Trong khi nông dân nhiều nơi vẫn cần "giải cứu" nông sản thì các đơn vị bán lẻ khẳng định không tìm được nông sản để "giải cứu".
Sơ chế thanh long tại kho Hải Bằng, xã Hiệp Thạnh, huyện Châu Thành, tỉnh Long An chiều 15-2 để chuyển lên tiêu thụ tại TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng nguyên nhân chính: coi thường thị trường trong nước, khâu phân phối còn nhiều bất cập...
"Kịch bản cũ" đã nhiều năm
Trong đợt giải cứu vừa qua, kịch bản chung vẫn là các bộ, ngành kêu gọi hệ thống bán lẻ cam kết không lợi nhuận và nguồn hàng từ một số đầu mối có sẵn. Trong khi đó, một số đơn vị phân phối đã lên tiếng rằng các nhà cung cấp đã không còn đủ hàng để "giải cứu" nữa.
Trong buổi làm việc của ông Nguyễn Xuân Cường - bộ trưởng Bộ NN&PTNT - tại Tiền Giang mới đây, bà Nguyễn Thị Phương - phó tổng giám đốc Tập đoàn Central Retail - cho biết các đơn vị cung cấp nói không còn nông sản để "giải cứu".
Cụ thể, bà Phương cho hay hệ thống siêu thị Big C trên toàn quốc đã tham gia "giải cứu" thanh long và dưa hấu... theo chương trình bán giá vốn và đã lỗ khoảng 15-17 tỉ đồng chi phí vận chuyển do bán hàng không lợi nhuận. Các đầu mối đã không còn đủ thanh long để cung cấp cho siêu thị nữa và dưa hấu dù còn hàng nhưng giá đã tăng gấp đôi so với trước.
Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động "giải cứu" nông sản vẫn diễn ra sôi nổi ngoài thị trường do lượng dưa hấu và thanh long bên ngoài vẫn còn rất lớn và nông dân vẫn khó khăn trong tiêu thụ hoặc bán với giá rất thấp. Nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn phải kêu gọi "giải cứu" ở nhiều nơi trên khắp cả nước.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh - chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT) - cho rằng trong các đợt "giải cứu" vừa qua, hầu như vắng bóng sự tham gia của các hiệp hội ngành hàng mà chỉ có các đơn vị bán lẻ làm việc với các nhà cung cấp. Do nền sản xuất nhỏ lẻ, các nhà bán lẻ không làm việc trực tiếp với nông dân và thông qua hệ thống đầu mối thu gom gọi chung là thương lái.
Thông thường, thương lái căn cứ vào giá hợp đồng với siêu thị để quyết định giá mua của nông dân sao cho đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận nhất định. Nhưng trong giai đoạn "giải cứu", nhà bán lẻ chấp nhận bán không lợi nhuận, thậm chí là lỗ phần chi phí vận chuyển. Do đó, lợi nhuận của các đơn vị phân phối bị ảnh hưởng và họ không có động lực để "giải cứu".
Chính vì vậy, việc nói không còn hàng để "giải cứu" trong khi bên ngoài còn rất nhiều nông dân không bán được sản phẩm là có thể xảy ra. Hơn nữa, mỗi thương lái cũng chỉ làm việc với một số nhà sản xuất giới hạn nên họ không thể biết bên ngoài hệ thống của mình nơi nào còn hàng hay không. Đây chính là nhiệm vụ thông tin của hiệp hội ngành hàng mà ở Việt Nam còn rất thiếu.
Có trách nhiệm của hiệp hội ngành nghề
TS Võ Mai - phó chủ tịch Trung ương Hội Làm vườn Việt Nam - cho biết việc dịch COVID-19 dẫn tới nhiều mặt hàng nông sản bị ùn ứ phải kêu gọi "giải cứu" lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc tổ chức lại sản xuất và phân phối, mở rộng thị trường và từ đó cũng có thể rút ra được 2 điều.
Thứ nhất, thị trường trong nước là rất lớn và chưa được khai thác hết. Với sự vào cuộc của các bộ, ngành, doanh nghiệp và người dân, hàng trăm ngàn tấn thanh long, dưa hấu lẽ ra để xuất khẩu sang Trung Quốc đã được tiêu thụ cho thấy sức mua của nội địa là rất lớn nếu biết khai thác và giá bán hợp lý.
Thứ hai, việc phụ thuộc vào một thị trường hay chạy đua sản xuất một số loại rau quả dẫn đến phá vỡ quy hoạch là cực kỳ rủi ro nếu xảy ra sự cố. Do đó, việc tổ chức lại sản xuất và liên kết giữa đơn vị sản xuất với tiêu thụ là việc cần phải làm quyết liệt chứ không thể nói mãi.
TS Nguyễn Thị Hồng Minh cũng cho rằng so với cách đây khoảng 10-15 năm, ngành nông nghiệp của Việt Nam đã ở một vị thế khác hẳn với sản lượng hàng hóa nhiều hơn và đa dạng hơn trước. Trong khi đó cách thức tổ chức và quản lý vẫn không có gì thay đổi đáng kể. Nếu cứ tiếp tục như hiện nay, thực sự đáng lo ngại cho sự phát triển. Dịch bệnh là điều không ai muốn nhưng vẫn có thể xảy ra.
Riêng với thị trường Trung Quốc, dù là thị trường lớn nhập khẩu rất nhiều hàng hóa của Việt Nam nhưng chúng ta cũng chứng kiến rất nhiều lần những điều chỉnh về nhập khẩu của họ tác động như thế nào đến nông sản trong nước.
Nói về vai trò của các hiệp hội, TS Minh cho rằng những lễ hội như cà phê, lúa gạo, hạt điều, hạt tiêu... phải là hoạt động quảng bá, xúc tiến của hiệp hội ngành hàng nhằm quảng bá thương hiệu, nâng cao nhận thức và bán hàng của doanh nghiệp với đối tác và người tiêu dùng. Hoạt động đó phải là hiệp hội ngành hàng tổ chức bằng kinh phí của các doanh nghiệp thành viên được hưởng lợi từ những hoạt động này. Trong khi đó, các sự kiện này ở Việt Nam lại chưa đáp ứng mục tiêu này.
Theo bà Minh, điểm chung của các hiệp hội ngành hàng ở các nước là họ được nhà nước trao nhiều quyền lực để điều phối hoạt động của các hội viên thông qua việc cấp nhãn hiệu chung, ấn định một mức giá sàn, hạn ngạch xuất khẩu hay quyền lợi xuất khẩu...
Các thành viên muốn xuất khẩu phải tham gia hiệp hội và phải đóng phí. Nhưng đổi lại, thành viên được nhận những thông tin thị trường, sự chia sẻ về tình hình sản xuất của các đơn vị khác để điều chỉnh kế hoạch kinh doanh hợp lý. Hiệp hội dùng phí đóng góp của hội viên để tổ chức nghiên cứu thị trường, quảng bá xúc tiến thương mại chung cho ngành...
Theo Tuổi Trẻ
Nguồn: https://tuoitre.vn/chuyen-la-khong-co-nong-san-de-giai-cuu-20200216081907522.htm
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/chuyen-la-khong-co-nong-san-de-giai-cuu-a127045.html