Cuộc tái cấu trúc ngoạn mục của ông chủ San Miguel

San Miguel thu hút các nhà đầu tư quay trở lại các doanh nghiệp bia và thực phẩm của mình bằng cách sáp nhập cả hai doanh nghiệp này vào cùng một tập đoàn. 

RAMON ANG, VỊ CHỦ TỊCH TỈ PHÚ CỦA SAN MIGUEL, vừa bước sang tuổi 65, độ tuổi mà nhiều người suy nghĩ đến việc sống chậm lại. Thay vào đó, Ang lại bận rộn chỉ huy kế hoạch mở rộng được xem là lớn nhất trong lịch sử 129 năm thành lập của tập đoàn Philippines. Ông đặt mục tiêu tăng gấp đôi công suất sản xuất của tập đoàn trong vòng năm năm, năm 2017 họ đã đạt 19 triệu hec-tô lít bia và 2,6 triệu tấn thực phẩm.

“Mục tiêu của chúng tôi là thiết lập 10 nhà máy bia mới với công suất ban đầu là 2 triệu hec-tô lít cho mỗi nhà máy,” Ang chia sẻ trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi. “Về việc mở rộng kinh doanh thực phẩm, chúng tôi đang trong quá trình hoàn thiện 12 nhà máy thức ăn mới với công suất 500 ngàn tấn hằng năm cho mỗi nhà máy vào năm 2023.”

Chuyên gia kinh doanh nông nghiệp Rolando Dy tại đại học châu Á và Thái Bình Dương ở Manila nhận định: “Đây là chuyện chưa từng có tiền lệ.”

Cuộc tái cấu trúc ngoạn mục của ông chủ San Miguel - ảnh 1

Thông tin chi tiết về kế hoạch mới đã được công bố vào tháng 6 năm ngoái trong cuộc họp cổ đông. Các kế hoạch này đi theo hướng tái cấu trúc mà Ang khởi động vào tháng 1.2018, khi ông sáp nhập doanh nghiệp bia và rượu San Miguel vào doanh nghiệp thực phẩm đã niêm yết của mình, đổi tên thực thể kết hợp này thành San Miguel Food and Beverage (SMFB).

Vốn hóa thị trường của công ty từ 3 tỉ USD trong quá trình sáp nhập đã tăng vọt lên 7 tỉ USD. Đến tháng 11, công ty bán được chưa tới 7% cổ phần trong một thỏa thuận định giá SMFB ở mức 10 tỉ USD, cao hơn 35% so với khi công bố sáp nhập. Cho đến nay, cổ phiếu SMFB đã tăng hơn 20% lên khoảng 100 peso Philippine (1,92 USD), sau mười năm suy yếu ở mức dưới 50 peso.

Để khởi động, Ang sẽ cần gọi vốn – ông ước tính khoảng 200 tỉ peso (3,8 tỉ USD). Một phần sẽ lấy từ dòng tiền, một số khác sẽ cần phải vay. Phần còn lại sẽ lấy từ tiền bán cổ phiếu. Và đó là thời điểm mà một doanh nghiệp đã từng thua cuộc trong ngành công nghiệp bia toàn cầu đang phát triển nhanh chóng, dưới sự thống trị của các công ty đa quốc gia như Anheuser-Busch InBev và Heineken, trở thành một thương hiệu khu vực mà các nhà quản lý quỹ quốc tế cần phải chú ý.

Alvin Tan, nhà quản lý quỹ tại MBG Capital ở Manila cho biết, “công ty càng lớn mạnh, càng có nhiều người muốn đầu tư.” SMFB cũng vẫn bị kiểm soát chặt chẽ bởi công ty mẹ đã niêm yết, San Miguel Corp. - công ty nắm giữ 89% cổ phần của SMFB, cũng do Ang làm chủ tịch.

Cái tên San Miguel của cả hai công ty thuộc về một nhà máy bia được thành lập vào năm 1890 khi Philippines vẫn còn là thuộc địa của Tây Ban Nha. Trong 100 năm tiếp theo, SMFB đã xây dựng một tập đoàn thực phẩm chiếm gần một nửa doanh thu của công ty hiện nay; bia và đồ uống không cồn chiếm 45% và rượu 8%. Để củng cố thêm niềm tin của mọi người, Ang nổi lên như một trong những người thành công nhất nhờ quá trình tái cấu trúc của công ty San Miguel lâu đời này.

Lọt vào tốp mười người giàu nhất Philippines với tài sản ròng ước tính 2,85 tỉ USD, tài sản của ông gắn liền với giá trị của San Miguel Corp., nơi ông là một trong những cổ đông lớn nhất. Ông đã mua lại hầu hết cổ phần của San Miguel vào năm 2012 từ người cộng tác kinh doanh thân thiết của mình, Eduardo Cojuangco, Jr., CEO của San Miguel Corp., có tài sản ròng trị giá 1,4 tỉ USD. Cổ phiếu của San Miguel Corp., đi theo con đường tương tự như của SMFB, tăng khoảng 20% trong năm nay.

Ang vào công ty đảm nhận vị trí phó chủ tịch vào năm 1999 sau khi điều hành các công ty tư nhân do Cojuangco sở hữu. Theo như Ang nhớ lại, doanh số bán bia vào cuối những năm 1990 rất ảm đạm, đến nỗi một số nhà quản lý đã cân nhắc đến chuyện chuyển sang kinh doanh rượu. “Đây là những gì chúng tôi đã bàn tại cuộc họp hội đồng quản trị,” ông kể.

Đầu năm 2002, San Miguel nhận được khoản ứng cứu từ nhà sản xuất bia Kirin của Nhật Bản, họ đã trả 540 triệu USD mua 15% cổ phần của công ty. Ang trở thành chủ tịch công ty và COO. Ông bắt đầu sử dụng phần tiền mặt từ Nhật Bản để đi mua lại ở nước ngoài như: mua nhà sản xuất sữa hàng đầu của Úc, National Foods, nhà sản xuất nước trái cây Berri và nhà sản xuất kem có trụ sở tại Singapore King’s Creameries.

Tuy nhiên, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 bắt đầu, Ang đã đảo ngược tình thế và bắt đầu bán bớt các thương vụ mua lại ở nước ngoài của San Miguel, để tập trung vào thị trường trong nước. Bản thân là người uống bia, Ang đã cố gắng phát triển các loại bia cao cấp có hàm lượng calo thấp, có hương vị và sẽ làm hồi sinh sức hấp dẫn của San Miguel đối với người tiêu dùng trẻ tuổi.

Để giải quyết tình trạng suy thoái tương tự trong việc kinh doanh thịt của San Miguel, Ang chuyển sang giới thiệu gà viên có lợi nhuận cao, thịt thái lát và ướp gia vị cho khách hàng đang sử dụng sản phẩm thịt tươi của công ty. “Mục tiêu của chúng tôi là cung cấp các sản phẩm giá trị gia tăng chất lượng cao, giá rẻ, được bán trực tiếp cho người tiêu dùng,” Ang nói.

Ang đầu tư vào sản xuất mới trong bối cảnh doanh số bán thực phẩm và đồ uống tăng mạnh. Sau khi tăng chỉ 0,2%/năm từ 2004–2015 vì thuế cao hơn và tăng trưởng kinh tế không ổn định, tiêu thụ bia bình quân đầu người ở Philippines đã tăng gần 11% mỗi năm trong giai đoạn 2016-2018. Năm 2018, lợi nhuận ròng của SMFB đã tăng 8% lên 30,5 tỉ peso (586 triệu USD) khi tăng 14% doanh thu lên mức 286 tỉ peso (5,5 tỉ USD), cùng năm đó Ang được bổ nhiệm làm chủ tịch và CEO của công ty.

Cuộc tái cấu trúc ngoạn mục của ông chủ San Miguel - ảnh 2

Ang cho biết kế hoạch mở rộng của ông sẽ tăng gấp đôi doanh thu lên 500 tỉ peso (9,5 tỉ đô la Mỹ) sau năm năm. Các cơ sở mới sẽ gần hơn với các thị trường đang phát triển, các nhà phân tích cho rằng làm thế sẽ cắt giảm được chi phí logistics và tăng tỉ suất lợi nhuận.

Tuy nhiên, những hiệu quả lớn hơn này chưa được hiện thực hóa: mặc dù lợi nhuận trên vốn 25% của SMFB tốt hơn lợi nhuận khoảng 15% trước khi sáp nhập, tỉ suất lợi nhuận đã giảm năm ngoái và giảm một lần nữa trong nửa đầu năm 2019. Ang cho rằng việc gia tăng nhập khẩu đã làm tăng giá các sản phẩm gia cầm của mình, ngay cả khi ông cố gắng tăng gấp đôi doanh thu, thì phần đóng góp của SMFB vào công ty mẹ San Miguel Corp. có thể sẽ không thể đánh bại sự mở rộng nhanh chóng tại các doanh nghiệp khác của San Miguel.

Chẳng hạn, doanh số bán nhiên liệu của công ty mẹ San Miguel đã tăng 28% hồi năm ngoái, trong khi doanh thu từ hoạt động kinh doanh điện tăng 45%. San Miguel đang tiến hành xây dựng một hệ thống xe điện chạy trên đường sắt dài 23km mà theo Ang cho biết, sẽ chiếm 5% doanh thu của tập đoàn khi hệ thống này được hoàn thành vào năm 2022.

Theo kế hoạch, một sân bay mới sẽ được khởi công ở phía bắc Manila vào năm tới với công suất gấp ba lần sân bay yếu kém hiện tại của thủ đô – một động thái đã bị trì hoãn quá lâu, có thể làm tăng sức hấp dẫn của đất nước như điểm đến du lịch và sẽ là nguồn thu lớn. Bên cạnh doanh thu của chính sân bay, có rất nhiều nguồn thu nhập phụ trợ tiềm năng từ bán lẻ, hậu cần, dịch vụ hỗ trợ, cung cấp nhiên liệu và khách sạn.

Bằng cách trao đổi 51% cổ phần của mình trong công ty bia San Miguel và 78% tiền lãi của nhà máy chưng cất Ginebra để lấy 89% cổ phần của SMFB, San Miguel không chỉ tạo ra tập đoàn có doanh thu gấp đôi doanh thu của công ty trước đây chỉ chuyên về thực phẩm, mà còn đưa SMFB vào tầm ngắm của các nhà quản lý quỹ nước ngoài đang tìm kiếm nhân tố trong giai đoạn nhu cầu tiêu dùng đang tăng lên.

Đất nước này cũng có lợi thế về nhân khẩu – trong khi nhiều quốc gia phát triển có dân số già thì phần lớn người Philippines ở độ tuổi dưới 40. Vốn hóa thị trường lớn hơn đã biến SMFB thành một trong những công ty thực phẩm lớn nhất Đông Nam Á. Và đợt bán cổ phiếu tháng 11 nâng tỉ lệ cổ phiếu tự do giao dịch của SMFB lên 11%, cao hơn mức yêu cầu tối thiểu của nhiều quỹ lớn toàn cầu. “Đó là thời điểm tổ chức đầu tư lớn tham gia vì tỉ lệ đó phù hợp với danh sách họ muốn đầu tư,” ông nói.

Trong số các quỹ lớn đã bị cổ phiếu SMFB thu hút kể từ khi sáp nhập có BlackRock, State Street và Vanguard, cũng như quỹ đầu tư của chính phủ Na Uy. Khi được hỏi làm thế nào ông có thời gian để lên kế hoạch cho các sân bay và đường sắt mới trong khi theo dõi doanh số bán gà của San Miguel trong các siêu thị, Ang trả lời, “Chúng tôi làm việc thực tế nhiều hơn và thời gian chúng tôi ở văn phòng nhiều hơn. Trung bình, tất cả chúng tôi làm việc tại văn phòng 10 tiếng một ngày, từ thứ hai đến thứ bảy.”

Theo tạp chí Forbes Việt Nam

Link gốc: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/cuoc-tai-cau-truc-ngoan-muc-cua-ong-chu-san-miguel-8691.html

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/cuoc-tai-cau-truc-ngoan-muc-cua-ong-chu-san-miguel-a123286.html