Ai cũng mong là người đầu tiên rót tiền vào một công ty như Amazon hay Facebook tiếp theo nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trước bài học gần đây của các startup.
Định giá của WeWork giảm từ 47 tỉ USD xuống chỉ còn 8 tỉ USD sau khi việc chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng buộc phải tạm hoãn (Ảnh: Rooney Nimmo)
WeWork đã "té đau" từ đỉnh vinh quang chỉ trong vòng vài tuần. Chỉ mới hai tháng trước, trước thềm cuộc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO), startup này còn được định giá lên đến 47 tỉ USD. Tuy nhiên không lâu sau đó, con số này chỉ còn một nửa, còn những nhà đầu tư thì nhanh chóng rút lại sự ủng hộ của họ với kế hoạch IPO chỉ còn định giá ở mức 12 tỉ USD, rồi hiện tại chỉ còn 8 tỉ USD.
Những gì đã xảy ra cho WeWork cùng nhà sáng lập Adam Neumann của họ là một thảm họa. Vậy người ta có thể học được gì từ nó?
WeWork không phải cái tên mới nhất bị phát hiện có mức định giá bị thổi phồng quá mức. Trước đó, rất nhiều “kỳ lân” startup được định giá hơn một tỉ USD, tiến hành IPO chỉ để chứng kiến giá cổ phiếu tụt dốc không phanh.Tương lai bất định của WeWork là hồi chuông cảnh tỉnh để giới đầu tư trong tương lai bớt phấn khích trước những startup đến từ Thung lũng Silicon.
Tất nhiên, WeWork có những vấn đề riêng của họ. Cựu giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Adam Neumann, một trong những nỗi lo của các nhà đầu tư, phải từ chức và hiện chỉ là Chủ tịch không nắm vai trò điều hành (Non executive Chairman), đồng thời cũng có 20 nhân viên cấp cao khác của WeWork (vài người trong đó là người nhà Adam) cũng phải từ chức. Chiếc chuyên cơ riêng của công ty đang bị rao bán, toàn bộ kế hoạch kinh doanh tương lai của công ty phải tạm hoãn, hàng nghìn nhân viên của công ty sẽ mất việc và nhiều thương vụ mua lại trước đó sẽ phải bán tháo.
Số liệu tài chính của WeWork là một nỗi lo khác với nhà đầu tư. Nợ của công ty được các ngân hàng xếp vào nhóm nợ xấu, và các khoản nợ phải trả trong tương lai cho các chủ cho thuê bất động sản đạt tổng cộng 47 tỉ USD. Trong khi đó, lượng tiền mặt còn lại của WeWork chỉ còn đủ cho chưa đầy một năm, và nếu công ty không thể tiến hành IPO để bán cổ phiếu ra công chúng, sẽ rất khó để họ gọi thêm vốn.
Hiện công ty đang đốt hai tỉ USD mỗi năm và họ cần phải làm thế. Một vài báo cáo còn cho rằng WeWork thậm chí sẽ không thể sống nổi qua tháng 11 năm nay nếu không nhận được một gói cứu trợ. Các ngân hàng đầu tư vào WeWork thì đang nỗ lực vớt vát thu hồi tài sản của họ.
Câu chuyện WeWork xảy ra sau một loạt sự kiện IPO của các công ty bao gồm ứng dụng gọi xe Uber và Lyft trong năm 2019, ứng dụng nhắn tin Slack và dịch vụ tập luyện tại nhà đình đám Peloton. Tất cả những cái tên này đều đang có cổ phiếu giao dịch với giá thấp hơn nhiều so với thời điểm IPO. Những nhà sáng lập, nhà đầu tư và các ngân hàng đầu tư đều góp phần vào việc định giá quá mức nhiều thương vụ IPO trong những năm qua, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư mới sẽ không được hưởng lợi từ những doanh nghiệp này. Kết quả là người ta ngày càng kém mặn mà với những phi vụ IPO của giới công nghệ. Hệ quả ngay trước mắt là việc hoãn IPO của nhiều công ty trong đó có Airbnb.
Thực tế rõ ràng là các ngân hàng đầu tư không thể định giá các startup công nghệ đang thua lỗ. Ban đầu, Uber tự nhận mức định giá lên đến 120 tỉ USD, rồi định giá giảm còn 83 tỉ USD khi IPO và hiện công ty này đang được định giá chỉ ở mức 55 tỉ USD. Tương tự, WeWork ban đầu tự nhận họ được định giá ở mức 70 tỉ USD, rồi xuống còn 47 tỉ USD và thậm chí còn không đạt đến mức 15 tỉ USD trước khi hoãn IPO.
Những vụ IPO như vậy đã hủy hoại uy tín về khả năng định giá của các ngân hàng đầu tư khi rót vốn vào các công ty công nghệ trong giai đoạn đầu. Có thể lòng tham là thứ đã thúc đẩy những mức định giá “trên trời” này, và hậu quả thực tế là họ đóng cửa thị trường IPO quá sớm để những nhà đầu tư sớm không thể kiếm tiền bằng cách thoái vốn.
Cuối cùng, chính những nhà đầu tư mạo hiểm như Softbank từ Nhật Bản phải chịu hậu quả cho việc thổi phồng giá trị khi IPO. Softbank là một trong những nhà đầu tư chính vào WeWork với 10,4 tỉ USD, cũng như nắm cổ phần lớn trong cả Uber lẫn Slack, những công ty có tỉ lệ tăng trưởng cao nhưng vẫn chưa sinh lời.
Việc chỉ chú trọng vào tỉ suất tăng trưởng mà không chú ý đến lợi nhuận tương lai là một yếu tố chính trong cơn sốt đầu tư vào các startup công nghệ trong thời gian gần đây. Ai cũng mong được là người đầu tiên rót tiền vào một công ty Amazon hoặc Facebook tiếp theo, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng với đồng tiền của họ trước nhiều bài học nhãn tiền về việc các startup đốt tiền do yếu kém trong khâu quản lý.
Nếu nhà đầu tư thấy khó khăn trong việc tìm kiếm người mua, hoặc nếu thấy giá trị doanh nghiệp giảm mạnh, họ phải thay đổi ngay mô hình kinh doanh mà họ đầu tư để gia tăng tốc độ sinh lời, đồng nghĩa với làm chậm lại tỉ suất tăng trưởng. Các nhà đầu tư mạo hiểm chỉ có thể trách chính bản thân mình khi những doanh nghiệp do họ đầu tư bị thiệt hại do định giá quá mức. Khi cơn sốt khởi nghiệp công nghệ bắt đầu thoái trào, lựa chọn của họ trở nên hạn chế. Hoặc đầu tư thêm vào một doanh nghiệp với ít tiềm năng hoặc chờ thất bại. Điều này gợi nhớ đến kỷ nguyên dot.com từng dẫn nhiều startup đến con đường cùng.
John Colley/Nhà Quản lý
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cai-gia-phai-tra-khi-dinh-gia-qua-tay-a123210.html