3 phương pháp quản trị doanh nghiệp này còn được gọi là “tinh hoa tam trị”. “Tam trị” bao gồm nhân trị (lấy nhân nghĩa là gốc), pháp trị (lấy nguyên tắc luật lệ làm gốc) và kỹ trị (lấy khoa học kỹ thuật làm gốc).
Trong chặng đường 15 năm xây dựng Thế Giới Di Động (MWG) của mình, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã linh hoạt áp dụng 3 phương pháp này trong từng giai đoạn khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh của công ty - từ khi nó vẫn là một cái tên vô danh, cho tới khi vươn mình và phát triển thành chuỗi hàng nghìn cửa hàng trên toàn quốc, quy mô nhân sự lên tới hơn 50.000 người, được định giá trên 2 tỷ USD.
BẮT ĐẦU VỚI PHÁP TRỊ
Khoảng giữa năm 2004, ông Nguyễn Đức Tài bắt đầu chuẩn bị cho sự ra đời của Thế Giới Di Động sau "thời kỳ ủ mưu". Nửa năm tiếp theo đó, với một mô hình kinh doanh mới mẻ là giai đoạn khó khăn nhất. Ông Tài tiết lộ công ty đã "đốt" hết cả tỷ đồng chỉ trong một tháng, rồi " thêm vài tỷ nữa cũng đốt sạch".
“Khi mà Thế giới Di động mới ra đời, trong đầu tôi rất quan trọng thắng - thua. Ai giỏi nhất thì người đó được quyền làm mọi thứ và được thưởng. Ai làm sai thì bị phạt. Đó là chính sách cây gậy và củ cà rốt. Mãi sau này mình mới ý thức được cái đó” - Chủ tịch MWG nhớ lại. “Thực ra khi đó mình có làm gì được khác đâu vì pháp trị là dễ làm nhất”.
Phong cách này đi kèm với rất nhiều luật lệ, thưởng phạt, quy trình, hướng dẫn nội quy, ép nhân viên vào quy củ của doanh nghiệp. Sau này khi nhìn lại, ông Tài thừa nhận cách làm đó đã giúp Thế giới Di động giải quyết bài toán tăng trưởng.
Nhưng đến năm 2009, khi Thế giới Di Động đã có tên tuổi nhất định, phủ sóng trên toàn quốc, pháp trị bắt đầu bộc lộ những điểm hạn chế.
Theo ông Tài mô tả, công ty chia làm 2 phe. Một phe lúc nào cũng "trầm ngâm, suy tư về sự phát triển doanh nghiệp". Phe còn lại, là những nhân viên hay “ông tướng cấp trung” chỉ đi làm để nhận lương, ngoài ra không mảy may nghĩ gì về sự phát triển chung của công ty!
CHUYỂN SANG NHÂN TRỊ...
Khi thấy pháp trị mãi cũng không ổn, ông Tài ngộ ra rằng: “Chúng tôi cần phải quản trị doanh nghiệp này bằng cái nhân, cái đức… Khi bạn muốn làm cái gì rất lớn lao thì nhân trị có cơ hội phát huy vai trò của nó”.
Đây được coi là bước ngoặt trong tư duy quản trị của ông Nguyễn Đức Tài.
Ông Tài cho rằng trong một doanh nghiệp, không nên có kiểu quan hệ người lao động và người sử dụng lao động. Bởi vì: "Quan hệ lao động kiểu đó chính quan hệ mua bán. Một người mua sức lao động, một người bán sức lao động. Tất yếu sẽ có một bên muốn mua rẻ, một bên muốn bán đắt. Họ liền giờ chiêu trò để đạt được ý muốn của mình…”.
Ông Tài nhìn thấy những lỗ hổng tai hại trong mối quan hệ trên, thay vào đó ông hướng tới mối quan hệ đồng hành giữa ông chủ và các nhân viên. "Chúng ta phải cùng nhau đồng hành và nếu có thành quả thì chúng ta cùng nhau chia sẻ. Khi đó, doanh nghiệp sẽ đi rất nhanh" - ông Tài đúc kết.
... KẾT HỢP VỚI KỸ TRỊ
Kỹ trị là phương pháp hiện đại nhất, áp dụng khoa học công nghệ vào quản trị. Mô hình kỹ trị giống như bánh răng cưa của toàn hệ thống. Dựa vào nó, doanh nghiệp có thể tăng năng suất và hiệu quả, hạn chế sai lầm và lãng phí.
Sau thời gian đầu áp dụng pháp trị, càng về sau này ông Tài đã kết hợp nhân trị với kỹ trị vì thế thời phải thế!
“Ở Thế Giới Di Động, những năm đầu tiên khi một tháng tuyển vài chục, vài trăm người thì vẫn trong tầm kiểm soát của phòng nhân sự, nhưng đến nay con số nhân viên mới mỗi tháng cần tuyển là 4.000 người thì công nghệ bắt buộc phải vào cuộc, tính đến kỹ trị” - vị chủ tịch chia sẻ.
Ông Tài cho biết, hiện nay, việc sàng lọc hồ sơ ở Thế Giới Di Động đều do máy móc thực hiện và đang ước mơ hiện thực hoá công nghệ kiểm tra giọng nói, khuôn mặt để đánh giá ứng viên, một lúc nào đó việc tuyển dụng sẽ hoàn toàn do máy móc thực hiện.
“Lưu ý là đừng ảo tưởng 100% kỹ trị, điều đó chỉ có trong phim Hollywood. Công nghệ phải giải quyết những vấn đề cuộc sống đặt ra, đừng bị cám dỗ bởi những thông tin về 4.0, AI tràn lan mỗi ngày. Công nghệ làm được nhiều thứ nhưng phải xác định khi triển khai có mang lại giá trị cao hay là chỉ tạo thêm rối rắm” - ông Tài khuyến cáo.
Nhìn lại quá trình phát triển của Thế Giới Di Động, ông Tài cũng thừa nhận không thật sự bám khư khư vào lý thuyết “tam trị”, mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm để áp dụng theo từng hoàn cảnh cụ thể. Khi công ty bước qua các giai đoạn khác nhau thì người giữ vai trò đầu tàu phải thay đổi tư duy quản trị, lèo lái con thuyền đến bến bờ an toàn.
Theo Doanhnhan.vn