Đó là phát biểu của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI tại Toạ đàm “Doanh nhân Việt nam đồng hành cùng dân tộc” diễn ra sáng nay (10/10) tại Hà Nội.
Khẳng định như vậy vì theo ông Lộc, chúng ta cần thay đổi tư duy kỳ thị người giàu. Bởi trong cuộc chiến vệ quốc thì nhân vật trung tâm là bộ đội cụ Hồ, nhưng trong sự kiện thoát nghèo thì nhân vật trung tâm là doanh nhân. Doanh nhân phải là người bỏ vốn chịu rủi ro, tạo công ăn việc làm cho đất nước.
Đồng tình với quan điểm của ông Lộc, nhà văn Tạ Duy Anh cũng nhận định, trong lịch sử chưa có một thành phần nào phát triển khó khăn như doanh nhân, doanh nhân luôn bị kỳ thị, bị gọi là con buôn. Các chính sách chưa tạo ra không gian tự do cho doanh nhân kinh doanh, vẫn tạo nên một khuôn khổ cứng nhắc.
“Khía cạnh thứ hai là phải xóa bỏ bằng được tâm lý kỳ thị người giàu của dân mình. “Phi thương bất phú”, giúp nhau phát tài nhưng dường như dư luận xã hội chúng ta lại ghét người có tiền, khi người ta hơn mình rất ghét nhưng rồi khi người ta thua mình thì lại cười chê”, nhà văn Duy Anh khẳng định.
Vì thế, theo nhà văn này, cộng đồng cần có tầm nhìn rộng rãi hơn về những người làm doanh nghiệp, kinh doanh. Doanh nhân sai phạm sẽ xử lý nghiêm khắc nhưng phải có định hướng, tạo cơ hội cho doanh nhân, doanh nghiệp chân chính phát triển.
Đáng nói hơn nữa theo nhà văn Duy Anh, một người nông dân đói kém cả cộng đồng thương hại, nhưng khi một doanh nhân, doanh nghiệp nuôi cả vạn lao động, bị sụp đổ, kéo theo cả vạn người thất nghiệp, thì tại sao ta lại cười, mỉa mai sự sụp đổ ấy của họ?
Khẳng định về vai trò của cộng đồng doanh nhân, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, sau nhiều năm, sự phát triển của giới doanh nhân đã vươn lên với hơn 700.000 doanh nghiệp, có 5 triệu hộ kinh doanh, về bản chất là tương đương 5 triệu doanh nhân. Doanh nhân đã đưa Việt Nam tiên phong đóng góp xóa nghèo. Đội ngũ doanh nhân đang đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành mục tiêu thoát khỏi bẫy thu nhập, đưa đất nước trở nên hùng cường, doanh nhân là động lực chủ đạo xây dựng nền kinh tế.
Có thể nói thế hệ doanh nhân thứ nhất là thế hệ dũng cảm, bởi ngoài những thách thức thương trường thì còn một thách thức theo ông Lộc nằm ở thể chế. Tuy nhiên, đến nay, lớp doanh nhân đầu tiên đã trụ được và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Ngoài ra, theo ông Chủ tịch VCCI, hiện giờ Việt Nam cần thêm đội ngũ đổi mới, sáng tạo. Luôn phải hiểu và định hướng rằng doanh nhân phải kinh doanh một cách có trách nhiệm, nhân văn và sáng tạo. Đó chính là mệnh lệnh của trái tim và khối óc đối với doanh nhân. Phát triển bền vững và chuyển đổi số, chuyển đổi số là nền tảng cho đổi mới và sáng tạo. Chuyển đổi số sẽ là 2 động lực quan trọng cho sự phát triển.
“Phát triển bền vững sẽ là giấy thông hành cho doanh nhân Việt Nam phát triển. Hơn nữa, 30 năm vừa qua chúng ta đã tập trung tháo gỡ khó khăn cho địa phương, giờ là giai đoạn dẫn dắt, thúc đẩy yểm trợ cho sự phát triển cho doanh nhân doanh nghiệp, cải cách thể chế và nâng cấp phát triển doanh nghiệp. Tôi mong hy vọng khắc hoạ hình ảnh cộng đồng doanh nhân Việt Nam, thúc đẩy tinh thần kinh doanh của doanh nhân Việt, là động lực phát triển của đất nước, để lại cho muôn đời sau”, Chủ tịch VCCI khẳng định.
Thế Hưng
Theo Dân Trí
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chu-tich-vcci-ky-thi-nguoi-lam-giau-la-that-bai-cua-dan-toc-a114410.html