Theo tìm hiểu của VietTimes, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Biển đảo pHải Thành (Hải Thành) tiền thân là Công ty kinh doanh dịch vụ nhà khách và du lịch Hải Thành trực thuộc Bộ Tư lệnh Hải Quân, được thành lập lại theo Quyết định số 581/QĐ-QP ngày 27/8/1993 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Sau khi sát nhập thêm công ty may Hải Thịnh, kể từ năm 2010, Hải Thành bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.
Công ty Hải Thành đã được Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân giao ký kết với 4 đối tác thành lập các công ty liên doanh để khai thác các khu đất quốc phòng, trước mắt chưa sử dụng cho nhiệm vụ quốc phòng chuyển sang làm kinh tế.
Cụ thể, Hải Thành sẽ thực hiện góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Những dự án bất động sản tại 4 lô đất kể trên tại đường Tôn Đức Thắng (Quận 1, Tp. HCM) cũng được phát triển theo phương thức này.
Cũng cần lưu ý rằng, tại các liên doanh, số cổ phần chi phối đều thuộc về các đối tác tư nhân (đa phần đều có tiềm lực về tài chính và kinh nghiệm phát triển bất động sản) thay vì doanh nghiệp của Bộ Tư lệnh Hải quân.
Đem “đất vàng” góp vốn
Một khu "đất vàng" khác của Cty Hải Thành trên đường Tôn Đức Thắng giờ đã là trụ sở phía Nam của một nhà băng lớn. |
Tháng 8/2007, Hải Thành và Công ty TNHH Cảnh Hưng đã tham gia góp vốn thành lập liên doanh Công ty TNHH Cảnh Hưng - Hải Thành (Cảnh Hưng - Hải Thành) để làm chủ đầu tư của dự án cao ốc văn phòng trên khu đất rộng 2.190 m2 tại số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng.
Trong đó, Hải Thành chỉ chiếm tỷ lệ sở hữu ở mức 12,71%, phần vốn còn lại (tương đương với 87,29% vốn điều lệ) trong liên doanh thuộc về phía đối tác tư nhân do ông Phạm Duy Tân làm Chủ tịch.
Đến tháng 4/2011, dự án ghi nhận sự góp mặt của CTCP Đầu tư Châu Thổ (Đầu tư Châu Thổ) với việc mua lại 80% cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thành từ các cổ đông sáng lập. Sau khi “đổi chủ”, dự án văn phòng tại “đất vàng” số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng cũng được quảng bá với tên thương mại mới là Delta Riverside Tower.
Tuy nhiên, Đầu tư Châu Thổ cũng chỉ nắm giữ cổ phần trong liên doanh Cảnh Hưng - Hải Thịnh khoảng 1 năm rồi nhượng lại toàn bộ vốn cho Công ty TNHH Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam (Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam) vào tháng 4/2012.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Đầu tư Châu Thổ là pháp nhân có tiềm lực, khi từng là cổ đông lớn nhất của VPBank với tỷ lệ sở hữu trực tiếp và gián tiếp lên tới 16,3% trước khi thoái vốn vào đầu năm 2013. Bên cạnh đó, pháp nhân này cũng nắm giữ lượng lớn cổ phần của Công ty TNHH Delta Valley Bình Thuận - chủ đầu tư Tổ Hợp Du Lịch Thung Lũng Đại Dương có diện tích khoảng 986 ha nằm tại khu vực xã Tiến Thành, Tp. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Mặt khác, giữa Đầu tư Châu Thổ và “chủ mới” của liên doanh cũng có một số mối liên hệ đáng chú ý.
Tính tới đầu tháng 10/2017, Đầu tư Châu Thổ đã đổi tên thành Công ty TNHH Tập đoàn Đầu tư KM (KM Group) với quy mô vốn điều lệ lên tới 2.876 tỷ đồng, với cơ cấu cổ đông bao gồm: Công ty TNHH Kinh doanh Quốc tế Silver Field (56,62%); Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (24,49%) và Công ty TNHH Kinh doanh bất động sản LC (18,89% vốn điều lệ).
Được biết, Đầu tư Thịnh Vượng Phương Nam chính là tiền thân của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc (An Thịnh Lộc). Ngoài ra, Đầu tư Châu Thổ và An Thịnh Lộc cũng có nhiều mối liên hệ với tập đoàn bất động sản MIKGroup.
Dự án trên khu đất số 1-1A-2 Tôn Đức Thắng sau đó tiếp tục đổi tên thành The Waterfront Saigon và nay được biết đến nhiều hơn với tên gọi VPBank Tower Saigon.
Cách tòa tháp VPBank Tower Saigon không xa, Hải Thành cũng liên doanh với một đối tác khác để phát triển dự án cao ốc văn phòng trên khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng. Cụ thể, vào tháng 5/2008, Hải Thành cũng tham gia góp vốn thành lập liên doanh Công ty TNHH Dịch vụ Mai Thành (Mai Thành) có quy mô vốn điều lệ đăng ký lên tới 1.050 tỷ đồng để phát triển dự án này.
Kết quả mối hợp tác của Hải Thành tại khu đất 9-11 Tôn Đức Thắng. Một cách trực quan, dự án in đậm dấu ấn Techcombank. |
Cái tên “Mai Thành” khiến người ta liên tưởng đến sự hợp tác giữa Hải Thành và Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Mai Anh (Mai Anh), tuy nhiên, 2 cổ đông này chỉ chiếm lần lượt 23,63% và 26,37% vốn điều lệ của liên doanh. Số cổ phần còn lại, tương ứng với 50% vốn, do CTCP Đầu tư TCO Việt Nam (TCO Việt Nam) sở hữu. Hay nói cách khác, TCO Việt Nam mới đóng vai trò chủ đạo tại liên doanh Mai Thành.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, TCO Việt Nam có tham gia vào dự án M-One Nam Sài Gòn (quy mô 13.904 m2, tọa lại tại số 32/12 Bế Văn Cấm, Quận 7, Tp. HCM); dự án khu dân cư Cồn Tân Lập (tại phường Xương Huân, thành phố Nha Trang); hay dự án xây dựng Tổ hợp văn phòng cho thuê - dịch vụ thương mại tại góc đường Quang Trung, Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa, Hà Nội).
Hồi tháng 6/2019 vừa qua, công ty con của TCO Việt Nam là Công ty TNHH MTV Tư vấn và Kinh doanh bất động sản TCO đã nhận chuyển nhượng hơn 34,6ha đất tại Khu đô thị Gia Lâm.
Ở một thương vụ khác cũng rất đáng chú ý vào năm 2016, Công ty TNHH Phát triển dự án Techcom Developer - trước khi sáp nhập vào TCO Việt Nam - cùng Công ty Quản lý quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital) tham gia góp vốn với Vietnam Airlines để hợp tác chuyển đổi Vasco thành hãng hàng không SkyViet nhưng không thành.
Quay trở lại với dự án 9-11 Tôn Đức Thắng, ngày 16/12/2009, TCO Việt Nam và Mai Anh đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư dự án cao ốc văn phòng, thương mại và dịch vụ trên khu đất này. Dự án có quy mô đầu tư 2.000 tỷ đồng, với 34 tầng nổi và 2 tầng hầm, trên diện tích xây dựng 1.917 m2. Dự án được khởi công vào năm 2011 và hoàn thành vào tháng 7/2013.
Tới tháng 2/2018, TCO Việt Nam bất ngờ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần trong liên doanh Mai Thành cho cá nhân bà Nguyễn Thị Thu Hà (sinh năm 1974). Tuy nhiên, nữ cổ đông mới vẫn có mối liên hệ chặt chẽ với giới chủ của TCO Việt Nam.
Song hành cũng những bước tiến của TCO Việt Nam không thể thiếu sự hỗ trợ tích cực từ Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank). Sau khi dự án hoàn thành, Techcombank Sài Gòn đã lựa chọn tòa nhà làm trụ sở Chi nhánh. Vì vậy, khu cao ốc văn phòng này cũng có thể coi là biểu tượng cho vị thế của Techcombank khu vực phía Nam.
Kết quả mối hợp tác của Hải Thành tại Dự án 2A-4A Tôn Đức Thắng.
|
Ngoài 2 dự án kể trên, Hải Thành còn tham gia liên doanh với Kotobuki (Nhật Bản) để phát triển dự án tổ hợp Legend Hotel rất thành công trên khu đất tại địa chỉ 2A-4A Tôn Đức Thắng. Dự án đi vào hoạt động năm 2001 và được biết tới là tổ hợp 5 sao đẳng cấp của Tp. HCM với 283 phòng và 6 nhà hàng.
Quy mô vốn điều lệ của liên doanh Hải Thành - Kotobuki là 46,1 triệu USD. Trong đó, Kotobuki nắm giữ 70%, còn Hải Thành chỉ sở hữu 30% vốn điều lệ. Năm 2013, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) đã mua lại toàn bộ phần vốn của Kotobuki và nắm quyền chi phối tại liên doanh. Tập đoàn này sau đó cũng đổi tên khách sạn thành Lotte Legend Hotel.
Khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng vẫn đang được quây kín
|
Song, không phải thương vụ hợp tác liên doanh nào của Hải Thành cũng mang lại “quả ngọt”.
Như tại khu đất 7-9 Tôn Đức Thắng, Hải Thành đã ký hợp đồng hợp tác Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Yên Khánh (có mối liên hệ chặt chẽ với ông Đinh Ngọc Hệ - hay còn gọi là Út “trọc”) để phát triển dự án thương mại, dịch vụ cho thuê kể từ tháng 9/2006.
Tuy nhiên, cho đến nay dự án trên “đất vàng” tại số 7-9 Tôn Đức Thắng vẫn chưa được triển khai.
Khu đất từng được sử dụng để làm bãi gửi xe và hiện tại được gắn biển “Khu vực quân sự”./.
Theo VietTimes