Người ta vẫn nói rằng tham vọng chính là vết ngứa trong tâm hồn. Đau thì có thể chịu được nhưng ngứa thì càng gãi lại chỉ càng ngứa nhiều hơn.
Ở xóm tôi ngày tôi còn nhỏ, bà tôi kể rằng trước đây có hai người hàng xóm nhà gần nhau, một gia đình thì giàu có, một gia đình thì nghèo khó. Dù vậy nhưng họ không có ghét bỏ hay coi thường gì nhau nên mối quan hệ hàng xóm, láng giềng của họ tương đối hòa thuận, tốt đẹp.
Đến một năm, thiên tai khiến mùa màng mất trắng. Bà tôi thường nói rằng đó là khi ông trời nổi giận, vì nổi giận nên mới khiến thiên tai xảy ra và người dân thì mất của cải. Khi ấy, gia đình nhà nghèo mất mùa nên không có gì gì để thu hoạch lại không có dự trữ, họ không có gì để ăn chỉ có cách chờ chết. Còn gia đình nhà giàu đã dùng tiền của mình mua rất nhiều lương thực, họ nghĩ đến tình cảm giữa mình với hàng xóm bèn cho nhà hàng xóm một thùng gạo để cứu nguy.
Thấy người hàng xóm tốt với gia đình mình quá, gia đình nhà nghèo đã vô cùng cảm kích, biết ơn. Khoảng thời gian sau, khi đã vượt qua khó khăn, khủng hoảng họ đến gia đình nhà giàu để cảm ơn những ân nhân đã cứu mạng cả gia đình mình.
Trong lúc trò chuyện, họ nói đến việc mất mùa khiến mình chẳng còn có hạt giống cho năm sau. Nhà giàu vẫn có nhiều hạt giống nên hào phóng tặng một đấu thóc để làm hạt giống. Gia đình nhà nghèo lại cảm ơn rồi đi về nhà. Điều bất ngờ xảy ra khi về đến nhà, anh em nhà nghèo lại lên tiếng chê bai, oán thán, người anh nói:
- Họ giàu như thế mà cho mình có một đấu thóc, một đấu thóc thì làm được gì cơ chứ. - người em nghe vậy cũng hùa theo:
- Đúng đấy, đấu thóc còn chẳng đủ ăn làm sao mà dư để năm sau trồng. Nhà giàu mà ki bo, thật quá đáng.
Những lời nói ấy truyền tai từ người này đến người kia và cuối cùng đến tai người nhà giàu. Nghe được anh em nhà nghèo nói vậy họ không chỉ tức giận mà còn thấy buồn vô cùng. Họ nghĩ rằng mình đã sẵn sàng tặng họ nhiều lương thực đến vậy mà họ chẳng cảm ơn còn đố kỵ xem mình như kẻ thù. Điều đó thật đáng trách. Cũng từ đó, hai gia đình đang thân thiết bỗng trở thành kẻ thù của nhau.
Câu chuyện này chúng ta có thể nhận ra rằng bất cứ việc gì khi cho đi liên tục sẽ trở thành thói quen và vô tình điều đó sẽ là một loại trách nhiệm khó có thể chối bỏ. Người cho thì thấy là đủ nhưng khi ấy người được nhận lại tham vọng được nhận nhiều hơn nên không bao giờ cảm thấy vừa lòng.
Một câu chuyện kể lại có vị thiền sư thích ngao du thiên hạ, khi đến một vùng núi nọ thì bị ốm nặng. May mắn vị thiền sư được một bà góa là chủ quán trà đưa về chăm sóc dù không biết vị thiền sư là ai, quán thì nghèo lại thưa thớt khách chẳng kiếm được là bao. Vậy mà người phụ nữ góa không hề đắn đo gì khi khi quyết định cứu vị thiền sư lạ.
Suốt tận 3 tháng ròng rã vị thiền sư mới bình phục trở lại. Cảm động trước tấm lòng cứu giúp của bà chủ quán vị thiền sư dành 1 tuần liền để đào một cái giếng cạnh quán cho bà góa tiện dùng nước mà không phải đi tận suối xa gánh nữa.
Bất ngờ nước giếng mà thiền sư đào lại khiến trà của bà góa có mùi thơm đặc biệt và vị trà rất ngon. Những người được thử một lần đều hứa sẽ quay lại, rồi tiếng lành đồn xa, cửa hàng bán trà của bà góa đông khách lên rất nhiều.
Cũng từ đó bà góa có cuộc sống giàu có, sung túc. Một khoảng thời gian sau, vị thiền sư có dịp ghé lại quán cũ thăm lại ân nhân từng giúp đỡ mình. Thấy cơ ngơi khang trang, vị thiền sư mừng cho bà góa. Khi hỏi về giếng nước, bà góa liền than phiền:
-Nước ở giếng này rất tốt, có điều nhanh cạn quá, có khi vài ngày mới đầy lại khiến tôi chẳng thể nào có đủ nước mà bán cho khách. - vị thiền sư nghe thấy vậy lắc đầu đáp:
-Nguồn nước là của thiên nhiên ban tặng, không tốn kém gì cả mà vẫn kiếm được nhiều tiền, điều đó vẫn khiến bà cảm thấy không hài lòng sao?
Trước khi rời đi vị thiền sư viết trên tường một câu: “Trời đất bao la nhưng lòng tham của con người còn mênh mông hơn thế!”, ông rời khỏi quán của bà góa và từ đó không trở lại nữa, giếng nước sau này cũng cạn dần.
Chúng ta đều giống như người đàn bà góa phụ. Con người thường mong muốn và đòi hỏi nhiều hơn vì thế mà họ không bao giờ có cảm giác hài lòng với những gì mình đang có.
Một người có thể đứng núi này trông núi nọ, so sánh những mong ước xa vời mà quên đi việc vui hưởng hiện tại, thành quả và đón nhận nó. Bởi thế ở đời mới có câu. Tham vọng của con người giống như nước biển, uống càng nhiều sẽ càng khát.
Trí thức trẻ
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/noi-kho-cua-con-nguoi-hien-dai-tham-vong-giong-nhu-nuoc-bien-cang-uong-nhieu-se-cang-khat-a113720.html