đã giảm hơn 40% kể từ ngày đầu tiên giao dịch vào tháng Sáu.

Các nhà phê bình của SoftBank, cho biết các khoản đầu tư của họ đã đầu độc hệ sinh thái cho các công ty trẻ bằng cách khuyến khích các nhà sáng lập chấp nhận rủi ro quá mức mà ít quan tâm đến việc xây dựng các doanh nghiệp có thể tồn tại qua những thăng trầm của nền kinh tế. Họ đang hy vọng sự thất bại của WeWork sẽ buộc các nhà đầu tư phải hoài nghi hơn về các công ty đang phát triển quá nhanh. Ngay cả ông Son cũng thừa nhận rằng các doanh nghiệp mà công ty ông đầu tư cần phải vững chắc về tài chính nhanh hơn.

SoftBank và Vision Fund hiện phải đối mặt với triển vọng giảm giá khắc nghiệt đối với một số khoản đầu tư của họ. WeWork và các cố vấn của họ đã cân nhắc việc bán cổ phần trong đợt IPO với mức định giá thấp nhất là 15 tỷ USD, thấp hơn mức định giá 47 tỷ USD mà SoftBank đã đầu tư vào công ty trong tháng 1. Nếu thị trường chứng khoán định giá WeWork ở mức 15 tỷ USD, SoftBank có thể phải chịu khoản lỗ 2 tỷ USD cho khoản đầu tư vào kinh doanh không gian làm việc chung, theo các nhà phân tích tại Bernstein.

Viễn cảnh về những khoản lỗ lớn như vậy đã tạo ra một đám mây đen bao trùm SoftBank và làm dấy lên sự nghi ngờ về phong cách đầu tư của ông Son. Và điều đó có thể huỷ hoại nỗ lực của ông để gây quỹ ước tính 108 tỷ USD cho Vision Fund thứ hai. Vào tháng 7, SoftBank cho biết họ dự kiến ​​Apple, Microsoft và các công ty khác sẽ đóng góp vào quỹ mới, nhưng các nhà đầu tư quan trọng nhất của quỹ đầu tiên - Ả Rập Saudi và Abu Dhabi - vẫn chưa cam kết gì. (Apple từ chối bình luận về quỹ mới và người phát ngôn của Microsoft cho biết sự tham gia của công ty không thay đổi kể từ thông báo tháng 7).

Nói chuyện với giám đốc điều hành của các công ty được hỗ trợ bởi Vision Fund vào tuần trước tại khách sạn Langham ở Pasadena, California, ông Son cho biết họ cần mang về doanh thu nhiều hơn chi phí bỏ ra trong vòng vài năm sau khi IPO, theo cho một người tham dự sự kiện.

"Chỉ tăng doanh số đơn giản là không đủ", phát biểu của ông Son được cho là ngầm ám chỉ WeWork.

Ông Son, 62 tuổi, đã xây dựng đế chế kinh doanh của mình bằng những thương vụ đầu tư khổng lồ và một niềm tin không thể lay chuyển được. Một câu chuyện thường được kể là ông từng đe dọa tự thiêu trong văn phòng của một cơ quan quản lý viễn thông Nhật Bản trừ khi các nhà hoạch định chính sách chấp nhận yêu cầu của ông. Ông là một trong những ông trùm trong giới doanh nghiệp đến thăm Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump vào năm 2016, hứa hẹn sẽ đầu tư 50 tỷ USD và tạo ra 50.000 việc làm tại Mỹ (cam kết dựa trên các khoản đầu tư mà SoftBank đã lên kế hoạch thực hiện).

Sinh ra trong một gia đình gốc Hàn Quốc, lớn lên ở Nhật Bản, ông học ngành khoa học máy tính tại Đại học California, Berkeley và tại đây bắt đầu bước vào con đường kinh doanh - tạo ra một máy dịch ngôn ngữ điện tử và bán cho Sharp.

Ông mở một cửa hàng linh kiện máy tính SoftBank ở Tokyo vào năm 1981 và sau đó phát triển nó thành một tập đoàn công nghệ và viễn thông. Sự giàu có của ông đã tăng lên trong thời kỳ bùng nổ dotcom, giảm sút vào đầu những năm 2000 và dần hồi phục khi SoftBank trở thành một trong những công ty điện thoại di động lớn nhất Nhật Bản.

Năm 2000, ông Son đã đầu tư 20 triệu USD vào Alibaba, một cổ phần hiện trị giá gần 119 tỷ USD ngay cả sau khi SoftBank bán một số cổ phần của mình 3 năm trước. Vận may bất ngờ đó cũng giúp đẩy giá trị tài sản cá nhân của ông Son lên tới 20 tỷ USD.

Ông Son đã tìm cách nhân đôi khoản đầu tư vào Alibaba của mình nhiều lần.

"Các bạn không thể nghĩ đơn giản", ông đã nói với các nhà phân tích vào tháng 5 năm 2017. Với triển vọng mà ông gọi là một "cơn sốt vàng" trong ngành công nghệ, giờ là lúc để "mở rộng tâm trí, mở rộng trái tim của chúng ta và suy nghĩ lớn."

Vision Fund từng đạt được những thành công rực rỡ. Năm 2017, quỹ này đã kiếm được khoảng 1,5 tỷ USD lợi nhuận từ khoản đầu tư vào Flipkart, một công ty thương mại điện tử của Ấn Độ, khi Walmart mua lại doanh nghiệp này vào năm ngoái. Mặc dù có những bước đi sai lầm như WeWork, quỹ có thể chỉ cần một vài thương vụ lớn để bù đắp tổn thất, theo giáo sư Tom Nicholas tại Trường Kinh doanh Harvard.

"Khi bạn đầu tư ở mức định giá cao - như SoftBank làm - điều đó gây áp lực lớn cho quỹ để tạo ra lợi nhuận thực sự vượt trội từ các danh mục đầu tư thành công", ông Nicholas nói.

Một số thương vụ của ông Son đã gây thất vọng, bao gồm một trong những khoản đầu tư lớn nhất của SoftBank vào Mỹ năm 2013: mua lại cổ phần kiểm soát tại Sprint, một công ty viễn thông đang gặp khó khăn.

Ông Son đã trả 21,6 tỷ USD và nhận thêm hàng tỷ đồng tiền nợ để mua công ty. Nhưng ông dự đoán rằng SoftBank sẽ giúp Sprint vượt qua các đối thủ lớn hơn là Verizon và AT&T, một phần bằng cách nâng cấp mạng của công ty để cung cấp dịch vụ tốt hơn và tốc độ nhanh hơn.

Tuy nhiên, lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Nhà phân tích nghiên cứu Craig Moffett tại MoffettNathanson cho biết, không bao gồm những thay đổi kế toán nâng lợi nhuận của Sprint lên, lãi ròng của công ty gần như "dậm chân tại chỗ". Sprint không chỉ thua xa các đối thủ lớn hơn mà còn thua T-Mobile, một đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn.

"Đó là một khoản đầu tư tồi tệ", ông Moffett nói.

Ông Son đã nhiều lần cố gắng kết hợp Sprint với T-Mobile. Năm ngoái, SoftBank cuối cùng đã đạt được thỏa thuận bằng cách bán Sprint cho T-Mobile. Thỏa thuận này rất quan trọng đối với sự sống còn của Sprint, ông Moffett nói. Vốn chủ sở hữu của Sprint là vô giá trị nếu việc sáp nhập không thành công.

Một số khoản đầu tư gần đây của SoftBank cũng gặp khó khăn.

Các nhà phân tích cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất đối với SoftBank là các khoản đầu tư khổng lồ vào các công ty khởi nghiệp đã đẩy giá trị của các công ty trẻ lên mức mà không nhà đầu tư nào khác sẵn sàng trả.

WeWork là một ví dụ điển hình. Ông Son lần đầu tiên đồng ý đầu tư vào công ty này sau cuộc họp năm 2016 với người sáng lập và CEO Adam Neumann, kéo dài chưa đầy một giờ. Vào tháng 1 năm nay, lần cuối cùng SoftBank đầu tư vào công ty về không gian làm việc chung, hai bên đã đồng ý định giá cổ phiếu của công ty là 47 tỷ USD, tăng từ mức 20 tỷ USD mà họ định giá cho công ty này trong năm 2017.

Các nhà phê bình nói, một lỗ hổng lớn khác với cách tiếp cận SoftBank, là nó đặt ra một số ràng buộc đối với người sáng lập công ty mà họ đầu tư. Các chuyên gia quản trị doanh nghiệp đã kinh ngạc khi biết về một số xung đột lợi ích tại WeWork mà ông Son và SoftBank chịu. Ví dụ, công ty đã thuê văn phòng trong các tòa nhà thuộc một phần sở hữu của ông Neumann.

Giáo sư Bill Aulet tại Viện Công nghệ Massachusetts của Trường Sloan cho biết, vấn đề của các công ty khởi nghiệp được lựa chọn là sự thiếu kỷ luật. Vì ông Son đã kiếm cho họ được hàng trăm triệu hoặc hàng tỷ USD trước khi họ thực sự tìm ra những gì khách hàng thực sự muốn và làm thế nào để kiếm lợi nhuận. "Nhũng con chó đang đói sẽ săn mồi giỏi nhất", ông nói.


Theo Khánh An

Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/masayoshi-son-ty-phu-dung-sau-loat-thuong-vu-startup-cong-nghe-dinh-dam-cung-nhieu-lan-lao-dao-vi-nhung-khoan-dau-tu-ty-do-that-bai-lieu-co-phai-luc-nao-cung-an-nhieu-a113411.html