Ông Lư, chủ căn hộ gồm 2 phòng ngủ, 2 toilet tại quận 9, TP HCM (nhà đã có sổ hồng) vừa có giao dịch nhớ đời với một khách hàng tên Nga.
Sau khi xem nhà vài lần và ưng, bà Nga chốt mua với giá 2 tỷ nhưng chỉ chuẩn bị được nửa tiền (một tỷ đồng) nên đề nghị vay ngân hàng phần còn lại. Ông Lư đồng ý, hai bên thống nhất khoản tiền còn lại sẽ vay để tất toán. Hình thức vay này được tiến hành theo trình tự ngân hàng giải ngân qua sổ tiết kiệm phong tỏa cho ông Lư và sẽ mở phong toả sau khi sang tên cho bà Nga, các bên cùng ra công chứng thế chấp.
Khi bà Nga chuyển khoản 50% tiền cho bên bán và ngân hàng chuyển một tỷ đồng về tài khoản của ông Lư (nhưng ông chỉ được rút khi bà Nga ký hợp đồng công chứng thế chấp), hai bên cùng ra công chứng sang tên. Vì đinh ninh tiền đã về tài khoản phong tỏa, ông Lư giao chìa khóa để bà Nga dọn về nhà mới.
Nhưng khi ngân hàng yêu cầu ký hợp đồng công chứng thế chấp, bà Nga không đồng ý ký khi thấy sổ hồng chỉ cập nhật mua bán sang tên ở mặt sau, mặt trước vẫn còn tên ông Lư. Dù môi giới, cán bộ phường giải thích cập nhật tên người bán phía sau sổ hồng là nghiệp vụ bình thường được pháp luật cho phép, bà Nga vẫn yêu cầu ông Lư phải làm thủ tục cấp đổi sổ hồng mới, bìa sổ không liên quan chủ cũ mới đồng ý ký hợp đồng công chứng thế chấp. Tuy nhiên việc này cần thời gian, ngân hàng không đồng ý chờ thêm và dọa rút số tiền phong tỏa từ tài khoản của ông Lư về để bên bán và bên mua tự thương lượng.
"Tôi chết lặng vì biết mình hớ hênh, có thể mất tiền tỷ bất cứ lúc nào", ông Lư kể lại cảm giác khi đứng trước tình huống nhà đã sang tên và giao chìa khóa cho họ nhưng tiền mới nhận một nửa.
Cuối cùng, ông Lư buộc phải thuê luật sư làm việc với bà Nga bằng biện pháp rắn, ra tối hậu thư khởi kiện. Nếu tòa tuyên yêu cầu của bà Nga không hợp lý, cố tình cản trở quá trình mua bán để trục lợi, toàn bộ mọi thiệt hại từ giao dịch này bà Nga phải chi trả và dọn ra khỏi căn nhà đang ở.
Thị trường căn hộ khu Đông TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần |
Cuối cùng bà Nga mới chịu ký hợp đồng công chứng thế chấp. "Sau vụ này, tôi không còn dám mạo hiểm bán nhà nhận nửa tiền đã sang tên, giao chìa khóa nữa. Tôi cũng thận trọng với khách mua nhà có nhu cầu vay ngân hàng vì chỉ cần mất cảnh giác sẽ gánh nhiều rủi ro", ông Lư chia sẻ.
Chuyên gia pháp lý Nguyễn Tấn Phong cho biết, trường hợp này, ông Lư đã tự làm khó mình khi giao chìa khóa nhà cho khách trong khi họ chỉ mới trả 50% giá trị căn nhà.
Trên thực tế, trình tự thanh toán và bàn giao tài sản luôn là cuộc chơi cần thực hiện đúng luật và sòng phẳng. Việc hỗ trợ giữa các bên thường xuất hiện trong giao dịch bất động sản nhằm thể hiện sự hợp tác vui vẻ, sự thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau để giao dịch thành công. Tuy nhiên, các bên nên tránh để cảm xúc lấn át và phải thật sự tỉnh táo để chọn lựa phương án tốt nhất, công bằng nhất cho cả hai phía.
Chuyên gia này nêu 4 lưu ý đối với những ca mua bán nhà có liên quan đến vay ngân hàng nhằm giảm thiểu rủi ro tiền tỷ. Thứ nhất, nên tham khảo ý kiến của chuyên gia về pháp lý, hoặc những môi giới lâu năm thâm niên về tình huống và rủi ro riêng cho tình huống giao dịch cụ thể.
Thứ hai, hợp đồng là thứ quan trọng nhất cần phải rà soát nhiều lần và hiểu đầy đủ tất cả nội dung. Nếu có rủi ro, không hiểu ý nhau thì sẽ đem ra làm cơ sở để giải quyết tranh chấp, hãy đọc thật kỹ và hãy trao đổi thẳng thắn những gì chưa phù hợp.
Thứ ba, tuân thủ pháp luật trong giao dịch (thuế, công chứng hợp lệ, giấy tờ nhân thân đầy đủ).
Thứ tư, các phương thức giao nhà, giao tiền, giao hồ sơ quan trọng phải cùng lúc, đồng thời, hiểu được rủi ro khi thực hiện giao dịch. Ví dụ: chỉ giao nhà khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính; nếu vay ngân hàng thì phải đảm bảo quy trình của nhà băng rồi mới bàn giao tài sản. Nên đối chiếu hoặc kiểm tra chéo giấy tờ quan trọng cũng có thể làm cơ sở để ràng buộc nhau trong giao dịch, và nên có "biên nhận" đầy đủ.
Vũ Lê/VNE