Trước khi sáp nhập vào Masan Group, mảng bán lẻ của Vingroup kinh doanh ra sao?

Sau 5 năm kể từ khi mua lại Oceanmart và đổi tên thành Vinmart, mảng bán lẻ của Vingroup đã đạt doanh thu tới 8.500 tỷ đồng/quý, sở hữu 2.600 siêu thị và cửa hàng. Vingroup đánh giá VinCommerce và VinEco đã hoàn thành sứ mệnh đề ra của Tập đoàn và giờ là lúc chuyển giao để dồn lực cho Công nghệ và Công nghiệp.


Sau 5 năm kể từ khi mua lại Oceanmart và đổi tên thành Vinmart, mảng bán lẻ của Vingroup đã đạt doanh thu tới 8.500 tỷ đồng/quý, sở hữu 2.600 siêu thị và cửa hàng. Vingroup đánh giá VinCommerce và VinEco đã hoàn thành sứ mệnh đề ra của Tập đoàn và giờ là lúc chuyển giao để dồn lực cho Công nghệ và Công nghiệp.

Ngày 3/12, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn Masan đã thoả thuận nguyên tắc về việc hoán đổi cổ phần Công ty VinCommerce và Công ty VinEco. Theo đó, VinCommerce, VinEco và Masan Consumer Holding sẽ sáp nhập để thành lập Tập đoàn Hàng tiêu dùng - Bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Vingroup sẽ hoán đổi toàn bộ cổ phần trong VinCommerce thành cổ phần của Công ty mới sau sáp nhập. Masan Group sẽ nắm quyền kiểm soát hoạt động, Vingroup là cổ đông.

Trước khi sáp nhập vào hệ thống của Masan Group, mảng bán lẻ của Vingroup thời gian gần đây liên tục thâu tóm các tên tuổi khác trên thị trường, như Fivimart, Shop&Go, Queenland Mart... Mở rộng nhanh chóng, Vingroup hồi tháng 9 vừa qua còn được Quỹ đầu tư Chính phủ Singapore (GIC) rót 500 triệu USD để có thêm nguồn lực phát triển.

Theo số liệu từ Vingroup, sau 5 năm phát triển, mảng bán lẻ của tập đoàn này đã có những bước phát triển thần tốc. Từ năm 2014, Vingroup bắt đầu gia nhập mảng bán lẻ với thương vụ mua lại hệ thống siêu thị Oceanmart, và trong năm này đạt doanh thu khoảng hơn 450 tỷ đồng.

Sang năm 2015, con số này đã tăng vọt lên trên 6.500 tỷ đồng và tiếp tục vượt 15.000 tỷ đồng trong năm 2016.

Năm 2017, Vingroup có những điều chỉnh để phù hợp hơn với thị trường và doanh thu chững lại, đi ngang so với năm 2016. Tuy nhiên, sang năm 2018 và nửa đầu 2019, doanh thu đã tăng trưởng mạnh trở lại, nhờ những thương vụ M&A.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính của Vingroup, doanh thu mảng bán lẻ 2 quý đầu năm nay đã lên một mặt bằng mới, khoảng 7.500 tỷ đồng/quý, cao gấp rưỡi so với quý 2, quý 3 năm 2018 và cao gấp 2 lần so với giai đoạn 2016-2017. Đến quý 3/2019 vừa qua, doanh thu tiếp tục lên một tầm cao mới khi vượt 8.500 tỷ đồng.

Trước khi sáp nhập vào Masan Group, mảng bán lẻ của Vingroup kinh doanh ra sao? - Ảnh 1.

Vingroup nhận định, sau 5 năm hình thành và phát triển, VinCommerce và VinEco đã bước đầu hoàn thành sứ mệnh đề ra của Tập đoàn. Đó là xây dựng thành công VinCommerce trở thành hệ thống bán lẻ theo tiêu chuẩn quốc tế, có quy mô lớn nhất Việt Nam. Sau khi chuyển giao mảng bán lẻ và nông nghiệp sang Masan Group, Vingroup sẽ tập trung hết sức cho mảng Công nghệ và Công nghiệp, với mục tiêu trở thành tập đoàn Công nghệ - Công nghiệp - Thương mại dịch vụ hàng đầu Việt Nam.

Được biết, công ty mới sẽ sở hữu mạng lưới hơn 2.600 siêu thị và cửa hàng VinMart & VinMart + tại 50 tỉnh thành với hàng triệu khách hàng. Cùng với đó là hệ thống 14 nông trường công nghệ cao VinEco cùng nguồn lực và 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất tiêu dùng từ Masan.


Hà My

Theo Trí Thức Trẻ

Links: http://ttvn.vn/kinh-doanh/truoc-khi-sap-nhap-vao-masan-group-mang-ban-le-cua-vingroup-kinh-doanh-ra-sao-52019312111128631.htm

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/truoc-khi-sap-nhap-vao-masan-group-mang-ban-le-cua-vingroup-kinh-doanh-ra-sao-a119029.html