CEO trở về từ Thung lũng Silicon: Kỹ sư Việt Nam và Mỹ không khác biệt về chuyên môn

Thông Đỗ là Tiến sĩ của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) với 5 bằng sáng chế về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo. Anh là đồng sáng lập Arimo - công ty về dữ liệu lớn từng gây tiếng vang tại Thung lũng Silicon - đã bán lại cho Panasonic Mỹ.

Hiện Thông Đỗ là đồng sáng lập và CEO Palexy - startup công nghệ về Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo - cung cấp công nghệ phân tích cho phép các nhà bán lẻ đo lường, phân tích và hiểu rõ hơn về hành vi của khách hàng và hiệu suất của nhân viên.

- Anh đã đến Mỹ và khởi nghiệp tại đây như thế nào?

- Sau khi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, năm 2004 tôi qua Mỹ học tiến sĩ tại Đại học Johns Hopkins về mảng Computer Vision & AI (Thị giác máy tính và Trí tuệ nhân tạo). Sau khi học xong tiến sĩ, tôi đi làm vài năm tại một số công ty công nghệ ở Mỹ trước khi quyết định đứng ra thành lập công ty Arimo với một số người bạn vào năm 2013. Arimo có trụ sở chính tại Thung lũng Silicon và trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) ở TP HCM.

Trước khi sang Mỹ và trong quá trình học tiến sĩ, tôi đã thử khởi nghiệp nhiều lần nhưng khi đó do chưa đủ độ chín về kỹ năng, kinh nghiệm cũng như các mối quan hệ xã hội nên đều không thành công.

Với tôi, việc khởi nghiệp chỉ đơn giản là mình tìm cách giải quyết một vấn đề nào đó trong xã hội. Quá trình học tiến sĩ ở trường giúp tôi rèn luyện khả năng giải quyết vấn đề theo hướng sáng tạo, không theo lối mòn. Ngoài ra trong quá trình hoàn thành chương trình tiến sĩ, mình sẽ trở nên kiên nhẫn hơn vì có khi mất vài năm để giải quyết một vấn đề một cách trọn vẹn. Đây là những yếu tố rất quan trọng giúp tôi khởi nghiệp sau này.

- Năm 2016, tạp chí Fast Company đã đưa startup Arimo của anh vào danh sách 10 công ty sáng tạo nhất trong lĩnh vực khoa học dữ liệu. Đâu là bí quyết giúp một công ty do những người gốc Việt sáng lập đạt được những thành công đáng kể tại Mỹ?

- Tôi cùng với một số người bạn thành lập Arimo vào cuối năm 2012, đầu năm 2013. Khi đó làn sóng công nghệ Big Data (Dữ liệu lớn) đang bước vào thời kì phát triển mạnh mẽ tại Thung lũng Silicon. Có rất nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm muốn rót tiền vào các startup trong lĩnh vực này tại thời điểm đó.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất với các startup ở Thung lũng Silicon không phải gọi vốn đầu tư mà là tìm được các kỹ sư tài năng để xây dựng sản phẩm và công nghệ. Thị trường nhân lực ở Thung lũng Silicon ngày càng cạnh tranh gay gắt và vì thế rất khó cho các startup để tâp hợp, xây dựng được một đội ngũ kỹ sư giỏi trong những ngày đầu tiên.

Nhóm kỹ sư giỏi nhất thường họ ra ngoài tự xây dựng các startup riêng. Nhóm kỹ sư giỏi nhì thì thường đầu quân cho các công ty công nghệ lớn như Google, Facebook, Amazon, hoặc các “hot startup” đang chuẩn bị IPO. Do vậy trên thị trường chỉ còn nhóm kỹ sư giỏi thứ 3 và nhóm này được săn đón bởi hàng nghìn thậm chí hàng chục nghìn các startup ở Thung lũng Silicon.

Arimo giải quyết bài toán khan hiếm nguồn nhân lực chất lượng cao này bằng cách tự xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ chất lượng quốc tế ở Việt Nam thay vì ở Thung lũng Silicon. Vào những năm 2012-2013, gần như toàn bộ các công ty công nghệ ở Việt Nam chỉ làm dịch vụ gia công phần mềm cho các khách hàng ở thị trường nước ngoài, tận dụng nguồn nhân công rẻ ở Việt Nam. Tuy nhiên mô hình nguồn nhân công rẻ này lại không phù hợp để xây dựng các sản phẩm và công nghệ đột phá mà Arimo đang nhắm tới. Do vậy Arimo đã tiên phong trong việc xây dựng đội ngũ kỹ sư công nghệ đẳng cấp quốc tế nhưng ngồi làm việc tại Việt Nam. Arimo không chỉ tuyển chọn những kỹ sư công nghệ giỏi nhất trong nước mà còn tuyển dụng cả các kỹ sư từ các nước như Mỹ, Nhật, Singapore, châu Âu… về Việt Nam làm việc.

Ngoài việc tuyển dụng nhân tài khắp nơi, Arimo cũng tiên phong trong việc xây dựng một văn hoá làm việc rất khác biệt với các công ty công nghệ khác ở Việt Nam, đó là môi trường làm việc tập trung vào sáng tạo và đặc biệt trọng dụng các kỹ sư tài năng. Lương của các kỹ sư giỏi có thể cao hơn lương của quản lý. Kỹ sư giỏi sẽ được tham gia trực tiếp vào việc lên kế hoạch cũng như phát triển sản phẩm. Đây cũng là mô hình văn hoá doanh nghiệp sáng tạo mà Google, Facebook, Microsoft, Amazon… đã xây dựng rất thành công tại Thung lũng Silicon trong 2 thập kỷ qua. Vào những năm 2014, mô hình doanh nghiệp sáng tạo này rất mới ở Việt Nam và lúc đó chỉ có Arimo triển khai nên quy tụ được rất nhiều tài năng công nghệ tham gia.

Sau này có thêm nhiều startup công nghệ khác ở Việt Nam triển khai mô hình doanh nghiệp sáng tạo này và cũng khá thành công. Về cơ bản mô hình doanh nghiệp sáng tạo này rất phù hợp để phát triển các sản phẩm và công nghệ đột phá, giúp tăng đáng kể chất lượng của các startup công nghệ trong nước.

- Arimo từng được kỳ vọng sẽ trở thành startup kỳ lân, tại sao anh và những người đồng sáng lập quyết định bán lại công ty cho Panasonic?

- Mỗi công ty công nghệ thường có chu kỳ phát triển nhất định, thông thường là 5-7 năm. Sau 5-7 năm nếu anh trở thành “market leader” (người dẫn đầu thị trường) trong ngành thì sẽ tiếp tục được rót vốn đầu tư và phát triển mạnh mẽ. Để trở thành “market leader” thì cần nhiều yếu tố khác ngoài việc sở hữu những sản phẩm và công nghệ sáng tạo, ví dụ như cần có chiến lược bán hàng, tiếp thị tốt để chiếm lĩnh thị trường.

Sau 5-7 năm, nếu không trở thành “market leader” thì sẽ khó cạnh tranh và đồ thị phát triển sẽ đi ngang. Trong trường hợp đó thì cách tốt nhất là hợp tác chiến lược với một đối tác có đủ nguồn lực để giúp mình phát triển nhanh và hiệu quả hơn. Arimo đã chọn cách sáp nhập với tập đoàn Panasonic để tiếp tục phát triển những sản phẩm và công nghệ theo hướng đi tốt nhất cho mình.

- Điều gì khiến anh quyết định rời Mỹ về Việt Nam khởi nghiệp?

- Tính tôi thích giải quyết các vấn đề trong xã hội bằng cách áp dụng công nghệ. Vấn đề càng lớn, càng khó thì càng cuốn hút tôi. Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung là “emerging markets” (thị trường mới nổi) nên còn nhiều vấn đề lớn trong xã hội chưa được giải quyết và vì thế tôi nghĩ mình sẽ tạo ảnh hưởng lớn hơn nếu khởi nghiệp trong các thị trường này.

- Palexy ra đời như thế nào và đang hoạt động ra sao?

- Sau 5 năm phát triển sản phẩm công nghệ Big Data & AI phục vụ thị trường Mỹ, tôi nhận ra rằng thị trường Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung cũng có rất nhiều bài toán lớn trong xã hội cần giải quyết và có thể được giải quyết hiệu quả bằng các công nghệ này.

Trước đây khi nói đến các công ty công nghệ ở châu Á thì mọi người đều nghĩ các công ty này chỉ đóng vai trò “follower” (người theo sau) các công ty công nghệ ở Thung lũng Silicon, tức là họ chỉ bắt chước xây dựng các sản phẩm hay mô hình kinh doanh đã thành công ở Thung lũng Silicon và nội địa hoá ở thị trường của mình, chứ không tạo ra một sản phẩm hay mô hình kinh doanh mới. Tuy nhiên, theo tôi quan sát thì thế giới công nghệ đang thay đổi và điều này không còn đúng nữa, ví dụ, trung tâm của công nghệ AI & dữ liệu đang dịch chuyển dần về châu Á.

Palexy ra đời với sứ mệnh giúp các nhà bán lẻ truyền thống (in-store retail) làm tốt hơn việc hiểu khách hàng của họ, giúp họ tối ưu vận hành cửa hàng vật lý và trải nghiệm khách hàng, thông qua ứng dụng các công nghệ AI và Big Data. Hay nói cách khác Palexy muốn triển khai “công thức thành công” của thương mại điện tử, đó chính là các việc đo đạc và phân tích hành vi người tiêu dùng, vào bán lẻ truyền thống, để giúp người mua sắm có trải nghiệm trong cửa hàng tốt hơn đồng thời giúp các nhà bán lẻ truyền thống quản lý vận hành hiệu quả hơn dựa trên dữ liệu thực tế.

- Startup của anh hiện có nhận vốn đầu tư từ các nhà đầu tư thiên thần hay quỹ đầu tư mạo hiểm?

- Trong 2 năm vừa rồi tôi và các nhà đồng sáng lập tự đầu tư vào Palexy là chủ yếu. Hiện tại chúng tôi cũng đang gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm để mở rộng sang thị trường Đông Nam Á và châu Á trong năm nay.

- Đâu là giai đoạn anh thấy khó khăn nhất trong quá trình khởi nghiệp của mình và anh đã vượt qua nó như thế nào?

- Khi khởi nghiệp thì giai đoạn nào cũng có những khó khăn riêng, không giai đoạn nào dễ cả. Giai đoạn đầu làm startup thì khó khăn nhất là làm sao xây dựng được sản phẩm phù hơp với thị trường (product-market fit), làm sao tránh được sai lầm phổ biến nhất đó là xây dựng sản phẩm mà không có khách hàng nào muốn trả tiền sử dụng.

Tìm “product-market fit” thực ra là quá trình thử sai liên tục, và quan trọng là bạn phải tìm ra được câu trả lời trước khi bạn đốt hết tiền đầu tư ban đầu. Khi vượt qua được giai đoạn này thì khó khăn tiếp theo là xây dựng văn hoá công ty, tuyển dụng đủ người tài để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của công ty.

- Anh có tham vọng đưa Palexy thành unicorn?

- Các công ty startup trên thế giới có thể chia thành 2 nhóm chính. Nhóm thứ nhất tập trung vào tăng trưởng bằng mọi giá kể cả chấp nhận lỗ trung và dài hạn. Nhóm thứ hai phát triển bền vững hơn, cân đối giữa tăng trưởng và lợi nhuận. Các startup trong nhóm thứ nhất cần rất nhiều vốn để vận hành và thường phải gọi vốn liên tục để duy trì tăng trưởng. Còn nhóm thứ hai thì ít phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài hơn vì họ tập trung vào sự phát triển hữu cơ và bền vững.

Đa phần các startup kỳ lân trên thế giới hiện nay đều nằm trong nhóm thứ nhất. Cá nhân tôi thì tin tưởng vào sự phát triển hữu cơ và bền vững của các startup và nói chung tôi không muốn xây lâu đài trên cát. Chính vì vậy tôi không quan tâm lắm đến việc Palexy có trở thành startup kỳ lân hay không. Tôi quan tâm hơn đến việc làm sao Palexy có thể tạo thêm giá trị cho khách hàng và cho cộng đồng.

- Được biết tại Palexy cũng có rất nhiều cựu du học sinh tài năng làm việc. Anh thuyết phục họ về làm việc cho mình hay họ tự tìm đến với anh?

- Người tài thì thường thích những thử thách lớn, những nhiệm vụ mà họ chưa có cơ hội thử sức trước đây. Thử thách càng lớn thì họ càng muốn tham gia giải quyết. Nhiệm vụ chính của tôi là tìm ra những thử thách đủ lớn và sau đó tạo ra một môi trường mà tất cả các thành viên đều có thể phát huy tối đa sức mạnh của mình. Để làm việc được với nhau thì tài năng không chưa đủ mà cần có chút duyên với nhau nữa nên tôi nghĩ là chúng tôi cùng tìm đến với nhau.

- Một startup thường khó cạnh tranh được với các tập đoàn lớn về lương thưởng, vậy anh tuyển dụng và giữ chân nhân tài bằng cách nào?

- Một người khi đi làm thường sẽ chọn nơi làm việc dựa trên 3 yếu tố (1) lương thưởng (2) môi trường làm việc và (3) cơ hội phát triển sự nghiệp trung và dài hạn. Mỗi người sẽ có những trọng số khác nhau cho 3 yếu tố trên nhưng theo tôi quan sát thì những người tài hoặc tiềm năng có xu hướng đánh trọng số cao hơn cho yếu tố (2) và đặc biệt là (3).

Cần phân biệt rõ “good people” (người tốt) và “great people” (người vĩ đại). Nhìn chung “great people” có xu hướng ưu tiên phát triển những giá trị lâu dài hơn là tập trung vào lợi ích ngắn hạn. Chính vì thế tôi tin là startup, nếu được xây dựng đúng cách, thực ra có cơ hội cao hơn các tập đoàn trong việc thu hút và giữ chân “great people”.

- Mới đây, hai nhà đồng sáng lập Google đã rời vị trí lãnh đạo của chính công ty mà họ sáng lập. Anh có sẵn sàng làm điều này nếu tìm được một người tài năng hơn mình lãnh đạo công ty?

- Khi tuyển các vị trí chủ chốt tôi luôn áp dụng nguyên tắc “mỗi bạn đó phải giỏi hơn tôi ở mảng các bạn phụ trách”. Nếu tìm được người giỏi hơn tôi ở tất cả mảng quan trọng nhất của công ty thì tôi sẽ sẵn sàng chuyển lại vị trí lãnh đạo công ty cho bạn đó còn mình sẽ đi tìm những thử thách khác lớn hơn để giải quyết.

- Với kinh nghiệm của mình, anh thấy người Việt làm việc cho các công ty công nghệ tại Mỹ thường có điểm mạnh và điểm yếu gì?

- Hệ thống đào tạo đại học và sau đại học ở Mỹ giống như một nhà máy sản xuất, đầu vào thì rất đa dạng sinh viên từ nhiều quốc gia, nhưng đầu ra thì tạo nên các sản phẩm với chất lượng tương đối đồng đều. Do vậy không có nhiều khác biệt giữa các kỹ sư người Việt hay người Mỹ trong các công ty công nghệ về mặt chuyên môn.

Nếu có thì chủ yếu do yếu tố cá nhân thôi, chứ không phải do quốc tịch. Điểm khác biệt lớn nhất có thể là vấn đề ngôn ngữ, văn hoá khác nhau dẫn đến việc các bạn kỹ sư người nước ngoài đến từ các nước không nói Tiếng Anh (như Việt Nam, Trung Quốc) thì sẽ tập trung làm sâu hơn về các vấn đề công nghệ, còn các bạn kỹ sư đến từ các nước nói tiếng Anh thì sẽ có cơ hội làm việc trực tiếp với khách hàng nhiều hơn.

- Trước đây, dư luận hay bàn về vấn đề chảy máu chất xám khi nhiều người sau khi đi du học ở lại nước ngoài làm việc. Thế nhưng thời gian gần đây rất nhiều người Việt tài năng sau khi thành công đã quay về Việt Nam khởi nghiệp. Theo anh đâu là lý do và anh thấy khởi nghiệp tại Mỹ hay Việt Nam dễ hơn?

- Thế giới ngày càng phẳng và đang thay đổi rất nhanh, vì thế vấn đề chảy máu chất xám cần phải định nghĩa lại. Chất xám bây giờ đóng góp vào chuỗi giá trị toàn cầu nên không có ranh giới quốc gia. Ví dụ ngồi ở Mỹ nhưng lại tạo ra công nghệ phục vụ thị trường Việt Nam hoặc ngược lại ngồi ở Việt Nam nhưng lại xây dựng sản phẩm phục vụ thị trường Mỹ là điều bình thường.

Việc ngồi ở đâu làm việc không quan trọng nữa rồi, miễn là tạo ra giá trị cho xã hội, cho cộng đồng, và phát triển được sự nghiệp cá nhân. Việc có nhiều người Việt đã từng sống và làm việc ở nước ngoài muốn về nước khởi nghiệp chứng tỏ thị trường Việt Nam ngày càng hấp dẫn, có nhiều cơ hội cho người tài xây dựng sự nghiệp của mình. Thị trường Việt Nam và Đông Nam Á là những “emerging markets” nên về cơ bản còn nhiều khoảng trống và cũng là cơ hội cho các cá nhân muốn khởi nghiệp vì bản chất của khởi nghiệp là giải quyết các vấn đề của xã hội.

Khởi nghiệp thì ở đâu cũng khó như nhau vì các vấn đề dễ đã được người khác giải quyết xong rồi nên chỉ còn các vấn đề khó và nhiều rủi ro. Rủi ro chính là yếu tố căn bản giúp các startup có thể cạnh tranh và giành ưu thế với các tập đoàn vì các công ty lớn thường sẽ không ưu tiên giải quyết các vấn đề có nhiều rủi ro.

Mỗi thị trường sẽ có điểm thuận lợi và khó khăn khi khởi nghiệp khác nhau. Ví dụ Mỹ có hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh nhất trên thế giới, đặc biệt có nhiều các quỹ đầu tư mạo hiểm (VC), nên việc gọi vốn nhìn chung sẽ thuận lợi hơn. Tuy nhiên thị trường Mỹ thì cạnh tranh lại rất cao vì có rất nhiều startup hàng đầu thế giới và nhân tài khắp nơi đổ về. Ngược lại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung thì hệ sinh thái khởi nghiệp còn khá mới, chưa có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nên việc gọi vốn nhìn chung sẽ khó hơn cho các startup địa phương. Nhưng bù lại thị trường còn nhiều khoảng trống và ít cạnh tranh hơn so với các thị trường phát triển như Mỹ.

- Theo anh, hệ sinh thái Việt Nam hiện nay còn thiếu những yếu tố gì để có thể phát triển mạnh hơn nữa?

- Nếu hệ sinh thái startup của Mỹ giống người trưởng thành thì hệ sinh thái startup Việt Nam chỉ như đứa bé vừa mới sinh thôi nên cái gì cũng thiếu. Nhưng cái cần trước mắt là cần có thêm nhiều founder thực chiến, nói ít, làm nhiều, và dám đương đầu giải quyết các bài toán không chỉ trong phạm vi thị trường Việt Nam mà phải hướng đến thị trường khu vực và thậm chí thị trường toàn cầu.

- Cảm ơn anh!

Bài: Diệu Tuyết

Thiết kế: Bảo Linh

Theo Người Đồng Hành 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ceo-tro-ve-tu-thung-lung-silicon-ky-su-viet-nam-va-my-khong-khac-biet-ve-chuyen-mon-a124947.html