Năm 2019, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Vượng tăng 36.700 tỷ, cao hơn tổng tài sản của người đứng sau, CEO Vietjet. Trong khi đó, sếp Masan, TCB đều giảm hơn 5.000 tỷ.
Năm 2019, có thời điểm chỉ số chứng khoán VN-Index đã tăng lên mốc 1.030 điểm. Tuy nhiên, diễn biến chung cả năm của thị trường chỉ loanh quanh ngưỡng 950-1.000 điểm. Hết phiên giao dịch ngày 31/12/2019, VN-Index đóng cửa ở mức tăng 7,64% so với đầu năm.
8.600 tỷ đồng để lọt top 10 người giàu nhất
So với năm 2018, tổng tài sản 10 người giàu nhất thị trường tăng gần 45.000 tỷ đồng, tương đương 14%, trong đó có 6 người tăng và 4 người bị hao hụt so với năm trước.
Tổng cộng, đến hết năm 2019, 10 người giàu nhất thị trường sở hữu số cổ phiếu trị giá gần 360.400 tỷ đồng. Số tài sản này cũng tương đương 8% vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam hiện tại.
Năm 2019, lần đầu tiên tài sản người giàu nhất thị trường Việt vượt mốc 200.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền tối thiểu để một đại gia lọt vào top 10 người giàu nhất cũng tăng từ 8.200 tỷ đồng năm 2018 lên 8.650 tỷ đồng năm nay.
Thay đổi thứ hạng của 10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2019
So với cuối năm 2018, tên của 10 người giàu nhất thị trường chứng khoán năm 2019 vừa qua không thay đổi, với đại diện từ 8 tập đoàn tư nhân lớn của Việt Nam: Vingroup, Vietjet Air, FLC, Hòa Phát, Masan, Techcombank, Novaland và Vicostone. Trong đó, riêng Vingroup góp mặt 3 thành viên hội đồng quản trị là ông Phạm Nhật Vượng, bà Phạm Thu Hương (vợ ông Vượng) và em gái bà Hương là bà Phạm Thu Hằng.
Ngoài 2 chị em gái là lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, một gương mặt nữ khác có tên trong top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt là bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air, nữ tỷ phú hàng không duy nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, biến động trên thị trường đã khiến tài sản cũng như vị trí của các doanh nhân này thay đổi đáng kể sau một năm.
Hai người đứng đầu danh sách người giàu trên sàn chứng khoán Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí, với số tài sản tăng cao là ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup, và bà Nguyễn Thị Phương Thảo - CEO hãng hàng không Vietjet Air. Khối tài sản trên sàn chứng khoán của 2 ông bà lần lượt đạt 214.500 tỷ và 30.550 tỷ đồng. Ông Vượng chính là người đầu tiên tại Việt Nam sở hữu khối tài sản hơn 200.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán.
So với đầu năm, tài sản của ông chủ hãng xe VinFast đã tăng hơn 36.700 tỷ đồng, đồng thời là người kiếm được nhiều tiền nhất năm qua nhờ cổ phiếu VIC tăng 15%/năm. Số tài sản của bà Thảo năm 2019 cũng đã tăng hơn 9.200 tỷ đồng nhờ đà tăng giá của cổ phiếu VJC (tăng 26%) so với đầu năm.
Hai đại gia khác cũng không thay đổi thứ hạng trong top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt là ông Trần Đình Long, Tập đoàn Hòa Phát (vị trí thứ 5) và ông Hồ Xuân Năng từ Vicostone (vị trí thứ 10).
Hai người bị giảm hạng nhiều nhất năm 2019 đều là doanh nhân khởi nghiệp tại Đông Âu, ông Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang, hai ông chủ của Tập đoàn Masan và ngân hàng Techcombank.
Đà giảm giá 8% của cổ phiếu TCB và 28% của MSN năm vừa qua đã khiến tài sản của hai ông chủ doanh nghiệp giảm xuống dưới mốc 15.000 tỷ đồng. Hai vị đại gia Đông Âu từ đó đã tụt xuống vị trí thứ 6 và 7 trong danh sách năm 2019. Năm 2018, hai vị doanh nhân này xếp vị trí thứ 3 và 4 trong danh sách những người giàu nhất thị trường chứng khoán.
Thay thế vị trí của 2 đại gia Đông Âu là ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch Tập đoàn FLC với khối tài sản 20.500 tỷ đồng. Năm 2019, dù cổ phiếu họ FLC liên tục sụt giảm, việc đưa cổ phiếu hãng hàng không Bamboo Airways và FLCHomes giao dịch trên sàn OTC đã giúp khối tài sản của ông Quyết vẫn tăng đáng kể.
Hiện tại, cổ phiếu BAV của hãng hàng không Bamboo Airways đang giao dịch trên OTC với giá khoảng 40.000-50.000 đồng, trong khi cổ phiếu FLCHomes được giao dịch với giá khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của ông Quyết tại Bamboo Airways hiện tại là 39,08%, còn tại FLCHomes là 52,49%.
Đại gia nào mất nhiều tiền nhất năm qua?
Trong khi nhiều doanh nhân gia tăng được khối tài sản của mình nhờ đà tăng giá cổ phiếu thì nhiều người khác lại mất hàng nghìn tỷ cũng với lý do tương tự.
Trong đó, 2 đại gia Đông Âu Nguyễn Đăng Quang và Hồ Hùng Anh sụt giảm tài sản trên sàn chứng khoán tiền nhất trong năm 2019. Hai ông đều giảm hơn 5.000 tỷ đồng tài sản so với đầu năm. Nguyên nhân chủ yếu đều đến từ đà sụt giảm của cổ phiếu MSN và TCB.
Năm vừa qua, có thời điểm ông Quang không còn tên danh sách tỷ phú USD do Tạp chí Forbes thống kê. Tuy nhiên, hết năm 2019, ông vẫn kịp trở lại danh sách này với khối tài sản ròng 1 tỷ USD, giảm 300 triệu USD so với đầu năm.
Tương tự, khối tài sản trên sàn chứng khoán của ông Hùng Anh đã giảm gần 5.300 tỷ do cổ phiếu TCB giảm 28% năm vừa qua. Điều này kéo khối tài sản ròng ông Hùng Anh sở hữu theo thống kê của Forbes giảm 300 triệu USD trong năm, hiện còn khoảng 1,4 tỷ USD.
Những người thân của hai vị đai gia này cũng là mất hàng trăm tỷ đồng vì cùng nắm giữ lượng cổ phiếu tại doanh nghiệp của gia đình. Trong đó, bà Nguyễn Thị Hoàng Yến (vợ ông Quang) sụt 869 tỷ đồng; những người thân trong gia đình ông Hùng Anh gồm mẹ, vợ và con trai mất tổng cộng hơn 1.200 tỷ đồng…
Giữ kỷ lục về tài sản bốc hơi, tính theo tỷ lệ phần trăm, là ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Yeah1 (YEG). Với khủng hoảng liên quan YouTube, từ mức giá 238.000 đồng/cổ phiếu đầu năm, YEG đã giảm liên tục về 37.000 đồng cuối năm, tương đương giảm gần 85%.
Khối tài sản của ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống giảm tương ứng từ 2.660 tỷ đồng xuống còn 478 tỷ đồng hiện tại và rớt khỏi top 50 người giàu nhất thị trường.
Tương tự, các doanh nhân như ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch Coteccons; vợ chồng ông Lê Văn Quang - Chu Thị Bình sở hữu Tập đoàn thủy sản Minh Phú; ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland; hay bà Trương Thị Lệ Khanh - Chủ tịch Vĩnh Hoàn… cũng đã mất hàng trăm tỷ đồng tài sản năm vừa qua do đà suy giảm cổ phiếu.
Quang Thắng
Theo Zing
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cac-dai-gia-viet-duoc-mat-ra-sao-trong-nam-2019-a123191.html