TPBank đang kinh doanh thế nào trước khi để 'nữ PGĐ chi nhánh xinh đẹp' tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng?

Nhờ lợi thế công nghệ, 3 năm gần đây, lợi nhuận TPBank đang tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, đi cùng với đó là nợ xấu cũng đang liên tục tăng.

Mới đây, Cơ quan CSĐT, Công an thành phố Hà Nội vừa khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với bị can Nguyễn Hoài Thương về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản". Nguyễn Hoài Thương giữ chức vụ Phó Giám đốc chi nhánh kiêm Giám đốc Dịch vụ khách hàng tại chi nhánh Phạm Hùng của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank).

TPBank là ngân hàng được thành lập bởi Tập đoàn công nghệ FPT năm 2008, với tên gọi lúc bấy giờ là TienPhongBank. Tuy nhiên, việc rẽ ngang sang lĩnh vực trái ngành đã không đem lại thành công cho FPT. Chỉ sau 4 năm, ngân hàng này không cạnh tranh được với các đối thủ trên thị trường và đỉnh điểm là báo lỗ hơn nghìn tỷ năm 2011, chiếm tới một nửa vốn điều lệ. Đầu năm 2012, giới tài chính bất ngờ khi ông Vũ Tú, nguyên Tổng giám đốc TPBank bị bắt do tình nghi liên quan việc sử dụng sai quy định số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.

Trước tình cảnh đó, TPBank được ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Doji Group giải cứu khẩn cấp. Ông Phú sau khi bán Diana Việt Nam thu về 180 triệu USD đã bỏ tiền mua 20% cổ phần ngân hàng và giúp tháo gỡ những khó khăn về tài chính.

Từ đây, TPBank dần tăng trưởng trở lại, đến năm 2015 đã xóa hết lỗ lũy kế. Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, lợi nhuận TPBank tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2017, lãi sau thuế tăng 70%, sang năm 2018 tăng tiếp 87%.

9 tháng năm 2019, TPBank báo lãi 1.923 tỷ đồng, vượt qua số lãi cả năm 2018 và tăng trưởng 50% so với cùng kỳ năm trước.

TPBank đang kinh doanh thế nào trước khi để nữ PGĐ chi nhánh xinh đẹp tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, lợi nhuận tăng cũng đi kèm với nợ xấu tăng.

Sau khi về tay "đại gia" Đỗ Minh Phú, nợ xấu TPBank đã liên tục giảm và về dưới 1% trong năm 2015 và 2016. Năm 2017 và 2018, nợ xấu lại quay đầu leo lên trên 1% và tính đến cuối tháng 9/2019, nợ xấu TPBank tăng lên trên 1.400 tỷ đồng, chiếm 1,51% tổng giá trị cho vay của ngân hàng.

So với hồi đầu năm, giá trị nợ xấu TPBank đã tăng 63%.

TPBank đang kinh doanh thế nào trước khi để nữ PGĐ chi nhánh xinh đẹp tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách hàng? - Ảnh 2.

Về tổng thể, công ty chứng khoán SSI trong một báo cáo hồi tháng 10/2019 nhận định, TPBank là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực ngân hàng số, sở hữu lợi thế hàng đầu trong lĩnh vực này và điều đó sẽ giúp ngân hàng cạnh tranh hiệu quả hơn. Mạng lưới LiveBank và các ứng dụng e-Banking giúp phí dịch vụ thanh toán của TPBank tăng trong thời gian gần đây. Số lượng LiveBank từ 89 trong năm 2018 hiện đã tăng lên 115. Ngân hàng số cũng giúp thu nhập từ bancassurance tăng gấp đôi, trong đó, TPBank đang phân phối bảo hiểm nhân thọ của Manulife và bảo hiểm phi nhân thọ của PVI, PTI.

SSI cho rằng, TPBank đã dành nhiều năm để mở rộng cơ sở khách hàng và giờ đây có thể cải thiện NIM và thu nhập phí từ việc mở rộng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh mới sắp tới như tài chính tiêu dùng và mua bán nợ dự kiến sẽ đóng góp thêm vào thu nhập của ngân hàng.

Theo Trí Thức Trẻ

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tpbank-dang-kinh-doanh-the-nao-truoc-khi-de-nu-pgd-chi-nhanh-xinh-dep-tat-toan-khong-5-so-tiet-kiem-cua-khach-hang-a117309.html