Thị trường cuối năm trở nên sôi động hơn khi có thêm các tên tuổi thời trang toàn cầu gia nhập cuộc chơi, trong khi các thương hiệu khác đang dần phủ rộng hơn bằng việc gia tăng chuỗi cửa hàng.
Cửa hàng đầu tiên của hãng thời trang lớn nhất của Nhật - UNIQLO, chỉ vài ngày nữa sẽ khai trương tại Parkson Đồng Khởi. Cửa hàng UNIQLO nằm đối diện trung tâm thương mại Vincom - nơi mà H&M và Zara đã hiện diện vài năm qua, đồng thời cũng là khu trung tâm mua sắm sầm uất của TP.HCM.
Trong khi đó, Cotton:On - nhãn hiệu thời trang toàn cầu lớn nhất của Úc, với hệ thống hơn 1.400 cửa hàng tại 19 quốc gia cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam cuối tháng 11 với cửa hàng đầu tiên mở tại quận 2.
Quy mô thị trường thời trang Việt Nam được đánh giá hấp dẫn, theo đó ngày càng thu hút nhiều thương hiệu mới nhập cuộc. Theo thống kê từ công ty nghiên cứu thị trường Statista, quy mô thị trường quần áo Việt Nam năm 2019 ước tính 5,6 tỉ USD với mức tăng trưởng kỳ vọng 8,8% mỗi năm trong giai đoạn 2019-2023. Đặc biệt, 97% doanh thu thị trường đến từ những mặt hàng quần áo bình dân, không phải hàng cao cấp (Non-Luxury Goods).
Có mặt sớm hơn, Zara (từ 2016) và H&M (từ 2017) là hai cái tên nổi bật trong thị trường thời trang nhanh tại Việt Nam. Hồi tuần rồi, hãng H&M của Thụy Điển đã tiến ra miền Trung với cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng. Dù có mặt muộn hơn nhưng tốc độ mở chuỗi của H&M đã vượt Zara với 8 cửa hàng tại các thành phố trung tâm Việt Nam, trong khi thương hiệu tới từ Tây Ban Nha đang sở hữu hai cửa hàng ở Hà Nội và TP.HCM.
Hoạt động kinh doanh của cả hai được đánh giá thành công khi doanh thu thuần của H&M năm 2018 tại Việt Nam hơn 28 triệu USD (tương đương 664 tỉ đồng), với 6 cửa hàng tính tới ngày 30.11.2018, theo báo cáo thường niên của H&M. Mức doanh thu năm 2018 đã tăng gấp 4,5 lần doanh thu của năm 2017 (khoảng 6,5 triệu USD).
Báo cáo tài chính 2018 của Mitra Adiperkasa (MAP) - công ty quản lý thương hiệu Zara, cũng cho thấy doanh thu của hãng tại Việt Nam tăng hơn 1,7 lần mức năm 2017. Doanh thu từ tất cả các thương hiệu thuộc tập đoàn Inditex (công ty mẹ của Zara) tại Việt Nam đạt hơn 1.973 tỉ đồng, và 90% đến từ nhãn hàng Zara.
Theo các nhà phân tích kết quả kinh doanh của hai thương hiệu thời trang nhanh nói trên đã chứng minh phần nào độ hấp dẫn của thị trường. Lý giải cho sự thành công đó, theo bà Trần Hà Mi - Fashion Marketing Strategist nhận định do thị trường trong nước từ trước tới nay chưa có nhiều thương hiệu đủ năng lực đáp ứng đủ các yếu tố về mẫu mã, chất lượng và giá cả.
"Sự xuất hiện của Zara, H&M đánh đúng thoả mãn được gu thẩm mỹ của người tiêu dùng hiện đại khi giá rẻ không còn là yếu tố quá quan trọng với khách hàng", bà Hà Mi nói với Forbes Việt Nam.
Trong khi theo bà Cổ Huệ Anh - CEO của HNOSS, một thương hiệu thời trang Việt nhận xét, "tâm lý chuộng hàng ngoại của đa số người tiêu dùng Việt, đặc biệt là giới trẻ là một trong những yếu tố tạo nên thành công cho các thương hiệu thời trang nhanh".
Trong báo cáo về nền kinh tế các quốc gia trong khu vực ASEAN, PwC đưa ra số liệu cho thấy Philippines và Việt Nam là hai thị trường có tỷ lệ chi tiêu cho hàng tiêu dùng/GDP cao nhất trong khu vực. Dự kiến tới năm 2030, tỷ lệ này sẽ lên tới 40,2% tại Philippines và 36,6% ở Việt Nam.
"Thời trang nhanh" cũng là từ khoá được PwC đề cập đến xu hướng chi tiêu của người tiêu dùng khu vực ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng. Báo cáo cũng dẫn lại số liệu của Nielsen thực năm 2017, có 49% những người tham gia khảo sát trả lời họ sẵn sàng chi tiền cho quần áo và những kỳ nghỉ.
Tuy nhiên, thị trường thời trang nhanh sau ba năm tăng trưởng vượt bậc có vẻ đang "bão hoà". Theo bà Trần Hà Mi, yếu tố quan trọng nhất đối với sự phát triển và mở rộng quy mô của thị trường là sức mua. "Nhưng theo quan sát của tôi, sức mua của thị trường có vẻ đang chững lại", bà Mi nói với Forbes Việt Nam.
Thực tế, trong 9 tháng đầu năm nay, doanh thu từ các thương hiệu thuộc tập đoàn Inditex có mặt tại Việt Nam đã giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, mang về cho hãng khoảng 1.387 tỉ đồng, theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất của MAP.
Statista cũng dự báo tốc độ tăng trưởng của thị trường quần áo trong ba năm tiếp theo sẽ đi ngang và giảm nhẹ. Ở nhóm ngành chủ lực đang đóng góp phần lớn doanh thu là trang phục cho phụ nữ và trẻ em, Statista dự báo từ mức tăng trưởng doanh thu 8,4% năm 2019 xuống còn 7,8% năm 2022.
Theo bà Yến Vũ - nhà sáng lập một thương hiệu thời trang Việt Cocosin, sự xuất hiện của UNIQLO hay Cotton:On giúp thị trường sôi động hơn, và cũng không gây ra sự cạnh tranh trực tiếp. "Theo tôi người dùng Việt sẽ có thêm lựa chọn khi các ông lớn thời trang đặt cửa hàng tại Việt Nam. Đối với các thương hiệu, sẽ không phải cạnh tranh trực tiếp khi hướng đi của những nhãn hàng là khá riêng biệt", bà Yến Vũ nhận định.
Trao đổi với báo chí, đại diện của UNIQLO từng hé lộ, diện tích bán hàng (sale floor) của UNIQLO Đồng Khởi hơn 3.100m2 - một trong những điểm bán lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Hồi đầu năm 2019, thông cáo từ MAP- công ty quản lý thương hiệu Zara cũng nhận định Việt Nam là một trong những trọng tâm mới của Đông Nam Á, và hãng sẽ tiếp tục đầu tư phát triển thị trường này.
Link bài gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/cuoc-dua-moi-cua-cac-dai-gia-thoi-trang-nhanh-8384.html
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-dua-moi-cua-cac-dai-gia-thoi-trang-nhanh-a119314.html