Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Thành công của một doanh nghiệp không chỉ được đo bằng lợi nhuận mà còn bao gồm trách nhiệm với môi trường, xã hội

Theo bà Dung, lớp trẻ bây giờ sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua những sản phẩm tốt cho môi trường. Ví dụ, khi uống 1 ly nước, họ có thể trả thêm vài ngàn đồng cho ống hút có thể phân hủy chứ không chọn đồ nhựa.


Theo bà Dung, lớp trẻ bây giờ sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua những sản phẩm tốt cho môi trường. Ví dụ, khi uống 1 ly nước, họ có thể trả thêm vài ngàn đồng cho ống hút có thể phân hủy chứ không chọn đồ nhựa.

Tại hội thảo với chủ đề “Phát triển bền vững - Điều tất yếu cho doanh nghiệp của tương lai” diễn ra sáng 3/10, bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Công ty CP PNJ cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn lơ là với khá niệm phát triển bền vững. Trong khi các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia… đã đưa báo cáo phát triển bền vững vào luật doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện. Đây là một trong những thiếu sót khiến nền kinh tế của đất phát triển chậm hơn các nước lân cận.

Chung quan điểm với bà Dung, 3 đại diện đồng chia sẻ là bà Trương Thị Lệ Khanh - Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT CP Vĩnh Hoàn, bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty CP Saigon Food và ông Edwin Van der Sloot - TGĐ Công ty Scancom Việt Nam đều nhận định đã đến lúc các chủ doanh nghiệp cần phải chú trọng đến khái niệm này nếu không muốn mất hết những khách hàng tiềm năng là lớp trẻ.

Sản phẩm làm giàu được cho doanh nghiệp nhưng phải có ích cho xã hội

Mở đầu phần chia sẻ, bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định, phát triển bền vững là tất yếu vì cùng với sự gia tăng dân số thế giới, nhu cầu của con người ngày càng tăng, trong khi nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, môi trường đất, nước, không khí ô nhiễm ngày một trầm trọng. Chính vì thế, vào năm 2015, Liên hiệp quốc (LHQ) đã ra tuyên bố chung về phát triển bền vững trong vòng 15 năm, từ 2015-2030. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết tuyên bố chung này, nhưng tiếc thay, đến thời điểm hiện tại, trong khi các quốc gia Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Indonesia… đã đưa báo cáo phát triển bền vững vào luật doanh nghiệp thì Việt Nam vẫn chưa thể thực hiện.

Mặc dù vậy, bà Dung cho rằng, Việt Nam sẽ nhanh chóng thực hiện điều này để hội nhập với khu vực và thế giới. Hơn hết, chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải thích ứng, tìm hiểu để thay đổi, nếu không muốn mất lượng người tiêu dùng tiềm năng.

Thế hệ milinials (người trẻ) quyết định sự tồn vong của doanh nghiệp - rất quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững. Giờ đây, việc đánh giá thành công của một doanh nghiệp không chỉ được đo bằng lợi nhuận mà còn bao gồm cách doanh nghiệp đó ứng xử, cam kết trách nhiệm với môi trường, xã hội. Khi cả 3 yếu tố này tạo thành vòng tròn, có sự liên kết chặt chẽ thì doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Để nhấn mạnh điều này, bà Dung lấy dẫn chứng là con gái bà từ lâu đã không còn ưa chuộng những sản phẩm có thể gây hại đến môi trường. Là ái nữ của Chủ tịch tập đoàn kim hoàn lớn nhất Việt Nam nhưng con gái bà Cao Thị Ngọc Dung rất ít mua sắm vì lo ngại "mua nhiều chính là xả rác".

"Mỗi lần đi cùng con gái qua Mỹ, Singapore… tôi đều trở về với chiếc vali trống không vì con bé không mua sắm gì. Dắt tôi đi rất nhiều trung tâm thương mại với những thương hiệu lớn, đắt đỏ và bắt mắt nhưng con gái không mua bất cứ thứ gì. Có lần, con bé rất thích một chiếc áo của thương hiệu H&M, cầm lên ướm thử rồi lại để vào chỗ cũ, sau đó quay lại nói với tôi rằng ‘con không mua, đồ ở nhà nhiều quá rồi, mua chính là xả rác’ và sau đó dắt tôi đi về", chủ tịch PNJ kể lại.

Theo bà Dung, lớp trẻ bây giờ sẵn sàng bỏ ra số tiền nhiều hơn để mua những sản phẩm tốt cho môi trường. Ví dụ, khi uống 1 ly nước, họ có thể trả thêm vài ngàn đồng cho ống hút có thể phân hủy chứ không chọn đồ nhựa. Do đó, chủ tịch PNJ khẳng định nếu một doanh nghiệp bỏ qua yếu tố môi trường, vô tư tạo ra những sản phẩm có thể gây hại cho môi trường sống thì càng ngày sẽ càng mất dần những khách hàng tiềm năng là lớp trẻ.

Theo số liệu từ nghiên cứu và thống kê của Diễn đàn Kinh tế thế giới, doanh nghiệp phát triển bền vững sẽ thu được lợi ích về nhiều mặt. Cụ thể: tăng 20% doanh thu, giảm 16% chi phí và tăng 30% giá trị thương hiệu. Nghiên cứu cũng chỉ ra 65% nhà đầu tư kỳ vọng doanh nghiệp xây dựng đường hướng quản trị không chỉ đối với việc kinh doanh mà còn đặt trong vòng tròn liên kết với môi trường và trách nhiệm xã hội.

Từ đó, bà Dung gợi ý một số hành động cụ thể cho các doanh nghiệp Việt: Muốn một doanh nghiệp phát triển vững mạnh thì phải tạo ra sản phẩm/ dịch vụ mang tính bền vững: Chẳng hạn sản phẩm có thể tái chế, vòng đời lâu dài, xem con người là yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp.

Muốn doanh nghiệp vững mạnh phải nuôi dưỡng con người

Chủ tịch PNJ Cao Thị Ngọc Dung: Thành công của một doanh nghiệp không chỉ được đo bằng lợi nhuận mà còn bao gồm trách nhiệm với môi trường, xã hội - Ảnh 1.

Bà Trương Thị Lệ Khanh - Nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT CP Vĩnh Hoàn chia sẻ, khi thành lập Vĩnh Hoàn, khát khao duy nhất của bà là góp phần xây dựng nên ngành thực phẩm chế biến Việt Nam, tương tự như mong ước của bà Dung là vực dậy ngành kim hoàn Việt Nam. "Sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm nông nghiệp nên áp lực về môi trường là rất lớn", bà Khanh hồi tưởng.

"Nữ hoàng cá tra" Việt Nam cho biết bí quyết của Vĩnh Hoàn nằm ở yếu tố con người. 22 năm trước, đội ngũ nhân viên của Vĩnh Hoàn đã được huấn luyện về tư duy phát triển bền vững, từ đó chuyển thông điệp này đến những hộ chăn nuôi là các chính sách về môi trường, đảm bảo nguồn cá đầu ra đáp ứng được chất lượng, chuyển tải tư duy về cộng đồng, xã hội đến đối tác và khách hàng.

Bà Thanh kể: "Cho dù bán sản phẩm tốt nhưng ra thị trường quốc tế, đối tác sẵn sàng trả giá từng cent một. Và cách của chúng tôi là chia sẻ thông tin với họ, thuyết phục họ, để họ hiểu được câu chuyện và hành trình chúng tôi đang theo đuổi. Đó không phải là vì lợi ích của công ty mà là vì người chăn nuôi, vì môi trường xung quanh. Khi mọi chuyện tốt dần lên, nhiều đối tác đến thăm trại chăn nuôi vô cùng ngạc nhiên vì chẳng khác nào khu du lịch sinh thái". Với nhà phân phối, trong chính sách, Vĩnh Hoàn không chỉ có giá ưu đãi mà còn hỗ trợ để họ nhận diện được phát triển bền vững.

Từ câu chuyện của mình, "bà trùm" cá tra khuyên các doanh nghiệp khi theo đuổi lý tưởng kinh doanh thì chiếc lược để thuyết phục nhân viên, đối tác, khách hàng tin và cùng đồng hành mới là điều quan trọng. Không nên vì giá cả mà hạ thấp giá trị sản phẩm.

Ông Edwin Van der Sloot - TGĐ Công ty Scancom Việt Nam và bà Lê Thị Thanh Lâm - Phó TGĐ Công ty CP Saigon Food hoàn toàn tán đồng với việc chú trọng đào tạo, xây dựng đội ngũ. Với Scancom, việc nói đi đôi với hành động đã trở thành văn hóa công ty, cách ứng xử giữa nhân viên với nhân viên, giữa cấp trên với cấp dưới. Scancom cũng dành 160 nghìn giờ để trang bị kiến thức, kỹ năng cho nhân viên, để họ hiểu được triết lý kinh doanh của công ty. Ông Edwin cho biết, chi phí ban đầu có thể cao nhưng sẽ giảm dần theo thời gian và hiệu quả đạt được như kỳ vọng.

Saigon Food là đơn vị "nhỏ tuổi" nhất trong bốn doanh nghiệp. Tuy mới ra đời gần 3 năm nhưng dòng sản phẩm thực phẩm chế biến từ đơn vị này chiếm thị phần không hề nhỏ. Vì là sản phẩm chăm sóc bữa ăn, sức khỏe cho người tiêu dùng nên đòi hỏi sự chi li, tỉ mỉ ở người thực hiện. Do đó, theo bà Thanh Lâm, bí quyết then chốt là đào tạo nhân viên, dồn sự yêu thương, chăm chút cho sản phẩm.

Quá trình đào tạo này gồm nhiều cấp: từ học kỳ cho sinh viên, tuyển sinh, quản trị viên tập sự hay gần đây là chương trình Mentoring (tạm dịch là cố vấn). Chương trình được hiểu là mối quan hệ giữa một người nhiều kinh nghiệm (mentor) hỗ trợ một người ít kinh nghiệm hơn (mentee) nhằm phát triển bản thân, đạt được mục tiêu và/hoặc hoàn thiện những kỹ năng trong cuộc sống. Trên thực tế, mentoring là một mối quan hệ đặc biệt, tự nguyện giữa hai bên và hoàn toàn phi lợi nhuận. Mối quan hệ mentoring, khác với mối quan hệ huấn luyện, đào tạo, là mối quan hệ lâu dài và dựa trên nền tảng tôn trọng và chia sẻ và tự nguyện của cả hai.

"Rõ ràng, muốn đi xa, doanh nghiệp cần có những người bạn đồng hành cùng chí hướng, cùng quyết tâm. Muốn phát triển bền vững, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài vòng liên kết: lợi nhuận – môi trường – xã hội. Mọi sự bắt đầu từ tâm, khi đặt hết yêu thương vào hành trình phát triển, doanh nghiệp sẽ tìm được hướng phát triển bền vững thiết thực và phù hợp", Phó TGĐ Saigon Food nhấn mạnh.

 

Khánh Hoà

Theo Trí thức trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-pnj-cao-thi-ngoc-dung-thanh-cong-cua-mot-doanh-nghiep-khong-chi-duoc-do-bang-loi-nhuan-ma-con-bao-gom-trach-nhiem-voi-moi-truong-xa-hoi-a113884.html