Didi Chuxing - ứng dụng gọi xe của Trung Quốc đã chính thức gửi hồ sơ lên Bộ Giao thông vận tải Việt Nam. Từng dùng lá bài "chủ nghĩa dân tộc" để hạ đo ván Uber tại Trung Quốc, vậy khi tiến vào thị trường gọi xe Việt Nam, ông lớn này sẽ dùng chiêu gì với Grab, Mai Linh, Vinasun, Vato.
Năm 2009, khi Travis Kalanick - nhà sáng lập Uber còn đang mải mê khoe khoang trên Twitter về những mối quan hệ với doanh nhân, người nổi tiếng, thì người sẽ đánh bại Uber ở Trung Quốc sau này lại có một cuộc sống kín tiếng và thầm lặng hơn.
Ngay trước thời điểm sáng lập Didi Chuxing năm 2012, Cheng Wei đã đăng một bài viết trên blog về lòng hiếu thảo, hứa sẽ gọi điện cho ba mẹ mỗi tuần và đưa họ đi du lịch. "Đã đến lúc tôi thực sự nên làm điều gì đó cho mẹ của mình", Cheng Wei viết.
Sau 4 năm, Cheng đã khiến Kalanick ngạo nghễ (nhà sáng lập Uber) nếm mùi thất bại, và thực tế Uber đã quy hàng trước Didi Chuxing, chấm dứt cuộc chiến gọi xe ở thị trường Trung Quốc.
Những người gần gũi với Cheng cho biết, ông khiêm tốn và luôn tôn trọng các bậc tiền bối, nhờ đó Didi đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ trong cuộc chiến chống lại Uber.
Tham vọng "vua gọi xe" Trung Quốc
Sinh ra tại một thị trấn nhỏ tại trấn Giang Tây, Cheng Wei theo học Đại học Công nghệ hoá học Bắc Kinh. Sau tốt nghiệp, ông phục vụ cho một công ty chăm sóc sức khoẻ, nhưng công việc này không đáp ứng kỳ vọng của ông.
"Cheng chuyển sang làm trợ lý cho Chủ tịch của một công ty massage chân khoảng 1 năm trước khi làm nhân viên sales tại Alibaba", Allen Zhu, giám đốc điều hành của GSR Ventures, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Didi cho biết.
Trong 8 năm, Cheng được thăng chức lên vị trí quản lý sales khu vực phía bắc Trung Quốc của Alibaba, sau đó chuyển sang làm Phó tổng giám đốc Alipay - công ty thanh toán trực tuyến của Alibaba.
"Cậu ấy luôn rất tham vọng và không bao giờ thỏa mãn với bản thân" - Wang Gang, nhà đầu tư thiên thần của Didi nói và quả thực, thành công của Didi đã vượt xa kỳ vọng của Wang và cả chính Cheng.
Năm 2012, Cheng thành lập công ty Beijing Orange Technology và ra mắt ứng dụng gọi taxi Didi Dache tại khu phức hợp Trung Quan Thôn, thuộc quận Hải Điện, Bắc Kinh - nơi được mệnh danh là "thung lũng Silicon" của Trung Quốc.
Những ngày đầu khởi nghiệp, con đường đi lên của Didi không hề bằng phẳng. Phải tới cuối năm 2012, khi Bắc Kinh xảy ra trận bão tuyết lịch sử, ứng dụng Didi mới được coi trọng khi lần đầu vượt mốc 1.000 chuyến đi/ngày, qua đó gọi được vốn đầu tư đầu tiên với 2 triệu USD.
Thế nhưng, đối thủ của hãng là Kuaidi Dache (taxi nhanh) được Alibaba đầu tư khiến Didi khốn đốn. Bởi ở Trung Quốc, các startup nếu được 3 đại gia Alibaba, Tencent và Baidu đầu tư, coi như thắng lợi tới 90%. Wang và Cheng cũng đến gõ cửa Tencent. Từ đây, Didi và Kuaidi nhanh chóng đối đầu nhau.
Cuộc chiến giữa Didi và Kuaidi thực ra còn kéo theo cuộc chiến của 2 đại gia chống lưng là Alibaba với Tencent. Cuộc chiến sẽ không dừng lại nếu như năm 2014 không có sự xuất hiện của Uber.
Cuối cùng, nhờ nhà đầu tư mạo hiểm người Nga Yuri Milner đóng vai trò cầu nối, tháng 2/2015, hai startup Didi và Kuaidi sáp nhập. Lúc này, Didi nắm 60% cổ phần trong doanh nghiệp mới lấy tên Didi Chuxing.
Liên tục đốt tiền khiến Uber gục ngã
Trong một chuyến đi thực địa năm 2015, Cheng chia sẻ thẳng thắn với CEO Uber lúc đó là Travis Kalanick, rằng việc ông thành lập Didi chính là lấy cảm hứng từ Uber.
Sau đó, Uber ngỏ lời đầu tư vào Didi, nhưng Cheng Wei xem đó là lời đề nghị thâu tóm. Câu trả lời của Cheng là Uber có thể nhanh chân hơn trên thị trường toàn cầu, nhưng ở Trung Quốc, Didi sẽ vượt mặt Uber.
Ban đầu, Uber tỏ ra lấn át với ứng dụng tốt hơn, công nghệ ổn định hơn. Các nhà đầu tư định giá Uber 42 tỷ USD, gấp 10 lần so với Didi thời điểm đó. "Khi ấy, chúng tôi cảm thấy như mình là quân đội nhân dân với súng trường và đang bị dội bom bởi máy bay, tên lửa. Họ thực sự có các vũ khí hiện đại", Cheng so sánh.
Đứng trước toàn thể nhân viên của mình, ông khẳng định: "Nếu thất bại, chúng ta sẽ chết". Tháng 5/2015, Cheng bắt đầu "phản công" khi miễn phí 1 tỷ nhân dân tệ cho hành khách. Uber ngay lập tức làm theo.
Tháng 9/2015, Didi quyết tấn công vào thẳng "sào huyệt" của Uber tại Mỹ khi đầu tư 100 triệu USD vào đối thủ Uber là Lyft. Chỉ trong gần một năm, cả Didi và Uber đều đốt tới 1 tỷ USD chỉ để "đấu nhau".
Không chịu dừng lại, hai bên tích cực kiếm tìm nguồn vốn mới. Tháng 5/2016, Didi được Apple đầu tư 1 tỷ USD. 1 tháng sau, Uber kêu gọi thành công 3,5 tỷ USD từ Quỹ đầu tư công của Ả-rập Xê-út.
Tháng 8/2016, sau trận chiến kéo dài gần 18 tháng, hai bên đình chiến sau khi Uber chấp nhận "bán mình". Didi Chuxing mua lại luôn chi nhánh Uber Trung Quốc, nắm giữ toàn bộ tài sản gồm thương hiệu, hoạt động kinh doanh, dữ liệu vận hành.
Didi Chuxing đã trở thành một trong những mạng lưới vận tải lớn nhất thế giới, với nhiều dịch vụ như: cho thuê, chia sẻ và đi nhờ... với 440 triệu người dùng tại hơn 400 thành phố tại Trung Quốc.
Tới nay, startup này được định giá 50 tỷ USD, sau khi huy động được hơn 5,5 tỷ USD vào tháng 4/2017.
Tính nội địa và lá bài chủ nghĩa dân tộc
Không riêng Didi Chuxing, "mẫu số chung" để thành công của các ứng dụng đặt xe qua điện thoại đó là được hỗ trợ vốn mạnh, hiểu rõ tâm lý/sở thích của người dân địa phương và yếu tố ưu tiên các sản phẩm nội địa.
Xét về vốn, sở dĩ Didi Chuxing có tiềm lực mạnh vì được 2 tập đoàn lớn của Trung Quốc là Tencent và Alibaba hậu thuẫn. Trong khi Didi có 10 tỷ USD để tập trung toàn lực cho thị trường Trung Quốc thì Uber có 11 tỷ USD nhưng lại phải phân tán ra toàn cầu.
Ngoài ra, sự thành công của Didi Chuxing còn đến từ việc nắm rõ thói quen, sở thích của người dân bản địa. Chẳng hạn, Didi cho phép chi trả bằng tiền mặt và hệ thống WeChat (vốn đã vô cùng phổ biến tại Trung Quốc), trong Uber lại sử dụng nền tảng thanh toán qua thẻ tín dụng - vốn không được người dân Trung Quốc ưa thích.
Bên cạnh đó, Didi hợp tác với các tài xế taxi, chứ không phải những cá nhân có xe ô tô và muốn làm thêm để kiếm thu nhập. Yếu tố này không chỉ phù hợp với quy định địa phương mà còn làm hài lòng các tài xế truyền thống. Hơn nữa, người Trung Quốc có xu hướng tin tưởng tài xế taxi hơn là một người không trong ngành.
Mặt khác, Didi cũng rất biết cách khai thác, kêu gọi "lòng yêu nước” cũng như "tâm lý hướng nội" để ưu tiên sử dụng các dịch vụ do công ty nội địa cung cấp.
Nhà sáng lập Cheng Wei đặc biệt giành được thiện cảm của chính phủ Trung Quốc, những người nắm quyền sinh sát với sự tồn vong của Didi.
Dự thảo luật đầu tiên của Trung Quốc về dịch vụ gọi xe lẽ ra đã làm lụi bại hoạt động kinh doanh của Didi. Nhưng sau vài tháng vận động hành lang kín đáo, Didi đã thuyết phục chính phủ sửa luật để không làm ảnh hưởng đến lợi ích của mình.
Cheng được cho là từng xuất hiện bên cạnh các nhà lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, bao gồm chủ tịch nước Tập Cận Bình tại một hội nghị thượng đỉnh cấp cao. "Chủ nghĩa dân tộc rõ ràng là một lá bài tốt để chơi khi bạn phải cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài" - một nhà đầu tư của Didi nói.
Việt Hưng/TheLeader
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/tung-khien-uber-phai-quy-hang-vua-goi-xe-trung-quoc-se-dung-la-bai-nao-cho-grab-viet-nam-a12571.html