Năm 1981, Do Won Chang và vợ Jin Sook rời Hàn Quốc đến Los Angeles (California, Mỹ) để theo đuổi tham vọng của mọi doanh nhân: Giấc mơ Mỹ. Họ đến California không một xu dính túi, nói bập bõm tiếng Anh và không có bằng đại học. (Ảnh: Forbes)
Đôi vợ chồng trẻ quyết tâm làm giàu trong ngành cà phê nhưng mọi chuyện không đơn giản như những gì họ hình dung. Trong 3 năm, Do Won phải làm việc 19 tiếng/ngày với nhiều công việc khác nhau từ gác cổng, nhân viên bán xăng cho đến phục vụ trong quán cà phê. (Ảnh: Forever 21)
Khi làm việc tại trạm xăng, Do Won nhận thấy những người làm trong ngành may mặc đều đi xe đẹp. Ông nảy ra ý tưởng xin việc tại một cửa hàng thời trang. Tại đây, ông học được rất nhiều điều. "Tôi coi cửa hàng như việc kinh doanh của chính mình và ông chủ rất quý tôi ", ông kể lại. (Ảnh: BI)
Với số tiền tiết kiệm 11.000 USD sau 3 năm làm việc tại Mỹ, vợ chồng Do Won mở một cửa hàng quần áo có diện tích khoảng 83,6 m2 tại Los Angeles vào năm 1984 với tên gọi Fashion 21. Không giống như 3 công ty từng kinh doanh thất bại khi thuê địa điểm này trước đây, Fashion 21 đạt doanh thu 700.000 USD ngay trong năm đầu tiên. (Ảnh: USA Today)
Sau thành công ban đầu, vợ chồng Do Won bắt đầu mở thêm một cửa hàng mới mỗi 6 tháng và cuối cùng đổi tên thương hiệu thành Forever 21. "Tôi đến đây với 2 bàn tay trắng và luôn biết ơn nước Mỹ đã cho tôi nhiều cơ hội đến vậy. Và tôi muốn trả ơn họ", ông chia sẻ. (Ảnh: Getty Images)
Trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính 2008, nhờ nguồn tiền mặt dồi dào, Do Won tiếp tục mở thêm nhiều cửa hàng và tạo ra 7.000 việc làm chỉ trong một năm. Điểm nổi bật nhất của Forever 21 là các sản phẩm thời trang bắt kịp xu hướng và giá mềm. Nhờ đó, hãng đã trở thành chuỗi thời trang phát triển mạnh mẽ, có mặt ở khắp các trung tâm mua sắm tại nhiều quốc gia trên thế giới và được giới trẻ đặc biệt yêu thích. (Ảnh: Getty Images)
Tại thời kỳ đỉnh cao, Forever 21 từng đạt doanh thu 4,4 tỷ USD/năm. Tháng 3/2015, Forbes công bố tài sản của vợ chồng Do Won ở mức 5,9 tỷ USD. Đến nay, công ty có hơn 800 cửa hàng tại hàng chục quốc gia trên thế giới. Sự thành công của Forever 21 cũng trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho những người nhập cư mong muốn lập nghiệp tại Mỹ. (Ảnh: Forbes)
Tuy nhiên, vài năm gần đây, hãng thời trang nhanh này gặp nhiều khó khăn. Với sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều công ty bán lẻ, đặc biệt là các công ty trực tuyến, Forever 21 buộc phải đóng cửa hoặc giảm quy mô nhiều cửa hàng lớn. (Ảnh: Forever 21)
Đầu năm 2016, Forever 21 bị nhiều công ty "tố" chậm thanh toán. Tháng 12/2018, tình hình kinh doanh sa sút khiến hãng phải bán tòa nhà trụ sở chính ở Los Angeles với giá 166 triệu USD.
Công ty vừa tuyên bố đệ đơn xin phá sản theo chương 11 của Luật phá sản Mỹ. Hãng này đệ trình đóng cửa 178 trên tổng số hơn 800 cửa hàng.
Linda Chang, Phó chủ tịch điều hành của công ty cho biết đây là "một bước quan trọng và cần thiết để đảm bảo tương lai của công ty, cho phép chúng tôi tổ chức lại hoạt động kinh doanh và tái định vị Forever 21”. (Ảnh: Getty Images)
Linh Lam/NDH