Tình trạng kiệt sức có 3 trạng thái: mệt mỏi (mất năng lượng), chán nản (mất nhiệt tình) và bất lực (mất tự tin và năng lực thể hiện). Nhưng bạn không cần phải trải qua cả ba mới chịu hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ, nếu không tin vào các hoạt động cốt lõi, lãnh đạo và văn hóa của công ty, bạn có thể cảm thấy mất tinh thần ngay cả khi bạn vẫn đang làm việc tốt.
Mọi người thường nghĩ nỗ lực làm giảm hoặc ngăn ngừa kiệt sức chủ yếu tùy thuộc vào bản thân. Song, có nghiên cứu khẳng định các yếu tố công việc và công ty, vốn phần lớn nằm ngoài sự kiểm soát của cá nhân, cũng góp phần làm kiệt sức không kém.
Theo đó, nhân viên thường cảm thấy kiệt sức khi đối mặt với các điều kiện như khối lượng công việc cao một cách bất thường, mức độ kiểm soát công việc thấp, thái độ bất lịch sự, bị bắt nạt, những rắc rối hành chính, hỗ trợ xã hội thấp, nguồn lực công ty kém, lãnh đạo bị căng thẳng và hành vi lãnh đạo tiêu cực.
Bạn có quyền có công việc làm phong phú và tiếp thêm sinh khí cho bạn, hơn là khiến bạn kiệt sức. Ảnh: PxHere |
Nếu bạn cảm thấy kiệt sức, suy nghĩ về các câu hỏi sau đây có thể giúp bạn xác định xem có nên rời bỏ công việc hay không.
Công việc/nhà tuyển dụng có cho phép bạn thể hiện hết tiềm năng không?
Một công việc bền vững luôn tận dụng điểm mạnh và giúp bạn đạt được đỉnh cao. Một trong những điều dễ làm mất tinh thần nhất là phải làm việc trong điều kiện hạn chế hiệu suất, ở mức thấp hơn tiềm năng của nhân viên. Ví dụ, mục tiêu mâu thuẫn, kỳ vọng không rõ ràng, không đủ nguồn lực và thiếu hỗ trợ quản lý.
Các trở ngại dai dẳng với hiệu suất ảnh hưởng đến nhu cầu tự chủ của con người. Hơn nữa, khi kiệt sức, bạn mang lại ít giá trị hơn bình thường. Không chỉ công ty tổn thương bạn mà bạn cũng gây ảnh hưởng đến tổ chức. Tình trạng kiệt sức giống như mối quan hệ đang xấu đi. Khi mối quan hệ trong công việc không còn có lợi cho một trong hai bên, và triển vọng hồi phục nó là vô vọng, có lẽ đã đến lúc phải từ bỏ.
Công việc/nhà tuyển dụng có phù hợp với giá trị và sở thích của bạn?
Khi cảm thấy các giá trị và sở thích phù hợp với các giá trị và nhu cầu của công ty, bạn có nhiều khả năng tìm thấy ý nghĩa và mục đích trong công việc. Ngược lại, khi sự phù hợp kém, bạn sẽ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để làm việc tốt. Sự thành công trong nghề nghiệp của bạn sẽ bị ảnh hưởng.
Vẫn có những cách nhỏ khiến bạn mang lại giá trị, giúp đỡ người khác và tận hưởng khoảnh khắc hài lòng, nhưng nhìn chung vẫn ảm đạm. Nếu đang trong tình trạng này, thay vì cố gắng trong vô vọng, bạn nên tìm một môi trường khác để phát huy và thực hiện những điều mong muốn.
Tương lai của bạn trông như thế nào trong công việc/công ty này?
Nhìn xa hơn và vẽ lên một viễn cảnh dài hạn nhằm đánh giá xem bạn chỉ tạm thời gặp khó khăn hay là mất kiểm soát lâu dài. Bạn có nhìn thấy bản thân ở trong các thành viên cấp cao của công ty? Họ có cho bạn thấy được tương lai đầy hy vọng không? Tình trạng ở một số lãnh đạo cấp cao có khiến bạn sợ hãi?
Lưu ý đến vài đồng nghiệp cấp cao, người rõ ràng bị căng thẳng bởi công việc, thường xuyên bực dọc và liên tục có thái độ không tốt. Nếu bạn biết rõ bản thân không muốn kết thúc như thế thì vẫn có nhiều cơ hội phát triển bản thân sang các lĩnh vực mới. Trong khi, tương lai ở đây chỉ là một sự trì trệ.
Tình trạng kiệt sức ảnh hưởng gì?
Sự kiệt sức có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, hiệu suất, triển vọng nghề nghiệp, tâm lý và các mối quan hệ của bạn. Có trường hợp, những cảm xúc tiêu cực được mang về nhà gây tổn thương đến mối quan hệ hôn nhân.
Nếu người bạn đời vốn ủng hộ bạn thốt ra rằng họ không còn đồng cảm được với bạn, thì cái giá của kiệt sức là nghiêm trọng. Còn nếu bản thân không chắc chắn sự kiệt sức đã gây hại bạn ra sao, hãy thử hỏi người bạn đời, các thành viên trong gia đình, và bạn bè thân thiết.
Sau khi cân nhắc qua các câu hỏi này, nếu kết luận cho thấy rời bỏ công việc hoặc rời khỏi công ty là cách làm thích hợp, bạn nên thực hiện nó. Có lẽ bạn không thể nghỉ ngay hôm nay. Nhưng hôm nay có thể là ngày bạn bắt đầu chuẩn bị: để dành thêm tiền tiết kiệm, cập nhật sơ yếu lý lịch, xem thông tin trên những trang tuyển dụng, đăng tin tìm việc mới, hoặc tham gia một khóa học trực tuyến. Hành trình quay lại giai đoạn phát triển bắt đầu bằng những hành động như thế.
Phiên An/VNE (theo Harvard Business Review)