Ông Wasami sở hữu gần 60% Công ty Maruwa Unyu Kikan, cả trực tiếp và thông qua hãng quản lý tài sản do ông nắm giữ, điều này mang lại cho ông khối tài sản ròng trị giá 1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Masaru Wasami bắt đầu làm thêm tại một cửa hàng rau từ năm 12 tuổi, để giúp đỡ người mẹ đang chống chọi với bệnh lao. Chỉ 3 năm sau, ông rời trường học, bỏ lại tương lai đầy hứa hẹn của một vận động viên chạy đường dài để đi làm.
Năm 1970, ông bắt đầu kinh doanh chỉ với một chiếc xe tải. Vài năm sau đó, công ty Maruwa Unyu Kikan của ông đã có hơn 100 xe và trở thành đế chế giao hàng hợp tác với các chuỗi nhà thuốc và siêu thị trên khắp Nhật Bản.
Ngày nay, ông đã trở thành một tỷ phú, nhờ một phần không nhỏ từ Amazon. Nhớ lại đêm mà ông nảy ra ý tưởng cho công việc kinh doanh của mình, Wasami cho biết trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg: "Tôi không thể ngủ được". Hôm đó, ông theo một người bạn đi nhận hàng từ một nhà máy sợi và tức giận khi thấy sự thiếu chuyên nghiệp của các công nhân xử lý hàng. Chỉ vài tháng sau đó, ông đã bắt đầu giao hàng bằng xe tải.
Kenji Kanai - nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Tokai Tokyo nhận xét Wasami là người có mắt nhìn "trong việc giành cơ hội", đặc biệt là trong việc hợp tác với Amazon. Quan hệ đối tác của ông với nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã giúp cổ phiếu của Maruwa tăng vọt, tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Ông Wasami sở hữu gần 60% công ty Maruwa Unyu Kikan, cả trực tiếp và thông qua hãng quản lý tài sản do ông nắm giữ, điều này mang lại cho ông khối tài sản ròng trị giá 1 tỷ USD, theo Bloomberg Billionaires Index.
Kanai dự báo doanh thu của công ty sẽ tiếp tục tăng trong trung và dài hạn. Do Amazon và Rakuten chuộng làm việc với các công ty như Maruwa để giao hàng trong ngày hơn.
Sự trỗi dậy của Amazon và các gã khổng lồ thương mại điện tử khác đã tạo ra hàng loạt tỷ phú trong vài thập kỷ qua. Ông chủ Amazon - Jeff Bezos hiện là người giàu nhất thế giới với 107,7 tỷ USD. Vợ cũ của ông Mackenzie sở hữu 4% cổ phần công ty, trị giá 34,6 tỷ USD. Ông chủ Alibaba, Jack Ma hiện là người giàu nhất Trung Quốc. Hai đồng sáng lập Flipkart Group năm ngoái cũng trở thành tỷ phú.
Maruwa đã nhìn thấy cơ hội khi Yamato Holdings - một trong những hãng chuyển phát lớn nhất Nhật Bản, rút khỏi việc giao hàng trong ngày cho Amazon, để giảm áp lực lên nhân viên của hãng. Việc này khiến Amazon tìm đến các hãng tư nhân khác để tiếp tục nỗ lực mở rộng hiện diện tại thị trường thương mại điện tử lớn thứ 4 thế giới này.
Thương mại điện tử hiện mới chiếm 6,2% giao dịch bán lẻ tại Nhật Bản, so với 18% của Trung Quốc, theo số liệu của Bloomberg Intelligence.
Mặc dù nhu cầu giao hàng tăng lên sẽ là một lợi ích cho các công ty như Maruwa, nó cũng khiến giá cả tăng lên và gây sức ép với người lao động. Năm 2017, Yamato nâng giá giao hàng lần đầu tiên trong gần 3 thập kỷ, do thiếu lao động và lượng hàng cần giao từ các hãng thương mại điện tử tăng vọt.
Maruwa thì từ chối các yêu cầu vượt quá năng lực của họ. Họ cũng trả thu nhập cạnh tranh cho các tài xế. Những người này có thể kiếm được 7,2 triệu yên mỗi năm nếu giao hơn 150 gói hàng một ngày.
Doanh thu của Maruwa tài khóa 2018 tăng 15% lên 85,6 tỷ yên. Dù giao hàng cho các hãng bán lẻ thực phẩm vẫn là mảng kinh doanh lớn nhất của hãng, thương mại điện tử hiện đã đóng góp hơn 1/3 doanh thu Maruwa. Năm 2017, tỷ lệ này là 24%.
Dù việc kinh doanh thành công và có khối tài sản lớn, ông Wasami vẫn chưa hài lòng. Ông cho rằng doanh thu lẽ ra phải cao gấp vài lần, vì ông đã dành gần nửa thế kỷ gây dựng doanh nghiệp. "Tôi vẫn chưa làm hết sức mình", ông nói.
(Theo Bloomberg)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tu-tai-xe-xe-tai-tro-thanh-ty-phu-a114511.html