Trước khi trở thành Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết đã có thời gian dài kinh doanh điện thoại cũ ngay từ lúc còn là sinh viên Đại học Luật Hà Nội.
Ông Trịnh Văn Quyết sinh năm 1975 tại một gia đình công chức nghèo ở tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, ông vào TP.HCM học sửa chữa điện tử và nuôi ước mơ vào Đại học. Đến hè năm 1996, ông quyết định chọn Đại học Luật Hà Nội để theo học. Hoàn cảnh khi ấy khó khăn tới mức ông Quyết từng chia sẻ: "Khi còn là sinh viên, tôi thậm chí còn không thể mua nổi một chiếc xe đạp".
Nhưng đấy cũng là thời điểm nước Mỹ dỡ bỏ cấm vận kinh tế với Việt Nam, những người nhanh nhạy nhanh chóng nắm bắt được cơ hội đầu tư lớn. Tuy nhiên, ông Trịnh Văn Quyết không bắt đầu ngay với nghiệp buôn bán mà khởi sự với công việc gia sư, rồi văn phòng gia sư. Tích góp được chút vốn, ông gia nhập ngành kinh doanh điện thoại di động cũ lúc đó chưa phát triển mạnh.
“Thời ấy nhiều người có tâm lý ngại mua điện thoại di động tại cửa hàng vì sợ giá đắt, sản phẩm không đảm bảo chất lượng. Trong khi đó, họ lại tin rằng hàng đang dùng là loại tốt, mà giá chắc chắn rẻ hơn”, ông Quyết nhận xét về tâm lý người tiêu dùng lúc đó.
Với đầu óc kinh doanh nhanh nhạy, độc đáo, vị doanh nhân này cũng chọn cách buôn điện thoại cũ chẳng giống ai. Thay vì mở cửa hàng, ông chọn cách đăng rao vặt trên báo – điều rất hiếm người làm lúc đó. Hiệu quả của quảng cáo thời điểm đó rất lớn, giúp ông bán được khá nhiều điện thoại di động cũ, quay vòng vốn nhanh.
“Nhiều người nghe kể lại thì không tin, nhưng với cách đó, lượng bán của tôi vượt cả chục cửa hàng lớn ở Hà Nội. Bán một chiếc điện thoại có khi thu lãi cả triệu đồng nên tôi đủ lo cả tiền sinh hoạt, học phí cho mình cũng như nuôi 2 em gái”, ông Quyết từng tâm sự.
Thời điểm khi các nhà mạng chuẩn bị kinh doanh sim trả trước, dự báo thị trường này sẽ lên cơn sốt, ông Quyết ngừng bán, dồn tiền và vay thêm từ nhiều nguồn để gom điện thoại cũ xếp đầy một góc nhà trọ. Ngay khi các nhà mạng bắt đầu cung cấp sim trả trước, nhu cầu về điện thoại di động tăng vọt, bao nhiêu hàng của ông cũng không đủ để bán. Cũng với cách thức tương tự, ông chủ Tập đoàn FLC khi đó đã đầu tư kinh doanh thêm đồ gỗ và tivi. Vốn có máu kinh doanh, sau khi ra trường, ông Quyết mở thêm công ty tư vấn đầu tư, rồi văn phòng luật sư.
Công ty Tư vấn luật SMiC - chuyên tư vấn luật doanh nghiệp, luật đầu tư, các vấn đề sở hữu trí tuệ của ông được biết đến nhiều qua vụ Honda Vietnam tranh chấp với công ty GMN về khoản 2,2 triệu đô la Mỹ tiền đền bù đất đai ở Hưng Yên hay vụ giúp Techcombank thắng kiện một nhóm khách hàng năm 2005.
Doanh nhân tuổi Ất Mão này cho biết, chính nghề luật sư đã giúp ông tích lũy kiến thức cũng như tạo ra cơ hội để đến con đường làm doanh nhân.
Thành công ở lĩnh vực chuyên môn nhưng kinh doanh phòng công chứng mới là một ví dụ điển hình khác về tư duy đón đầu nhu cầu của vị doanh nhân này. Trước khi Luật Công chứng có hiệu lực, ông Quyết thuê một văn phòng lớn ở phố Hoàng Ngân, Trung Hòa (Hà Nội). Hầu hết diện tích để trống, chỉ có vài nhân viên ngồi làm việc để “chờ thời” với giá thuê lên tới vài chục triệu đồng/tháng nhưng ông vẫn chờ đợi.
Tháng 7/2008, phòng công chứng Hà Nội của ông Trịnh Văn Quyết trở thành văn phòng công chứng tư có giấy phép số 01 tại thủ đô. Đặc biệt, địa điểm văn phòng công chứng này lại nằm ở ngã tư rất rộng nên khách đi ô tô đỗ xe khá thuận tiện. Đây là nhân tố góp phần giúp nơi đây đông nghẹt khách VIP mà theo tiết lộ của ông Quyết “tiền trả thuê nhà cả năm tôi thu lại chỉ trong 1 ngày”.
Không chỉ thành công trong việc kiến tạo SMiC trở thành một hãng luật có vị thế cao trong ngành, ông Trịnh Văn Quyết còn tạo được tiếng vang với việc thành lập và điều hành Tập đoàn FLC.
Giờ đây, FLC đã trở thành một trong những nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Việt Nam với hàng loạt dự án lớn nhỏ trải dài khắp nhiều địa phương, vốn điều lệ đã đạt mức 7.099 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/9/2019, tổng tài sản của FLC đạt 29.111 tỷ đồng và hiện đang đầu tư xây dựng một số dự án bất động sản lớn như FLC La Vista Sadec, FLC Tropical City Ha Long, FLC Legacy Kon Tum.
Còn bản thân ông Trịnh Văn Quyết cũng là một đại gia trên sàn chứng khoán Việt với việc sở hữu 312,2 triệu cổ phiếu ROS và 150 triệu cổ phiếu FLC. Tạm tính theo mức giá của 2 mã cổ phiếu này tại ngày 6/12, tổng tài sản mà người đứng đầu Tập đoàn FLC đang nắm giữ đạt gần 8.500 tỷ đồng.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ty-phu-trinh-van-quyet-tu-chang-sinh-vien-buon-do-cu-den-dai-gia-chung-khoan-viet-a122852.html