Chuyện lạ đại gia: Đi tù vẫn nhận tiền tỷ, cổ phiếu tăng "phi mã" nhờ... bị bắt

 Tuần qua, thông tin về đời sống đại gia thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đáng chú ý, các đại gia một thời đi tù mà vẫn nhận tiền tỷ và cổ phiếu Petroland tăng “phi mã” sau khi Chủ tịch bị bắt. Trong một diễn biến khác, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam hiện nay. >>Khó hiểu: Cổ phiếu Petroland tăng “phi mã” sau khi Chủ tịch bị bắt >>Tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và “nữ tướng VietJet” vừa tăng rất mạnh


Tuần qua, thông tin về đời sống đại gia thu hút sự quan tâm đặc biệt. Đáng chú ý, các đại gia một thời đi tù mà vẫn nhận tiền tỷ và cổ phiếu Petroland tăng “phi mã” sau khi Chủ tịch bị bắt. Trong một diễn biến khác, ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam hiện nay.

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn giàu nhất Việt Nam

Phiên giao dịch ngày 11/10, cổ phiếu VIC của Vingroup tăng 1.100 đồng tương ứng 0,94% lên 1.100 đồng sau chuỗi 3 phiên liên tục diễn biến lình xình. Mức giá của VIC hiện ở mức 118.000 đồng. Tương tự, cổ phiếu VJC của Vietjet Air cũng tăng 1.900 đồng tương ứng 1,38% lên 139.400 đồng/cổ phiếu.

Chuyện lạ đại gia: Đi tù vẫn nhận tiền tỷ, cổ phiếu tăng phi mã nhờ... bị bắt - 1
Ông Phạm Nhật Vượng và bà Nguyễn Thị Phương Thảo là hai tỷ phú USD giàu nhất Việt Nam

Với diễn biến trên của cổ phiếu VIC, giá trị tài sản của ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup tăng thêm 2.051,7 tỷ đồng lên 220.092 tỷ đồng. Theo những thống kê chính thức thì ông Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất Việt Nam cho đến thời điểm này.

Việc VJC tăng giá mạnh cuối tuần cũng mang về cho Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vietjet Air Nguyễn Thị Phương Thảo thêm 384,2 tỷ đồng và đưa giá trị khối tài sản trên sàn của bà Thảo đạt 29.195 tỷ đồng.

Đại gia Trịnh Sướng bị bắt, vẫn nhận cổ tức tiền tỷ

Theo số liệu tại báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị dầu khí Cửu Long (CCL), tại thời điểm 30/6/2019, ông Trịnh Sướng vẫn đang có 50 tỷ đồng vốn góp tại công ty này, chiếm tỷ lệ 10,53% tổng vốn đầu tư của chủ sở hữu CCL.

Chuyện lạ đại gia: Đi tù vẫn nhận tiền tỷ, cổ phiếu tăng phi mã nhờ... bị bắt - 2
Đại gia xăng dầu Trịnh Sướng và vụ buôn xăng giả được cho là không liên quan đến CCL

Cùng với ông Nguyễn Triệu Dõng, ông Dương Thế Nghiêm, ông Trịnh Sướng là một trong 3 cá nhân góp vốn lớn nhất của CCL.

Số vốn góp nói trên của ông Trịnh Sướng tương đương với 5 triệu cổ phiếu CCL. Như vậy, trong đợt chia cổ tức tới đây, ông đại gia này sẽ nhận về 2,5 tỷ đồng tiền mặt.

Cổ phiếu Petroland tăng “phi mã” sau khi Chủ tịch bị bắt

Cổ phiếu PTL của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) vẫn “một mạch” tăng giá mạnh, tăng 5,49% lên 5.000 đồng. Chỉ trong 1 tuần qua, mã này đã tăng tới 26,58%.

Chiều qua, Hội đồng quản trị Petroland đã quyết định miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị đối với ông Bùi Minh Chính sau khi ông này bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, liên quan việc chuyển nhượng đất gây thiệt hại nặng nề.

Hé lộ về nữ CEO “đầu quân” cho tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Sáng 7/10, VIC mất giảm 500 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 0,42% còn 117.500 đồng/cổ phiếu và ghi nhận mức sụt giảm gần 3% trong vòng 1 tháng giao dịch vừa qua.

Liên quan đến tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng , thông tin mới nhất cho thấy, công ty mới thành lập với vốn điều lệ hơn 3.000 tỷ đồng One Mount Group đã chiêu mộ người đồng sáng lập - cựu CEO Giao Hàng Nhanh - Nguyễn Trần Thi về đầu quân.

Như đã đưa tin, bên cạnh ngành, nghề kinh doanh chính là đại lý, môi giới, đấu giá hàng hoá thì One Mount Group còn hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, lưu giữ hàng hoá… Do đó, sự gia nhập của ông Nguyễn Trần Thi, một người có kinh nghiệm lâu năm trong logistic sẽ mang lại lợi thế lớn cho doanh nghiệp này.

Đặc biệt, tham vọng của One Mount Group là trở thành người thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực bán lẻ khi đưa hàng hoá tự sản xuất của Vingroup và những doanh nghiệp trong liên minh sáng lập đến được với người tiêu dùng một cách trực tiếp, cắt bỏ tất cả các khâu trung gian phân phối ở giữa.

Choáng với độ chi “tiền tấn” của gia đình đại gia Đặng Văn Thành

Trong xu hướng, cổ phiếu SBT của Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà cũng diễn biến giằng co và đang tạm đứng mức tham chiếu 17.800 đồng.

Trong khi đó, bà Huỳnh Bích Ngọc - Thành viên Hội đồng quản trị lại hoàn thành việc mua vào 35 triệu cổ phiếu .Với giá SBT cao nhất trong giai đoạn mua vào là 18.500 đồng/cổ phiếu, ước tính bà Ngọc có thể đã phải chi ra khoảng 648 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu từ 2,65% lên 8,31% vốn điều lệ của công ty, tương ứng với gần 50,6 triệu cổ phiếu sở hữu và chính thức trở thành cổ đông lớn của SBT.

Ngay sau đó, trong ngày 4/10/2019, bà Ngọc lại tiếp tục đăng ký mua thêm 17 triệu cổ phiếu SBT theo phương thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận, dự kiến giao dịch trong khoảng 9/10 - 7/11/2019.

Nếu giao dịch này được thực hiện thành công, bà Ngọc sẽ phải chi thêm khoảng 315 tỷ đồng để tăng tỷ lệ sở hữu lên 11,1% vốn điều lệ, tương đương với 67,6 triệu cổ phiếu SBT. Như vậy, nếu thuận lợi thì trong vòng 1 tháng, bà Ngọc có thể sẽ mua vào tới 52 triệu cổ phiếu SBT với số tiền dự chi xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 23/9/2019, con gái bà Huỳnh Bích Ngọc là Đặng Huỳnh Ức My, cũng là thành viên Hội đồng quản trị SBT đăng ký mua vào 30 triệu cổ phiếu SBT để tăng sở hữu từ 11,66% lên 16,16% vốn điều lệ SBT (tương ứng 98,4 triệu cổ phiếu). Số tiền dự chi cho thương vụ này khoảng khoảng 555 tỷ đồng.

Chủ tịch Eximbank giữ “ghế” trong “cơn bão” nội chiến

Tại Eximbank, cuộc “nội chiến” giữa các nhóm cổ đông trong ngân hàng vẫn chưa đến hồi kết. Ngân hàng này vừa có thông báo về vụ kiện của Công ty cổ phần Rồng Ngọc, cổ đông sở hữu 1,99% cổ phần Eximbank, đề nghị đình chỉ nghị quyết bầu ông Cao Xuân Ninh giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng.

Tuy vậy, TAND TPHCM đã ra quyết định ngày 1/10/2019 không chấp nhận kháng cáo của cổ đông này và giữ nguyên Quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc dân sự ngày 19/6/2019 của TAND quận 1.

Tòa cũng đình chỉ việc xét Đơn yêu cầu giải quyết việc kinh doanh thương mại sơ thẩm được TAND quận 1 thụ lý ngày 5/6/2019 về việc “yêu cầu đình chỉ thực hiện nghị quyết của Hội đồng quản trị”. Bên cạnh đó, Rồng Ngọc không còn được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết lại việc dân sự.

Như vậy, ông Cao Xuân Ninh vẫn giữ ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank sau khi đã được bầu vào vị trí này hồi tháng 5 vừa qua.

Thế Hưng (tổng hợp)

Theo Dân Trí

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-la-dai-gia-di-tu-van-nhan-tien-ty-co-phieu-tang-phi-ma-nho-bi-bat-a114719.html