Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc, sẽ là người đại diện quản lý phần vốn góp của Hòa Bình tại công ty mới. Trước đó, Tập đoàn cũng lập công ty con là Halcony - Hoa Binh Construction Company Limited nhằm tiến quân vào thị trường Myanmar, có quy mô vốn khoảng 50.000USD. Cuối năm 2017, Hòa Bình cũng tham gia vào một công trình lọc dầu ở Kuwait có giá trị trúng thầu 35 triệu USD.Theo xu thế đó, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình mới đây cũng lần đầu tiên tham gia vào thị trường Campuchia với việc thành lập công ty con có quy mô vốn ban đầu 100.000USD.
Đó có thể xem là những bước tự mò mẫm, đúc kết kinh nghiệm của nhà thầu này trong việc vươn mình đến các vùng đất mới có nhiều tiềm năng tăng trưởng, đi cùng với mục tiêu cải thiện thương hiệu và giảm sự lệ thuộc vào thị trường nội địa.
Campuchia nằm trong top 10 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2017 với mức tăng trưởng 6,9%, theo World Bank. Đó là nhờ sự phục hồi của ngành du lịch, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và nhất là sự bùng nổ của ngành xây dựng khi các nhà đầu tư Trung Quốc đổ hàng tỉ USD vào các dự án hạ tầng giao thông, bất động sản. Thậm chí, Thủ tướng Campuchia Hun Sen còn tiết lộ quốc gia này sẽ sớm có một dự án bất động sản cao 600m, tức cao thứ tư thế giới và cao nhất Đông Nam Á như một biểu tượng cho sự thịnh vượng của đất nước.
Năm 2017, giá trị xây dựng tại thị trường Campuchia tăng trưởng 22%, đạt 6,4 tỉ USD. Năm ngoái, chính phủ nước này đã cấp phép 3.052 dự án với quy mô hơn 10 triệu m2 sàn xây dựng. Cũng giống như TP.HCM hay Hà Nội, thủ đô Phnom Penh đang cần một lượng lớn nhà ở để đáp ứng cho nhu cầu của tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Hiện một căn hộ tại đây có giá dao động từ 22.000-90.000 USD.
Theo CBRE, thị trường bất động sản Campuchia sẽ tiếp tục nhộn nhịp trong năm nay trên hầu hết các phân khúc, như phân khúc nhà ở sẽ đón nhận tổng lượng căn hộ gia nhập mới vào khoảng 13.000 căn. Phân khúc văn phòng ổn định với nhu cầu lớn đến từ phân khúc hạng B và C. Hai trung tâm thương mại quốc tế dự kiến được mở cửa trong năm nay sẽ mang đến không khí sống động cho thị trường bán lẻ. Tương tự như Myanmar, Campuchia đang dần trở thành thỏi nam châm mới, thu hút các nhà đầu tư quốc tế mà Trung Quốc, Singapore, Nhật và Hàn Quốc đang là những nhà đầu tư tích cực nhất.
Với dòng vốn đầu tư nước ngoài nở rộ và tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian qua, nền kinh tế Campuchia được Ngân hàng Phát triển châu Á ví von là “chú hổ mới”. Theo bà Oanh Pham - Sokvann, CEO Công ty Indochine Vina, do cơ sở hạ tầng, bất động sản ở Campuchia hiện đã cũ, chính phủ nước này đang từng bước có kế hoạch đô thị hóa các vùng ven tại thủ đô nhằm thay đổi bộ mặt thủ đô cũng như thu hút đầu tư ngoại tệ từ các chủ đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua bất động sản để kinh doanh. “Đó chỉ mới là thông số của Phnom Penh, chưa kể khu vực Sihanoukville - thành phố du lịch biển, nơi Chính phủ đang có chủ trương phát triển thành đặc khu kinh tế trong tương lai”, bà Oanh Pham - Sokvann chia sẻ với NCĐT.
Quy mô các dự án bất động sản tại Campuchia đang ngày càng lớn. Trong đó, nhà ở tầm trung, chung cư cao cấp, khách sạn, các khu trung tâm mua sắm phong cách hiện đại và cao ốc văn phòng đang là xu hướng phát triển tại vương quốc Campuchia. “Vậy với kinh nghiệm và tầm vóc của Hòa Bình, theo cá nhân tôi, là sân chơi còn đủ lớn dành cho người đến sau”, bà Oanh Pham - Sokvann nhận định.
Theo đánh giá của Chủ tịch Lê Viết Hải, năng lực cạnh tranh của Hòa Bình đã đủ sức để giành được phần thắng ở nước ngoài, đặc biệt là các dự án cao tầng. “Thị trường xây dựng nước ngoài với quy mô lên đến hàng chục ngàn tỉ USD, gấp vài trăm lần thị trường trong nước, là một thị trường tiềm năng và là mục tiêu mà ngành xây dựng Việt Nam cần hướng đến. Trên thực tế, ngành xây dựng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh ở thị trường nước ngoài”, ông Hải nhận định.
Nếu thành công tại mặt trận nơi đây, Hòa Bình sẽ có được nguồn thu hấp dẫn và góp phần giảm sự lệ thuộc vào thị trường bất động sản nội địa, vốn có thể tăng trưởng chậm hơn trong các năm tới, theo đặc điểm của chu kỳ tăng trưởng.
Nhưng bên cạnh cơ hội, dễ thấy thách thức để Hòa Bình giành thắng lợi ở thị trường Campuchia có lẽ không hề nhỏ. Đó là khác biệt về văn hóa kinh doanh và chất lượng nguồn nhân lực, cũng như sẽ chịu áp lực cạnh tranh khốc liệt với các nhà thầu quốc tế khác đang có mặt tại tập đoàn liên doanh giữa Trung Quốc và Campuchia Cano Sino Construction Corporation (CSCC).
Theo bà Oanh Pham - Sokvann, các doanh nghiệp Việt như Hòa Bình cần có tầm nhìn xa và rõ ràng cũng như thật kiên nhẫn khi tham gia vào ngành công nghiệp xây dựng các dự án ở Campuchia. Vì văn hóa “vừa làm vừa tranh thủ hưởng thụ” của người dân nước này sẽ gây sốc với những nhà đầu tư nước ngoài, mặc dù gần đây người dân đã dần thay đổi theo hướng tích cực hơn.
Những rủi ro Hòa Bình gặp phải sẽ liên quan đến những quy định và luật pháp. Dù Campuchia hiện rất cởi mở để thu hút nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu nhà đầu tư không tìm hiểu kỹ luật pháp hoặc cố tình vi phạm các quy định thì sự chế tài của luật pháp Campuchia rất gắt gao và gây bất lợi cho chính mình. Chưa kể nạn tham nhũng tại đây cũng là điều mà nhà đầu tư cần cân nhắc. Để xử lý một sự cố vì không nắm rõ luật định sẽ khiến nhà đầu tư phải loay hoay và chết mòn với nạn tham nhũng.
Thứ hai là thách thức về nguồn lao động phổ thông và tay nghề, vốn đang thiếu trầm trọng. Đó là hậu quả từ việc thu nhập tại địa phương quá bọt bèo khiến người lao động tại Campuchia đã tham gia xuất khẩu lao động sang Thái Lan và Myanmar trong 3 năm trở lại đây. “Đã có vài dự án phải tạm dừng thi công trong vài tháng chỉ vì không có thợ. Và khái niệm lao động giá rẻ tại Campuchia giờ đã lỗi thời”, bà Oanh Pham - Sokvann chia sẻ.
Theo bà Oanh Pham - Sokvann, để phát triển lâu dài tại quốc gia này, trước tiên Hòa Bình cần nghiên cứu nhiều dự án đã được hoàn thành trong năm 2017 và các dự án sẽ hoàn thành trong quý I và II năm 2018. Những tòa nhà, những căn hộ hiện đại hoặc những trung tâm thương mại sầm uất được đưa vào hoạt động từ năm 2017 và giữa năm 2018 sẽ phản ánh phần nào nhu cầu về tiện nghi, cũng như kỹ thuật thi công. Điều đó sẽ rất có giá trị để Hòa Bình phân tích chiến lược phát triển cho riêng mình.Thứ ba là rào cản ngôn ngữ. Nhóm lao động “cổ trắng” tại Campuchia hiện sử dụng tiếng Anh gần như tốt hơn tại Việt Nam, nhưng đối với nhóm lao động phổ thông và nhân viên kỹ thuật trong công trình xây dựng đa số họ lại không thể nói tiếng Anh. Điều này sẽ khiến sự phối hợp không êm ả trong thời gian đầu gây chậm trễ tiến độ dự án.
Sau nhiều năm đối mặt với khó khăn, kết quả kinh doanh của Hòa Bình đã khởi sắc hơn kể từ năm 2016. Riêng năm 2017, Hòa Bình đạt tổng doanh thu trên 16.000 tỉ đồng, tăng 49%; lợi nhuận sau thuế tăng 51%, lên 860 tỉ đồng so với năm trước đó. Kế hoạch kinh doanh mà Tập đoàn đặt ra trong năm nay là lợi nhuận 1.100 tỉ đồng, tăng mạnh 30% nhờ một số công trình đến thời điểm hoàn thành và nghiệm thu.
Đầu năm nay, Hòa Bình cũng đón nhận thêm tin vui khi giành được các hợp đồng có quy mô khá lớn như dự án Sunshine City, Condotel Wyndham Soleil Ánh Dương Đà Nẵng, Khu du lịch sinh thái Prime, Khu văn phòng và căn hộ Hateco Plaza... Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt, trong năm 2018 Hòa Bình có thể nhận giá trị hợp đồng chuyển tiếp từ năm 2017 với quy mô khá lớn. Doanh nghiệp này còn có thể hưởng lợi từ chuỗi dự án tiềm năng là Vincity quận 9 và Vincity Tây Mỗ với giá trị hợp đồng có thể ký kết lên đến 10.000 tỉ đồng. Tập đoàn cũng có một số quỹ đất tốt để hợp tác, có thể mang lại khoản lợi nhuận bất thường
Sơn Nguyễn
Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/hoa-binh-xay-mong-lon-o-campuchia-a12447.html