3 bài học kinh doanh thành công khác biệt, hiếm người có thể bắt chước của ông chủ Đại Nam Huỳnh Uy Dũng

Nhắc đến doanh nhân Huỳnh Uy Dũng ai cũng biết đến ông chủ khu du lịch nổi tiếng Đại Nam. Tuy nhiên ít người biết được ông được xem là "cha đẻ" của mô hình khu công nghiệp tại Việt Nam. Con đường thành công và triết ký kinh doanh của vị doanh nhân này cũng khá đặc biệt, hiếm gặp tại Việt Nam.

 Từ người tiên phong làm khu công nghiệp đến ông chủ Đại Nam

Ông Huỳnh Uy Dũng vốn có tên là Huỳnh Phi Dũng, sinh năm 1961 tại Bình Định. Năm 1983 sau khi xuất ngũ, ông Dũng chuyển sang làm việc tại công an tỉnh Sông Bé (cũ). Theo tiết lộ của Forbes, biệt danh Dũng "lò vôi" xuất phát từ việc giữa thập niên 1980 ông Dũng để cho cán bộ nung vôi, làm thêm để cải thiện thu nhập.

Đến năm 1990, ông Dũng chuyển sang làm giám đốc công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ (Thalexim). Tiền thân của công ty này là xí nghiệp quốc doanh sơn mài Thành Lễ, vốn đang rơi vào tình cảnh kinh doanh mấy sáng sủa với ngành nghề sơn mài truyền thống. Theo chia sẻ của ông Dũng, khi nhận lại đơn vị này ông đặt ra 3 điều kiện gồm được tự do tuyển cấp phó, được chia 10% lợi nhuận và không dùng vốn ngân sách.

Năm 1992, xí nghiệp được chuyển đổi thành công ty xuất nhập khẩu Thanh Lễ và bắt đầu phát triển vận tải thủy, vận tải hàng hóa, xuất khẩu nông sản. Đến năm 1994, công ty phát triển thêm 3 đơn vị trực thuộc mới gồm Xí nghiệp kinh doanh phát triển nhà, Xí nghiệp Giày Liên Việt, Xí nghiệp giày Việt Lập.

Cùng thời điểm này Luật doanh nghiệp có hiệu lực trong khi các thành phần kinh tế tư nhân gặp bài toán khó con gà- quả trứng: xin giấy đăng ký kinh doanh yêu cầu doanh nghiệp cần có đất, doanh nghiệp đi xin đất thành lập công ty thì phải có giấy phép thành lập công ty. Ông Dũng bèn nảy ra ý tưởng xây sẵn hạ tầng khu công nghiệp làm chỗ cho doanh nghiệp thuê kinh doanh và được lãnh đạo tỉnh Sông Bé (cũ) ủng hộ.

Thalexim trở thành đơn vị đầu tiên trên cả nước được phép thí điểm thành lập khu công nghiệp Bình Đường. Theo giới thiệu của chính công ty này, kể từ năm 1996, hai khu công nghiệp Bình Đường và Sóng Thần 1 – đã thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Đến năm 2000 có 47 khách hàng thuê đất, trong đó có 21 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với số vốn đầu tư đạt 104.680.000 USD, diện tích đất cho thuê đạt 90%, giải quyết cho hơn 30.000 lao động.

Với sự thành công của Bình Đường và Sóng Thần 1, năm 1996 ông Dũng quyết định nghỉ việc nhà nước và thành lập công ty cổ phần Sóng Thần làm chủ đầu tư khu công nghiệp Sóng Thần 2 với diện tích 279 ha. Năm 2005 ông tiếp tục mở tiếp khu công nghiệp Sóng Thần 3 với diện tích 533 ha.

Tháng 3/2009, ông Dũng tiến hành khởi công xây dựng Khu du lịch Đại Nam và cũng đổi tên công ty Sóng Thần thành CTCP Đại Nam. Công trình này bắt đầu đón khách du lịch từ năm 2008, sau gần 10 năm xây dựng. Theo đó khu du lịch 450 ha này là một trong những khu du lịch có diện tích lớn nhất Đông Nam Á với những công trình nhân tạo kỳ vĩ, tráng lệ. Ngoài ra tại đây còn có bức trường thành dài 13,5 km với 328 phòng nghỉ, đền thờ lớn nhất Việt Nam trên diện tích 5.000 m2, một trong những biển nhân tạo lớn nhất Việt Nam.

3 bài học kinh doanh thành công khác biệt, hiếm người có thể bắt chước của ông chủ Đại Nam Huỳnh Uy Dũng - Ảnh 1.

Ông Huỳnh Uy Dũng và vợ.

Ba bài học kinh doanh để đời

Dù không có số liệu chính xác nhưng ông Huỳnh Uy Dũng được xem là một trong những vị đại gia giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ước tính đến chục nghìn tỷ đồng. Theo chia sẻ của ông Dũng với Forbes, bí quyết để ông luôn giữ sự ổn định từ 2 mảng kinh doanh du lịch và khu công nghiệp nằm ở 3 điều.

Thứ nhất, ông Dũng cho biết mình nói không với đòn bẩy tài chính. Năm 2013 khi có tin đồn Đại Nam nợ đến 2.000 tỷ đồng, ông Dũng từng tuyên bố thưởng 100 tỉ cho ai chứng minh được mình có đi vay nợ. Ngoài ra ông còn cho biết nếu đi vay nợ để xây dựng Đại Nam thì không thể sống sót qua khủng hoảng 2008.

Trong hoạt động kinh doanh của bất kỳ doanh nghiệp nào, nhu cầu vốn đầu tư (CapEx) như cơ sở hạ tầng, nhà máy thì việc dùng nợ vay làm đòn bẩy là chuyện phổ biến. Tuy nhiên đây cũng là con dao 2 lưỡi khi doanh nghiệp không đáp ứng được chi phí lãi vay tăng trưởng quá nhanh thì dễ rơi vào trường hợp vỡ nợ hay phá sản. Do đó chuyện không dùng đòn bẩy tài chính của ông Dũng không phải là không có cơ sở và hiện ngoài Đại Nam như CTCP xây dựng Coteccons, CTCP Fahasa không dùng đòn bẩy tài chính nhưng vẫn có thể tăng trưởng tốt.

Bài học thứ 2 của ông Dũng là phải tiên liệu những kịch bản khó khăn nhất. Điều này cũng từng được học giả nổi tiếng John C. Maxwell xem là 1 trong những nguyên tắc cơ bản của một nhà lãnh đạo xuất chúng: Nguyên tắc trực giác.

Trực giác sẽ giúp nhà lãnh đạo nhận biết được cả những yếu tố vô hình trong công tác lãnh đạo, giúp họ dự báo tình huống. Trong mọi hoàn cảnh, họ nắm bắt được tất cả những tình huống mà người khác không thể.

Ngoài ra trực giác còn giúp nhà lãnh đạo là nắm bắt xu hướng. Tất cả mọi thứ xảy ra xung quanh chúng ta cũng giống như những họa tiết trong một bức tranh toàn cảnh. Những nhà lãnh đạo có khả năng từ hiện tại lùi về quá khứ nhìn thấy không chỉ những nơi họ và những người được họ dẫn dắt trải qua, mà cả những nơi họ sẽ tới trong tương lai. Giống như thể họ có khả năng ngửi thấy mùi của sự thay đổi trong làn gió.

Bài học thứ 3 của ông chủ Đại Nam là học cách buông bỏ theo triết lý đạo Phật. Lời khuyên này được người vợ thứ 2 của ông đưa ra, hướng tới cuộc sống thanh thản, không vay mượn để đầu tư.

"Tôi buông bỏ từ đó. Mình lớn tuổi rồi sức khỏe không còn nữa, cứ tối ngày đi vay mượn để đầu tư, tham lam quá đời sau con cháu có khi phải gánh nợ", ông Dũng từng chia sẻ cùng tạp chí Forbes.

Thu Thúy

Theo Trí Thức Trẻ

 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/3-bai-hoc-kinh-doanh-thanh-cong-khac-biet-hiem-nguoi-co-the-bat-chuoc-cua-ong-chu-dai-nam-huynh-uy-dung-a12427.html