Nhóm cổ đông ban đầu tưởng như chỉ đóng vai trò thành lập pháp nhân, song đứng sau họ là một tập đoàn bất động sản có tiếng ở phía Bắc.
Thị trường gọi xe Việt quy mô 95 triệu dân với mức độ phổ cập smartphone cao đang là miếng bánh đặc biệt hấp dẫn với dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước. Năm 2018, thị trường gọi xe công nghệ, bao gồm cả dịch vụ giao thức ăn tại Việt Nam có quy mô 500 triệu USD, cao gấp 2,5 lần so với năm 2015 theo ước tính của Google và Temasek. Con số này có thể tăng lên 2 tỷ USD vào năm 2025.
Chiếm lĩnh thị trường vẫn là Grab, đặc biệt khi tập đoàn Singapore mua lại Uber Đông Nam Á đầu năm 2018. Theo kết quả nghiên cứu của ABI Research, trong nửa đầu năm 2019, Grab chiếm tới 73% thị phần gọi xe, start-up Indonesia Go-Viet nắm 10%, trong khi Be - một ứng dụng mới ra mắt cuối năm ngoái đã hoàn tất 31 triệu cuốc xe và giành được 16% thị phần.
Báo cáo của ABI Research chỉ là một kênh tham khảo, song vẫn phản ánh thực tế về mức độ chi phối của Grab và sự trỗi dậy rất nhanh của Be.
So với hai ông lớn nước ngoài Grab và Go-Viet, Be gia nhập thị trường muộn nhất, tuy nhiên tham vọng lại không thể xem thường. Đầu tháng Tám vừa qua, Be đã ra mắt bộ đôi dịch vụ giao nhận beExpress và beDelivery, cam kết chất lượng vượt trội và giá dịch vụ ổn định trong mọi khung giờ, với mục tiêu chiếm lĩnh 30% thị phần giao vận nội địa đến năm 2020.
Thị trường gọi xe Việt rất tiềm năng, đi kèm với đó là mức độ cạnh tranh khốc liệt, khi các hãng bắt buộc phải lao vào cuộc chiến giành giật thị phần. Và sân chơi này cũng chỉ có chỗ cho các ông lớn trường vốn và chấp nhận bạo chi, lỗ lớn trong thời gian không hề ngắn. Những trường hợp đi trước không mấy thành công như Vato hay Fast Go khiến người ta nhìn nhận người Việt khó lòng cạnh tranh trong lĩnh vực đòi hỏi cao cả về công nghệ lẫn năng lực tài chính này.
Be Group, với bước tiến rất nhanh vừa qua, rõ ràng đang muốn phủ nhận mệnh đề trên. Lúc này, không ít câu hỏi đặt ra là nguồn lực từ đâu đã giúp Be phát triển nhanh chóng, với độ phủ của các bác tài màu vàng trên đường phố Việt ngày càng đồng đều và đông đảo hơn.
Từ trung tuần tháng 12/2018, Be ra mắt, đồng thời tuyên bố đã nhận được sự hỗ trợ vốn lên tới hàng nghìn tỷ đồng từ nhiều nguồn, đủ sức để cạnh tranh dài hạn trên thị trường.
Số tiền tương đương hàng trăm triệu USD không được Be thuyết minh rõ đến từ đâu. Song trong cùng ngày, Be Group đã ký kết hợp tác chiến lược với Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty bảo hiểm OPES. Mà OPES, nên nhớ tiền thân chính là CTCP Bảo hiểm Việt Nam Thịnh Vượng - một thành viên của VPBank.
Cùng với sự xuất hiện của CEO VPBank Nguyễn Đức Vinh tại buổi lễ ra mắt, người ta càng có lý do để tin rằng Be được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ nhà băng tư nhân hàng đầu Việt Nam. Dù vậy, bản chất của sự hậu thuẫn này là gì, là Be được tiếp cận các dịch vụ, tập khách hàng của VPBank, hay sự gắn kết thậm chí còn sâu hơn, khi giới chủ ngân hàng này trực tiếp đầu tư vào Be?
Tìm hiểu quá trình hình thành của Be Group sẽ mang tới phần nào câu trả lời.
Be Group tiền thân là CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP được thành lập ngày 11/5/2018, đóng trụ sở tại tầng 22, toà tháp VPBank 89 Láng Hạ (Hà Nội). Vốn điều lệ 200 triệu đồng với ba cổ đông là ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm (50%), ông Bùi Huy Hưởng và ông Hà Anh Tuấn mỗi người nắm 25%.
Mức vốn "gọn nhẹ" cùng cơ cấu ba cổ đông (đảm bảo loại hình công ty cổ phần) cho thấy độ thành thục của nhà tư vấn cho thương vụ này, bởi chỉ ít tháng sau, các cổ đông sáng lập đầu tháng 9/2018 đồng loạt thoái hết khỏi VEEP, danh sách cổ đông sau đó không còn được công khai.
Cùng với sự xuất hiện của Tổng giám đốc (CEO) Trần Thanh Hải, VEEP tăng vốn lên 100 tỷ đồng, đổi tên sang Be Group và chuyển trụ sở vào Quận 1 (TP.HCM) cuối tháng 10/2018. Trong hai đợt vào các tháng 4 và tháng 8/2019, Be tiếp đà tăng mạnh vốn lên 515,75 tỷ đồng, liên tục mở rộng các lĩnh vực kinh doanh, đồng thời khai trương một loạt chi nhánh tại các tỉnh thành.
Hiện nay, dù không công bố danh sách cổ đông, song dữ liệu riêng của Nhadautu.vncho thấy không ít cổ đông cá nhân đang nắm cổ phần Be Group, đơn cử như CEO Trần Thanh Hải trực tiếp sở hữu 3 triệu cổ phần, hay như nhà đầu tư Nguyễn Thu Minh có 2,77 triệu cổ phần.
Bà Thu Minh, như đã đề cập trong một bài viết cách đây không lâu, là vợ ông Nguyễn Anh Tuấn - thành viên sáng lập của Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Linh Sơn - pháp nhân đã mua lại toàn bộ phần vốn của nhà doanh nhân Trần Đăng Khoa (Khoa "khàn") tại CTCP Đầu tư Mai Linh - chủ dự án Golden Palace A quy mô gần 40ha tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Dự án nay được phát triển với thương hiệu Imperia Eden Park của MIK Group - một tập đoàn bất động sản mới nổi có nhiều liên hệ tới nhóm chủ VPBank.
Nói đến Be, sự chú ý thường đổ dồn về VPBank. Bởi vậy vai trò của các cổ đông ban đầu, những người thành lập pháp nhân rồi nhanh chóng rút lui không mang tới nhiều dấu ấn. Tuy nhiên phân tích của Nhadautu.vn lại mang tới một góc nhìn khác.
Một trong ba cổ đông sáng lập, đồng thời là Chủ tịch HĐQT - Người đại diện theo pháp luật đầu tiên của CTCP Dịch vụ Công nghệ VEEP (tiền thân của Be Group) là ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm - sinh năm 1995. Nếu nhìn vào độ tuổi, không ít người đánh giá ông Lâm chỉ là cái tên đứng hộ để thành lập pháp nhân mới. Dù vậy, vai trò của doanh nhân năm nay 24 tuổi không đơn giản chỉ dừng lại ở đó.
Cụ thể hơn, ông Nguyễn Ngọc Bảo Lâm còn đứng tên Người đại diện theo pháp luật của hai công ty khác, là CTCP Dịch vụ Công nghệ Ecotek và CTCP Dịch vụ Công nghệ Cititek. Trong đó Ecotek là công ty con của Tập đoàn Ecopark - chủ đầu tư dự án cùng tên ở Hưng Yên gắn liền với danh tiếng của vợ chồng Chủ tịch Lương Xuân Hà - Đặng Thị Ngọc Bích.
Ecotek được vận hành bởi con trai thứ của Chủ tịch Ecopark là ông Lương Tuấn Trung (SN 1993) với mục tiêu áp dụng công nghệ để biến Ecopark trở thành khu đô thị xanh và thông minh hàng đầu Việt Nam. Ông Lương Tuấn Trung hiện đảm trách Chủ tịch HĐQT, trong khi người cộng sự trẻ tuổi Nguyễn Ngọc Bảo Lâm là CEO, nắm lần lượt 2% và 20% vốn Ecotek; Ecopark Group nắm 68%, trong khi một pháp nhân khác là CTCP Công nghệ - Fidelis chiếm 10% còn lại.
Fidelis cũng được nhóm doanh nhân trẻ tuổi nói trên thành lập tháng 11/2018, song có thêm cổ đông nữ Lương Thị Hồng Hạnh góp 17% và đứng luôn Chủ tịch HĐQT. Bà Hồng Hạnh sinh năm 1973 cũng đồng thời sở hữu 3,3% vốn Cititek - một công ty thành viên của Ecotek.
Theo nguồn tin riêng của Nhadautu.vn, bà Lương Thị Hồng Hạnh từng công tác nhiều năm ở ngân hàng VIB trước khi đảm trách Giám đốc Trung tâm Chiến lược và Quản lý dự án của VPBank từ tháng 2/2014. Ở một diễn biến đáng chú ý, nữ doanh nhân có bằng Thạc sĩ Tâm lý học tại Nga đã chuyển sang công tác, nắm một vị trí lãnh đạo quan trọng tại CTCP Nghe nhìn Toàn cầu (AVG) từ đầu tháng 9/2019.
Sau khi giàu lên từ những mảng miếng "màu mỡ" như đất đai hay tài chính ngân hàng, nhiều đại gia Việt đang muốn lấy lại thị phần từ tay nước ngoài trong các lĩnh vực mà người Việt xưa nay yếu thế, với Vingroup là ô tô hay VPBank là gọi xe công nghệ.
Tất nhiên với trường hợp của VPBank, những ấp ủ của nhà băng này không chỉ dừng lại ở một hãng gọi xe theo nghĩa thông thường, mà thông qua Be để tiếp cận hàng triệu khách hàng, là đầu vào cho một hệ sinh thái tài chính số cùng các dịch vụ thanh toán, tiêu dùng, hỗ trợ hoạt động kinh doanh.
Cuối tháng 5/2019, Be Group và VPBank đã cho ra mắt beFinancial, hướng tới trở thành một trong những nền tảng dịch vụ tài chính di động tốt nhất phục vụ nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt Nam, cũng như hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, là bước đi quan trọng để hiện thực hoá chiến lược kinh doanh của mình.
Theo Nghi Điền/Nhà Đầu tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lo-dien-ong-lon-dung-sau-be-group-a116175.html