Chuyên gia hàng không dự báo, khi Vinpearl Air cất cánh vào giữa năm 2020 thì diễn biến thị trường sẽ sôi động hơn, chắc chắn các hãng hãng hàng không sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn.
“Ăn chia” thị phần
Trên thị trường hàng không hiện có sự tham gia khai thác của 5 hãng hàng không Việt Nam và hơn 70 hãng hàng không nước ngoài đến từ 24 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới khai thác tại Việt Nam.
Tại thị trường nội địa, nhóm Vietnam Airlines (Vietnam Airlines và Jetstar) đang chiếm 52,5% thị phần; Vietjet đang nắm 41,2%, Bamboo Airways năm 5,4% và Vasco chiếm 1,9%.
Với thị trường quốc tế, các hãng hàng không Việt Nam đang nắm khoảng 57,8%. Trong số này, Vietnam Airlines và Jetstar năm 23,9%, Vietjet nắm giữ 18,3%, Bamboo chưa bay quốc tế.
Cục Hàng không Việt Nam cho đến, đến hết tháng 9/2019, đội tàu bay cánh bằng của các hãng hàng không Việt Nam đạt 200 chiếc. Trong đó, Vietnam Airlines (bao gồm Vasco) 98 tàu, Jetstar Pacific Airlines 18 tàu, Vietjet 70 tàu, Bamboo Airways 10 tàu.
Trong 8 tháng đầu năm 2019, sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không đạt 53,3 triệu khách tăng 11,5%, trong đó, các hãng hàng không Việt Nam vận chuyển đạt 37,3% tăng gần 10% so với cùng kỳ 2018.
Cục Hàng không cho hay, các hãng hàng không Việt Nam đang khai thác thường lệ 138 đường bay quốc tế và 50 đường bay nội địa. Trong đó, Vietnam Airlines bay 60 đường quốc tế, 33 đường nội địa, Jetstar bay 13 đường quốc tế, 23 đường nội địa; Vietjet đang khai thác 96 đường bay quốc tế, 35 đường bay nội địa; Bamboo Airways chưa bay quốc tế và đang khai thác 22 đường bay nội địa; Vasco khai thác 9 đường bay nội địa.
Vinpearl Air sẽ làm thay đổi “cục diện”?
Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết: Hàng không Việt Nam tăng trưởng rất cao, 10 năm qua mức tăng trưởng luôn duy trì từ 15-17%, hiện dư địa để phát triển hàng không vẫn còn.
“Quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ các hãng mới tham gia vào thị trường hàng không, vì điều này mang lại nhiều lợi ích cho người đi máy bay. Khi các hãng cạnh tranh nhiều thì giá cả sẽ tốt hơn cho khách hàng.” - Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.
Vinpearl Air - hãng hàng không của tỷ phú Phạm Nhật Vượng mới đây đã chính thức được thành lập, hãng này dự kiến cất cánh vào tháng 7/2020. Lãnh đạo Cục Hàng không thông tin: “Vipearl Air muốn kinh doanh, khai thác tới các điểm nghỉ dưỡng của mình.”.
Lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định Vinpearl Air đã nghiên cứu rất kỹ. Cục này ủng hộ vì cách tiếp cận của hãng rất nghiêm túc, bài bản. Đề án kinh doanh hàng không của Vinpearl Air tốt, bản thân Vingroup là một tập đoàn có tiềm lực, uy tín và thương hiệu.
Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư tham gia vào hàng không không phải chỉ để kiếm lợi nhuận thương mại mà còn vì nhiều mục đích khác, trong đó có việc quảng bá thương hiệu. Cơ quan quản lý cao nhất của ngành hàng không đánh giá, thị trường hàng không Việt Nam vẫn còn những tiềm năng và nhiều cơ hội cho các hãng tham gia kinh doanh.
Dự báo về sự thay đổi của thị trường, một chuyên gia hàng không cho rằng: Sự xuất hiện của Vinpearl Air chắc chắn sẽ làm thay đổi “cục diện” của thị trường hàng không Việt Nam, bởi đây là hãng bay có tiềm lực tài chính và “truyền thống” kinh doanh của Vin vốn có chiến lược rất bài bản.
“Vinpearl Air hướng tới phân khúc kinh doanh hàng không truyền thống chứ không phải là hàng không giá rẻ. Chặng bay khai thác là giữa các khu nghỉ dưỡng của Vingroup, nhưng các khu nghỉ dưỡng và các điểm kinh doanh khách sạn của Vin thì có khắp nơi trên cả nước, điều này rõ ràng cho thấy lượng khách tiềm năng của Vinpearl Air rất lớn” - chuyên gia hàng không nói.
Vị chuyên gia này cũng nhận định, diễn biến thị trường hàng không sẽ sôi động hơn và chắc chắn các hãng hãng hàng không sẽ bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn khi Vinpearl Air cất cánh.
Châu Như Quỳnh
Theo Dân Trí
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/du-bao-cuc-dien-hang-khong-truoc-ap-luc-tu-ty-phu-pham-nhat-vuong-a114208.html