50% dân số nghèo nhất chiếm chưa đến 1% tổng tài sản toàn cầu, trong khi 10% giàu nhất sở hữu 82% tài sản toàn cầu và 1% người giàu nhất sở hữu tới 45%.
Báo cáo Của cải Toàn cầu 2019 (Global Wealth 2019) của Credit Suisse cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 về tốc độ tăng trưởng của cải trên mỗi người trưởng thành. Trung Quốc đứng ở vị trí hàng đầu, theo sau là Ấn Độ và Nga.
"Các thị trường mới nổi như Việt Nam, Trung Quốc và Ấn Độ đang ngày càng trở nên quan trọng đối với kinh tế thế giới" - báo cáo viết.
Vào giữa năm 2019, thế giới có 46,8 triệu triệu phú, tăng 1,1 triệu so với năm 2018. Đến năm 2024, dự đoán con số này sẽ tăng lên 63 triệu.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ ra nhiều điểm thú vị về tài sản toàn cầu.
1. Tài sản trung bình trên mỗi người trưởng thành đang ở mức cao kỷ lục
Trong năm qua, tài sản toàn cầu đã tăng thêm 9,1 nghìn tỷ USD, tương đương 2,6% và đạt mốc 360,6 nghìn tỷ USD. Trong đó Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đóng góp nhiều nhất. Tốc độ tăng trưởng của cải đang nhanh hơn tốc độ tăng dân số, vì vậy tài sản trung bình trên mỗi người trưởng thành đã tăng lên 70.850 USD - mức cao nhất mọi thời đại.
2. Thụy Sĩ tăng tài sản lớn nhất - và Úc giảm sâu nhất
Xét về tốc độ tăng giàu có trên mỗi người trưởng thành, Thụy Sĩ là quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng năm nay, với mức tăng trưởng thu nhập lên tới 17.790 USD. Úc nằm ở cuối của thang điểm, với mức giảm 28.670 USD/người lớn, phần lớn là do ảnh hưởng của tỷ giá hối đoái. Úc đã mất 124.000 triệu phú USD sau khi sụt giảm tài sản trung bình và là quốc gia duy nhất ghi nhận mức giảm giá bất động sản tới 6%.
3. Trung Quốc chiếm phần lớn nhất trong top 10% người giàu nhất thế giới: 100 triệu người
Kể từ năm 2000 đến nay, tổng tài sản hộ gia đình ở Trung Quốc đã tăng từ 3,7 nghìn tỷ USD lên 63,8 nghìn tỷ USD và chỉ đứng sau Hoa Kỳ về tổng tài sản hộ gia đình. Trung Quốc hiện có 4.400.000 triệu phú và lần đầu tiên vượt qua Hoa Kỳ để trở thành quốc gia chiếm phần lớn nhất trong top 10% người giàu nhất thế giới.
Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia tránh được phần lớn tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
4. 1% người giàu nhất sở hữu gần một nửa tài sản toàn cầu
Xét trên khía cạnh bất bình đẳng, tính đến giữa năm 2019, 50% dân số nghèo nhất chiếm chưa đến 1% tổng tài sản toàn cầu, trong khi 10% giàu nhất sở hữu 82% tài sản toàn cầu và 1% người giàu nhất sở hữu tới 45%. Hơn một nửa số người trưởng thành trên toàn thế giới có thu nhập ròng dưới 10.000 USD.
Tuy nhiên, bất bình đẳng toàn cầu đang có xu hướng thu hẹp lại, nhờ có những nỗ lực giảm bất bình đẳng trong nội bộ các quốc gia.
5. Phụ nữ ngày càng giàu lên vì tỷ lệ tham gia lực lượng lao động tăng
Tổng tài sản của phụ nữ đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia, do sự tham gia của lực lượng lao động nữ ngày càng tăng. Tài sản được phân chia bình đẳng hơn giữa vợ và chồng cùng một số thay đổi trong các yếu tố khác, báo cáo cho biết.