Lần đóng cửa dứt khoát Tập đoàn tài chính Vincom của tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Khi ở trên biển, gió bão đến phải vứt bỏ bớt những thứ không phải là cốt lõi để tự cứu mình

Không nhiều người còn nhớ hơn 11 trước Vingroup từng có kế hoạch xây dựng một tập đoàn tài chính bao gồm cả ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và công ty quản lý quỹ.

Mùa hè năm 2008, tại Vinpearl Land, nhân dịp sinh nhật toàn tập đoàn Vincom (tiền thân là Technocom và hiện nay là Vingroup), Chủ tịch Phạm Nhật Vượng đã giới thiệu các vị trí lãnh đạo mới của Tập đoàn Tài chính Vincom (VFG), đó là Tổng giám đốc ngân hàng Vincom, một chuyên gia người Ấn Độ được ông Vượng mời về. Bên cạnh ngân hàng, VFG còn có công ty bảo hiểm, công ty quản lý quỹ và công ty chứng khoán Vincom.

Vincom thời điểm đó có tham vọng lấn sân thị trường tài chính sau khi thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ năm 2006 và các ngân hàng tư nhân chưa phát triển quá mạnh. Đó cũng là thời điểm ông Vượng đưa hai cổ phiếu VIC (Vincom - tháng 9/2007) và VPL (Vinpearlland - tháng 1/2008) lên niêm yết, thu được nguồn tài chính dồi dào nhờ giá cổ phiếu tăng vọt 10-15 lần giá trị sổ sách.

Nhưng giai đoạn 2007 - 2008 là thời kỳ khủng hoảng tài chính tại Mỹ lan rộng đã ảnh hưởng nặng nề đến thị trường tài chính toàn cầu. Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó.

Thị trường chứng khoán chao đảo, Vn-Index rơi từ trên 1.000 điểm xuống còn hơn 300 điểm khi tạo đáy vào tháng 3/2009. Trong khi đó ngành ngân hàng Việt Nam chưa một năm nào chứng kiến biến động lãi suất khủng khiếp như vậy, lãi suất liên ngân hàng đầu năm có thời điểm lên đến 43%/năm, lãi suất huy động dân cư 19%/năm. NHNN liên tiếp điều hành lãi suất bằng cách cắt giảm liên tiếp lãi suất điều hành để bơm tiền ra thị trường.

Dẫn dắt dài dòng để thấy rằng bối cảnh thị trường năm 2008 cho thấy một bức tranh không mấy sáng sủa về thị trường tài chính Việt Nam. Và lúc này ông Vượng, mặc dù đã chuẩn bị sẵn sàng các nhân sự chủ chốt cho sự ra đời của Tập đoàn tài chính Vincom, đã quyết định dừng chân không tham gia vào mảng tài chính.

Một chia sẻ mới đây của chị Nguyễn Thị Thanh Hải, một nhân viên có thâm niên 8 năm ở Bộ Tài chính được mời sang làm một vị trí quản lý trong công ty chứng khoán Vincom trước kia đã được lan truyền trên mạng xã hội. Theo lời chia sẻ của người trong cuộc, để có thể thu hút nhân sự từ Bộ Tài chính sang chứng khoán Vincom, ông Vượng đã trả lương gấp 3 lần lương chỗ cũ.

Trong khi đó, Dự án Bảo hiểm Vincom do ông Huỳnh Thanh Phong - Tổng giám đốc Prudential khi đó làm Chủ tịch, khi ông Phong đi kéo theo một ekip các vị trí chủ chốt của Prudential, toàn các nhân tài của ngành bảo hiểm.

Cuối 2008 đầu 2009, khi đánh giá những khó khăn của thị trường tài chính toàn cầu, ban lãnh đạo Vincom đã họp ngày họp đêm và quyết định dừng mảng Tài chính: Dừng dự án Ngân hàng dù nhân sự đã tới mấy trăm người tuyển về; Dừng dự án Bảo Hiểm dù đã chuẩn bị xong toàn bộ chờ ngày ra mắt với hàng trăm nhân sự đã full vị trí; Dừng Công ty Quản lý Quỹ; Tinh gọn công ty Chứng khoán, để duy trì. Tất cả đều diễn ra thần tốc chỉ trong 1 tuần.

Khi quyết định dừng, Vincom đã phải đền bù 6 tháng đến 1 năm lương cho các nhân sự, dù chưa thực sự làm việc một ngày nào. Chị Hải chia sẻ, khi đó ông Vượng đã nói với nhóm Tài chính, đại ý rằng: "Khi chúng ta ở trên 1 con thuyền đi trên biển, gió bão đến. Chúng ta sẽ phải vứt bỏ bớt những thứ không phải là cốt lõi để tự cứu mình. Với Vin, core của Vin là bất động sản nên thời điểm này các anh bắt buộc phải giữ và cứu Vin bằng Mảng Bất Động Sản. Anh xin lỗi các bạn nhưng anh phải dừng các dự án tài chính".

Vincom Securities là công ty duy nhất của Tập đoàn Tài chính Vincom đi vào hoạt động)

Chia sẻ của chị Hải không nhắc nhiều đến việc đóng cửa công ty chứng khoán Vincom (VincomSC) hai năm sau đó. Năm 2010, sau một cuộc họp vào chiều thứ 7, đến sáng thứ 2 tuần sau thông báo đã được phát đi toàn thị trường: VincomSC sẽ đóng cửa sàn giao dịch Hà Nội và bán lại toàn bộ công ty. Thị trường chứng khoán khi đó ngỡ ngàng vì quyết định dừng chân của VincomSC thời điểm đó, khi thị trường chứng khoán vừa hồi phục trở lại năm 2009.

Ông Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Vincom thời điểm đó cho biết, "Một lý do khiến chúng tôi đi nhanh đến quyết định thu hẹp hoạt động của VincomSC và tiến tới chuyển nhượng hẳn công ty này là do hoạt động không tốt, liên tục không đạt những chỉ tiêu và kế hoạch đặt ra…".

Nhiều người đã tỏ ý tiếc nuối về việc rút lui của VincomSC, nhưng có lẽ đó là một quyết định đúng đắn cho Vincom ở thời điểm đó. Không còn phải lo cho Dự Án Tài chính tiêu tiền khủng - Vingroup đã mạnh mẽ vươn lên với Core Business của mình là Bất động sản.

Kể từ thời điểm 2009 đến nay, Vingroup đã mở ra và đóng lại không biết bao nhiêu dự án: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics), Emigo (công ty thời trang VinFashion) hay mới nhất là VinPro và Adayroi.

Quay lại thời điểm hiện tại, khi ông Vượng ra quyết định bán Vinmart, giải thể Vinpro sáp nhập Adayroi vào VinID để tập trung toàn lực cho Vinfast và Vinsmart, đã có ý kiến lo ngại về cuộc chơi mới của Vingroup, và cuộc chơi này không có đường lùi.

Vingroup không có đủ nguồn lực để phát triển hình quả mít và đốt tiền cho tất cả các mảng, trong khi mảng nào cũng đòi hỏi phải bơm tiền cực mạnh mới có thể cạnh tranh được trên thị trường hiện nay. Quyết định đóng Adayroi trong bối cảnh Tiki, Lazada, Sendo, Shopee được hỗ trợ mạnh từ vốn nước ngoài là quyết định đúng đắn.

Việc giải thể Vinpro trong bối cảnh Vinsmart đang được đầu tư mạnh sẽ khiến các sản phẩm của Vin không bị bó hẹp trong trung tâm thương mại Vincom, mà có thể được phân phối bởi các chuỗi lớn như Thế giới di động hay FPT Shop, còn Vinmart mang về mỗi năm cho tập đoàn gần 1 tỷ USD doanh thu, nhưng về cơ bản, mỗi năm tập đoàn vẫn gánh lỗ rất lớn cho mảng bán lẻ.

Thực tế Vingroup chưa rút khỏi hoàn toàn Vinmart, đây không phải là thương vụ bán đứt mà là sáp nhập. Vingroup vẫn cần Vinmart để làm cát cứ cho các trạm sạc điện của xe Klara. Việc bắt tay của hai tỷ phú đô la lớn nhất Việt Nam sẽ là một sự hỗ trợ của các ông trùm đã có mối quan hệ lâu năm từ Đông Âu. Và về cơ bản, đừng dạy các tỷ phú cách tiêu tiền!

Slogan của Vingroup đã được đổi từ "Nơi tinh hoa hội tụ cùng phát triển" thành "Mãi mãi tinh thần khởi nghiệp", ông Vượng mong muốn từng tế bào của Vingroup đều giữ được ngọn lửa, ý chí và tinh thần sáng tạo không ngừng như ngày mới bắt đầu.

"Chúng ta chưa bao giờ lên đỉnh và sẽ có lẽ không bao giờ có đỉnh.

Luôn giữ tinh thần startup, không để xuất hiện suy nghĩ hưởng thụ.

Hãy tận dụng thế mạnh của mình thành cái mạnh nhất để cạnh tranh với cái mạnh của đối thủ.

Đôi lúc thực hiện công việc nên tư duy cực kì đơn giản, chỉ cần chưa chết, tương lai xài tốt, và có tính lâu dài", tỷ phú Vượng đã đúc kết các chân lý về làm giàu.

Theo Trí thức trẻ 

Link bài gốc: http://ttvn.vn/cong-nghe/lan-dong-cua-dut-khoat-tap-doan-tai-chinh-vincom-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-khi-o-tren-bien-gio-bao-den-phai-vut-bo-bot-nhung-thu-khong-phai-la-cot-loi-de-tu-cuu-minh-420192212232335205.htm

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/lan-dong-cua-dut-khoat-tap-doan-tai-chinh-vincom-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-khi-o-tren-bien-gio-bao-den-phai-vut-bo-bot-nhung-thu-khong-phai-la-cot-loi-de-tu-cuu-minh-a121458.html