Những bước đi đầy bất ngờ của doanh nhân Trịnh Văn Quyết trong năm 2019

Trong năm 2019, doanh nhân Trịnh Văn Quyết đã có những bước đi đầy bất ngờ trên thị trường từ việc cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên của hãng hàng không Bamboo Airways, giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu FHH hay BAV, cho đến đưa FLC chinh phục các dự án bất động sản trên nhiều vùng miền cả nước.

Ông Trịnh Văn Quyết lọt top 3 giàu nhất.
Doanh nhân Trịnh Văn Quyết)

Năm 2019 là năm đánh dấu sự kiện hãng hàng không Bamboo Airways của ông Trịnh Văn Quyết chính thức cất cánh chuyến bay thương mại đầu tiên sau hai lần lỡ hẹn.

Trước đó, khi FLC công bố kế hoạch mở hãng hàng không Bamboo Airways hồi đầu năm 2018, đã có không ít ý kiến nghi ngại về kế hoạch này, thậm chí còn không được đánh giá cao. Song, trên thực tế, ấn tượng mà Bamboo Airways để lại cho khách hàng trong thời gian qua là khá ổn. Rất nhiều nhân vật nổi tiếng đã lên tiếng thừa nhận sự hài lòng nhất định với hãng hàng không non trẻ này, trong bối cảnh dịch vụ hàng không nói chung vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết.

Mới đây nhất, hãng hàng không của doanh nhân tuổi Ất Mão đã tổ chức lễ đón tàu bay Boeing 787-9 Dreamliner, đây là tàu bay thân rộng đầu tiên của Bamboo Airways cũng như của hàng không tư nhân Việt Nam.

Trong năm 2020, Bamboo Airways dự kiến sẽ nâng quy mô đội máy bay lên 50 chiếc, trong đó có 12 chiếc thân rộng sẽ đóng vai trò chủ lực trên các đường bay trung và dài của Bamboo Airways như các đường bay xuyên lục địa kéo dài trên 5 tiếng đến Czech, Đức, Úc, Mỹ… hay đến các thị trường nguồn của Bamboo Airways tại Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.

Bamboo Airways cũng đặt mục tiêu giữ 30% thị phần hàng không nội địa vào năm 2020, mở rộng quy mô mạng bay lên 85 đường bay, trong đó có 60 đường bay nội địa và 25 đường bay quốc tế.

Bên cạnh đầu tư xây dựng “giấc mơ bay”, trong năm 2019, doanh nhân sinh năm 1975 này thông qua Tập đoàn FLC cũng phát triển mạnh loạt dự án bất động sản lớn.

Tháng 3, Tập đoàn FLC cho biết sẽ đầu tư gần 19.000 tỷ đồng vào hai siêu đô thị ở Thái Nguyên, gồm dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị FLC Thái Nguyên, diện tích khoảng 1.500 ha, với vốn đầu tư khoảng 14.800 tỷ đồng và dự án Khu đô thị mới FLC Thái Nguyên, khoảng 412 ha, vốn đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng.

Đến tháng 6, FLC lập liên doanh với Lotte làm dự án 6,4 ha tại Đại Mỗ, đồng thời khởi công Quần thể du lịch nghỉ dưỡng FLC Quảng Ngãi quy mô 1.026 ha, tổng vốn giai đoạn đầu là 11.000 tỷ đồng. Ngoài ra, tập đoàn cũng đánh dấu bước khởi đầu cho quá trình chinh phục các vùng đất phương Nam bằng việc khởi công Khu đô thị FLC La Vista Sadec tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp.

Sau FLC Quảng Ngãi và FLC La Vista Sadec, các dự án mới trong lĩnh vực đô thị, du lịch cũng tiếp tục được Tập đoàn FLC khởi công trên nhiều vùng miền cả nước. Đơn cử như vào tháng 10, tập đoàn này cho biết sẽ nghiên cứu đầu tư gần 3.500 tỷ đồng xây dựng toà tháp 6 sao cao 72 tầng tại Hải Phòng, dự án được kỳ vọng sẽ tạo sự phát triển đột phá, nâng tầm vị thế về kinh tế, du lịch cho đất Cảng.

Ngoài việc khẳng định vị thế trong lĩnh vực bất động sản với loạt dự án lớn, Tập đoàn FLC còn được biết là một doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn thuộc hàng “khủng” trên sàn chứng khoán, chỉ sau 9 năm, doanh nghiệp này đã tăng vốn từ mức 170 tỷ đồng (năm 2010) lên tới 7.099 tỷ đồng tại thời điểm hiện tại, tương ứng mức tăng gần 42 lần.

Song song với đó, FLC cũng gây chú ý cho giới đầu tư khi tổ chức nhiều hoạt động giới thiệu cổ phiếu BAV của hãng hàng không Bamboo Airways và FHH của Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLC Homes. Được biết, Chủ tịch HĐQT của FLCHomes là bà Hương Trần Kiều Dung, người đồng thời là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC.

Tại buổi gặp mặt báo chí công bố sự kiện của Bamboo Airways chiều tối ngày 26/12 vừa qua, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cổ phiếu FHH và BAV sẽ được niêm yết trên sàn HOSE trong năm 2020, đồng thời vị doanh nhân này cũng khẳng định hai cổ phiếu này sẽ đạt mức "3 con số" khi lên sàn.

Trước những bước đi đầy bất ngờ cùng với nhiều kỳ vọng được đề ra, thì loạt cổ phiếu đã niêm yết trên thị trường chứng khoán thuộc sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết lại chứng kiến đà giảm giá mạnh trong năm 2019.

Chứng kiến sự giảm giá mạnh nhất phải kể đến mã ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS). Kết thúc phiên cuối năm, mã cổ phiếu này chỉ đạt mức 17.300 đồng/cổ phiếu, giảm 19.600 đồng/cổ phiếu so với hồi đầu năm (mất 53% giá trị).

Dẫu vậy, đây vẫn là mức giá cao nhất trong số các mã còn lại như CTCP Tập đoàn FLC (mã FLC) hiện đạt 4.600 đồng/cổ phiếu. Chứng khoán BOS (mã ART) cũng chỉ có giá 2.400 đồng/cổ phiếu. CTCP Đầu tư và khoáng sản FLC Stone (mã AMD) với giá 1.960 đồng/cổ phiếu. Nhỉnh hơn trong số này có CTCP GAB (mã GAB) với giá là 16.250 đồng/cổ phiếu.

Là Chủ tịch Hội đồng quản trị nên ông Trịnh Văn Quyết cũng đang nắm giữ không ít cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Việc sụt giảm mạnh của giá cổ phiếu trong năm đã khiến khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Quyết "bốc hơi" mạnh.

Cụ thể, tính đến ngày 31/12/2019, ông Quyết nắm giữ hơn 150 triệu cổ phiếu FLC tương đương 21,19% cổ phần và sở hữu hơn 312 triệu cổ phiếu ROS, ngoài ra doanh nhân này cũng nắm giữ 3,15 triệu cổ phiếu ART. Như vậy, tổng tài sản ông Quyết đang nắm giữ đạt mức 6.095 tỷ đồng.

Nguồn Nhà Đầu Tư: https://nhadautu.vn/nhung-buoc-di-day-bat-ngo-cua-doanh-nhan-trinh-van-quyet-trong-nam-2019-d32125.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/nhung-buoc-di-day-bat-ngo-cua-doanh-nhan-trinh-van-quyet-trong-nam-2019-a122850.html