Doanh nhân người Hoa kín tiếng - Bài 5: Từ người bán dạo thành ông chủ tập đoàn bút bi nghìn tỷ Thiên Long

Tử vi nói, quý ông tuổi Mậu Tuất là người dám xông pha nơi nguy hiểm để đạt được mục đích. Những điều này dù chỉ mang tính chất tương đối, nhưng phần nào đã phác họa được con người ông Cô Gia Thọ: từ một người bán bút dạo thành ông chủ thương hiệu bút bi nổi danh bậc nhất Việt Nam.

Ông Cô Gia Thọ, người gầy dựng lên thương hiệu Bút bi Thiên Long
Ông Cô Gia Thọ, người gầy dựng lên thương hiệu Bút bi Thiên Long)

Cộng đồng doanh nhân gốc Hoa có cái biệt tài luôn tìm ra được các thị trường ngách. Nhờ đó, dù xuất phát điểm có thể học vấn không cao, nhưng các doanh nhân gốc Hoa đều được giới đầu tư thán phục và đánh giá cao.

Một trong các ví dụ điển hình phải kể đến là ông Cô Gia Thọ. Với trình độ học vấn chưa hết cấp ba, nhưng ông đã một tay gầy dựng lên thương hiệu Bút bi Thiên Long trong khoảng thời gian gần 40 năm qua.

Khởi sự với 2 chỉ vàng và chiếc xe đạp cà tàng

Ông Cô Gia Thọ sinh ngày 4 tháng 9 năm 1958 (tuổi Mậu Tuất), nguyên quán tại Quảng Đông, Trung Quốc và là con trưởng trong một gia đình gốc Hoa gồm 10 anh chị em. Do hoàn cảnh khó khăn, ông không được tiếp tục đến trường và phải trải qua nhiều công việc để mưu sinh như bán vé số, bán thuốc lá hay công nhân cơ điện.

Cơ duyên lập nghiệp bắt đầu khi ông bán bút bi dạo khắp Sài Gòn (thời điểm trước năm 1981). Chính nhờ công việc này, doanh nhân tuổi Mậu Tuất nhận ra thị trường nhu yếu phẩm tại Việt Nam bấy giờ rất thiếu, trong khi đó hầu như ai ai cũng cần có cây viết để học chữ, thậm chí bút bi lúc đó hiếm đến mức người ta phải bơm mực vào để tái sử dụng.

Năm 1981, với 2 chỉ vàng trong tay và chiếc xe đạp cà tàng, ông lập nên một xưởng sản xuất nhỏ với 20 nhân công. Vốn liếng quá ít, ông vẫn phải rong ruổi bán bút bi khắp thành phố để duy trì cơ sở sản xuất và gom góp nguyên liệu. Thậm chí, ông còn kiêm nhiệm nhiều khâu từ sản xuất, rao hàng, bán hàng và thu tiền. "Đó là một quá trình dài khó khăn, và tôi thì lúc nào cũng khao khát để học, để vượt qua giai đoạn khó khăn đó, và có được ngày hôm nay”, ông Cô Gia Thọ từng chia sẻ với báo chí.

Thời điểm đó, vì vốn trong tay không có nhiều, cơ sở của ông Cô Gia Thọ vận hành theo kiểu cuốn chiếu. Trong một tuần, mua nguyên liệu sản xuất được khoảng 3.000 chiếc, có sản phẩm xong sang ngày hôm sau đi bán vòng vòng ở các quầy sách, báo và thu tiền mặt tại đó. Vì không có vốn nên không bỏ mối sỉ được, vì bỏ mối sỉ sẽ bị nợ. Sau khi bán xong, lấy tiền đó đi mua nguyên liệu tiếp. Ông Thọ và nhân công cứ loay hoay mãi như thế cho đến năm 1996 mới bắt đầu có doanh thu ổn định.

“Cứ như thế, chịu cực dữ lắm. Vì lúc cơ sở còn nhỏ, mình làm là chính. Làm từ khâu nhập hàng, sản xuất đến bán hàng”, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) tập đoàn Thiên Long nhớ lại.

Ban đầu, ông đặt tên cho sản phẩm của mình là Vũ Trụ và sau đó lại đổi thành Thăng Long. Trong giai đoạn này, sản phẩm của ông chủ yếu là dây chuyền thủ công nội hóa, mẫu mã sản phẩm khá đơn giản. Tới năm 1985, ông quyết định đổi tên sản phẩm từ Thăng Long sang Thiên Long, với ý nghĩa Việt Nam là con rồng cháu tiên và mong muốn con đường kinh doanh của mình thuận buồm xuôi gió.

Và, cái tên Thiên Long đã ăn sâu trong tâm trí thế hệ 8X, 9X đời đầu… Điều này đủ nói lên sức ảnh hưởng của doanh nghiệp với thị trường trong nước.

Tuy nhiên, thay vì tận hưởng những gì đạt được, ông tiếp tục tìm kiếm thử thách tại một thị trường mới đầy mạo hiểm: châu Âu.

Thời điểm đó (năm 2000), quyết định này của ông khiến giới kinh doanh tỏ ra hoài nghi, đặc biệt khi quốc gia đầu tiên Thiên Long chọn làm bến đỗ là nước Đức, một thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Sản phẩm của ông phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ những dòng sản phẩm tại chính nước sở tại.

Ấy vậy mà, Thiên Long tiếp tục thành công và còn xuất hiện ở nhiều thị trường khác như: Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, Đức, Mexico, Thụy Sĩ…

Đây chính là tư duy khác biệt và tạo bước đột phá trong sự nghiệp kinh doanh của vị Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Long.

Về sau, người ta mới đánh giá ông Cô Gia Thọ đã tính toán chính xác và nhanh chân hơn các nhà sản xuất khác một bước với ý định tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm trên thị trường nội địa và tạo nên giá trị sản phẩm đúng với tiêu chuẩn quốc tế, đủ sức cạnh tranh với những đối thủ khác khi Việt Nam gia nhập WTO (11/1/2007).

Tính đến nay, Thiên Long có mức vốn điều lệ 707,2 tỷ đồng, hơn 3.500 nhân viên, hơn 100 nhà phân phối và hơn 22 nghìn điểm bán hàng trải đều khắp 63 tỉnh thành trên cả nước.

Thành công đến từ học hỏi…

Với xuất phát điểm không có bất kỳ kiến thức nào về kinh doanh, không mục đích thành một doanh nhân thành đạt, chính ông Thọ cũng khó tin những gì mình đạt được.

Nhưng, cuộc sống luôn là một hành trình tiến lên phía trước, cơ hội dành cho tất cả mọi người và thành công chỉ đến với những ai không ngừng phấn đấu.

Trong một lần chia sẻ với các doanh nhân mới khởi sự, ông Thọ cho biết một phần thành công của mình đến từ việc học hỏi. Dù không có nhiều kiến thức về kinh doanh, cũng không qua trường lớp đào tạo nào nhưng ông chủ Thiên Long luôn tâm niệm phải học hỏi liên tục mới có thể phát triển.

Ông từng đi học quản trị kinh doanh miễn phí tại Đài Bắc (năm 1993), các chương trình quản trị kinh doanh trong nước, sang Mỹ tham quan các mô hình nhà máy (2002)…

Chính trong giai đoạn tìm hiểu về thị trường chứng khoán Mỹ, ông Thọ đã có thêm kiến thức và chuẩn bị hành trình cho CTCP Tập đoàn Thiên Long được niêm yết trên sàn. Ông cho biết, dù năm 2010 mới lên sàn, nhưng công ty từ năm 2005 đã bắt đầu có sự chuẩn bị mọi mặt từ chất lượng sản phẩm cho đến hệ thống nhân sự.

"Thành công của tôi cũng không có bí quyết gì đặc biệt cả mà chỉ là sự học hỏi. Tôi thấy mình thiếu cái gì thì học cái đó, cũng như chúng ta thích ăn thì tìm ăn món đó. Tôi luôn khát khao học hỏi, không chỉ học người ngoài mà còn học từ chính nhân viên của mình. Khi công ty lớn mạnh, tôi tuyển kỹ sư giỏi, chuyên viên giỏi về làm cùng để qua đó học hỏi nhiều thứ từ họ”, ông cho biết.

Cơ cấu cổ đông cô đặc

Dữ liệu đến ngày 30/6/2019 ghi nhận, ông Cô Gia Thọ và những người có liên quan đang nắm gần 58% vốn TLG.

Về kết quả kinh doanh sau 6 tháng đầu năm 2019, TLG ghi nhận doanh thu và lãi sau thuế lần lượt là 1.537 tỷ đồng và 185 tỷ đồng, tăng lần lượt 10% và 13% so với cùng kỳ năm 2018.

Kết thúc phiên giao dịch 10/10/2019, thị giá TLG của CTCP Tập đoàn Thiên Long của đạt 50.100 đồng/cổ phiếu, giảm 1,6% so với mức giá tham chiếu. Tính ra, vốn hóa của tập đoàn đạt hơn 3.897 tỷ đồng.

Theo Hóa Khoa/Nhà đầu tư

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/doanh-nhan-nguoi-hoa-kin-tieng-bai-5-tu-nguoi-ban-dao-thanh-ong-chu-tap-doan-but-bi-nghin-ty-thien-long-a122666.html