Chân dung Indovina Bank: Ngân hàng tài trợ cho tham vọng của Shark Liên

Trong mọi lĩnh vực đầu tư của tập đoàn Aqua One, từ nước sạch cho tới dược phẩm, tập đoàn của Shark Liên luôn song hành với Indovina Bank và một phần khác là Vietinbank.

Tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam trong vai trò một 'cá mập', doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên nổi lên như một nhà đầu tư luôn đặt mục tiêu đầu tư bền vững, vì cộng đồng lên hàng đầu. Trước khi tham gia Shark Tank, bà Liên từng được biết đến với những thương vụ trong ngành bảo hiểm như chuyển nhượng Bảo hiểm AAA, và thâu tóm Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) và cho ra mắt ứng dụng bảo hiểm công nghệ có tên gọi LIAN.

Ngoài bảo hiểm, những năm gần đây, hai lĩnh vực trọng tâm được Shark Liên đẩy mạnh đầu tư là nước sạch và dược phẩm thông qua Tập đoàn Aqua One và Công ty Dược Aikya

Trong lĩnh vực nước sạch, thông qua công ty CTCP Nước Aqua One, tập đoàn của Shark Liên hiện triển khai 3 dự án nhà máy sản xuất nước bao gồm Nhà máy nước mặt sông Hậu, Nhà máy nước mặt sông Đuống và Nhà máy nước mặt Xuân Mai – Hòa Bình. Đây đều là những dự án lớn với vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng.

Bên cạnh dự án nhà máy nước, CTCP nước Aqua One còn thâu tóm lại Công ty cấp thoát nước Phú Yên (PWS). Sau phiên đấu giá đầu năm 2019, CTCP Nước Aqua One đã trở thành công ty mẹ của PWS, với tỷ lệ sở hữu là 59,58%.

Đối với các dự án liên quan đến dịch vụ công cộng như điện, nước, nhu cầu vốn đầu tư lớn và thường được tài trợ bởi các ngân hàng. Đây cũng là lý do chi phí lãi suất thường chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá thành nước sạch.

Để đầu tư các dự án nước sạch, Shark Liên cũng sử dụng vốn vay ngân hàng. Được biết, ngân hàng thường xuyên tài trợ cho dự án nước sạch của tập đoàn Aqua One là Indovina Bank. Trong gian đoạn từ 2017 đến nay, CTCP Nước Aqua One đã nhiều lần thế chấp tài sản của mình tại Indovina Bank để đảm bảo khả năng trả nợ cho các khoản vay.

Năm 2017, trước khi trở thành công ty mẹ của PWS, CTCP Nước Aqua One đã sử dụng hơn 82,6 triệu phần phổ thông của PWS làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 300 tỷ đồng tại Indovina Bank.

Tới năm 2018, gần 20,8 triệu cổ phần phổ thông của Công ty Cổ phần nước mặt sông Đuống do tập đoàn của Shark Liên sở hữu được dùng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 590 tỷ đồng tại Indovina Bank.

Với dự án nước mặt sông Hậu, chủ đầu tư là CTCP nước Aqua One Hậu Giang – liên doanh giữa CTCP nước Aqua One (65,9%) và quỹ đầu tư VIAC Limitted của Oman (34%). Dự án có quy mô đầu tư giai đoạn 1 là 1.900 tỷ đồng.

Indovina Bank cũng được xem là nhà tài trợ vốn cho dự án nước mặt sông Hậu khi nhận thế chấp toàn bộ máy móc thiết bị (hình thành trong tương lai) của dự án này.

Không chỉ tài trợ vốn cho lĩnh vực nước sạch, Indovina Bank còn song hành với Shark Liên trong lĩnh vực ít được chú ý hơn là dược phẩm thông qua Aikya Group.

Aikya Group được thành lập năm 2016 có vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 cổ đông là: Công ty TNHH MTV Oneinvest (tỷ lệ sở hữu 49,99%); CTCP Một trăm (tỷ lệ sở hữu 50%) và bà Giang Thị Minh Hằng.

Tháng 7/2016, Aikya Group cùng Công ty TNHH MTV Dược Phẩm An Hy góp vốn thành lập CTCP Dược Aikya (Aikya Pharma), đây là pháp nhân chính thường được sử dụng trong các thương vụ thâu tóm doanh nghiệp trong ngành dược.

Điển hình trong số này là thương vụ thâu tóm CTCP Dược phẩm và Sinh học Y tế (Mebiphar). Sau hoạt động cổ phần hóa, Akiya Pharma trở thành cổ đơn lớn nhất của Mebiphar, nắm giữ 67,45% vốn điều lệ công ty này vào thời điểm cuối năm 2018.

Cũng trong năm 2018, Aikya Group thực hiện thương vụ thâu tóm lại CTCP Dược phẩm TV.Pharm khi mua thành công trọn lô gần 4,4 triệu cổ phiếu, tương đương 43,47% vốn điều lệ của TV.Pharm từ SCIC, nâng tỷ lệ nắm giữ tại TV.Pharm lên 60,5%.

Sau đó, Aikya Group đã chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần này cho Aikya Pharma. Đến tháng 6/2019, Akiya Pharma mua vào hơn 2,4 triệu cổ phần TV.Pharm để nâng tỷ lệ sở hữu từ 60,5% lên mức 82,21%.

Nguồn lực để hỗ trợ cho các hoạt động của Aikya Group và Aikya Pharma, một lần nữa, đến từ Indovina Bank. Cả Aikya Group và Aikya Pharma đã nhiều lần thế chấp tài sản tại Indovina Bank để làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay.

Cụ thể, năm 2018, Aikya Group đã thế chấp quyền tài sản phát sinh từ vốn góp tại công ty con là Aikya Pharma trị giá 316,8 tỷ đồng, bao gồm quyền sở hữu 3,59 triệu cổ phần tại Mebiphar và hơn 6 triệu cổ phần tại TV.Pharm làm tài sản đảm bảo cho khoản vay trị giá 590 tỷ đồng.

Đầu năm 2019, Aikya Pharma đã cầm cố 13,27 triệu cổ phần của Mebiphar, tương đương với mức định giá hơn 411 tỷ đồng làm tài sản cầm cố cho khoản vay tại Indovina Bank.

Indovina Bank là liên doanh giữa Vietinbank và Ngân hàng Cathay United (Đài Loan), với mỗi bên nắm giữ 50% vốn. Vietinbank chính là ngân hàng tài trợ vốn cho dự án Nước mặt sông Đuống gây chú ý trong thời gian qua.

Đáng chú ý, Công ty con của Vietinbank là Vietinbank Capital còn là đơn vị nắm giữ phần lớn cổ phần của Công ty Sông Đuống từ năm 2016 đến 2018. Tuy nhiên đây được xem là một khoản ủy thác đầu tư, Vietinbank Capital chỉ đứng tên, mọi quyền và lợi ích thuộc về bên ủy thác theo hợp đồng ký kết giữa hai bên.

Theo Trần Anh/Nhà Quản trị

Link gốc: https://theleader.vn/indovina-bank-ngan-hang-tai-tro-cho-tham-vong-cua-shark-lien-1575006990162.htm

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chan-dung-indovina-bank-ngan-hang-tai-tro-cho-tham-vong-cua-shark-lien-a118877.html