Lần thứ ba, sự kiện Forbes Việt Nam Under 30 Summit 2018 sắp diễn ra vào ngày 24/4 tới nhằm tôn vinh 30 gương mặt nổi bật dưới 30 tuổi trong các lĩnh vực như kinh doanh, khởi nghiệp công nghệ, hoạt động xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục, nghệ thuật, giải trí, thể thao tại Việt Nam.
Với giới hạn độ tuổi dưới 30, năm 2018 đã xuất hiện nhiều gương mặt CEO 9x và cuối 8x đang lãnh đạo và điều hành các start-up trẻ cũng như các doanh nghiệp đã có chỗ đứng trên thị trường. Đó cũng là khởi nguồn cho sự ra đời của loạt bài về “Thử thách của CEO trẻ” trên Brands Vietnam, phỏng vấn xoay quanh những chia sẻ về:
Nhân vật tiếp theo trong danh sách Forbes Vietnam 30 Under 30 năm 2018 mà Brands Vietnam gặp gỡ là Nguyễn Khôi, nhà sáng lập và CEO 27 tuổi của ứng dụng WeFit - được xem như người tiên phong trong việc đưa công nghệ vào lĩnh vực sức khỏe và thể hình. Mới ra mắt hơn một năm, WeFit đã đạt được mức tăng trưởng trung bình 40% mỗi tháng, hiện sở hữu 5.000 khách hàng sử dụng hàng tháng và hợp tác với 600 đối tác ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, với doanh thu trong năm 2017 đạt 700 ngàn đô la Mỹ.
* Xin chào và chúc mừng Khôi khi được vinh danh trong Forbes Việt Nam 30 Under 30 năm 2018. Trước tiên, Khôi có thể giới thiệu một chút về hành trình của mình trước khi khởi nghiệp với WeFit?
Cảm ơn Brands Vietnam. Bản thân mình vốn xuất thân từ học sinh chuyên Toán Tin, năm 17 tuổi mình bắt đầu du học ngành Kỹ sư máy tính tại viện Công nghệ Illinois (Illinois Institute of Technology, Hoa Kỳ) khoảng 5 năm. Thật ra từ lúc còn là sinh viên mình đã rất thích làm start-up, nên khi vừa về Việt Nam mình xin vào thực tập ngay ở công ty IDG Ventures Vietnam một thời gian để nhìn xem bức tranh start-up ở Việt Nam như thế nào.
Sau đó, mình làm việc ở công ty truyền thông Netlink được nửa năm thì quyết định khởi nghiệp, năm 22 tuổi, với dự án khởi nghiệp đầu tiên tên là Vocalno (chuyên sản xuất các sản phẩm Mobile Apps và dự án Ontot). Dự án này không thành công lắm và đó có thể xem là thất bại đầu tay.
Vào tháng 8/2014, do cơ duyên gặp được các anh giám đốc của Topica, thấy được tiềm năng của đội ngũ, nên các anh mời mình và cả đội khởi nghiệp lúc đó gia nhập Topica, phụ trách phát triển các sản phẩm mới. 2 năm ở đó, mình đã có một dự án khá thành công là Edumall, hiện tại vẫn đang là hệ thống siêu thị các khoá học trực tuyến lớn nhất Đông Nam Á. Sau khi Edumall tương đối thành công rồi thì mình bắt đầu ra ngoài và ấp ủ dự án start-up riêng với WeFit.
* Khi quyết định khởi nghiệp, Khôi có nhận được sự hỗ trợ hay phản đối nào không?
Có chứ, không ít lần mình bị phản đối từ phía gia đình. Lần gay gắt nhất là vào năm 3 đại học, mình toan bảo lưu năm cuối để làm start-up, dự án khi đó là Lozi. Thế nhưng dù thuyết phục rất nhiều thì gia đình vẫn không đồng ý nên kế hoạch khởi nghiệp sớm bất thành. Lần thứ 2 là khi đang có công việc ổn định tại Netlink, mình lại quyết định nghỉ ngang start-up với Volcano, lúc đó tiếp tục bị phản đối.
Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là gia đình không ủng hộ mình. Bố mẹ mình là những người khá tân tiến, để con tự lập từ khi còn nhỏ. Quan điểm của bố mẹ mình là tất cả những con đường đi đều là do mình chọn, nếu đã chọn đường nào thì phải hoàn thành nó. Như là việc du học, chính mình là người chọn đi du học thì phải kết thúc nó rồi hãy chinh phục hành trình khác. Do đó khi mà mình đã tốt nghiệp và đi làm một thời gian thì những quyết định sau này đều nhận được sự ủng hộ rất lớn của gia đình.
* Tại sao thời điểm đó Khôi lại lựa chọn lĩnh vực tập luyện và sức khoẻ này để khởi nghiệp?
Nguyện vọng của mình lúc về Việt Nam là muốn sử dụng thế mạnh về công nghệ của bản thân cùng những kiến thức được học từ nước ngoài để có thể thay đổi một số lĩnh vực ở Việt Nam, đặc biệt là những ngành mang tính nhân văn như là giáo dục, giao thông, sức khoẻ.
Mình đã thành công với Edumall, là một mô hình về giáo dục tự học, vậy nên một cách tự nhiên lĩnh vực tiếp theo mình lựa chọn đó là sức khoẻ. Tuy nhiên, mình biết bản thân không có kinh nghiệm lẫn kiến thức chuyên sâu để đi vào những vấn đề y tế, nếu không làm tốt thì là hại người chứ không phải giúp họ. Nên mình quyết định chọn những mô hình về thay đổi nhận thức, ý thức rèn luyện và chăm sóc sức khoẻ của mọi người. Và thế là WeFit ra đời.
Mình là kiểu người không sợ sai, quyết cái gì là phải làm ngay, sai nhanh và phải sửa nhanh.
* Vào thời điểm đó thì lĩnh vực healthy và fitness (sức khoẻ và thể hình) của Việt Nam như nào?
Ngay cả đến thời điểm hiện tại, thị trường về tập luyện sức khoẻ nói chung của Việt Nam vẫn là một thị trường nhỏ, tức là thói quen tập luyện của người Việt vẫn là thấp so với các nước phương Tây hay thậm chí trong khu vực. Tuy nhiên, thị trường này đang phát triển rất nhanh theo đà phát triển của kinh tế Việt Nam hiện tại, khi mọi người bắt đầu quan tâm đến những vấn đề về sức khoẻ hơn. Đó cũng là hướng mà các start-up hay làm: đi tìm một thị trường ngách đang phát triển nhanh để khai thác.
Tất cả những mô hình từ trước tới nay mình làm, từ e-learning đến rèn luyện sức khoẻ, đều xoay quanh việc thúc đẩy ý thức, chứ không phải là đưa ra cho khách hàng một giải pháp giải quyết vấn đề. Những người giữ thói quen luyện tập là những người có tính kỉ luật rất cao. WeFit sẽ là người giúp họ để những bước đầu dễ dàng hơn, từ đó hình thành thói quen và chính mỗi người sẽ phải tự giữ được kỉ luật của chính mình để duy trì việc luyện tập.
Do đó, đối tượng mục tiêu của WeFit là những người chưa có thói quen tập luyện, có thể là người chưa bao giờ tập hoặc những người đã từng đi tập rồi nhưng gặp nhiều rào cản và họ không duy trì được thường xuyên. Bản thân mình nhận thấy có một sự chênh lệch rất lớn giữa người Việt Nam và các nước phương Tây về sự độc lập và ý thức về môi trường hay sức khoẻ của bản thân. Và điều mình kì vọng là thay đổi được ý thức đó.
* Kì vọng là như vậy, còn thực tế thì tới hiện tại WeFit đã có những thành công nào khiến Khôi cảm thấy tự hào?
Hiện tại, WeFit đã có được những con số khá ấn tượng. Thứ nhất là việc tăng trưởng của WeFit, đặc biệt là thời gian gần đây, lượng người dùng mới hiện tại của WeFit tăng 40% mỗi tháng và giữ được đà tăng này trong cả năm vừa rồi. Hiện tại thị trường ở Hà Nội có khoảng 1.000 phòng tập, thành phố Hồ Chí Minh khoảng 1.500 phòng, kết nối với gần 600 đối tác, và con số này đã đạt 80% đối tác mục tiêu của WeFit. Năm nay WeFit sẽ tập trung kết nối với những đối tác lớn, những đơn vị danh tiếng, và cải thiện chất lượng của các đơn vị đang có hiện tại để tạo ra một chuẩn mực cho các phòng tập.
Thứ hai là về kì vọng của mình đối với việc mọi người sẽ chăm chỉ tập luyện hơn: các thống kê cho thấy mỗi thành viên đang hoạt động của WeFit tập luyện trung bình 8 lần/tháng, tức là 2 lần/tuần, và chỉ số này cao gần gấp đôi thị trường truyền thống. Điều đó chứng tỏ WeFit đã thành công trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho người dùng duy trì được thói quen tập luyện, chăm sóc sức khoẻ.
* Để đạt được những thành công như vậy, hẳn Khôi cũng đã gặp không ít thất bại. Thất bại nào mang lại cho Khôi nhiều bài học nhất?
Ngoài kiến thức về kỹ thuật được học ở trường đại học, những kĩ năng và kiến thức còn lại mình đều phải học qua “thực chiến”, vỡ ra từ những thất bại của chính bản thân. Mình là kiểu người không sợ sai, quyết cái gì là phải làm ngay, sai nhanh và phải sửa nhanh.
Trước đây, mình từng chọn mô hình sai, cách tiếp cận đối tượng sai dẫn đến thất bại hoàn toàn. Lúc đó mình rất ngây thơ, chỉ đơn giản nghĩ mình gặp phải vấn đề thì thị trường cũng đang gặp vấn đề đó, thế là tìm giải pháp cho nó, đầu tư rất nhiều để tung ra thị trường. Thất bại đau đớn nhất của mình là dự án đầu tiên ở Topica, sau một năm trời xây dựng ứng dụng học tiếng Anh miễn phí Memo với 300.000 người dùng, nhưng không đạt được các hiệu quả kinh doanh khác nên buộc phải dừng lại.
Thật ra start-up luôn có những điều rất “sách giáo khoa”, chúng ta phải tìm và học từng bước một. Sau khi đã đúc kết được qua những thất bại thì với WeFit, mình may mắn là chưa gặp cú xảy chân nào quá lớn.
* Đối với những CEO trẻ, họ luôn có những quyết định mà chỉ người trẻ dám làm hoặc những quyết định già dặn hơn tuổi đời của mình rất nhiều. Đối với cá nhân Khôi, Khôi đã từng đưa ra quyết định nào thuộc một trong hai kiểu trên chưa?
Thật ra start-up luôn có những điều rất “sách giáo khoa”, chúng ta phải tìm và học từng bước một.
Có một lần mình thực sự phải đưa ra hai kiểu quyết định trên. Như mọi người đều biết, khó khăn nhất của start-up là quản lí dòng tiền. Vì khi đã chọn được mô hình hữu ích rồi, việc có người dùng và tăng trưởng là không khó, vấn đề còn lại là việc quản trị nhân lực và quản lí tài chính.
Lần đó, sau khi WeFit ra mắt được khoảng 6 tháng thì mình bắt đầu gọi vốn để mở rộng mô hình. Mình quyết định “chơi lớn”, đổ tiền vào sự kiện và truyền thông để nâng cao mức độ nhận biết, quả nhiên tạo được một số ảnh hưởng tương đối. Tuy nhiên vì không quản lí được tài chính, doanh thu trả về chưa có, nên ngay lập tức công ty mình cạn sạch tiền, dẫn đến có thời điểm phải nợ lương cấp quản lý.
Tình thế lúc đó thật sự nguy cấp, nếu cứ ngồi làm chầm chậm như thế này thì sẽ chết. Thế là mình quyết định dập các dự án dài hạn khác đi, tất cả mọi người đều được huy động nhảy vào “bốc máy” lên gọi điện bán hàng, từ CEO cho đến những bạn kĩ thuật. Cả tháng đó mọi người trong công ty chỉ làm 1 việc duy nhất là gọi điện bán hàng. Nhờ thế mà bọn mình vượt qua được thời gian khó khăn đó, để rồi sau này có kế quả như hiện tại mình vừa chia sẻ.
Mình nghĩ đôi lúc chúng ta cần phải có những quyết định “kỳ lạ” như thế để tạo ra những đột phá. Quả thật biến cố lần đó đã giúp cho tất cả mọi người trong công ty hiểu hơn và yêu hơn sản phẩm, cũng như đến được rất gần để hiểu rõ suy nghĩ của khách hàng mình.
* Là một CEO trẻ, Khôi có gặp khó khăn khi phải làm việc và quản lí đội ngũ nhân viên, cả những người nhiều tuổi lẫn kinh nghiệm hơn mình không?
Vì mình khá yêu thích giáo dục nên rất thích việc xây dựng đội ngũ, đào tạo và quản lí nhân sự. Một điều may mắn là mình chơi khá thân với hội bạn cấp 3, nên đội ngũ lúc đầu là từ việc lôi kéo những người bạn cấp 3 của mình. Team mình mỗi người đều có thế mạnh riêng, hướng phát triển khác nhau, nên anh em lại vô tình hỗ trợ nhau rất tốt. Thứ hai là vì bọn mình chơi thân với nhau nên rất hiểu nhau. Do đó, thời gian đầu bọn mình đi khá nhanh. Tuy nhiên, chính vì chơi thân nên cũng tạo ra những bất cập, đó là tính kỉ luật rất tệ và vai trò lãnh đạo bị ảnh hưởng. Chỉ sau khoảng 3 tháng sau khi start-up lần đầu tiên thì mình mất một nửa team vì những lí do khác nhau. Biến cố đó từng khiến mình sốc một thời gian.
Đối với mình, yếu tố con người rất quan trọng trong start-up. Bởi những mô hình và công nghệ thật ra đều có công thức cả, điều tạo nên thành công cho start-up công nghệ là sự nhiệt huyết và chất lượng của đội ngũ. Vì thế mình đầu tư rất nhiều cho phát triển nhân sự, cả đội ngũ chủ chốt của WeFit hiện tại đã đi cùng nhau 3 năm nay, và những người đã tham gia và nhận trọng trách tương đối lớn luôn ở lại khá lâu.
* Trong quản trị, Khôi có châm ngôn hay triết lí nào để nương theo không?
Mình là một người không thích dùng châm ngôn. Về quản trị thì mình theo trường phái của Jack Welch, ngoài ra mình được truyền cảm hứng rất lớn từ hai người thầy, là anh Phạm Minh Tuấn và anh Dương Hữu Quang của Topica. Điều đặc biệt là hai anh lại theo hai trường phái quản trị hoàn toàn khác nhau, nên mình tiếp thu được những cái hay riêng của cả hai anh.
Đối với anh em làm việc cùng hiện tại, điều quan trọng nhất theo mình đó là sự chân thành. Mình luôn chủ động chia sẻ những suy nghĩ và mong muốn của bản thân với mọi người, về những điều mình muốn làm và liệu những cái mình đang xây có cùng chung mong muốn của anh em không. Cùng với đó là phải rõ ràng về quyền lợi đối với những người cộng sự, càng là bạn bè thân thiết lại càng phải minh bạch.
Đôi lúc chúng ta cần phải có những quyết định “kỳ lạ” để tạo ra những đột phá.
* Hiện Khôi mới 27 tuổi và nằm trong danh sách 30 Under 30 Forbes Việt Nam, vậy mục tiêu của bản thân Khôi trong 10 năm tới là gì?
Mình là người không nghĩ cho bản thân được quá dài đến mức 10 năm. Về WeFit, mình thực sự mong muốn sẽ đưa công ty lên được những bước mà trước đây chưa bao giờ làm được, mở rộng thị trường để có thể tác động được tới nhiều người hơn, đưa WeFit sánh ngang với các tên tuổi lớn trong ngành online start-up của Việt Nam. Còn nếu gọi là ấp ủ giấc mơ xa thì đó là có thể xây dựng một công ty unicorn (có giá trị tài sản hơn 1 tỷ USD) cho Việt Nam.
* Một lời nhắn nhủ, động viên của Khôi đến những đồng nghiệp trẻ đang chinh phục hành trình khởi nghiệp?
Từ khi về Việt Nam tới giờ mình luôn kì vọng lứa trẻ bọn mình sẽ cùng nhau tạo ra hệ sinh thái kết nối các doanh nghiệp trẻ, các start-up Việt. Bởi mỗi công ty đều có những thế mạnh, những kênh truyền thông có thể hỗ trợ nhau qua lại, ví dụ như sắp tới các start-up ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ kết hợp thực hiện một chương trình tuyển dụng nhân sự có mong muốn làm việc ở môi trường start-up. Và hơn hết, nhà sáng lập và CEO trẻ bọn mình có thể chia sẻ với nhau những áp lực công việc rất lớn mà khó nói cùng cấp dưới, hợp tác hỗ trợ để cùng nhau đi được xa hơn.
* Cảm ơn Khôi về cuộc trò chuyện, chúc Khôi sức khoẻ và thành công!
Lương Vy
Nguồn: Brands Vietnam
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/forbes-vietnam-30-under-30-nguyen-khoi-ceo-wefit-thanh-cong-den-tu-nhung-that-bai-dau-thuong-a12156.html