Một thập kỷ thời trang Việt Nam: Gió đổi chiều và cuộc chiến của thương hiệu nội với các ông lớn Zara, H&M, Uniqlo

Thị trường thời trang Việt Nam được ước tính có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD năm 2018. Các thương hiệu nội địa như Eva de Eva đang đứng trước yêu cầu thay mạnh mẽ trong cuộc đua khốc liệt với những ông lớn như Zara, H&M, Uniqlo ngay tại sân nhà.


Thị trường thời trang Việt Nam được ước tính có giá trị lên tới 3,5 tỷ USD năm 2018. Các thương hiệu nội địa như Eva de Eva đang đứng trước yêu cầu thay mạnh mẽ trong cuộc đua khốc liệt với những ông lớn như Zara, H&M, Uniqlo ngay tại sân nhà.

Một thuở 10 người làm thời trang, 8 người thành công

Năm 2007, một cửa hàng thời trang rộng chừng 100 m2, ánh đèn sáng loáng, lộng lẫy thu hút người đi đường xuất hiện trên con phố trung tâm Tràng Thi. Mang làn gió mới khác lạ cùng phong cách show window ấn tượng, Eva de Eva dễ khiến khách hàng liên tưởng đến một thương hiệu đến từ nước ngoài nào đó. Giới phụ nữ công sở từ khu vực Tháp Hà Nội thủa ấy thường kháo nhau tranh thủ buổi trưa ghé vào cửa hàng sắm sửa.

"Sau nửa năm tôi mở cửa hàng, giá cho thuê mặt bằng xung quanh đều tăng lên. Khách vào cửa hàng theo từng đoàn. Người nọ kháo người kia. Thậm chí có lúc cửa hàng không còn gì để treo. Hàng ra đến đâu hết đến đó. Chỉ sau 2 năm, Eva de Eva đã bắt kịp Ivy Moda", chị Dung Tô - người sáng lập thương hiệu thời trang Eva de Eva nhớ lại.

Tốt nghiệp ngành luật, sau khoảng 10 năm làm ngành FMCG, cô nhân viên kinh doanh quyết định khởi nghiệp ngành thời trang bởi nhận thấy thị trường này quá tiềm năng. Theo chia sẻ của nữ CEO này, đầu những năm 2000s phụ nữ văn phòng như chị có nhu cầu lớn về mua sắm trang phục công sở, nhưng thị trường chỉ mới có NEM, Ivy Moda. Nhiều người không chọn được trang phục vừa mắt trong khi đi may thợ thì bị hỏng hay lỗi dáng, còn thời trang nhập từ Trung Quốc không có đồ công sở.

Một thập kỷ thời trang Việt Nam: Gió đổi chiều và cuộc chiến của thương hiệu nội với các ông lớn Zara, H&M, Uniqlo - Ảnh 1.

Nhà sáng lập thương hiệu Eva de Eva Dung Tô

"Thời điểm đấy, thị trường quá thiếu nên công việc khởi nghiệp rất thuận", nhà sáng lập Eva de Eva chia sẻ. CEO Eva de Eva tiết lộ, ngay trong năm đầu tiên khởi nghiệp, chị phải thay đổi 4 địa điểm công ty vì phát triển quá nhanh. Tốc độ tăng trưởng của công ty thậm chí lên tới 200% chỉ sau 3 năm thành lập, từ một vài cửa hàng Eva de Eva nhanh chóng tăng lên 30-40 cửa hàng trong thời gian ngắn.

Thị trường thời trang công sở giai đoạn này được đánh giá cung lớn hơn cầu. Thương hiệu Eva de Eva nhanh chóng hút không chỉ khách hàng mà còn cả giới kinh doanh đại lý. Dù tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng nhà sáng lập cho biết không cần đi vay ngân hàng, doanh nghiệp nương nhờ đến dòng tiền của kênh phân phối đại lý. Vai trò của các đại lý rất lớn, vừa giúp Eva de Eva có dòng tiền mở rộng kinh doanh, vừa là kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định. Nhờ kinh nghiệm làm FMCG, chị Dung chủ trương xây dựng hệ thống, xây dựng chính sách tốt cho đại lý ngay từ những ngày đầu.

"Cứ như thế công việc kinh doanh tự phát không tính toán", nhà sáng lập này nhớ lại. Nhận xét về thị trường thời trang Việt Nam 10 năm trước, chị Dung cho rằng, thời điểm này ai làm cũng có khả năng thành công. "10 người làm thời trang thì có tới 8 người thành công", cung quá thiếu vì vậy bất kỳ ai mở ra cũng đáp ứng được nhu cầu thị trường.

Câu chuyện thuận lợi của Eva de Eva giai đoạn 2007 cũng phần nào tương đồng với các thương hiệu thời trang công sở cùng thời như NEM, Ivy Moda hay Chic-Land. Đối với phân khúc thời trang dành cho giới trẻ, đến năm 2015 vẫn khá ổn với các chuỗi như Blue Exchange, Ninomax, PT 2000, Couple TX, Canifa. Nổi bật trong số đó là Blue Exchange với khoảng 200 cửa hàng trên toàn quốc, tập trung vào khách hàng trẻ ở phân khúc trung bình khá.

 

Gió đổi chiều và thách thức của thương hiệu thời trang Việt

Thế nhưng cục diện ngành thời trang Việt Nam nhanh chóng thay đổi khi một vài ông lớn thời trang ngoại bắt đầu để mắt tới thị trường đầy tiềm năng này. Một khảo sát năm 2017 của Niesel cho thấy, người Việt đứng thứ 3 thế giới về chuộng hàng hiệu, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi, nghiên cứu của Statistics Portal – một công ty nghiên cứu thị trường của Đức dự báo, tốc độ tăng trưởng hàng năm của thời trang Việt Nam giai đoạn 2017-2022 là 22,5%. Thống kê của BMI, độ lớn thị trường thời trang bao gồm quần áo và giày dép ở Việt Nam trong năm 2018 là 3,8 tỷ USD, trong đó chi tiêu cho quần áo chiếm hơn 3,5 tỷ USD.

Năm 2016, thương hiệu thời trang thế giới Zara tiên phong mở cửa hàng đầu tiên và tạo nên hiện tượng trong giới trẻ Việt. Nhiều người sẵn sàng xếp hàng vào mua đồ. Hàng nghìn lượt khách mỗi ngày và tình trạng cháy hàng đủ nói lên sức hút mà cái tên Zara mang lại.

Việt Nam cũng thường được nhắc tới với những nhận xét tích cực, thực tế đây cũng là thị trường đứng thứ hai về doanh thu đóng góp cho tập đoàn phân phối Zara là Mitra Adiperkasa, chỉ sau Indonesia. Doanh thu từ thị trường Việt Nam năm 2018 tăng gần gấp đôi so với năm 2017 và gấp gần 4 lần thị trường Thái Lan (xếp thứ ba trong danh sách những thị trường chủ lực của Mitra Adiperkasa). Tổng kết sau 3 năm có mặt tại Việt Nam, Zara thu về doanh số gần 3.100 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp bình quân hàng năm khoảng 40%.

Sự xuất hiện của Zara, H&M và sắp tới sẽ là Uniqlo trong 3-4 năm trở lại đây được cho là đang thay đổi dần cục diện ngành thời trang Việt Nam.

Từng là một thương hiệu rất thành công, được coi là "hàng hiệu Việt" với chuỗi 60 cửa hàng lớn nhỏ, thế nhưng Foci đã biến mất sau gần 10 năm ra đời. Dù đang phát triển nhưng những cái tên như Ninomaxx, BlueExchange, PT2000 đã không còn dấu ấn đậm nét so với trước.

"Thị trường 3 năm gần đây quá khốc liệt. Đây là giai đoạn khó khăn chung của toàn ngành thời trang. Thị trường thay đổi rất nhiều từ kinh doanh online, cho đến cạnh tranh từ thương hiệu nước ngoài, hay các thương hiệu mới không mở chuỗi, ít chi phí", chị Dung chia sẻ.

Theo nữ CEO này, với tốc độ phát triển nhanh của công nghệ dữ liệu trong vận hành doanh nghiệp, nếu ngành thời trang nội địa vẫn đi theo cách truyền thống là mở cửa hàng và đợi khách hàng đến sẽ không có lợi thế cạnh tranh với các thương hiệu quốc tế vào Việt Nam.

Một thập kỷ thời trang Việt Nam: Gió đổi chiều và cuộc chiến của thương hiệu nội với các ông lớn Zara, H&M, Uniqlo - Ảnh 2.

Trước thách thức này, mới đây Eva de Eva quyết định hợp tác với Seedcom, với kỳ vọng có thể bổ sung những điểm còn thiếu và yếu của doanh nghiệp, cũng như có thể tạo đột phá và tăng sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ thời trang vô cùng khốc liệt hiện tại.

Chia sẻ lý do quyết định hợp tác đầu tư sau 12 năm khởi nghiệp, chị Dung cho biết: "Tôi nghĩ New Retail là xu hướng của bán lẻ hiện đại. Seedcom có tầm nhìn về New Retail khi kết hợp với một thương hiệu thời trang truyền thống thì sẽ tạo ra được bước đột phá với Eva de Eva, cạnh tranh được với các thương hiệu khác", chị Dung

Theo nhà sáng lập Eva de Eva, các thương hiệu cùng ngành như Ivy Moda hay Elise đều có quỹ đầu tư lớn tham gia, tuy nhiên để hiểu thị trường Việt Nam họ sẽ cần vài năm tìm hiểu. Nữ doanh nhân này tin tưởng với thế mạnh của Seedcom, cùng mô hình New Retail vốn đòi hỏi tốc độ đi rất nhanh, đặc biệt trong thời đại công nghệ số, việc hợp tác này là sẽ cú hích lớn với Eva de Eva.

Ngoài việc đẩy nhanh tốc độ phát triển, nhà sáng lập Eva de Eva cho rằng trong bối cảnh cung lớn hơn cầu hiện nay các thương hiệu muốn tồn tại cần có tầm nhìn chiến lược và đường đi rõ ràng. Theo đó những thương hiệu ăn xổi, không đầu tư cho đổi mới sáng tạo sẽ nhanh chóng bị đào thải. Hiện Eva de Eva là một trong số ít hãng thời trang Việt Nam tiên phong trong việc hợp tác với tổ chức nghiên cứu xu hướng hàng đầu thế giới và ứng dựng vào trong các sản phẩm và bộ sưu tập. Thương hiệu này còn tổ chức những show thời trang riêng như các thương hiệu lớn trên thế giới trong mỗi dịp ra mắt bộ sưu tập mới theo mùa.

Một vấn đề nội tại chung khác của ngành thời trang, theo chị Dung, chính là kinh nghiệm về quản trị thời trang. Theo đó ngành thời trang thế giới đã đi trước Việt Nam tới 100 năm. Bản thân CEO Eva de Eva thừa nhận, dù có 12 năm kinh nghiệm sáng lập và điều hành một doanh nghiệp thời trang có "tên tuổi" ở Việt Nam, nhưng chị vẫn còn đang phải loay hoay những bước đi đầu tiên, thậm chí có nhiều khái niệm hiện giờ mới được biết đến. Để khắc phục điều này, không cách gì khác ngoài việc phải trau dồi kiến thức, như cách chị Dung đang áp dụng là học hỏi thông qua nhà các khóa học từ đối tác sở hữu nhiều chuyên gia thời trang lớn trên thế giới đào tạo về quản trị.

"Khách hàng công sở bây giờ và 10 năm trước hoàn toàn khác nhau. Ví dụ 10 năm trước phụ nữ công sở rất kín đáo nhưng bây giờ họ mặc đi làm, mặc đi nhiều nơi, không nhất thiết cứng nhắc trước. Eva de Eva bây giờ với 3-5 năm rất khác. Mình không thay đổi là chết ngay", chị Dung chia sẻ thêm về chiến lược thích ứng trước bối cảnh mới của thị trường.

Cuộc cạnh tranh phía trước vẫn rất khốc liệt và dài hơi. Tuy nhiên, những nỗ thay đổi toàn diện mà những doanh nhân như chị Dung đang kiên trì theo đuổi cũng nói lên phần nào quyết tâm chung của những người làm thương hiệu thời trang Việt trước áp lực căng thẳng đến từ các ông lớn ngoại quốc.


Thu Thúy

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mot-thap-ky-thoi-trang-viet-nam-gio-doi-chieu-va-cuoc-chien-cua-thuong-hieu-noi-voi-cac-ong-lon-zara-hm-uniqlo-a114250.html