Sức mạnh tỷ USD, nhóm duy nhất trụ vững trước dịch bệnh

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, có cổ phiếu tăng trần và trụ đỡ trong phiên giao dịch hôm qua cũng như sáng nay. Đây là nhóm duy nhất được xem là có đủ khả năng chống chọi với bão dịch bệnh Corona.

Nhiều cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh, có cổ phiếu tăng trần và trụ đỡ trong phiên giao dịch hôm qua cũng như sáng nay. Đây là nhóm duy nhất được xem là có đủ khả năng chống chọi với bão dịch bệnh Corona.

Sáng 5/2, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục tăng điểm và là trụ đỡ cho thị trường chứng khoán tăng điểm nhẹ phiên thứ 2 liên tiếp sau cú sụp đổ trong 3 phiên đầu tiên của năm Canh Tý. Nhiều cổ phiếu như Vietinbank (CTG), MMBank (MBB), Sacombank (STB), Techcombank (TCB), Vietcombank (VCB)… tiếp tục tăng giá.

Trong phiên hôm qua 4/2, TTCK Việt Nam chứng kiến phiên hồi phục đầu tiên trong bối cảnh lực bán suy giảm, trong khi sức cầu bắt đáy tăng lên cho dù dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona vẫn đang lan rộng, chưa có dấu hiệu lên đỉnh điểm và chưa được kiểm soát.

Trong phiên 4/2, cổ phiếu CTG của Ngân hàng Vietinbank của ông Lê Đức Thọ tăng trần 1.750 đồng lên 26.900 đồng/cp. Cổ phiếu Vietcombank (VCB) tăng 1.100 đồng lên 89.800 đồng; BIDV tăng 900 đồng lên 54.400 đồng/cp.

Các cổ phiếu ngân hàng khác như HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, MBBank (MBB), Tecombank (TCB) của tỷ phú USD Hồ Hùng Anh, Vpbank (VPB) của ông Ngô Chí Dũng... đều tăng điểm.

Diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã thổi một luồng hy vọng lên nhiều cổ phiếu khác. Thậm chí cổ phiếu hãng hàng không VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, vốn được xem là chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, cũng đã hồi phục tăng mạnh 3.500 đồng lên 129.000 đồng/cp sau 3 phiên tụt giảm.

Tuy nhiên, sự hồi phục của thị trường vẫn còn khá chông chênh do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Số người nhiễm virus Corona tăng lên nhanh chóng, ra 27 27 quốc gia, vùng lãnh thổ và số người tử vong cũng chưa dừng lại, lên tới 492 người.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng nâng đỡ thị trường giữa bão dịch bệnh.

Bên cạnh đó, thị trường được nhiều chuyên gia đánh giá hiện phụ thuộc quá nhiều vào nhóm bank.

Sở dĩ nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh trở lại bởi giảm sâu trong vài phiên trước đó và theo nhiều báo cáo, như của SSI Research, không chịu ảnh hưởng nhiều từ dịch bệnh lần này, cho dù nợ xấu cũng được dự báo gia tăng sau dịch.

Điều đáng nói là nhiều ngân hàng, nhất là nhóm 1 và nhóm 2 có diễn biến rất tích cực, nợ xấu được xử lý mạnh mẽ trong thời gian qua và có dư địa để phát triển tín dụng, tăng lợi nhuận trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn dựa chủ yếu vào tín dụng ngân hàng.

Trong khi Vietcombank được xem là siêu cổ phiếu với nhiều thuận lợi về quy mô và thương vụ làm dịch vụ bảo hiểm khủng hay BIDV với thương vụ bán vốn cho nước ngoài đình đám thì Vietinbank cũng có lợi thế không kém và giá cổ phiếu chưa tăng mấy trong năm vừa qua sau khi ông Lê Đức Thọ lên nắm giữ chức chủ tịch HĐQT và có những quyết định xử lý mạnh tay nợ xấu.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng trong đó có Vietinbank, MBBank… có cơ hội tăng vốn và qua đó có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh của mình.

Thông tin từ HOSE cho thấy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản về việc Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) chấp thuận tăng vốn điều lệ đợt 2 năm 2019 từ mức 23,7 ngàn try đồng lên 24,4 ngàn tỷ đồng.

Trong năm 2019, nhóm ngân hàng đã có nhiều mã tăng mạnh. Trong năm 2020, nhiều dự báo cho thấy nhóm này vẫn có những yếu tố tích cực nhờ những thay đổi nội tại bên trong các ngân hàng cũng như vị thế hiếm có của nhóm này trong nền kinh tế.

Mặc dù vậy, những ảnh hưởng của dịch bệnh tới các doanh nghiệp trong nền kinh tế là rất lớn và nhiều khả năng cũng sẽ ảnh hưởng tới hoạt động của các ngân hàng.

NHNN cũng đã chỉ đạo các ngân hàng vào cuộc hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Corona. Chiều 4/2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành văn bản số 541/NHNN-TD về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng của dịch Corona (dịch nCoV).

Theo đó, các ngân hàng đánh giá tình hình thiệt hại của khách hàng, nhất là các doanh nghiệp đang vay vốn thuộc lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều như du lịch, nông nghiệp, xuất khẩu để hỗ trợ kịp thời, có thể cơ cấu lại nợ hoặc miễn giảm lãi vay...

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), sáng 5/1 sau khi tăng điểm nhẹ vào đầu phiên, chỉ số VN-Index quay đầu giảm trở lại.

Nhiều mã cổ phiếu sau khi có những diễn biến tích cực đã đỏ trở lại và kéo thị trường chung đi xuống. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không còn tăng giá trên diện rộng.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng.

Theo MBS, thị trường hồi phục dưới vai trò dẫn dắt của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Một phiên kiểm tra đáy tích cực về mặt kỹ thuật khi thị trường dao động trong biên độ hẹp hơn so với 2 phiên trước và thanh khoản không quá cao. Với sự phục hồi từ thị trường quốc tế, nhà đầu tư có thể kỳ vọng thị trường trong nước tiếp tục xu hướng tăng mặc dù vẫn có những nhịp rung lắc, đặc biệt là phiên T+3 sắp tới.

Còn theo Rồng Việt, TTCK hồi phục khá tích cực dù mối nguy về dịch corona vẫn đang tiếp tục phát triển trên thế giới và ở Việt Nam. Như vậy tâm lý NĐT được cởi trói sau những áp lực lao dốc của TTCK. Tuy nhiên VDS vẫn thận trọng khuyến nghị NĐT giải ngân một phần ở những cổ phiếu dẫn dắt thị trường và hạn chế bắt đáy các cổ phiếu đang trên đà giảm.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/2, VN-Index tăng 0,95 điểm lên 929,09 điểm; HNX-Index tăng 1,26 điểm lên 102,57 điểm. Upcom-Index tăng 0,37 điểm lên 54,74 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 4,3 ngàn tỷ đồng.

V. Hà

Theo VietnamNet

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/suc-manh-ty-usd-nhom-duy-nhat-tru-vung-truoc-dich-benh-a126329.html