Các hoạt động kinh tế đêm của Việt Nam hiện nay rất đơn điệu và quy mô nhỏ, tập trung vào ẩm thực và chợ đêm, hoặc phố đi bộ với quy mô nhỏ.
Đơn điệu, quy mô nhỏ
Tại báo cáo về kinh tế ban đêm gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương nhận xét: Phát triển kinh tế đêm đã hình thành tại Việt Nam, nhưng mới chỉ xuất hiện manh mún tại một số đô thị và các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hội An, Sapa, Huế; chưa định hình thành một khu vực kinh tế có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP, chưa có báo cáo, thống kê cụ thể về đóng góp của kinh tế đêm vào phát triển kinh tế xã hội.
Ví dụ, Hà Nội mới có một khu vực tập trung hoạt động kinh tế đêm nằm ở khu vực phố cổ. Hà Nội cho phép các hoạt động kinh doanh tới 2h sáng và chợ đêm vào 3 ngày cuối tuần tại các khu vực phố cổ; cho phép mở chợ đêm trên các tuyến phố như Hàng Đào vào cuối tuần,...
Kinh tế ban đêm đem lại nguồn lợi tỷ đô
Huế đang triển khai dự án “Sáng và Sống” nhằm tạo ra thêm nhiều dịch vụ về đêm cho du khách như đưa vào hoạt động hệ thống chiếu sáng kỳ đài, phố đi bộ tại Huế.
Quảng Bình đang xây dựng hai sản phẩm du lịch ban đêm là khám phá thành phố Đồng Hới vào ban đêm bằng xe điện, phố chợ đêm.
“Việt Nam hội tụ nhiều điều kiện phát triển kinh tế đêm như có tài nguyên du lịch ưu đãi và ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách quốc tế, chính trị an ninh ổn định, không có nguy cơ khủng bố... ”, Bộ Công Thương đánh giá.
Bộ này dẫn hàng loạt kinh nghiệm từ các nước để chứng minh rằng kinh tế ban đêm đem lại nhiều nguồn lợi tỷ đô.
Tại Anh, kinh tế ban đêm đóng góp 6% GDP, Úc chiếm 4% GDP...
Đặc thù kinh tế đêm tập trung đô thị lớn. Las Vegas, New York, Hollywood (Hoa Kỳ); Bắc Kinh, Thượng Hải, Thẩm Quyến (Trung Quốc); Paris, Touluse (Pháp),... Do đó, hầu hết các quốc gia đều phân quyền cho chính quyền địa phương trong quy hoạch và phát triển kinh tế đêm tại địa phương.
Tại Trung Quốc, năm 2018 thành phố Bắc Kinh đã xây dựng kế hoạch hành động xây dựng thành phố đầu mối quốc tế về tiêu dùng giai đoạn 2018-2022 với mục tiêu: năm 2022, Bắc Kinh sẽ trở thành điểm đến tiêu dùng quốc tế đặc sắc, cao cấp và đến năm 2035 trở thành trung tâm tiêu dùng quốc tế mang thương hiệu Đêm Bắc Kinh nổi tiếng toàn cầu và bổ nhiệm chức danh quản lý kinh tế đêm gồm 3 cấp thành phố, quận, và khu phố.
Tại Anh, chính quyền thành phố London đang đưa nội dung về phát triển kinh tế đêm vào trong Quy hoạch phát triển thành phố mới với mục tiêu trở thành Thành phố London 24h”...
Tại Úc, năm 2013, chính quyền thành phố Sydney đã xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển kinh tế đêm đến năm 2030 với mục tiêu biến Sydney thành một thành phố toàn cầu về đêm và thành lập Ủy ban kinh tế ban đêm.
Kinh tế ban đêm của Việt Nam còn đơn điệu, quy mô nhỏ. |
Sợ tiếng ồn, ánh sáng, mại dâm
Theo Bộ Công Thương, hiện mỗi năm Việt Nam có thêm 1,5 triệu người gia nhập vào tầng lớp trung lưu, với mức sống từ 15 USD/ngày trở lên, đang dành nhiều tiền và thời gian để tận hưởng cuộc sống. Khảo sát của The Conference Board và Niesel cho thấy, 43% tiền nhàn rỗi của người tiêu dùng Việt Nam được sử dụng cho mục đích giải trí.
Đặc biệt trong bối cảnh xung đột thương mại toàn cầu đang diễn ra có các tác động đến xuất khẩu của Việt Nam, Bộ Công Thương cho rằng việc tập trung vào phát triển kinh tế đêm để thúc đẩy tiêu dùng nội địa thông qua du lịch đêm, ẩm thực đêm, mua sắm và giải trí đêm là phù hợp.
Riêng ngành Công thương, phát triển kinh tế đêm chủ yếu tập trung vào bán buôn bán lẻ, như trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ đêm,...
Song, Bộ Công Thương đánh giá: Thực tế, các hoạt động kinh tế đêm của Việt Nam hiện nay rất đơn điệu và quy mô nhỏ, tập trung vào ẩm thực và chợ đêm, hoặc phố đi bộ với quy mô nhỏ. Các hoạt động giải trí, biểu diễn nghệ thuật vào ban đêm, hệ thống cửa hàng, siêu thị, các khu mua sắm đêm sầm uất chưa được hình thành tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,...
Phố cổ Hà Nội, khu phố Bùi Viện, Phạm Ngũ Lão ở TP. Hồ Chí Minh được xem là điểm đến của khách du lịch. Tuy nhiên, Việt Nam chưa phát triển thành các thương hiệu nổi bật để hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước. Một số địa bàn du lịch nổi tiếng như Hội An, Sapa, Mũi Né,... đều chưa đa dạng hóa được các dịch vụ phát triển về đêm để khai thác tối đa hoạt động của khách du lịch.
Một hạn chế khác, đó là khung giờ cho các hoạt động kinh tế đêm chủ yếu vẫn áp dụng quy định sau 11 giờ đêm các hoạt động vui chơi giải trí phải dừng lại. Thực tế, pháp luật hiện hành không quy định về “giờ giới nghiêm” mà chỉ có quy định thời gian được phép kinh doanh trong ngày của một số loại hình như bar, vũ trường.
Bộ Công Thương cũng chỉ ra mặt tồn tại của kinh tế ban đêm là ô nhiễm tiếng ồn, phát sinh các vấn đề về tệ nạn xã hội như tội phạm, mại dâm, sự lai căng về văn hóa, chiếm dụng trái phép không gian công cộng phục vụ kinh doanh.
Do đó, Bộ Công Thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cơ quan đầu mối triển khai xây dựng Đề án phát triển kinh tế đêm của Việt Nam”; chỉ đạo các địa phương đưa nội dung quy hoạch phát triển kinh tế đêm vào trong quy hoạch tổng thể quy hoạch kinh tế xã hội của tỉnh, thành phố.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu về báo cáo kinh tế ban đêm của Bộ Công Thương hồi tháng 9/2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển kinh tế ban đêm theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hồi tháng 7/2019, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý I năm 2020.
Theo Lương Bằng
Vietnamnet
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/so-tieng-on-di-ung-anh-sang-viet-nam-bo-roi-nguon-loi-ty-usd-a117423.html