Sẽ dừng thí điểm "taxi công nghệ:" "Quả đắng" cho làn sóng đầu tư mua ô tô chạy xe công nghệ

Gần đây, người ta nói nhiều về việc “taxi công nghệ” bùng nổ, với tốc độ chóng mặt, dẫn tới lượng phương tiện tham gia giao thông tăng nhanh. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng đặc biệt là tại các đô thị lớn như: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… không theo kịp, nên tình trạng ùn tắc, kẹt xe diễn ra là điều dễ hiểu. Vì thế, việc dừng thí điểm taxi công nghệ, để tính toán lại được cho là hợp lý?

Tiến thoái lưỡng nan

16h, tài xế tên Ngọc (ngụ TP. Tân An, tỉnh Long An) đón chúng tôi từ phường An Phú Đông (quận 12, TP.HCM) đi vào bệnh viện Nhi Đồng 2, với giá cước là 140.000 đồng. Ngọc cho biết:“May vào đón anh chị giờ này, chứ để chừng 30 phút nữa thì phải rất lâu mới tới được điểm đến, do vào giờ cao điểm, kẹt xe ghê lắm. Nếu chạy giờ cao điểm thì giá cước có nhích lên tí nhưng mất rất nhiều thời gian, dẫn tới cũng ít có thu nhập,lại chạy được ít cuốc. Thêm vào đó, tâm lý mình cũng rất bực bội”.

Khi hỏi về công việc lái xe taxi công nghệ, Ngọc lắc đầu ngao ngán:“Bây giờ em bước lên xe là cảm thấy ngán, do áp lực về việc vắng khách, lại thêm lo khoản thu nhập cho gia đình và đóng tiền lãi gốc hàng tháng của chiếc xe... nên rất vất vả”. Ngọc ở Long An làm nông nghiệp nhưng do mùa vụ không hiệu quả nên bỏ, anh đi học lái xe và vay ngân hàng để mua chiếc Honda City chạy dịch vụ.

Sẽ dừng thí điểm
Taxi công nghệ ra đời đã gây ra những mâu thuẫn đối với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh taxi truyền thống.

Tuy nhiên, sau 3 tháng, Ngọc mới vỡ mộng về việc thu nhập của lái taxi công nghệ cũng như kỳ vọng về lượng khách. Ngọc chỉ là một trong hàng trăm ngàn trường hợp đang đổ về khu vực TP.HCM và các đô thị lớn trên cả nước nói chung để lái xe taxi công nghệ, xem đó như là một nghề để mưu sinh. Chính vì thế, thời gian gần đây, lượng phương tiện cá nhân tăng lên chóng mặt, nhất là loại xe có giá ở phân khúc thấp.

Theo sở Giao thông Vận tải TP.HCM, tính đến tháng 6/2019, TP này có gần 9 triệu phương tiện cá nhân, tăng xấp xỉ 7% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, lượng ô tô tăng chóng mặt, có đến gần 830.000 xe tăng gần 16%. Cũng theo sở này thì hậu quả của số lượng xe cá nhân tăng vọt làm tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Tại Đà Nẵng, trung bình mỗi tháng có hơn 1.300 xe ô tô đăng ký mới, khiến cho chính quyền địa phương này cũng đau đầu, đang tìm phương án để giải quyết.

Chia sẻ với PV,TS.Nguyễn Mạnh Hùng, trường đại học Công nghệ TP.HCM cho rằng: “Loại hình taxi này là tận dụng những xe nhàn rỗi trong người dân để tham gia vào kinh doanh dịch vụ và coi đó như là công việc làm thêm để có thêm thu nhập. Đồng thời, khai thác tốt hơn tài sản là chiếc xe, tránh để lãng phí, đắp mền. Tuy nhiên, hiện nay, đây đang như là một hoạt động kinh doanh mang lại lợi nhuận và thực tế, thời gian gần đây, đó là một nghề, tạo ra thu nhập hàng tháng cho người tham gia vào lĩnh vực này.

Thấy “người ta ăn khoai cùng vác mai đi đào”, nhiều người đã vay mượn, thậm chí cả vay nóng ở chợ đen để mua xe chạy dịch vụ taxi này. Có làn sóng đầu tư xe để chạy xe taxi công nghệ, dẫn tới cuộc chạy đua về đầu tư xe nhằm chạy xe taxi công nghệ. Chính vì thế, nó đã tạo ra một cuộc cạnh tranh đối với taxi truyền thống và nhiều vụ việc đã cho thấy, cuộc cạnh tranh này căng thẳng, gây bức xúc như thế nào?”.

Đồng quan điểm, Giám đốc công TNHH Vận tải Hoàng Trung, Nguyễn Thế Trung cho rằng: “Đến nay, thực tế lợi nhuận mang lại không như kỳ vọng nhưng, nó đang tạo ra hệ luỵ rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Cùng với lượng phương tiện cá nhân phát triển đang mạnh mẽ ở các đô thị lớn thì lượng phương tiện tham gia để hoạt động trong lĩnh vực taxi công nghệ, dẫn tới phương tiện gia tăng với tốc độ chóng mặt, nên rất khó kiểm soát về giao thông.

Sẽ dừng thí điểm

Sự ra đời và phát triển của loại hình này là tất yếu của thời đại, do đó, cần phải tính toán để loại hình này phát triển hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Điển hình Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, thậm chí một số nơi như: Khánh Hòa, Quảng Ninh cũng đã có tình trạng ùn ứ, tắc nghẽn giao thông. Đây là điều không thể tránh khỏi, khi lượng phương tiện phát triển với tốc độ chóng mặt như hiện nay”.

Cần tính toán lại

Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Vũ Mạnh Thức, cũng nhìn nhận: “Lượng phương tiện mới gia tăng, chủ yếu là dòng xe phân khúc giá rẻ, với giá thành khoảng từ 300 đến 600 triệu là phổ biến. Trên mặt đường phố tại các đô thị lớn hiện nay hầu như cũng là xe chạy taxi công nghệ, vì vậy rất dễ nhận biết được. Trong khi đó diện tích mặt đường gia tăng không đáng kể so với sự phát triển trên, dẫn tới tình trạng kẹt xe là đều có thể hình dung.

Thêm vào đó, nếu tình trạng người dân tiếp tục đầu tư xe để tham gia vào lĩnh vực này thì hậu quả chưa rõ sẽ như thế nào. Nếu lượng khách không như kỳ vọng, không có lợi nhuận đủ để duy trì hoạt động kinh doanh thì sẽ giải quyết lượng phương tiện này như thế nào? Số lao động tham gia trong lĩnh vực này sẽ đi đâu, về đâu, làm gì?... Từ đó, lại kéo theo các hệ luỵ về giải quyết vấn đề việc làm, an sinh xã hội ở các đô thị lớn”.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, việc thi tạm dừng thí điểm loại hình này là hợp lý. Từ đó, để xem xét, đánh giá lại tác động của loại hình taxi này, để có kế hoạch triển khai tốt hơn, phù hợp hơn với thực tế của Việt Nam.

Đồng thời, vừa phát triển hài hòa taxi công nghệ, vừa đảm bảo an ninh, an toàn trên lĩnh vực giao thông cũng như tạo cơ hội bình đẳng cho các loại taxi khác cùng phát triển là hợp lý trong thời điểm này”, TS Hùng phân tích thêm. Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế, Vũ Mạnh Thức cũng cho rằng: “Phải đánh giá tác động của loại hình taxi này, xem đâu là ưu điểm và nhược điểm, hạn chế là gì để có phương án triển khai. Tuy nhiên, những người làm công tác này phải công tâm, khách quan vì sự phát triển chung của xã hội, chứ không vì lợi ích riêng để tính toán. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sự ra đời và phát triển của loại hình này là tất yếu của thời đại, do đó, cần phải tính toán để loại hình này phát triển hợp lý, đáp ứng được nhu cầu của người dân”.

Quyết định cứng rắn của bộ Giao thông Vận tải

Theo quyết định của bộ Giao thông Vận tải thì sẽ dừng thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng hay quen gọi là taxi công nghệ (Quyết định 24/2016/QĐ-BGTVT) kể từ ngày 1/4/2020 để thực hiện theo quy định tại Nghị định 10/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo đó, các địa phương đang thí điểm gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Trường hợp xe ô tô có sức chứa dưới 9 chỗ (kể cả người lái xe) đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng trước ngày 1/4/2020 nếu tiếp tục kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng thì phải thực hiện cấp lại phù hiệu và dán phù hiệu cố định trên xe ô tô, thời gian thực hiện xong trước ngày 1/7/2021 theo quy định (tại điểm b, khoản 6, Điều 36 Nghị định 10/2020/NĐ-CP). Vào hồi đầu năm 2016, bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định (số 24/QĐ-BGTVT) cho phép công ty TNHH GrabTaxi và các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải có giấy phép kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng được cấp tại các tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm tại các địa phương nêu trên. Thời gian thí điểm cho thấy, nhiều ưu điểm mà loại hình taxi này đã mang lại, đặc biệt là sự tiện lợi, nhanh chóng, minh bạch trong chi phí... đối với người sử dụng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nó cũng có nhiều bất cập mà Grab gây ra, nhất là mâu thuẫn với các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh taxi truyền thống. Biểu hiện rõ nhất là, hàng nghìn tài xế taxi truyền thống đã “biểu tình”, các đơn vị kiện cáo đến toà...

Chí Thành

Bài đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật 

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/se-dung-thi-diem-taxi-cong-nghe-qua-dang-cho-lan-song-dau-tu-mua-o-to-chay-xe-cong-nghe-a127741.html