Câu chuyện của Tori Dunlap là trường hợp điển hình khi một ứng viên đi xin việc muốn đàm phán lại mức lương với nhà tuyển dụng.
Sau vài tháng rải CV, Tori nhận được cuộc gọi từ một công ty, mời cô làm việc ở vị trí Giám đốc Marketing với mức lương 60.000 USD/năm.
Nghe tới con số 60.000 USD, Tori rất phân vân. Lý do đơn giản bởi, đây là mức lương thấp hơn thu nhập 66.000 USD ở công việc cũ. Và Tori quyết định sẽ phải đàm phán lại.
Bằng ba bí quyết thương lượng dưới đây, cô đã nhận mức lương cao hơn tới 10.000 USD so với đề nghị ban đầu.
Nắm chắc mức lương trung bình của công việc
Tori cho biết, trước cuộc phỏng vấn, cô đi tìm hiểu kỹ càng về mức lương trung bình của ngành, dựa trên vị trí, kỹ năng, kinh nghiệm, học vấn, nơi công tác.
Đây là bước rất quan trọng, nhằm tránh bị "hớ" khi đàm phán lương. Đừng quên hỏi bạn bè, đồng nghiệp làm cùng nghề để biết thêm thông tin.
Một lưu ý quan trọng: Sau khi đã định hình được mức lương trung bình, hãy mạnh dạn đề nghị với nhà tuyển dụng con số cao hơn mức đó.
Ví dụ trong trường hợp mức lương được nhà tuyển dụng đưa ra là 50.000 USD. Mức thu nhập trung bình mà bạn tìm hiểu được là 60.000 - 65.000 USD. Vì thế, mức lương đề nghị với bên tuyển dụng nên cao hơn một chút, khoảng 68.000 - 72.000 USD.
Giống như chuyện mặc cả khi đi chợ, bạn cần biết "nói thách" lên một chút. Các công ty hầu hết đều có xu hướng đề nghị ban đầu thấp hơn con số họ có thể trả, vì biết rằng ứng viên sẽ đàm phán. Lý tưởng nhất là hai bên đồng ý với mức lương nằm trong khoảng trung bình bạn đã tìm hiểu.
Đàm phán tinh tế
Có thể coi chuyện đàm phán lương giống như một màn đấu trí giữa ứng viên và nhà tuyển dụng. Chính vì vậy, để giành được lợi thế, các ứng viên cần phải nắm được tâm lý và cách đưa ra đề nghị một cách khéo léo, tinh tế nhất.
Đó là cách mà Tori đã làm. Đầu tiên, bắt đầu cuộc nói chuyện, cô bày tỏ niềm vui và sự trân trọng đối với cơ hội nhà tuyển dụng mang lại, đồng thời không quên khẳng định rất muốn trở thành một nhân viên của công ty.
Bí quyết ở đây là, hãy lấy lòng nhà tuyển dụng bằng "lời hay ý đẹp" trước, sau đó mới nghĩ tới chuyện đàm phán lương thưởng.
Sau khi nhà tuyển dụng có vẻ "bùi tai", Tori lập tức chuyển hướng cuộc nói chuyện. Cô đưa ra vấn đề rằng mức lương này thấp hơn nhiều so với công việc trước đây và kỳ vọng bước nhảy công việc mang lại một sự thay đổi tốt hơn.
Bên cạnh đó, Tori tiếp tục nhấn mạnh các kỹ năng vượt trội mà cô đang có. Đây là cách gián tiếp để các ứng viên khẳng định giá trị. Hãy nhớ, đi xin việc cũng giống như chúng ta đang "rao bán" chính bản thân.
Đừng "vồ vập"
Thông thường, bạn sẽ phải chờ một khoảng thời gian để nhà tuyển dụng phản hồi lại. Giai đoạn này có thể rất căng thẳng, khiến một số người mất bình tĩnh, lo sợ và cuối cùng chấp nhận mức lương ban đầu.
Đây là một tâm lý hoàn toàn bình thường, nhất là khi bạn đang chịu áp lực vì thất nghiệp. Với Tori, cô đã kiên nhẫn chờ tới một tuần lễ, rồi cuối cùng được lãnh đạo công ty đồng ý tăng mức lương đề nghị lên cao hơn 10.000 USD so với trước đó.
Tuy vậy, vẫn có khả năng bạn bị từ chối sau khi đòi tăng lương. Có hàng nghìn tình huống mà không ai có thể lường trước được. Lúc đó, hãy cân nhắc cả những yếu tố khác ở công ty để đưa ra quyết định, Tori cho biết.
Theo doanhnhan.vn
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/mua-nhay-viec-sap-den-day-la-ba-bi-quyet-de-dam-phan-luong-thuong-mot-cach-khon-ngoan-a117285.html