Đã từng có thời gian nằm ở bến Bạch Đằng, TP Hồ Chí Minh, khách sạn nổi Sài Gòn (Saigon Floating Hotel) là một công trình đẹp nhưng số phận của nó lại chịu lắm thăng trầm.
Neo đậu lần đầu tại rạn san hô John Brewer, cách bờ biển Townsville, bang Queensland, Australia 70km rồi kết thúc sự nghiệp tại Khu du lịch Núi Kim Cương, CHDCND Triều Tiên khi Chủ tịch Kim Jong-un ra lệnh dỡ bỏ...
Sự ra đời của khách sạn nổi
Năm 1977, một doanh nhân người Australia là Doug Tarca xin được giấy phép kinh doanh du lịch tại rạn san hô John Brewer, cách bờ biển Townsville, bang Queensland, Australia, 70 km. Cùng với vợ là bà Marie, chỉ trong 1 năm, khu du lịch lặn biển Doug Tarca's Coral Gardens đã hình thành với một số thuyền kayak, thuyền có đáy ghép bằng những tấm thủy tinh trong suốt cùng các thiết bị lặn.
Khách sạn Barrier Reef Floating Resort ở rạn san hô John Brewer. |
Thời điểm ấy, cứ mỗi sáng khách du lịch từ Townsville đi thuyền cao tốc ra rạn san hô John Brewer, chiều lại quay về vì chẳng có chỗ nào để nghỉ lại.
Nhằm thu hút khách, thoạt đầu Tarca định mua 3 chiếc tàu chở hàng cũ rồi cải tạo và ghép nó thành khách sạn nổi, neo đậu trên rạn san hô.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với một số chuyên gia thiết kế tàu biển, họ cho biết ý tưởng này không thực tế bởi lẽ để cải tạo 3 tàu chở hàng cũ thành khách sạn thì chi phí rất lớn. Ngoài việc đóng mới các phòng ngủ, phòng ăn, phòng chơi bài, quán bar, vũ trường, nhà bếp, kho lạnh..., việc lắp đặt hệ thống xử lý chất thải cũng ngốn khá nhiều tiền.
Và trong lúc loay hoay tìm phương án tối ưu, vận may đã đến với Tarca khi ông tình cờ nghe được thông tin về một công ty Thụy Điển, nhiều năm kinh nghiệm trong việc xây dựng nhà nổi cho kỹ sư, công nhân làm việc trên những giàn khoan dầu.
Sau nhiều lần thương thảo, phía Thụy Điển đồng ý đóng mới cho Tarca một khách sạn nổi gọi là Barrier Reef Floating Resort dài 89m, cao 7 tầng, đạt tiêu chuẩn 5 sao với 200 phòng ngủ cùng 1 vũ trường, 4 quán bar, 4 phòng tập thể hình, 2 bể bơi, 20 phòng tắm hơi và 2 nhà hàng hải sản sang trọng. Phía ngoài khách sạn còn có 1 sân tennis cũng nổi trên biển.
Nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt của khách sạn đến từ hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt, công suất 15.000 lít/ ngày với tổng chi phí 40 triệu USD. Tất cả đều được phía Thụy Điển thi công ở Singapore nhằm rút ngắn quãng đường kéo đến rạn san hô John Brewer.
Và bởi vì tọa lạc tại một địa điểm nhạy cảm về môi trường, Barrier Reef Floating Resort được thiết kế với nhiều tính năng đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Công viên Hải dương rạn San hô Lớn Australia. Toàn bộ thân tàu không sử dụng các loại sơn độc hại.
Chất thải lỏng phải xử lý thành nước sạch rồi mới được phép bơm ra vùng biển cách rạn san hô vài kilomet. Các loại chất thải rắn không được đổ xuống biển mà phải đưa vào đất liền xử lý.
Cuối năm 1987, khách sạn nổi hoàn thành nhưng vì xảy ra tranh cãi tiền nong với bên thi công nên đến tháng 1-1988, vợ chồng ông Tarca mới nhận được Barrier Reef Floating Resort.
Chưa hết, do sự xuất hiện của một cơn bão, đầu tháng 3-1988 Barrier Reef Floating Resort mới được kéo đi, vượt 5.000km đường biển từ Singapore đến rạn san hô John Brewer rồi được neo bởi 6 chiếc mỏ neo, mỗi chiếc nặng 2 tấn.
Trong lễ khai trương, Doug Tarca tuyên bố với gần 500 khách: "Các bạn đã từng ở nhiều khách sạn tại nhiều nơi trên thế giới nhưng chắc chắn rằng đây là lần đầu tiên các bạn ở trên một khách sạn ngay giữa biển khơi. Chỉ cần mở cửa sổ ra, các bạn sẽ nhìn thấy đại dương xanh thẳm và vòng cung san hô đẹp tuyệt với nằm ngay dưới chân bạn".
Thế nhưng, sự tồn tại của Barrier Reef Floating Resort ở rạn san hô John Brewer lại rất ngắn ngủi. Về mặt kỹ thuật, do không được trang bị công nghệ tự động thăng bằng nên cứ mỗi lần gió lớn hoặc lốc xoáy, nó lại chao đảo khiến khách hàng có cảm giác bất an còn trong lĩnh vực kinh doanh, thời điểm khai trương (tháng 3) thì lượng khách du lịch ở phía bắc Australia - bao gồm Queensland, Northen Territori, Calns..., đã đi nghỉ đông ngay từ tháng 1 nên số người đặt phòng rất thưa thớt.
Đã vậy, cái bất lợi lớn nhất là từ tháng 3 cho đến tháng 7, vùng biển nơi này động mạnh, hành trình dài 70km từ Townsville ra Barrier Reef Floating Resort rất khó khăn.
Khách du lịch khi đặt chân lên khách sạn nổi phần lớn đều say sóng còn nếu kể thêm thì 1 tàu hậu cần, chuyên chở du khách, thực phẩm và các đồ dùng thiết yếu cho khách sạn lại bị cháy, tạo ra cái nhìn tiêu cực về khách sạn nổi.
Khách sạn nổi đến Việt Nam
Chưa đầy 1 năm kể từ khi đi vào hoạt động, Barrier Reef Floating Resort đã phải chịu một khoản lỗ lên đến 3 triệu USD mà nguyên nhân là công tác tiếp thị không đạt hiệu quả, trình độ quản lý kém. Để cắt lỗ, đầu năm 1989, vợ chồng Doug Tarca quyết định bán nó cho Tập đoàn EIC Development Company, Nhật Bản, để nơi này đưa nó về TP HCM, Việt Nam, kinh doanh dưới sự hợp tác với một đơn vị thuộc phía Việt Nam là Oversears Foreign Trade Coporation.
Saigon Floating Hotel tại bến Bạch Đằng. |
Quản lý và điều hành khách sạn là Công ty Australia's Southern Hotels, thời gian hoạt động 5 năm. Tại nơi neo đậu ở bến Bạch Đằng, nó mang tên Khách sạn nổi Sài Gòn (Saigon Floating Hotel). Dưới mắt dân thành phố, đây là một kiến trúc đẹp, thu hút rất nhiều người đến nhìn ngắm nó, nhất là khi đêm về, nó lung linh phản chiếu trên mặt sông Sài Gòn bởi những chùm đèn đầy màu sắc.
Thời điểm khách sạn nổi neo đậu tại bến Bạch Đằng thì cũng là lúc Việt Nam vừa trải qua những năm đầu đổi mới, khách du lịch quốc tế xuất hiện ngày càng nhiều trong khi những khách sạn cao cấp ở TP HCM chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên mặc dù giá phòng mỗi đêm lên đến 355USD (năm 1991) nhưng lúc nào cũng kín, chưa kể nó còn được lãnh đạo thành phố đặt làm nơi tiếp khách quốc tế hoặc các công ty, tập đoàn nước ngoài tổ chức những buổi hội thảo quan trọng.
Khi Saigon Floating Hotel mở thêm 2 quán bar là Q Bar và Downunder Disco thì nó như một làn gió mới, thổi vào nhịp sống về đêm vốn còn khá bình lặng trong lĩnh vực giải trí. Cứ từ 21 giờ trở đi, Q Bar và Downunder Disco lại đặc nghẹt người, đa số là thủy thủ của những con tàu viễn dương cập cảng Sài Gòn hoặc người nước ngoài làm việc tại Sài Gòn, hoặc đi du lịch.
Thế nhưng một lần nữa, sự long đong, thăng trầm lại đến với Saigon Floating Hotel. Về mặt khách quan, 5 năm tọa lạc tại bến Bạch Đằng là khoảng thời gian đủ để cho hàng chục khách sạn cao cấp liên doanh với nước ngoài xuất hiện, chia sẻ thị phần.
Cho đến đầu năm 1995, doanh thu của Saigon Floating Hotel đã sụt giảm khoảng 30% so với những ngày mới xuất hiện. Thêm vào đó, trong xã hội lại có ý kiến cho rằng Saigon Floating Hotel nằm án ngữ ngay "mặt tiền" sông Sài Gòn khiến mỹ quan đô thị bị ảnh hưởng.
Ngày 1-4-1997, Saigon Floating Hotel nhổ neo lên đường đi Singapore. Sở dĩ phải chậm mất 2 năm là vì năm 1989, khi Saigon Floating Hotel đến TP HCM thì Hải quan Việt Nam chưa áp dụng tờ khai theo mẫu giấy màu vàng nên lúc chuẩn bị di dời, khách sạn phải bổ sung một số giấy tờ theo quy định.
Trong 2 năm cuối cùng ấy, Saigon Floating Hotel vẫn nằm ở vị trí cũ dưới hình thức gia hạn giấy phép nhưng không kinh doanh. Lần này, nó được bán cho Công ty Huyndai Asean, chuyên về du lịch, trực thuộc Tập đoàn Huyndai, Hàn Quốc, với giá chỉ là 18 triệu USD. Sau khi tiến hành sửa chữa, nâng cấp, Saigon Floating Hotel khoác lên mình cái tên mới là Hotel Haekumgang.
Sự kết thúc của khách sạn nổi
Cuối năm 1999, Hotel Haekumgang di chuyển đến cảng Chanjon thuộc Khu du lịch núi Kim Cương (Kumgangsan), nằm trong tỉnh Kangwon, phía đông CHDCND Triều Tiên rồi chính thức mở cửa hoạt động vào năm 2000.
Hotel Haekumgang ở cảng Chanjon, Khu du lịch núi Kim Cương. |
Nguyên là từ năm 1998, khách du lịch người Hàn Quốc được phép đến thăm nơi này bằng đường biển và từ năm 2000, bằng đường bộ. Vì vậy, cùng với việc xây dựng nhiều căn biệt thự phục vụ nghỉ dưỡng, Công ty Huyndai Asean tin rằng sự xuất hiện của Hotel Haekumgang sẽ là một điểm nhấn, giúp cho việc kinh doanh thành công.
Theo tính toán của những nhà lãnh đạo Huyndai Asean, với con số 100.000 du khách đến núi Kim Cương mỗi năm, Hotel Haekumgang chắc chắn có lãi nếu so với việc phải bỏ tiền ra để xây dựng một khách sạn có công năng tương tự như Hotel Haekumgang trên đất liền. Còn nếu chẳng may xảy ra biến cố chính trị, quân sự, Huyndai Asean có thể dễ dàng kéo Hotel Haekumgang ra khỏi lãnh thổ CHDCND Triều Tiên.
Tuy nhiên, "họa vô đơn chí", ngày 10-7-2008, một nữ du khách Hàn Quốc 51 tuổi, có họ là Park đã bị lính CHDCND Triều Tiên bắn chết tại Khu du lịch Núi Kim Cương.
Theo Thông tấn xã KCNA, vào lúc 5 giờ sáng bà Park một mình đi dạo trên bãi biển gần khách sạn nhưng chẳng hiểu vô tình hay cố ý, bà lại đi vào khu vực quân sự. Khi lính CHDCND Triều Tiên bắn cảnh cáo để gọi bà dừng lại thì bà Park bỏ chạy. Bình Nhưỡng rất lấy làm tiếc vì chuyện này.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Hàn Quốc tuyên bố tạm ngưng tất cả những tour du lịch đến núi Kim Cương cho tới khi cái chết của bà Park được làm sáng tỏ. Sự "tạm ngưng" đó kéo dài cho đến tận ngày nay và một lần nữa, Hotel Haekumgang cùng hàng trăm biệt thự nghỉ dưỡng - kể cả một khách sạn được xây dựng trên đất liền là Aranti - cũng do Công ty Huyndai Asean quản lý, rơi vào cảnh tiêu điều, hoang vắng.
Hầu hết khách du lịch đã từng ở tại Hotel Haekumgang đều có cùng nhận xét: "Haekumgang có tiện nghi vật chất tốt hơn những khách sạn do CHDCND Triều Tiên xây dựng. Nước sinh hoạt cũng sạch hơn và điện, mạng viễn thông, internet không bị chập chờn".
Giữa năm 2019, sau các cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, giới kinh doanh du lịch Hàn Quốc bừng lên niềm hy vọng về việc tái mở cửa Khu du lịch núi Kim Cương nhưng ngày 22-10-2019, trong một chuyến thị sát đến nơi này, Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh "loại bỏ các cơ sở nhìn rất khó chịu do Hàn Quốc xây dựng để tái cấu trúc lại theo hướng hiện đại, phù hợp với cảnh quan thiên nhiên của núi Kim Cương".
Vẫn theo ông Kim Jong-un: "Khu du lịch này nằm trên đất CHDCND Triều Tiên và tất cả mọi hoạt động du lịch không thể do Hàn Quốc kiểm soát".
Và chưa đầy 1 tháng sau chuyến thị sát núi Kim Cương của ông Kim Jong-un, Bình Nhưỡng ra tối hậu thư, nội dung nếu Seol vẫn có những đòi hỏi vô lý thì Bình Nhưỡng sẽ tiến hành các biện pháp quyết liệt, tự mình dỡ bỏ các cơ sở vật chất do Hàn Quốc xây dựng trong Khu du lịch Núi Kim Cương, bao gồm cả Hotel Haekumgang.
Vẫn theo Bình Nhưỡng, CHDCND Triều Tiên sẽ tự phát triển núi Kim Cương thành khu du lịch văn hóa toàn cầu theo phong cách nước này, nơi mà Hàn Quốc không có cửa để tham gia.
Như vậy, sau khi vượt qua tổng cộng 13.000km trên biển, khởi đầu là Barrier Reef Floating Resort rồi đến Saigon Floating Hotel và cuối cùng là Hotel Haekumgang, số phận của "khách sạn nổi" xem ra đã được định đoạt…
(Theo An ninh Thế giới)
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ket-thuc-buon-cua-khach-san-noi-tu-viet-nam-sang-trieu-tien-a124758.html