Những tưởng cuộc đời của Thuyết "buôn vua" chỉ có người tình duy nhất là diễn viên Linh Nga, nào ngờ trong một buổi phỏng vấn, đại gia một thời còn tâm sự về một người đàn bà bí ẩn.
Thuyết “buôn vua” (tên thật là Trần Văn Thuyết, SN 1960) từng được biết đến là một tay buôn cự phách ở Hà Nội những năm thập niên 90 của thế kỷ trước.
Nhiều đồn đoán cho rằng kinh nghiệm thương trường đã khiến cho ông nhanh chóng nhúng tay vào hoạt động xã hội, kể cả chốn "quan trường" với rất nhiều thành tựu không kém gì... đi buôn.
Tiếng tăm càng nổi bật hơn khi người ta đồn đoán Thuyết có thể sắp đặt, mua chuộc được nhiều vị trí cả trong chính quyền và từ đó biệt danh "buôn vua" dần hình thành.
Những năm 1990, khi quần áo “sida” (đồ cũ) còn chưa được biết tới ở miền Bắc thì Thuyết đã “ngửi” thấy mùi tiền từ thị trường này. Thuyết bàn với vợ, bảo vợ cho mình 10 triệu đồng làm vốn. Chỉ được vợ cấp cho 5 triệu đồng, Thuyết vẫn quyết tâm làm.
Thuyết bắt liên lạc với những tàu hàng chở đồ sida từ miền Nam ra Bắc. Thuyết mua mỗi lần cả toa tàu đồ cũ với giá rẻ như cho, rồi tự tay lựa ra những mẫu mã đẹp. Hớt hết đồ đẹp, Thuyết bán tháo lại những thứ mình loại ra.
Có quần áo đẹp trong tay, Thuyết thuê giặt ủi hấp cho thơm tho, thẳng thớm. Mỗi cái áo sida giá chưa đến 50.000 đồng, bỏ thêm độ 10.000 đồng cho khâu giặt ủi, đóng gói, Thuyết treo giá 500.000 mà vẫn có người mua. Ông ta thắng đậm vụ quần áo cũ này. Tiền lãi nhiều đến mức, trong những năm ấy, Thuyết khoe mang cả vali tiền vào TP.HCM, mua quần áo cũ phân loại rồi đóng gói chuyển theo đường… hàng không về Hà Nội bán.
Có vốn làm ăn, khi thấy thị trường có dấu hiệu bão hòa, nhiều người nhảy vào cạnh tranh, Thuyết chuyển luôn sang buôn bán đồ Hi-End, tức là trang thiết bị âm thanh cực xịn chỉ dành cho những người mê âm thanh và dám chịu chơi.
Nguyên tắc làm ăn của Thuyết trong cuộc chơi âm thanh là không cần nhiều khách. Khách hàng thân thiết của Thuyết khắp cả nước chỉ khoảng 200 người. Giá tiền có sẵn trong catalogue, Thuyết bán đúng giá, đảm bảo cho khách hàng từ chuyện thiết kế cách đặt máy, vị trí ngồi nghe nhạc, phòng nghe nhạc… Những cục loa sắt trong hệ thống loa phát thanh phường xã lên đời, Thuyết cho quân đi lùng mua, giá cao lắm cũng chỉ từ 150.000 đến 200.0000 đồng một cái.
Thuyết mang tất cả về, nhờ thợ đóng thùng "cao thủ" dùng gỗ xịn nhất đóng thùng. Âm thanh cực chuẩn và hay, mỗi cặp loa như vậy Thuyết bán với hơn 100 triệu đồng. Chưa kể đến những dây track mà chỉ có Thuyết là có nguồn hàng được bán cho dân chơi nhạc với giá vài nghìn USD một cái. Thuyết từng bán cặp loa cho một đại gia với cái giá 125.000 USD.
Trở thành đại gia từ âm thanh, Thuyết chuyển sang kinh doanh món hàng lạ khác. Đó là những chiếc xe được hóa giá theo niên hạn sử dụng của các Đại sứ quán trên địa bàn Hà Nội. Đây là một trong những nguồn thu nhập khổng lồ, đưa Thuyết lên vị trí đại gia của đại gia trong giới thượng lưu, có những mối quan hệ "khủng" tới mức Năm Cam cũng phải cậy nhờ.
Trong những lần vào Nam ra Bắc để làm ăn buôn bán, Thuyết quen biết với "trùm giang hồ" Trương Văn Cam (tức Năm Cam). Sau khi Năm Cam bị bắt (tháng 12/2001), Ban chuyên án của Tổng cục Cảnh sát đã có được những thông tin ban đầu về vai trò của Thuyết “buôn vua” trong vụ chạy án cho Năm Cam năm 1995. Nhưng ban đầu, các điều tra viên đã phải xới tung tài liệu về Thuyết, và lần ra vụ việc hồi tháng 5/1995, Thuyết từng có hành vi giữ người trái pháp luật.
Tuổi trẻ đưa tin, thời điểm đó, Thuyết gạ bán cho anh Vũ Quốc Tuấn, ở tập thể Nguyễn Công Trứ, Hà nội, một xe Ford 15 chỗ ngồi với giá 15.500 USD. Đôi bên thỏa thuận, anh Tuấn chạy thử một tuần, nếu không thích mua thì thôi. Nhưng khi anh Tuấn trả lại, Thuyết trở mặt. Thông qua Nguyễn Văn Thắng (Thắng “tài dậu”), Thuyết nhờ Trần Quốc Sơn (Sơn “bạch tạng”) cho đàn em là Hoàng Quốc Thắng (Thắng “điếc”) uy hiếp, khống chế, bắt nhốt và đánh đập anh Tuấn.
Nạn nhân bị buộc ghi giấy nhận nợ 15.500 USD rồi mới cho về. Đến tháng 9/1996, Thuyết lại sai Thắng “điếc” đưa anh Tuấn về nhà giam lỏng từ 10h đến 18h, vừa đánh vừa dọa để anh lập một giấy nhận nợ khác.
Sau khi củng cố đủ chứng cứ về vụ bắt giữ người trái pháp luật nói trên, ngày 6/4/2002, Ban chuyên án tiến hành bắt khẩn cấp Trần Văn Thuyết.
Khi khám xét nhà Thuyết “buôn vua”, Long “đầu đinh”, công an đã thu giữ được một số ảnh Thuyết, Hiệp, Long chụp chung với ông Phạm Sĩ Chiến, Trần Mai Hạnh vào tháng 2/1997 tại Hà Nội, thời điểm Năm Cam đang tập trung cải tạo. Mối thân tình đó giải thích cho việc tại sao Năm Cam được trả tự do một cách dễ dàng.
Chuyện tình với Linh Nga và người đàn bà bí ẩn
Nói về chuyện tình của Thuyết “buôn vua”, người mà người ta nhớ đến nhất là diễn viên điện ảnh Linh Nga. Người đẹp này đi qua cuộc đời Thuyết "buôn vua" như một người tình tri kỷ, mà có lẽ cả cuộc đời mình, Thuyết không thể quên được.
Khi quen Linh Nga, Trần Văn Thuyết đang ở trên đỉnh cao danh vọng. Thuyết từng chia sẻ, sự thông minh và nhiệt huyết của tuổi 20 đã khiến cho sự từng trải của tuổi 40 của ông phải đầu hàng. Có lẽ họ đã có một gia đình hạnh phúc nếu đại gia này không dính vào vụ chạy án cho Năm Cam và kết thúc sự nghiệp của mình bằng bản án 20 năm tù.
Bằng số tiền kiếm được Thuyết đã mua một ngôi nhà thứ 4 để làm nơi đi lại với Linh Nga tại 31 Hàng Chuối (sau ba nhà ở Nguyễn Thái Học, Hào Nam, và ở Nghĩa Tân). Căn nhà 31 Hàng Chuối cũng là sản phẩm xiết nợ của Ngân hàng Đống Đa. Mua xong, Thuyết đổ tiền biến căn hộ tập thể thành “khách sạn năm sao”.
Đồ đạc trong nhà toàn là thứ xịn mua ở cửa hàng đồ gỗ cao cấp. Một chiếc gạt tàn 1.500 USD bằng pha lê Tiệp. 3 bộ đèn chùm 7.000 USD/bộ. Chai rượu của Anh bốn mặt khắc nổi hình Nữ hoàng Ai Cập. Chiếc giường cưới 10.000USD. Bộ dàn nghe nhạc của Thuyết không phải comlê mà độc ở chỗ mỗi thứ một nước sản xuất. Đầu Nhật, amply Đan Mạch, loa Anh, bộ kích Mỹ. Dân chơi cho biết Hà Nội không có bộ thứ hai. Một chiếc két không biết bên trong đựng thứ gì mà khi đưa về cùng với thùng loa, Thuyết đã phải thuê cần cẩu đưa lên tầng. Đặc biệt trong nhà Thuyết vốn có một chiếc màn hình và chiếc máy chiếu phim của Nhật trị giá 9.000 USD.
Chia sẻ với báo Đất Việt, Trần Văn Thuyết từng kể, từ khi bị bắt rồi cải tạo tại trại giam Phước Hòa, năm nào Linh Nga cũng đến thăm Thuyết vài lần. Vậy nhưng trong một lần Linh Nga lặn lội từ Hà Nội vào Tiền Giang thăm, Thuyết đã gạch tên cô ra khỏi sổ thăm nuôi và chúc cô hạnh phúc. Cô đã khóc và nói với Thuyết: "Người ta bỏ anh vào tù, còn anh bỏ nhà tù vào em". Đó là lần cuối cùng hai người gặp nhau.
"Sau này ra tù, nếu có cơ hội gặp lại, tôi sẽ chúc phúc cho cô ấy để cô ấy hiểu một điều, với Trần Văn Thuyết, Linh Nga mãi mãi là một người con gái đáng được trân trọng. Tuy nhiên, giữa chúng tôi chỉ có duyên, không có nợ. Tôi coi Linh Nga mãi mãi là một kỷ niệm đẹp của mình", Thuyết nói.
Vậy nhưng trong một lần trả lời phỏng vấn Vietnamnet, Thuyết “buôn vua” còn nói về một người phụ nữ khác.
“Sau khi tôi bị bắt, vì nhiều lý do khác nhau tôi và những người phụ nữ của tôi lần lượt rời xa. May mắn cho tôi, một phụ nữ đã thầm yêu tôi từ 20 năm trước, lúc tôi có nhiều bóng hồng vây quanh thì người này đứng bên lề cuộc đời tôi. Khi tôi bị bắt và thụ án ở phía Nam, cô ấy đã từ Hà Nội vào TP.HCM mở quán ăn, tần tảo kiếm tiền để thăm nuôi hằng tháng.
Có những cái tết cô ấy vào trại giam thăm và ăn tết cùng với tôi. Mỗi khi có dịp đặc xá, cô ấy thấp thỏm mong chờ và cuối cùng ngày đó cũng đã đến. Đây là người phụ nữ cuối cùng của đời tôi và tôi đang làm hết sức để đáp lại tấm chân tình này”, ông Thuyết chia sẻ.
Tin vào luật Nhân – Quả
Sau thời gian cải tạo tốt, người đàn ông với biệt danh “buôn vua, bán chúa” một thời, đã được đặc xá sau 13 năm thụ án. Trở về với cuộc sống thường ngày tại căn nhà ở phố Hàng Chuối, ông Thuyết dành nhiều thời gian cho việc chăm sóc gia đình, và tiếp tục với niềm đam mê kinh doanh Hi-End bấy lâu đã bị gián đoạn.
Cũng chính thời gian cải tạo trong trại giam giúp ông Thuyết nhận ra nhiều điều: “Tôi tin vào luật Nhân - Quả. Kẻ gieo gió ắt sẽ gặp bão. Chính vì thế, trong thời gian cải tạo, tôi luôn sống thật bằng con người mình, bằng năng lực của bản thân. Xã hội rất công bằng, nếu người ta có ý chí phấn đấu, làm đúng trách nhiệm, nghĩa vụ và lương tâm mình”, ông Thuyết chia sẻ.
"Cuộc sống đối với tôi bây giờ không quan trọng ai cao, ai thấp. Cuộc đời tôi va chạm đã nhiều, đã từng được coi là ông này, bà nọ, nhưng khi trở về, tôi nghĩ mọi thứ cũng chỉ là những điều hết sức bình thường trong xã hội. Với tôi, những năm tháng trong trại giam như thế là quá đủ”, vị đại gia một thời chiêm nghiệm.
Ít người biết Thuyết “buôn vua” chính là bố ruột của Trần Thu Hiền hay còn được gọi là Coco Trần, con dâu ông chủ tập đoàn Empire Group, chủ đầu tư dự án Cocobay.
Chính khi Thuyết vào tù, Coco Trần mới 11 tuổi đã nói với bố: “Điều mà bố chưa làm được thì con sẽ làm thay bố…”.
Lê Lan (Tổng hợp)
Theo Người Đưa Tin
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/qua-khu-lay-lung-va-nguoi-dan-ba-bi-an-cua-dai-gia-thuyet-buon-vua-a119771.html