Giấc mơ đưa Việt Nam lên bản đồ ô tô thế giới của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup đã đề xuất Chính phủ có những hỗ trợ về thuế, phí nhằm gỡ khó cho ngành công nghiệp ô tô. Từ đó, giúp giấc mơ đưa Việt Nam lên bản đồ ô tô thế giới của ông Phạm Nhật Vượng nói riêng và người Việt Nam nói chung thành sự thật.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Thanh)
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. (Ảnh: Đức Thanh))

Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ trong phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đại diện Bộ KHĐT đã có những chia sẻ về một số điểm sáng trong bức tranh doanh nghiệp Việt Nam tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng 23/12.

Điều đầu tiên được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhắc tới là tinh thần khởi nghiệp kinh doanh ngày càng mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Tiếp đó, việc chuyển dịch cơ cấu quy mô và ngành nghề có bước chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp có quy mô vừa tăng lên và doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ có xu hướng giảm xuống.

Đồng thời, mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến lớn và được các tổ chức có uy tín trên thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Tuy nhiên, những điểm yếu cũng đã được chỉ ra. Chẳng hạn, dù số doanh nghiệp thành lập mới tăng nhưng số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động cũng cao; còn thiếu vắng doanh nghiệp quy mô lớn và vừa; năng lực khoa học - công nghệ còn hạn chế.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa chú trọng cải thiện khả năng liên kết, nâng cao năng lực cạnh tranh để tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu; mới chỉ có 21% doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia được một phần chuỗi giá trị toàn cầu, 14% thành công trong việc liên kết với đối tác nước ngoài, trong khi số doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam là rất nhiều”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận.

Nhằm giải quyết thực trạng nêu trên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển doanh nghiệp nhằm hình thành lực lượng doanh nghiệp có quy lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

“Sản phẩm của những doanh nghiệp này cần được coi là sản phẩm quốc gia, thành công của những sản phẩm chủ lực này cũng chính là sự thành công của quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Cũng theo ông Nguyễn Chí Dũng, doanh nghiệp lớn cần có “một sợi dây”, được hiểu là một cơ chế liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh tổng hợp. Và chính lực lượng doanh nghiệp này sẽ đóng vai trò đầu tầu dẫn dắt các DNNVV trong nước tham gia và các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, đưa doanh nghiệp Việt Nam lên nấc thang mới trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Tiếp đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng bền vững, sáng tạo.

Từ đó, tạo nên các ngành chủ lực quốc gia, tạo ra các sản phẩm được làm bởi các doanh nghiệp Việt Nam; phát triển bởi con người Việt Nam; tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup.
Ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup.)

Phát biểu sau Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ít phút, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup đã cón những đề xuất, ý kiến nhắm gỡ khó cho ngành công nghiệp ô tô, giúp giấc mơ đưa Việt Nam lên bản đồ ô tô thế giới của ông Phạm Nhật Vượng nói riêng và người Việt Nam nói chung thành sự thật.

Theo ông Nguyễn Việt Quang, công nghiệp mũi nhọn phải là ngành tiên phong, có khả năng đón đầu công nghệ, có giá trị gia tăng cao và là đầu tàu dẫn dắn nền kinh tế.

“Đó là lý do Tập đoàn Vingroup tham gia vào lĩnh vực sản xuất ô tô với mong muốn phát triển ngành công nghiệp mũi nhọn này ở Việt Nam. Từ đó, chung tay cùng Đảng, Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế kinh tế đất nước.

Chúng tôi cũng ý thức rõ phát triển công nghiệp mũi nhọn phải gắn liền với phát triển bền vững và thực hiện quyết liệt mục tiêu này”, ông Nguyễn Việt Quang cho biết.

Nhận định sản xuất ô tô là ngành công nghiệp công nghệ cao, đầu tàu dẫn dắt các ngành công nghiệp khác, ông Quang cho biết: “Theo thống kê của ngành sản xuất ô tô thế giới, cứ 1 người làm việc trong ngành công nghiệp ô tô sẽ tạo ra 7-10 người làm việc trong các ngành công nghiệp phụ trợ”.

Về định hướng của Tập đoàn Vingroup, bên cạnh việc sản xuất ô tô với động cơ đốt trong nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, công ty con của Vingroup là VinFast đang đẩy mạnh nghiên cứu và sẽ sớm đưa ra thị trường sản phẩm ô tô điện nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững song song với phát triển kinh tế.

“Chúng tôi đang nghiên cứu và dự kiến đưa ra thị trường 4 mẫu xe máy điện mới, 2 mẫu xe ô tô điện trong năm 2020. Đồng thời, chúng tôi sẽ xuất khẩu ô tô điện sang Mỹ từ năm 2021”, ông Nguyễn Việt Quang tiết lộ kế hoạch của Vingroup.

Theo ông Quang, trong bối cảnh những đô thị lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Còn tình trạng ô nhiễm không khí tước đi sinh mạng của khoảng 60.000 người mỗi năm… Cần rất nhiều giải pháp được tiến hành đồng bộ để giải quyết, nhưng giải pháp căn cơ nhất vẫn là giải quyết nguồn khí thải từ các phương tiện giao thông.

“Đó là lý do chúng tôi kiên trì phát triển các dòng xe chạy điện trong tương lai nhằm tạo ra cuộc cách mạng xanh cho giao thông Việt Nam. Đối với thiết bị bên trong các phương tiện chạy bằng điện, chúng tôi cũng đề cao vấn đề bảo vệ môi trường. Tất cả xe máy điện hiện tại và ô tô sau này sẽ dùng pin Lithium mà VinFast đã dùng để sản xuất xe máy điện. Ngoài ra, là chính sách đổi pin và tái chế pin hết hạn sử dụng”, ông Nguyễn Việt Quang cho biết.

Hướng tới mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hoá ô tô Việt Nam, giảm giá thành cho xe VinFast, ông Nguyễn Việt Quang cho hay, Vingroup đã thúc đẩy việc hình thành KCN sản xuất công nghiệp phụ trợ trong khuôn viên tổ hợp VinFast. Đồng thời, thành lập các viện nghiên cứu, thiết kế ô tô điện, xe máy điện, pin, xe ô tô điều khiển thông minh.

Nhìn nhận hướng sản xuất ô tô điện và xe máy điện của Vingroup sẽ phải đối mặt với khó khăn, ông Nguyễn Việt Quang đã có một số đề xuất gửi tới Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp.

“Đây là mục tiêu dài hạn, ngay cả Tesla cũng mới chỉ có lãi trong thời gian gần đây. Nhưng việc cần thiết chúng ta vẫn phải làm ngay. Trước hết, phải làm sao để Việt Nam có tên trên bản đồ các quốc gia sở hữu công nghiệp sản xuất ô tô.

Vì vậy, thời gian qua, Vingroup đã dần rút khỏi các mảng bán lẻ, nông nghiệp để giải phóng nguồn lực cho hệ thống, tập trung cho mảng công nghệ và công nghiệp.

Chúng tôi rất mong muốn nhận được chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đặc biệt về thuế và phí, để có thể khởi nghiệp thuận lợi hơn trong một lĩnh vực có quá nhiều cạnh tranh như ô tô”, ông Nguyễn Việt Quang đề xuất.

Theo ông Quang, điều quan trọng là Chính phủ phải xây dựng cơ chế đồng bộ, khuyến khích cả nhà sản xuất, nhà cung cấp, nhà phân phối và người tiêu dùng. Đồng thời, xây dựng một hệ sinh thái thân thiện với phương tiện chạy điện trong tương lai.

Hoàng Nhật
Theo Dân Việt

Link gốc: http://danviet.vn/kinh-te/giac-mo-dua-viet-nam-len-ban-do-o-to-the-gioi-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-1043691.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/giac-mo-dua-viet-nam-len-ban-do-o-to-the-gioi-cua-ty-phu-pham-nhat-vuong-a121622.html