Bên cạnh dịch vụ phi hàng không, Taseco lặng lẽ phát triển bất động sản trở thành trụ cột kinh doanh.
Tháng trước, một quỹ đầu tư Hàn Quốc đã bỏ ra hơn 280 tỷ đồng mua 4,5 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs). Bên bán chính là Công ty CP Hàng không Thăng Long (Taseco), công ty mẹ của Taseco Airs.
Sau khi thoái bớt một phần vốn, tỷ lệ nắm giữ của Taseco tại Taseco Airs đã giảm từ 60,83% xuống còn 50,83%. Bất ngờ ở chỗ, Taseco bán bớt cổ phần ở Taseco Airs giữa lúc doanh nghiệp này đang ăn lên làm ra và trước đó Taseco cũng đã nhượng lại một liên doanh cửa hàng miễn thuế với Nhật vốn được kỳ vọng là sẽ mang lại lợi nhuận không nhỏ.
Năm nay, Taseco Airs đặt mục tiêu doanh thu 1.131 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 246 tỷ đồng, tăng tương ứng 30,7% và 20,6% so với năm trước.
Trong sáu tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của Taseco Airs tăng 30% so với cùng kỳ năm trước và đạt 545 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn tăng mạnh 48% và đạt 113 tỷ đồng.
Taseco Airs cho biết kết quả kinh doanh năm nay tăng trưởng mạnh là do ghi nhận thêm doanh thu và lợi nhuận từ Công ty TNHH Hàng miễn thuế Jalux – Taseco. Đây là liên doanh giữa Taseco với Jalux, một công ty đang quản lý và vận hành 87 cửa hàng bán lẻ và cửa hàng miễn thuế tại 27 sân bay ở Nhật Bản. Với năm cửa hàng miễn thuế tại sân bay Nội Bài và Đà Nẵng, liên doanh này đạt 234 tỷ đồng doanh thu và 42,2 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018.
Cuối năm ngoái, Taseco đã chuyển nhượng toàn bộ 49% cổ phần sở hữu tại công ty liên doanh này cho Taseco Airs. Sau đó, Taseco Airs đã đàm phán nâng tỷ lệ sở hữu trong liên doanh lên 51%. Mỗi năm, liên doanh được kỳ vọng đóng góp 7-10% lãi ròng của Taseco Airs.
Tại sao Taseco lại chấp nhận thoái bớt một phần vốn ở một thành viên đang mang lại lợi nhuận khả quan? Những động thái gần đây của Taseco cũng như đại hội cổ đông thường niên Taseco Airs hồi tháng 4 vừa qua cho thấy phần nào nguyên nhân. Taseco đang đầu tư những dự án bất động sản khủng và cần nguồn vốn đầu tư rất lớn.
Nguồn thu khoảng 280 tỷ đồng từ thương vụ thoái bớt vốn tại Taseco Airs có thể là nguồn vốn bổ sung cần thiết cho mảng kinh doanh bất động sản của Taseco.
Thực tế, bên cạnh mảng dịch vụ phi hàng không do Taseco Airs đảm nhiệm, bất động sản từ lâu đã là mảng kinh doanh trụ cột của Taseco.
Taseco Airs kinh doanh dịch vụ phi hàng không, với các cửa hàng bán lẻ thương hiệu Lucky, cửa hàng miễn thuế, biển quảng cáo trong các sân bay, suất ăn hàng không và khách sạn À La Carte Đà Nẵng.
Trong mấy năm qua, Taseco đã âm thầm mua lại một số khu đất ở khu đô thị Đoàn Ngoại Giao (quận Tây Hồ - Hà Nội) và phát triển thành ba dự án căn hộ là Phú Mỹ Complex, An Bình Complex và Taseco Complex. Cả ba dự án này đã bán hết và đưa vào hoạt động. Bên cạnh đó, Taseco còn mua lại một số lô biệt thự của khu đô thị Nam An Khánh (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và khu đô thị Dệt May Nam Định (thành phố Nam Định).
Trong danh mục bất động sản tiềm năng của Taseco còn có khu đô thị ở Móng Cái và Phú Quốc. Trước đây, các dự án bất động sản do các công ty thành viên khác nhau phát triển nhưng hiện nay tập trung vào Công ty CP Bất động sản Taseco (Taseco Land) mà Taseco hầu như nắm giữ toàn bộ cổ phần.
Thông tin từ đại hội cổ đông Taseco Airs tổ chức hồi tháng 4 vừa qua cho thấy, Taseco Land đã mua lại một khu đất 5.125m2 thuộc Bán đảo 2 của Khu đô thị Halong Marina ở thành phố Hạ Long để phát triển khách sạn À La Carte Hạ Long.
Tại đây, Taseco dự kiến xây dựng một tòa nhà 40 tầng nổi và hai tầng hầm, trong đó có bốn tầng đế làm trung tâm thương mại, 789 căn hộ khách sạn từ tầng 5 - 37 và tầng 38 - 39 làm bể bơi và kinh doanh quán bar, nhà hàng. Với quy mô này, À La Carte Hạ Long sẽ là tòa nhà khách sạn cao nhất ở thành phố Hạ Long.
Theo thỏa thuận ban đầu, dự án À La Carte Hạ Long sẽ được phát triển theo hình thức khách sạn 5 sao + và Taseco Airs sẽ mua toàn bộ các tầng dịch vụ, bao gồm khối đế và hai tầng mái với giá thành xây dựng để kinh doanh. Taseco Airs đã đầu tư hơn 150 tỷ đồng vào dự án.
Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông tháng 4 vừa qua, Taseco Airs đã quyết định rút khỏi dự án này với lý do chủ đầu tư đang nghiên cứu thay đổi phương án thiết kế, kiến trúc và chất lượng vật liệu nội thất khiến cho tổng vốn đầu tư của dự án tăng lên 2.500 tỷ đồng. Với quy mô này, phần đóng góp của Taseco Airs sẽ lên đến 447 tỷ đồng, tức là tăng thêm 198 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.
Mặc dù thừa nhận dự án có tiềm năng kinh doanh tốt nhưng không tránh khỏi thua lỗ trong 2-3 năm đầu hoạt động, từ đó ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của Taseco Airs nên Taseco Airs đã quyết định rút vốn. Tuy vậy, Taseco Airs vẫn để ngỏ khả năng mua lại các tầng dịch vụ phía trên để kinh doanh với mức đầu tư khoảng 200 – 300 tỷ đồng.
Đến nay, dự án À La Carte Hạ Long đã xong quá trình khoan cọc thử và chuyển sang khoan cọc đại trà. Thông tin từ đại hội cổ đông Taseco Airs cho thấy, Taseco Land dự kiến tự quản lý và kinh doanh theo hình thức hợp tác với chủ căn hộ để cho thuê lại, nhưng không cam kết lợi nhuận cố định mà sẽ chia sẻ lợi nhuận.
Đặc biệt, đầu tháng 5 vừa qua, Công ty CP Taseco Invest đã ký hợp đồng đặt cọc với chủ đầu tư THT để mua lô đất B3-CC2 rộng 2,36ha thuộc khu đô thị Tây Hồ Tây – Starlake ở phía Tây Hà Nội để xây dựng tòa nhà hỗn hợp bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn và văn phòng cho thuê.
Xung quanh khu đất này còn có một số dự án bất động sản do các nhà đầu tư nước ngoài mua đất để phát triển như trung tâm phát triển R&D của Samsung, các trung tâm thương mại Emart, CJ và Toshin Development.
Trên khu đất này, Taseco Land dự kiến sẽ phát triển tòa tháp đôi cao 55 tầng, một trong những tòa tháp đôi lớn nhất do một doanh nghiệp Việt phát triển và phần nào chứng tỏ tham vọng lớn của Taseco trong lĩnh vực bất động sản.
Giang Sơn
Theo TheLEADER
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/thap-doi-55-tang-va-tham-vong-cua-taseco-a113510.html