Hoạt động trong ngành nghề đầy thô ráp, gai góc nhưng ở Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình lại có chất nhẹ nhàng, sâu sắc, khiêm nhượng của một người con xứ Huế.
Phải gặp ông nhiều lần, nhìn thấy những việc ông làm, nhìn những tòa nhà Hòa Bình đã xây, mới thấu tỏ chất thép bản lĩnh nơi con người đã vững chải lèo lái con thuyền Hòa Bình suốt 32 năm nay.
Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình vừa được vinh danh “Doanh nghiệp phát triển bền vững trên 30 năm” và doanh nghiệp “Sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu TP. HCM 2019”, do Hiệp hội Doanh nghiệp TP. HCM trao tặng. Để đạt được danh hiệu này, Hòa Bình đã phải vượt qua nhiều tiêu chí như phải đạt hiệu quả kinh tế về doanh thu, lợi nhuận, đóng góp ngân sách, không gây ô nhiễm môi trường, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và lao động, chính sách pháp luật, trách nhiệm xã hội.
Trước đó, tên tuôỉHòa Bìnhcũng từng được xướng lên trong giải thưởng uy tín khác như tháng 7 vừa qua, Quỹ Thương hiệu Châu Á Thái Bình Dương đã trao giải Thương hiệu xuất sắc thế giới cho Hòa Bình và Hòa Bình cũng lànhà thầu xây dựngViệt Nam duy nhất sáu lần liên tiếp được bình chọn “Thương hiệu quốc gia”.
Riêng với cá nhân ông Lê Viết Hải cũng được vinh danh “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2019” - Cúp Thánh Gióng do Phòng Thương mại và Ccông nghiệp Việt Nam tổ chức.
Với những thành tích và ghi nhận này, năm 2018 và 2019 dường như là thời kỳ rực rỡ của Hòa Bình. Nhưng niềm tự hào lớn nhất cho Hòa Bình là tập đoàn đã góp phần xây dựng các đô thị, thành phố văn minh và hiện đại, qua các công trình chất lượng bền đẹp trong khắp cả nước.
Tính đến nay, Hòa Bình đã hoàn thành gần 400 công trình ở các lĩnh vực nhà ở, bệnh viện, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, trường học, nhà máy… Thương hiệu Hòa Bình luôn được khách hàng và chủ đầu tư tín nhiệm.
Công lớn cho tầm vóc hôm nay của Hòa Bình, biến một công ty nhỏ bé, có văn phòng chỉ vài chục người lên quy mô nhà thầu hàng đầu đất nước, tạo công ăn việc làm cho gần 30.000 con người, có tài cầm quân của ông chủ Lê Viết Hải. Ở con người này, dù gặp ở đâu, trên công trường, trong hội thảo, tại bàn đàm phán, trong các giao tiếp thông thường, đều duy nhất một phong cách: nhỏ nhẹ, mềm mỏng.
Ông Hải từng cho biết tính cách của mình ảnh hưởng bởi gia đình. Bố và người thân trong gia đình ông là những người xuất thân nghề giáo. Hơn thế, ông Hải quan niệm "không nhất thiết các ông chủ xây dựng phải có chung một mẫu số".
Lạ lùng thay, cá tính nhẹ nhàng, thận trọng của ông Hải lại trở thành ưu thế cho ông, trong rất nhiều khúc quanh của Hòa Bình, khi cần đến sự nhẫn nại, điềm tĩnh trong ra quyết định và giải quyết vấn đề. Không ai phủ nhận trong ông có những chất thép dữ dội, ẩn sâu bên trong.
Cánh diều ngược gió
Đó là khi ông quyết định bán nhà vì công ty. Ông Hải từng kể, năm 1985, sau khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc, ông được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty Quản lý nhà thuộc Sở Nhà đất TP. HCM. Sẵn chuyên môn cộng thêm đam mê kinh doanh từ nhỏ, lại nhận thấy tiềm năng của ngành xây dựng rất lớn, năm 1987, ông Hải quyết định thành lập Văn phòng Xây dựng Hòa Bình.
Với quy mô ban đầu chỉ 5 kỹ sư và gần 20 công nhân, ba năm sau, Văn phòng Xây dựng Hòa Bình đã hoàn thành công trình khách sạn Riverside (trên đường Tôn Đức Thắng, TP. HCM). Đây được xem là công trình có quy mô lớn, kỹ thuật thi công khá phức tạp lúc bấy giờ. Từ cột mốc này, Hòa Bình liên tục trúng thầu các dự án lớn như khách sạn International, Saigon Food Center, Tecasin Business Center.
Tuy nhiên, tại các công trình cao tầng như tháp truyền hình Bình Dương 252m, tòa nhà Keangnam 72 tầng, Hòa Bình chỉ đóng vai trò thầu phụ. “Chúng tôi chấp nhận đóng "vai phụ" để có thời gian học hỏi, tích lũy kinh nghiệm nhưng luôn xác định đến một lúc nào đó mình sẽ đóng "vai chính", ông Hải nói.
Theo ông Hải, Hòa Bình làm phụ cho các nhà thầu thế giới thì sẽ có cơ hội tiếp cận các bí quyết công nghệ, cách thức quản lý riêng, nhờ vậy mà học hỏi được kiến thức, công nghệ thi công tiên tiến, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho công ty.
Thực tế, trong quá trình Hòa Bình vươn lên vị thế Top 5 doanh nghiệp xây dựng lớn nhất trong nước và trở thành nhà thầu chính của nhiều dự án có quy mô hàng trăm tỷ đồng, ngoài mảng xây lắp, ông Hải còn mở mang hoạt động sang mảng sản xuất vật liệu xây dựng, thiết kế, sản xuất các sản phẩm đồ gỗ cho các công trình hay mở xưởng sơn đá Hòa Bình. Những mảng mở rộng này giúp Hòa Bình chủ động hơn trong nhận thầu các công trình.
Tuy nhiên, vì mở rộng nhiều và cũng do đặc thù ngành, trong một số giai đoạn, Hòa Bình rơi vào khó khăn. Ông Hải kể, có thời điểm, gia đình ông phải bán nhà, mượn tài sản của anh em thế chấp ngân hàng, quay vòng vốn, giúp công ty thoát khỏi vũng lầy.
Khó khăn không ít nhưng ở ông luôn giữ tinh thần lạc quan. Theo quan điểm của ông “mình phải bền gan, vững chí, chấp nhận rủi ro, thách thức và có sự tỉnh táo, để chủ động ứng phó với rủi ro”.
Rủi ro không lường là có những dự án bị kéo dài do chủ đầu tư chưa thu xếp được tài chính hoặc vướng thủ tục, khiến chi phí tăng nhưng ông Hải vẫn quyết tâm đồng hành cùng chủ đầu tư.
Ông chủ Hòa Bình đã ghi điểm trong mắt các chủ dự án khi chọn lựa con đường ấy. Nhưng trong quá trình hoạt động, nhất là khi phải tranh đua, không phải Hòa Bình lúc nào cũng nhanh chân hơn. Có những công trình lớn đã về tay nhà thầu khác và có những giai đoạn như năm 2015-2016, Hòa Bình vẫn chậm chân.
Phải sau năm 2016, sự bùng nổ mới rõ nét tại Hòa Bình. Ông Hải từng ví sự phát triển của Hòa Bình giống cách mọc của loài tre. “Mất 3 - 4 năm để cây tre ăn rễ sâu vài chục mét và chỉ nhú lên vài phân, nhưng sau đó chỉ trong 6 tuần nó sẽ cao lên 15 - 20 mét”.
Có những thời điểm, Hòa Bình vay nợ nhiều, như đòn bẩy để thúc đẩy tăng trưởng. Điều này có chút gì đó không giống với hình ảnh mềm mỏng, thận trọng ở người đứng đầu Hòa Bình. Trong các chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên, ông Hải tâm sự, Hòa Bình chấp nhận vay nợ nhiều hơn, bị nợ nhiều hơn, như cách để Hòa Bình chia sẻ gánh nặng với chủ đầu tư trong những thời kỳ khó khăn. Cách làm ấy đã có lúc khiến Hòa Bình lao đao, các chỉ số tài chính trở nên mất cân đối, cổ đông nghi ngờ còn cổ phiếu HBC của Hòa Bình nhiều phen sóng gió.
Ông chủ Hòa Bình từng sống cảnh nhà nghèo, trong gia đình đông con, khó khăn chồng chất nên thấu hiểu giá trị của sự gồng gánh chia sẻ. Ông tin tưởng, khi cùng đồng cam cộng khổ, con người sẽ song hành bền vững hơn. Hòa Bình hiện có mối quan hệ vững chắc với các chủ đầu tư chiến lược và lâu dài như Keppel Land, Gamuda Land, Sunshine Group, City Land, Becamex Tokyu, Phú Mỹ Hưng…
Thực tế, Hòa Bình đã sớm vượt qua khó khăn và đang vững vàng tiến bước. Theo báo cáo thường niên mới nhất thì chặng đường ba năm trở lại đây (2016-2018), Hòa Bình ghi nhận những kỳ tích về kinh doanh với tổng doanh thu tăng gần bốn lần so với chặng đường ba năm trước đó, đạt hơn 18.000 tỷ đồng vào năm 2018 còn lợi nhuận sau thuế đạt hơn 600 tỷ đồng.
Đáng chú ý, giá trị thương hiệu của Hòa Bình đã tăng lên, từ mức 48 triệu USD lên 79 triệu USD, theo định giá của hãng nghiên cứu Brand Finance (Anh). Đối với ông Hải, con số 75 triệu giờ lao động không tai nạn cũng là một kỳ tích cần kể đến. Tất cả khẳng định uy tín, tiềm lực, triển vọng của Hòa Bình.
Hòa Bình gần chạm tới mốc doanh thu tỷ USD - một mơ ước mà ông Hải từng tin sẽ trở thành sự thật trong tương lai không xa. Trong năm 2019 và các năm tiếp theo, chiến lược của Hòa Bình là “nhân đôi lợi nhuận và quốc tế hóa”, làm sao đưa Hòa Bình trở thành công ty xây dựng toàn cầu.
Chương trình chuyển đổi quy mô lớn này đã được McKinsey & Company trợ giúp, với khẩu hiệu “Không chỉ là tốt hơn mà phải là tốt nhất”. Hòa Bình áp dụng 8 giải pháp trọng yếu để làm sao trong 2 năm tới, Hòa Bình đạt tới các mục tiêu phát triển liên tục, đúng hướng, mạnh mẽ, bền vững.
Năm ngoái, tổng giá trị trúng thầu của Hòa Bình là xấp xỉ 26.000 tỷ đồng giá trị hợp đồng mới. Trong đó, gói thầu dạng Design & Build chiếm 17% tổng giá trị trúng thầu. Các hợp đồng mới hầu hết tập trung ở phân khúc căn hộ chung cư.
Ngoài ra, Hòa Bình cũng trúng thầu các dự án công nghiệp, hạ tầng. Các dự án D&B nổi bật như: Imperia Sky Garden, Jamila Khang Điền, Ascent Lakeside… Đáng chú ý, từ năm 2019, sự bứt phá của Hòa Bình đã có thêm sự trợ lực từ cổ đông mới Huyndai Elevator, hãng thang máy lớn nhất Hàn Quốc.
Khát vọng quốc tế
Có thể thấy, những giá trị Hòa Bình đạt được trong ba năm gần đây đã cho thấy đường đi, chiến lược đúng đắn của người thuyền trưởng Lê Viết Hải. Đối với ông, “doanh nghiệp muốn phát triển bền vững, cần phải được xây dựng trên một nền tảng vững bền”. Và nền tảng vững bền đó chính là công nghệ thi công tiên tiến, là nguồn nhân lực chất lượng cao, nền tảngquản trịtốt cộng với văn hóa doanh nghiệp đậm nét.
Riêng cá nhân ông Lê Viết Hải tìm thấy sự lãng mạn, yêu thích từ chính mỗi công trình “mỗi công trình đều là một sự sáng tạo mới, công trình càng phức tạp thì đòi hỏi sự sáng tạo càng cao”.
Ông Hải là người say mê cảm xúc, sáng tạo. Ngoài công việc, ông rất mê đàn hát. Hình ảnh vị chủ tịch kiêm tổng giám đốc một doanh nghiệp lớn nhóm đầu trong ngành xây dựng, mặc comple và ôm đàn guitar hát say sưa những giai điệu ngọt ngào, trữ tình do ông tự sáng tác về Hòa Bình và về người vợ hiền nhiều năm gắn bó đã là hình ảnh gây xúc động cho bất kỳ ai từng gặp.
Sự lãng mạn này đã theo ông, xoa dịu, chia sẻ với ông trong những thời khắc khó khăn, khi ông phải đưa ra các quyết định tuy có tính gây sốc nhưng lại chuẩn xác. Chẳng hạn, năm 2008 - 2009, Hòa Bình phải bán bớt các dự án đang có để giải quyết vấn đề vốn hoạt động cho Công ty.
“Chúng tôi bán tòa nhà Hòa Bình Tower lỗ gần 2 triệu USD nhưng phải chấp nhận”, ông cũng ngộ ra, “Khi doanh nghiệp nhắm đến nấc thang cao hơn, đi chặng đường xa hơn thì không thể mang vác theo mình quá nhiều thứ.”
Giai đoạn 2011 - 2014, khi chủ đầu tư các dự án bất động sản không có tiền thanh toán cho nhà thầu, ông Hải quyết định “cứu người cũng là cứu mình”. Và khi sự cố tai ương xảy đến, người ta thấy ông lo lắng bạc hẳn tóc.
Đặc biệt, khi giá cổ phiếu HBC rớt thảm, ông Hải từng phải viết một bức tâm thư gửi cổ đông khuyên họ đừng bán cổ phiếu và kêu gọi cán bộ công nhân viên dùng tiền nhàn rỗi mua cổ phiếu HBC, nhằm hạn chế đà giảm giá đồng thời hạn chế việc thâu tóm cổ phiếu Hòa Bình từ bên ngoài.
Giàu cảm xúc là điều bất cứ ai cũng có thể gặp ở vị lãnh đạo này. Cho đến nay, sóng gió ở Hòa Bình đã qua đi. Từ sân bay đến các đường phố Sài Gòn, đâu đâu cũng bắt gặp những logo của Hòa Bình, phủ rộng ở các công trình lớn.
Nhưng ông Hải luôn nuôi tham vọng đưa phạm vi hoạt động của Hòa Bình vươn ra khỏi biên giới quốc gia với mục tiêu trở thành công ty xây dựng đẳng cấp quốc tế. Chủ tịch của Hòa Bình luôn nói đi nói lại rằng, “Thời gian tiếp xúc học hỏi đối tác ngoại đã qua, nếu không ra nước ngoài học hỏi tiếp, chúng ta sẽ lạc hậu”.
Con đường vươn ra quốc tế không phải đợi đến bây giờ ông Hải mới ưu tiên. Từ nhiều năm trước, Hòa Bình đã có những hoạt động vươn ra nước ngoài. “Việc đặt một chân ra thị trường nước ngoài sẽ giúp chúng tôi có điều kiện tìm hiểu về thị trường mới, có điều kiện tiếp cận với môi trường xây dựng quốc tế, cập nhật kịp thời những công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xây dựng hiện nay”, ông Hải từng chia sẻ.
Đối với Hòa Bình, bước đi này rất quan trọng, như một chuẩn bị khi thị trường xây dựng trong nước bão hòa. Đến nay, Hòa Bình đã hiện diện ở bốn nước gồm Canada, Kuwait, Myanmar và Malaysia.
Chặng đường quốc tế hóa của Hòa Bình sẽ còn mạnh mẽ, như tính cách mạnh mẽ ẩn sâu trong phong cách từ tốn ở người thuyền trưởng của Hòa Bình.
Theo theleader.vn
Theo Doanh Nghiệp
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-le-viet-hai-chat-thep-an-sau-a118948.html