Tuy nhiên, sau hơn 20 lần nước Sông Đà bị vỡ ống dẫn, rồi vụ “nước nhiễm dầu” khiến hàng triệu người dân lo lắng, lại đến việc nước Sông Đuống tính giá thiếu minh bạch... vẫn là nỗi ám ảnh không dễ dàng nguôi ngoai trong cuộc sống người dân. Đó cũng là điều dễ hiểu.
Những “dương mưu” rất đáng hoan nghênh!
Tại kỳ họp 11 HĐND Thành phố lần này, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Hùng đã minh bạch khá nhiều vấn đề cốt lõi trong tư tưởng chỉ đạo (mà trong dân gian thường quan niệm đây là dương mưu, những mưu lược được công khai) về việc chăm lo nước sạch cho người dân.
Thứ nhất, về nguồn nước, với hai nguồn là nước ngầm và nước mặt, Thành phố yêu cầu nước ngầm phải đảm bảo chất lượng. Những khu vực nước ngầm không đảm bảo thì có lộ trình đóng cửa; khu vực nào chất lượng đảm bảo thì tăng công suất khai thác để phục vụ nhu cầu sử dụng cho người dân. Bên cạnh đó là tập trung phát triển khai thác nguồn nước mặt, trong đó có các nhà máy nước sông Đà, nước mặt sông Đuống, nước mặt sông Hồng.
Thứ hai, về tiêu chuẩn chất lượng nước, Thành phố đã quyết định phương án là chỉ có 1 tiêu chuẩn nước sạch cho toàn thành phố, không phân biệt nước sạch đô thị, nước hợp vệ sinh. Đây là điều không mới từ trước tới nay nhưng là vì vừa rồi, trong dư luận ồn ào rằng có hai loại chất lượng nước, uống được tại vòi và không uống được tại vòi có giá khác nhau. Điều này đã thể hiện ý chí nhất quán về việc bảo đảm chất lượng nước sạch cho dân chúng, bất kể thuộc tầng lớp nào, vùng miền nào và thời điểm nào.
Thứ ba, về hệ thống dẫn nước, Thành phố xác định có nguồn nước đạt tiêu chuẩn mà không có mạng cung cấp đạt tiêu chuẩn thì cũng không đảm bảo việc phục vụ nước sạch cho người dân. Vì thế, Thành phố đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh lại quy hoạch cấp nước, xây dựng hệ thống cấp nước theo mạch vòng để đảm bảo trong trường hợp mất nước cục bộ khu vực này, sẽ điều tiết nước từ nơi khác thay thế, đảm bảo cấp nước liên tục, an toàn.
Thứ tư, về giá nước sạch, Thành phố vẫn giữ giá ổn định theo Quyết định 38/2013/QĐ-UBND từ năm 2013 đến nay. Thành phố đang xem xét có hỗ trợ giá nước cho khu vực vùng sâu, vùng xa. Đây là một thông tin rất quan trọng đã phá tan mọi nghi ngờ về đảo lộn giá nước trong thời gian tới, mặc dù nhiều người hiểu rằng, việc giữ giá nước quá bao cấp sẽ như con dao hai lưỡi. Mặt không tốt của nó là không hấp dẫn các nhà đầu tư phát triển nguồn nước bền vững, không khuyến khích người dân tiết kiệm trong tiêu dùng nước, làm hao tổn ngân sách khi các nhu cầu trọng yếu khác chưa được đáp ứng...
Những thông tin trên đây đã khiến nhiều người dân Thủ đô an tâm hơn và hy vọng chúng được biến thành hiện thực càng sớm càng tốt.
Những “âm mưu” và hậu quả cần lường trước
Vậy những vấn đề thiếu công khai (mà thường được gọi là âm mưu) trong lĩnh vực cung ứng nước sạch của Hà Nội hiện nay là gì?
Điều này đã được nhiều cơ quan truyền thông đăng tải trong suốt thời gian qua khi vụ việc Nhà máy nước mặt Sông Đuống đi vào hoạt động. Đặc biệt là khi dự án không được đấu thầu công khai và quan trọng hơn là “giá tạm tính” cho một mét khối nước của dự án này là 10.246 đồng, cao gấp 2 lần so với giá nước Sông Đà.
Trước hết, cần khẳng định rằng việc lập nên giá tạm tính cho các nhà đầu tư là cần thiết và bắt buộc phải có để có căn cứ thương lượng, trên cơ sở tính đúng, tính đủ giá thành sản phẩm và nhà đầu tư có lãi hợp lý.
Khi trả lời chất vấn trong kỳ họp này, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, không chỉ với nước sông Đuống, Thành phố cũng đã thỏa thuận giá tạm tính cho Nhà máy nước mặt Sông Hồng là 10.365 đồng/m3 nước để lập dự án. Ông khẳng định: “Cơ cấu giá nước sạch hiện nay trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có 5 nội dung, gồm: giá một khối nước được sản xuất, giá liên quan đến vận chuyển nước, giá quản lý nước, lãi suất 5% và cuối cùng là liên quan đến thất thoát nước được cho phép là 25%”.
Vậy liệu cách tính giá nước cho các nhà máy nước Sông Đuống và Sông Hồng kia có điều gì thiếu minh bạch và nằm trong các “âm mưu” không?
Nhân đây, chúng ta cùng chia sẻ về cách tính giá nước cho dự án Nhà máy nước mặt Sông Hồng của các cơ quan chức năng Hà Nội theo tờ trình liên ngành số 5782/LS:TC-XD-LĐTB&XH ngày 23/8/2018. Tại đây, các chi phí để tạo ra một mét khối nước sạch được tính khá chi tiết. Thí dụ, chi phí hóa chất, điện năng trực tiếp là 2.692 đồng/m3; chi phí sản xuất chung 3.907,20 đồng/m3 (bao gồm khấu hao tài sản cố định, sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng, xử lý bùn thải...); chi phí lãi vay 1.773,31 đồng/m3...; cộng tỷ lệ thất thoát 8,43%, tỷ lệ lợi nhuận định mức 5% nữa là thành 10.365, 41 đồng/m3.
Xin thưa, đây là con số đã được UBND Hà Nội phê duyệt và chỉ còn một bước nữa là “xin ý kiến” của Bộ Tài chính. Đến hôm mới đây, Bộ Tài chính đã có văn bản xác định có “âm mưu” trong việc tính giá này: "Về chi phí lãi vay, trong quá trình đầu tư, xây dựng, trường hợp chi phí vay phát sinh trong giai đoạn này đã được vốn hoá vào tài sản thì đã tính trong nguyên giá để khấu khao. Vì vậy, khi xác định giá nước sạch, đối với chi phí lãi vay cần loại ra phần chi phí lãi vay đã vốn hoá tránh tính trùng chi phí”.
Trời ạ, ngành sản xuất làm trầy vẩy mong cho lãi suất 10%, mà ở đây, chỉ một “âm mưu” thôi, các ngài đã định “xơi” của người dân Hà Nội ngót 20% doanh số! May mà có Bộ Tài chính phát hiện…
Tiếp nữa, cũng theo một số thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, việc cung ứng các máy móc, trang thiết bị, các cấu thành tài sản cố định đã và đang được hình thành từ các công ty sân sau của chủ đầu tư. Vì thế, việc nghi ngờ đội giá, nâng giá để tính khấu hao của mỗi dự án (cũng cỡ 20 - 30% trong giá thành mỗi mét khối nước) sẽ là không tránh khỏi. Vậy những “âm mưu” tiềm ẩn này làm thế nào để loại bỏ?
Nêu lên các vấn đề như vậy với mong muốn rằng, tất cả 4 cái “dương mưu” của Hà Nội vừa nói ở trên sẽ được thực hiện trọn vẹn mà thôi!