Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội

Thuộc thế hệ 9x, hiện tại là Giám đốc Khối tuyển dụng Công ty Cổ phần Nguồn nhân lực Siêu Việt, chị Dương Thị Tuyết Trinh có quan điểm trái ngược với quan niệm của nhiều người “học giỏi khó thành công”. Chị Trinh luôn giữ suy nghĩ: “Người học giỏi chắc chắn có tương lai và thành công hơn trong cuộc sống”.

Là 9x mà chị Trinh đã giữ một trọng trách cao như vậy, đã bao giờ vì mình quá trẻ mà chị bị đối tác hay khách hàng có định kiến về độ tuổi chưa?

Có nhiều lần, khi đối tác, khách hàng biết mình là 9x, cũng có nói rằng: Ôi sao em trẻ thế!

Thực ra, tôi lại chẳng nghĩ mình trẻ, bởi vì cũng gần 30 rồi mà, ngồi ở vị trí này cũng là bình thường và xứng đáng nếu bạn đã dành nhiều năm nỗ lực. Tôi nghĩ xã hội và thời đại này không còn theo kiểu "già lên lão làng" nữa. Đây là thời đại của 9x, đặc biệt là 90, 91, 92. Như tôi thấy, các vị trí Trưởng phòng, Giám đốc, CEO, từ công ty nhỏ đến Tập đoàn lớn mà tôi gặp, tôi biết, đã bắt đầu có sự xuất hiện của 9x rồi. Cả Siêu Việt nơi tôi làm việc - các vị trí quản lý, hay thậm chí là quản lý cấp cao cũng đa số là 9x rồi.

Vậy nên, xã hội nên bắt đầu có cái nhìn khác và ngừng "khen" chúng tôi trẻ đi. Chúng tôi già rồi. Tôi chỉ sợ vài năm nữa, nếu mình không nhanh, thì các bạn 97, 98 leo lên làm sếp mình hết ấy chứ!

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 1.

Được biết, từ cấp 1 lên tới Đại học, chị luôn là người có thành tích học tập tốt. Vậy bản thân chị có bị áp lực nhiều không?

Tôi tự tin mình là người học giỏi (cười). Chuyện học chưa bao giờ là khó khăn với tôi. Trong bài báo mới đây phỏng vấn Giáo sư trẻ nhất Việt Nam có nói một đoạn rằng: Được đi học đã là vui rồi. Nhà tôi ngày xưa nghèo, vậy nên ý nghĩ duy nhất là nếu không học thì mai sau đời mình lại nghèo tiếp. Tôi là một "con ngoan - trò giỏi" chính hiệu; thành tích xuất sắc nhất là Giải nhất môn Văn quốc gia và được tuyển thẳng Ngoại thương rồi tốt nghiệp ra trường bằng giỏi, sau đó cũng tự mình "chèo lái" sinh tồn trên đất Hà Nội bao năm qua.

Ngày trước, tôi có nhận về những áp lực vô hình khi xã hội nghĩ mình chỉ biết học, không biết nữ công gia chánh, không biết làm việc nhà. Chính vì thế, suy nghĩ của mọi người cũng khiến tôi đôi lúc nghi ngờ bản thân: Liệu học giỏi thế sau này có kiếm được tiền không? Có làm được gì khác thành công hơn không? Tại sao nhiều người chẳng học hành cẩn thận mà vẫn kiếm được tiền và giàu ú ụ? Xã hội họ nói với nhau như vậy. Bản thân tôi cũng không nằm ngoài định kiến đó.

Nhưng bây giờ, tôi nghĩ bố mẹ có quyền tự hào về mình vì có một người con học giỏi, kiếm được tiền và thành công theo cách nó muốn, khỏi phải lo giải thích với thiên hạ.

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 2.

Có khi nào chị nghĩ mình là một trường hợp đặc biệt trong xã hội hiện nay chưa? Vậy đi làm rồi, chị nhận thấy năng lực của các bạn bằng Giỏi và bằng Khá, Trung bình khác nhau thế nào?

Tôi không nghĩ mình là trường hợp đặc biệt đâu. Nếu thực sự học giỏi mà nghèo, học dốt mới giàu được thì đó chính là sự nguy cấp của xã hội.

Nhưng may mắn thay, có một sự thật là các Giám đốc, Chủ tịch hay Founder tôi từng gặp đều là những người có background học hành xuất sắc cả. Các câu chuyện xã hội ngày ngày vẫn được "đồn ầm" lên như Bill Gates, Mark Zuckerberg đã bỏ học và trở thành tỷ phú – từ góc nhìn của mình, tôi thấy truyền thông không nên cổ súy dễ khiến tư duy thế hệ trẻ bị sai lệch.

Một triệu người bỏ học thì có 2 người thành công như Bill Gates và Mark Zuckerberg, còn 1000 người học giỏi thì tôi đoán chắc phải đến 500 người thành công. Vậy xác suất để bạn bỏ học mà thành công là quá thấp! Người không học thất bại nặng nề hơn người có học.

Bằng giỏi, bằng khá, bằng trung bình đôi khi không quyết định kết quả làm việc ngay lập tức. Một bạn bằng giỏi có thể tạo ra doanh số thấp hơn một bạn bằng trung bình. Tuy nhiên, về mặt tư duy, tố chất, tôi vẫn đánh giá sinh viên học giỏi và trường TOP có tố chất hơn hẳn.

Tôi nghĩ các chủ doanh nghiệp sẽ không phản đối việc này. Nếu họ khẳng định sinh viên bằng trung bình sẽ là nhân viên xuất sắc thì tại sao tôi không thấy chủ doanh nghiệp nào chỉ nhận sinh viên bằng trung bình? Họ vẫn thích bằng giỏi, vẫn thích Ngoại thương, Kinh tế quốc dân… vì thực chất tỉ lệ thành công của đối tượng sinh viên này cao hơn tỉ lệ thành công khi đào tạo sinh viên bằng trung bình. Tôi không nói cứ bằng trung bình thì không tốt, tôi nói về tỷ lệ.

Để đánh giá một vấn đề, chúng ta nên nhìn vào hành vi và con số. Còn những nhận xét cảm tính hoàn toàn không đúng.

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 3.

Nhiều người ở độ tuổi trung niên kết luận là người học giỏi mai sau chỉ đi làm thuê cho người học kém. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

Tôi xin hỏi: Làm thuê thì sao ạ? Cứ làm chủ thì mới tính là thành công sao? Tôi nghĩ làm chủ có nhiều nghĩa: làm chủ cuộc đời mình, làm chủ sự nghiệp, làm chủ cuộc sống, làm chủ thái độ, làm chủ hạnh phúc... chứ không cứ phải làm chủ doanh nghiệp thì mới là thành công. Có bao nhiêu chủ doanh nghiệp tự tin là có khả năng làm chủ cuộc đời mình?

Với nhiều người Việt Nam, thành công là phải có nhiều tiền. Cứ ai kiếm được nhiều tiền hơn thì người đó thành công hơn. Chúng ta sẽ dạy con cái chúng ta như thế nào đây nếu như xã hội cứ kể cho nó những câu chuyện như: anh A chị B này có học đâu mà vẫn kiếm được nhiều tiền, bỏ học thì mới làm tỷ phú được??? Tôi nghĩ đi làm thuê không xấu, không tệ. Đi làm thuê đòi hỏi rất nhiều từ nỗ lực cố gắng và kĩ năng cá nhân.

Xã hội đang ca tụng những người startup, làm chủ, mở doanh nghiệp một cách thái quá: cứ mở doanh nghiệp là "oách" hơn đi làm thuê rồi. Tôi cho rằng: đó là lý do nhiều doanh nghiệp mới mở hiện nay yếu kém, bởi những người mở doanh nghiệp chưa đủ năng lực, trình độ. Tôi nghĩ startup là câu chuyện nên khuyến khích nhưng không nên kích động. Đi làm thuê mà tạo ra giá trị cho xã hội còn hơn khởi nghiệp mà mang lại hệ lụy.

Bên cạnh đó, mọi người cứ nhìn gương Bill Gates bỏ học để thành công – một cái nhìn quá thiển cận. Bill Gates có bỏ học nhưng ông bỏ học trường Harvard, xin hãy ghi nhớ điều này. Các bạn thi vào Harvard đi rồi hãy tính chuyện bỏ học! Bản thân Bill Gates là một người học giỏi, xuất sắc đến mức ông được quyền bỏ học. Xã hội mình nên ngừng nói đến chuyện "bỏ học làm tỷ phú" đi.

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 4.

Là người ở vị trí Giám đốc Tuyển dụng, thái độ có phải là yếu tố then chốt giúp ứng viên được chọn hay không?

Tôi nghĩ thái độ còn là yếu tố then chốt dẫn đến thành công lâu dài chứ không phải chỉ trong lúc tìm việc.

Có một tư duy tôi thấy nhiều bạn sinh viên mới đi làm hay mắc phải, đó là: mình mới ra trường, không có kinh nghiệm nên vin cớ buộc chủ doanh nghiệp phải hướng dẫn mình. Nhiều bạn nghỉ việc vì lý do: chỗ làm cũ không dạy được em gì cả. Điều này hoàn toàn sai, chủ doanh nghiệp không có trách nhiệm dạy nhưng các bạn có trách nhiệm phải học.

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 5.

Chúng tôi đã trả lương cho bạn, tại sao chúng tôi lại kiêm cả trách nhiệm dạy dỗ bạn? Nếu có dạy, có đào tạo, thì đó là cách chúng tôi cung cấp lợi ích cho bạn. Vậy người nhận lợi ích là các bạn và chính các bạn phải có trách nhiệm học và làm cho tốt. Còn nơi duy nhất có trách nhiệm dạy và đào tạo bạn - chính là nhà trường, chứ không phải doanh nghiệp vận hành theo cơ chế lãi - lỗ.

Thái độ còn là yếu tố đánh giá chính trong quá trình bạn làm việc. Ở Siêu Việt, với sứ mệnh là cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người tìm việc, chúng tôi luôn muốn giúp đỡ các bạn trẻ phát huy được tiềm năng bản thân. Có kĩ năng và kiến thức tốt cộng với thái độ chuẩn, chắc chắn bạn sẽ còn tiến xa sau này. Còn chưa có kiến thức, chưa có kinh nghiệm, kĩ năng lại kém, thì bạn nên biết điều chỉnh thái độ cho đúng.

Quan điểm của tôi có thể hơi cực đoan một chút: Các bạn sinh viên mới ra trường phải biết rằng mình còn nhiều điều phải học, vậy thay vì cố ngẩng mặt lên mà cãi, hãy cúi đầu xuống để làm việc, để lắng nghe.

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 6.

Vậy thưa chị, cơ hội dành cho những bạn học giỏi xin được việc tốt có nhiều không khi có ý kiến cho rằng học giỏi lại là một bất lợi cho xin việc sau này, chỉ biết "đâm đầu" vào học mà không tham gia các hoạt động xã hội?

Học chắc chắn không phải là yếu tố quyết định tất cả cho thành công nhưng học hành tốt cho bạn một nền tảng vững chắc rút ngắn con đường tới thành công. Với tôi, học giỏi đã là một thành công rồi. Cái các bạn học giỏi cần là học cách thành công trong một lĩnh vực khác và tôi cam đoan người học giỏi sẽ học một lĩnh vực khác rất nhanh. Thực ra ngồi ở vị trí Giám đốc Tuyển dụng của Siêu Việt, tôi không chỉ thích dân Ngoại Thương, mà vẫn luôn đánh giá cao và muốn săn đón các bạn học giỏi và tốt nghiệp từ những trường lớn như Kinh tế Quốc dân, Bách khoa… với một niềm tin rằng những "mầm non" ấy có tố chất tốt và có thể đào tạo được.

Tuy nhiên, không có nghĩa sinh viên các trường không TOP thì sẽ là bất lợi. Một vài nhân sự ở công ty tôi xuất thân từ những trường đại học không có tên tuổi, nhưng sự nỗ lực của các bạn ấy phải gọi là "xuất sắc". Bạn có thể xuất thân từ nhà nghèo, bạn có thể bị trồng trên mảnh đất khô cằn, nhưng nở hoa hay không là do nỗ lực và lựa chọn của bạn. Còn nhà tuyển dụng không ngốc nghếch đến mức chỉ nhắm mắt nhận sinh viên trường TOP hay sinh viên bằng giỏi.

Giám đốc tuyển dụng Siêu Việt: Không nên cổ súy chuyện bỏ học và trở thành tỷ phú. Người học giỏi, có bằng cấp dễ thành công và được coi trọng hơn trong xã hội - Ảnh 7.

Quay lại câu hỏi bên trên, tôi luôn cho rằng thái độ rất quan trọng. Sinh viên nên nhớ: Mình là sinh viên đi học thì việc học vẫn quan trọng, hãy dùng 70-80% thời gian để học còn 20-30% thời gian còn lại để tham gia các hoạt động có ý nghĩa, các hoạt động giúp hoàn thiện tính cách, hoàn thiện kĩ năng bản thân mình.

Còn nếu bạn không muốn học, chọn đi làm sớm, vậy hãy kiếm tiền thật xuất sắc. Mấu chốt không phải học hay bỏ học, mà là do thái độ, tư duy và đầu óc. Tôi mong các bạn đừng lập lờ, học không giỏi, kiếm tiền cũng không giỏi, cuối cùng sẽ chẳng đến đâu.

Một câu hỏi trước khi khép lại bài phỏng vấn, từ một người đi trước, trải qua nhiều thăng trầm trong công việc, chị có lời khuyên nào dành tới các bạn sinh viên còn đang ngồi ghế nhà trường không?

Tôi nghĩ làm đúng việc ở đúng thời điểm là tốt nhất. Điều yếu nhất của các bạn trẻ hiện nay đó là không biết mình muốn gì và khi biết rồi lại không nỗ lực để đạt được. Tiền không cần, chức vụ không cần, nhưng lại muốn được tự do tài chính, muốn được người khác ngưỡng mộ. Trinh cũng không hơn các bạn nhiều tuổi, cũng là thế hệ 9x, vậy những lời khuyên của tôi không phải thế hệ khác khuyên, mà nó rất thực tế và gần gũi thôi.

Đến bản thân Trinh, hỏi rằng xung quanh có nhiều người kiếm nhiều tiền hơn mình không - Có chứ. Nhiều. Và nhiều lúc, tôi cũng băn khoăn vì sao người ta kiếm tiền dễ thế, hay mình cũng học người ta. Thậm chí là phụ nữ, tôi thấy bạn bè lấy chồng giàu sướng thế, hoặc chọn một công việc nhàn hạ, sống kiểu YOLO sao sướng thế.

Nhưng mình phải bình tâm để suy nghĩ xem mình muốn gì, mình cần gì. Và khi trả lời được, mình cứ đường mình mà đi. Miễn là mình thấy hạnh phúc!

Cám ơn chị về cuộc trò chuyện!

Link bài gốc: http://ttvn.vn/kinh-doanh/giam-doc-tuyen-dung-sieu-viet-khong-nen-co-suy-chuyen-bo-hoc-va-tro-thanh-ty-phu-nguoi-hoc-gioi-co-bang-cap-de-thanh-cong-va-duoc-coi-trong-hon-trong-xa-hoi-5201922110410963.htm

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giam-doc-tuyen-dung-sieu-viet-khong-nen-co-suy-chuyen-bo-hoc-va-tro-thanh-ty-phu-nguoi-hoc-gioi-co-bang-cap-de-thanh-cong-va-duoc-coi-trong-hon-trong-xa-hoi-a118175.html