Quận 2, 9 và quận Thủ Đức thuộc Khu đô thị sáng tạo phía Đông sẽ được tổ chức lại theo hướng thành lập 'thành phố thuộc TP. HCM'.
TP. HCM muốn thí điểm chính quyền đô thị
TP. HCM vừa dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị cho thành phố này được thí điểm mô hình chính quyền đô thị, trong đó định hướng sẽ tổ chức lại các đơn vị hành chính ở quận 2, 9 và Thủ Đức thuộc khu đô thị sáng tạo phía Đông.
Cụ thể, Sở Nội vụ vừa có tờ trình gửi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong về dự thảo văn bản kiến nghị Bộ Chính trị chấp thuận cho TP.HCM được thí điểm mô hình chính quyền đô thị.
Trước đó, Thường trực Thành ủy TP.HCM đã chỉ đạo về việc xây dựng đề cương sơ bộ của đề án này và dự thảo các tờ trình, dự kiến trình Ban Thường vụ Thành ủy TP thông qua trong tháng 11/2019 để trình Bộ Chính trị trong tháng 12/2019.
Theo dự thảo tờ trình, đề cương sơ bộ của đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP. HCM gồm bốn phần.
Trong đó, phần thứ nhất, nêu lên sự cần thiết, căn cứ và cơ sở lý luận thực tiễn xây dựng đề án. Trong phần này, TP. HCM nêu lên thực trạng của quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng trên địa bàn; kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị ở một số nước và kinh nghiệm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại TP, cũng như kinh nghiệm tổ chức thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. HCM.
Phần thứ hai của đề án nêu lên thực trạng tổ chức chính quyền tại TP. HCM, trong đó có thực trạng xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh.
Phần thứ ba, nêu rõ định hướng và nội dung thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM. Cụ thể, định hướng thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM sẽ theo hướng: Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (cấp TP) và hai cấp hành chính (quận, huyện, TP thuộc TP và phường, xã, thị trấn). Sẽ không tổ chức HĐND ở quận, huyện, TP thuộc TP mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND. Tương tự cũng sẽ không tổ chức HĐND ở phường, xã, thị trấn mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.
Phần thứ tư, nói rõ cách thức tổ chức thực hiện, trong đó có dự báo tác động của việc triển khai mô hình.
Mô hình chính quyền đô thị từng được xây dựng
Mô hình này TP. HCM đã tiến hành xây dựng từ năm 2007, nhưng phải đến tháng 9/2013 HĐND TP. HCM mới chính thức thông qua dự thảo đề án, sau nhiều lần "nâng lên đặt xuống" và xin ý kiến các bộ ngành. Lúc đó, bên cạnh 13 quận nội thành cũ và 3 huyện nông thôn, TP. HCM định hướng sẽ xây dựng 4 thành phố vệ tinh ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc có các chức năng phát triển khác nhau với mô hình "thành phố trong thành phố".
Đối với địa bàn đang đô thị hóa gồm 6 quận là quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân và 2 huyện Hóc Môn và Nhà Bè, có thể phân chia thành các khu đô thị độc lập kết nối với địa bàn đã đô thị hóa giúp nâng quy mô diện tích đô thị hóa gấp 4 lần so với hiện nay vào năm 2025.
Tại đây, sẽ thành lập 4 khu đô thị (hoặc gọi là thành phố) gồm Đông, Nam, Tây và Bắc. Mỗi khu đô thị là một cấp chính quyền đô thị trực thuộc chính quyền đô thị TP.HCM. Chính quyền 4 khu đô thị được thiết kế theo hướng phân cấp mạnh, tăng thẩm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong ngân sách, xây dựng và quản lý, phát triển dịch vụ đô thị.
Khu đô thị Đông (hay TP. Đông) gồm quận 2, 9 và Thủ Đức với diện tích 211 km2 với trung tâm là khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ở đây sẽ phát triển các ngành dịch vụ cao cấp và công nghiệp kỹ thuật cao.
Khu đô thị Nam (hay TP. Nam) gồm quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích quận 8 (phần phía nam kênh Tẻ) và huyện Bình Chánh với diện tích 194 km2. Ở đây sẽ phát triển dịch vụ cảng, gắn liền với các dịch vụ thương mại khác.
Khu đô thị Bắc (hay TP. Bắc) gồm quận 12 và phần lớn huyện Hóc Môn với diện tích 149 km2 sẽ phát triển dịch vụ, du lịch sinh thái, nông nghiệp kỹ thuật cao.
Khu đô thị Tây (hay TP. Tây) gồm quận Bình Tân, một phần diện tích quận 8 và huyện Bình Chánh với diện tích 191 km2. Đây là khu đô thị đầu mối giao lưu kinh tế với ĐBSCL.
Chính quyền đô thị TP. HCM được đề xuất có HĐND và UBND được tổ chức 2 cấp (theo quy định hiện hành là 3 cấp) gồm cấp thành phố trực thuộc trung ương và cấp cơ sở. Chính quyền cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố trực thuộc.
Ngoài ra, vì 13 quận cũ ở nội thành không tổ chức HĐND, TP. HCM kiến nghị Trung ương cho phép tăng số lượng đại biểu HĐND TP từ 95 lên 200 (trong đó khoảng 35% là đại biểu chuyên trách) để tổ chức các Đoàn (hoặc tổ) đại biểu HĐND thành phố ở các quận này nhằm tăng cường vai trò dân chủ đại diện của nhân dân và vai trò giám sát của HĐND ở địa bàn không tổ chức HĐND.
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng chủ trương của TP. HCM rất táo bạo, tâm huyết, với mục đích có được cơ chế vận hành đúng với vai trò là đơn vị hành chính đặc biệt của cả nước. Tuy nhiên, đề án không được trung ương thông qua do quá lớn và vướng luật, hiến pháp, đồng thời cần nhiều cơ quan tham gia. Đề án này sau đó bị rơi vào yên lặng từ đó đến nay.
Theo Thời Đại
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/se-co-thanh-pho-truc-thuoc-tp-hcm-a116006.html