Sếp Masan cho biết "Không chỉ riêng Masan đâu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất".
Sáng nay, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội, Diễn đàn Công nghệ FPT 2019 (FPT Techday 2019) với chủ đề "Khởi động thông minh" (Start Smart) đã chính thức diễn ra và quy tụ hơn 500 lãnh đạo cấp cao, chuyên gia công nghệ đến từ các ngân hàng, doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực cùng hơn 3.000 người tham gia.
Nằm trong chuyên đề "Khởi động thông minh trong quản trị doanh nghiệp", sáng nay Phó Tổng giám đốc phụ trách công nghệ thông tin của tập đoàn Masan Nguyễn Anh Nguyên đã chia sẻ về 3 lần chuyển đổi số của doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng lớn nhất Việt Nam.
"Masan là công ty ngành hàng tiêu dùng. Sức mạnh lớn nhất của các công ty hàng tiêu dùng trên địa cầu, không chỉ ở Việt Nam, là thương hiệu. Có thương hiệu sẽ có tiền. Có thương hiệu được tin dùng sẽ có lợi nhuận", ông Nguyễn Anh Nguyên mở đầu khi được hỏi về phương thức Masan áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và vận hành doanh nghiệp.
Ông Nguyên cho biết, Masan đã trải qua 3 làn sóng - 3 lần chuyển đổi số.
Làn sóng thứ nhất "Tề Gia" với 3 chữ A đi xuyên suốt cả quá trình
Availability (Tính có sẵn - PV)
"Quảng cáo trên TV cho lắm mà ngày mai người dân ra chợ không có hàng thì quảng cáo làm gì? Quảng cáo cho đối thủ à? Vì thế với chúng tôi, nguyên liệu lúc nào cũng phải sẵn, nhà máy lúc nào cũng phải chạy, xe tải lúc nào cũng phải sẵn sàng và hàng lúc nào cũng phải nằm trên kệ, và nằm trên kệ đúng giá, đúng kích thước", Phó TGĐ Masan kể.
Chữ A đầu tiên ấy, Masan mất 3 năm lên kế hoạch, 1,5 năm thực hiện, để bảo đảm rằng 2.600 siêu thị, 370.000 cửa hàng ở 1.800 xã lúc nào cũng có hàng. Đấy là câu chuyện xảy ra vào giai đoạn 2013 - 2015.
Assurance of Quality (Đảm bảo chất lượng - PV)
"Mỗi năm chúng tôi sản xuất 2 tỷ gói mỳ, nửa tỷ chai nước mắm, xì dầu, tương ớt… Điều quan trọng là đảm bảo 2 tỷ gói mỳ ấy chất lượng giống hệt nhau, không hôi dầu, đảm bảo nửa tỷ chai nước mắm kia, xì dầu ấy chất lượng giống hệt nhau".
Afforable (Tạm dịch: Có thể mua được - PV)
Quan trọng là giá cả phù hợp.
Sếp Masan cho biết, tập đoàn này đã áp dụng công nghệ thông tin khiến từng đồng xu đầu tư trong tập đoàn làm việc cực nhọc hơn nhiều. Đó có thể là tiền đầu tư vào hàng hóa, hoặc vào công nợ 2 chiều (công nợ phải thu, phải trả), hoặc thậm chí đồng tiền nằm trong ngân hàng.
"Chúng tôi buộc mỗi đồng tiền như vậy phải làm chăm chỉ gấp đôi, để sinh ra chút lợi nhuận nhỏ bé đổ ngược vào thương hiệu, tiến trình sản xuất, dịch vụ, đổ ngược vào giá để có lợi cho người tiêu dùng", ông Nguyên nói.
Khi thực hiện chuyển đổi số chúng tôi có gặp sự chống đối trong công ty không? Có. Lúc tôi đưa hệ thống báo cáo thông minh (business intelligent) vào áp dụng, các giám đốc đã kêu, đã B lại còn I (bi ai). Tôi nói rằng nếu bình quân hoá mọi con số thì mọi thứ là bình quân, phải cá thể hoá quyết định của bạn, 6 tỷ dữ liệu chỉ có dùng máy tính thôi, đưa hệ thống báo cáo thông minh vào, cắt giảm chi phí "đến tận xương".
Làn sóng thứ 2 của Masan và hàng loạt nhà sản xuất Việt - Làn sóng của sự sợ hãi
"Bản thân Ban Giám đốc cảm thấy sợ. Alibaba bắt đầu lò dò vào, Amazon bắt đầu lò dò vào, và bọn họ không phải tầm thường. Trong buổi nói chuyện cách đây vài ba ngày, tôi đã nói với mọi người rằng: "Không chỉ riêng Masan đâu, các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam không cẩn thận có khi chỉ 3 - 5 năm nữa, khả năng xây dựng thương hiệu có thể vẫn còn, khả năng sản xuất có thể vẫn còn, nhưng khả năng bán hàng sẽ mất.
Hoặc họ sẽ bòn tất cả lợi nhuận bạn có thể có mới cho phép bạn đưa hàng đến tay người tiêu dùng. Bạn mất kênh phân phối. Và điều đó rất nguy hiểm. Bán gói mỳ có lời bao nhiêu đâu, nhưng bạn phải đóng 24% lợi nhuận biên ra siêu thị thì chắc chắn đổ máu", Phó TGĐ Masan cảnh báo.
Và Masan đang phải trở mình, quyết định làn sóng thứ 2 là chính thức bước ra và xây dựng mô hình kinh doanh mới - New Retail.
"Từ tuần sau, các bạn sẽ thấy thương hiệu Blue - bọn tôi chính thức bước ra khỏi cửa kho của mình, bước ra khỏi cửa hàng đồng nghiệp của mình để tiếp cận với 26 triệu hộ dân thông qua mô hình kinh doanh mới - New Retail", ông Nguyên chia sẻ.
"Đó là quyết định rất táo bạo", ông Nguyên thừa nhận. Trong làn sóng chuyển đổi số thứ nhất Masan phải mất 3 năm để xây dựng, và 1,5 năm triển khai tức là 4,5 năm trong khi toàn bộ câu chuyện làn sóng thứ 2 chỉ mất 6 tuần để suy nghĩ và chỉ mất 124 ngày để triển khai.
"Đúng 124 ngày, toàn hệ thống New Retail đã bắt đầu chạy ngoài đường (ngày 10/10 năm nay).
Làn sóng thứ 3 bắt tay với đối tác lớn ở Việt Nam
Nói về làn sóng thứ 3, ông Nguyên cho biết: "Làn sóng thứ 3 của Masan là bắt đầu bắt tay với các đối tác lớn ở Việt Nam để tự vệ với làn sóng tấn công từ bên ngoài về thương mại. Chúng tôi sẽ làm thế nào? Chúng tôi chưa biết. Nhưng ít nhất chúng tôi có ý tưởng về việc đó. Hãy chúc chúng tôi may mắn! Hãy chúc Việt Nam may mắn!"
Làm blockchain để minh bạch thưởng điểm cho người mua thịt lợn
Khi một khán giả đặt câu hỏi Masan áp dụng blockchain làm gì, ông Nguyên không ngại chia sẻ:
"Blockchain nghe nó to? Chẳng to gì cả. Nghe nó khó? Chẳng khó gì cả. Bạn chỉ tốn thêm 40 đồng/giao dịch, bảo đảm rằng giao dịch ấy được bảo vệ mãi mái. Đó là một câu chuyện thú vị", ông Nguyên nói.
Hiện công nghệ Blockchain đang được Masan ứng dụng trong công tác quản lý điểm thưởng cho khác hàng. "Blockchain Masan làm không như mọi người nghĩ, blockchain là công nghệ qúa đơn giản, quá rẻ làm trong 10 ngày với chi phí gần bằng 0. Hãy đặt nó làm nền tảng trước rồi nghĩ xem làm gì", ông Nguyên chia sẻ.
Masan đang thí điểm quản lý điểm thưởng cho khách hàng mua thịt lợn, sắp tiến tới mắm mỳ và các sản phẩm khác. Nhiều doanh nghiệp làm hệ thống điểm thưởng đấy, có thể bấm một nút sinh ra vài triệu điểm thưởng nhưng Masan nếu quyết định tạo ra tập điểm thưởng cho người tiêu dùng thì số điểm ấy phải được kiểm soát chặt chẽ. Đấy là nợ của MSN trên bảng cân đối kế toán, nếu hiểu được điều đấy thì mới làm blockchain không thì đừng làm mất thời gian. Theo ông Nguyên, để kiểm soát tiến trình sinh ra cho và nhận lại của tập điểm thưởng phải được đảm bảo số điểm thưởng đó chỉ được phép sinh ra cùng với sự tăng lên của doanh số. "Bảo đảm tính tường minh chính trực từ việc đi giao điểm", Phó TGĐ Masan chia sẻ lợi ích của việc áp dụng blockchain.
Cũng liên quan đến việc áp dụng công nghệ, ông Nguyên cho rằng "không phải cái gì công nghệ cũng chữa được, để sản xuất 1 chai nước mắm phải qua 36 bước, đố các bạn biết bọn tôi tự động hoá bao nhiêu bước, nếu tự động hoá 36 bước thì công ty đến giờ chưa ra được chai nước mắm nào. Công nghệ không giải quyết được mọi thứ đâu. Hãy cố gắng biết được càng nhiều càng tốt ở những điểm chúng ta dễ chết nhất. Một là sản lượng, hai là chất lượng, ba là giá thành bao nhiêu. Trong 36 bước hãy chọn 4 nơi quyết định nghiêm trọng đến 3 điều đấy và áp dụng nghiêm túc. Đó là cách chúng tôi đưa cuộc chơi vào, chúng tôi đưa giám đốc phân xưởng thành các nhà công nghệ giỏi hơn chúng tôi".
Châu Cao
Theo Trí thức trẻ
Links: http://ttvn.vn/cong-nghe/vi-dau-masan-va-nhieu-doanh-nghiep-san-xuat-lon-lai-lo-so-mat-sach-loi-nhuan-truoc-vien-canh-alibaba-amazon-tham-nhap-thi-truong-420192111154735228.htm