Mới đây, tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tiếp tục lọt vào danh sách thường niên 100 người phụ nữ quyền lực nhất hành tinh do Forbes bình chọn. Bà là đại diện duy nhất của Việt Nam góp mặt trong danh sách này.
Năm 2019 đánh dấu tròn 3 năm bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của Việt Nam và cả Đông Nam Á. Khối tài sản hiện tại của nữ tỷ phú Việt được Forbes định giá 2,7 tỷ USD.
Ngoài vai trò được nhớ đến nhiều nhất là Tổng giám đốc Vietjet Air, bà Thảo còn giữ chức Phó chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP HDBank. Khối tài sản tại ngân hàng này cũng đóng góp vào cơ nghiệp tỷ USD của bà.
15 năm tại HDBank
Tính đến nay, bà Thảo đã có 15 năm làm việc tại HDBank trong lịch sử 30 năm hoạt động của ngân hàng này. Trước đó, nữ tỷ phú cũng từng tham gia thành lập và quản lý một số ngân hàng khác như Techcombank, VIB.
Trong cơ cấu sở hữu hiện tại của HDBank, Sovico là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này với 13,3% cổ phần. Bà Thảo là Chủ tịch Sovico Holdings kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.
Ngoài số cổ phần đại diện cho Sovico, bà Thảo còn trực tiếp nắm giữ 3,7% cổ phần của HDBank. Xét theo giá cổ phiếu của HDBank trên sàn chứng khoán, khối cổ phần tại HDBank do bà Thảo đứng tên có giá trị khoảng 4.500 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản hiện tại của HDBank tính đến ngày 30/9 là 217.245 tỷ đồng, đứng thứ 12 trong hệ thống các ngân hàng Việt Nam. Kế hoạch năm 2019 của HDBank là tổng tài sản sẽ vượt mốc 250.000 tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, HDBank lọt vào top 10 nhà băng có lãi nhiều nhất với lợi nhuận trước thuế 3.448 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ và là mức cao nhất lũy kế 9 tháng từ trước đến nay. So với mục tiêu lợi nhuận 5.077 tỷ đồng của cả năm 2009, HDBank hoàn thành 68% kế hoạch sau 9 tháng.
Một vài chỉ số của HDBank như hệ số sinh lời trên tài sản (ROA), hệ số sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ suất lãi thuần (NIM) của HDBank đạt mức 1,7%, 20,2%, 4,6%, thuộc nhóm cao nhất trong các ngân hàng Việt.
Một trong những lợi thế quan trọng của HDBank so với các nhà băng khác là sở hữu một trong 3 công ty tài chính cho vay tiêu dùng lớn nhất Việt Nam là HD Saison. Hiện tỷ lệ sở hữu tại HD Saison mà HDBank nắm giữ là 51%.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, HD Saison báo lãi trước thuế 701 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 6,2%, không đổi so với cùng kỳ 2018. Tính đến ngày 30/9, HD Saison cho biết có 6,2 triệu khách hàng, đứng đầu thị trường về thị phần cho vay mua xe máy và số điểm bán hàng so với 2 đối thủ FE Credit và Home Credit.
Trong chiến lược trọng tâm tập trung vào doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và bán lẻ, HDBank cho biết hướng đấn phân khúc khách hàng có thu nhập trung bình và cao trong khi HD Saison sẽ bao phủ phân khúc khách hàng có thu nhập thấp và chưa tiếp cận dịch vụ ngân hàng.
Nữ tỷ phú hàng không duy nhất của thế giới
Gắn bó với ngành tài chính ngân hàng lâu nhất nhưng hàng không mới là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực với thành công của Vietjet Air.
Forbes đánh giá bà Nguyễn Thị Phương Thảo đã làm nên lịch sử trong ngành hàng không thế giới khi là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất khởi nghiệp, điều hành một hãng hàng không thương mại lớn.
Tại Vietjet Air, 4 cổ đông lớn nhất lần lượt là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (28,6%), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (8,8%) và Sovico Holdings (7,6%) và Ngân hàng HDBank (5%). Là chủ sở hữu của công ty Hướng Dương Sunny, số cổ phần tại Vietjet do bà Thảo quản lý có giá trị thị trường hơn 33.000 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vietjet đạt doanh thu hợp nhất 38.134 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không là 30.597 tỷ đồng. Dù có doanh thu chỉ bằng phân nửa so với Vietnam Airlines Group, Vietjet Air báo lãi trước thuế 4.206 tỷ đồng, cao hơn mức lợi nhuận hợp nhất 3.291 tỷ đồng của đối thủ.
Theo số liệu khai thác chuyến bay của Cục Hàng không, Vietjet Air là hãng có thị phần hàng không nội địa lớn nhất trong 9 tháng đầu năm với 43%. Vietnam Airlines xếp thứ 2 với 37% thị phần trong khi Jetstar Pacific chiếm 11%. 2 vị trí cuối cùng thuộc về Bamboo Airways (5%) và VASCO (4%).
Sau khi nắm trong tay thị phần số 1 tại thị trường trong nước, Vietjet Air của tỷ phú Phương Thảo đang tập trung mở rộng ra thị trường quốc tế.
“Chiến lược của chúng tôi là mở rộng tới bất kỳ thị trường nào trong bán kính 2.500 km để có thể bao phủ khu vực chiếm một nửa dân số thế giới”, CEO Vietjet chia sẻ với Forbes.
Ngoài ngân hàng và hàng không, bà Thảo cũng tham gia lĩnh vực bất động sản với cổ phần tại Công ty Địa ốc Phú Long và 3 khu nghỉ dưỡng Furama Resort (Đà Nẵng), Ana Mandara, An Lam Ninh Van Bay Villas (Nha Trang).
Theo Zing News