Là người giàu thứ 23 trên thế giới với tài sản ròng ước tính lên đến 37,7 tỷ USD, cùng với đội ngũ nhân viên lên tớn hơn 300 nghìn người làm việc ở 52 quốc gia, Lý Gia Thành chia sẻ, ông luôn thận trọng với từng hạng mục đầu tư, triết lý kinh doanh của ông là muốn thành công, trước tiên hãy dành 90% thời gian đi nghĩ về thất bại. Sau đây là 11 quy tắc giúp ông trở thành tỷ phú số 1 Châu Á trong những năm qua.
1. Tư duy quyết định lối ra, tính cách quyết định vận mệnh
Lý Gia Thành sở dĩ có thể từ hai bàn tay trắng trở thành tỷ phú người Hoa giàu nhất thế giới, phần lớn đều tới từ tư tưởng kinh doanh, quan niệm đầu tư và tính cách cứng cỏi hơn người của mình, người làm ăn kinh doanh, muốn làm to làm lớn, ngoài việc bồi dưỡng năng lực chuyên môn, còn cần phải chú trọng bồi dưỡng tư tưởng và tính cách cho mình, dứt khoát, nhạy bén, quyết đoán, thức thời là những phẩm chất không thể thiếu của một người thành công.
2. Làm kinh doanh là làm người, "thương đạo" chính là "nhân đạo"
Lý Gia Thành từ đầu đến cuối luôn định vị mình là một "thương nhân", nhưng ông là một thương nhân "khác người", ông cho rằng làm ăn kinh doanh chính là làm người, muốn công việc làm ăn thuận lợi, buôn may bán đắt, trước tiên phải học cách làm người, giữ đạo đức, chữ tín, thiết lập được cho mình "thương hiệu vàng" này, cơ hội kinh doanh tự nhiên sẽ tìm tới bạn.
3. Dựa vào thành tín thắng thiên hạ, dù có phá sản cũng không được thất tín
Từ một nhân viên chạy vặt tới tỷ phú người Hoa giàu nhất, suốt cả quãng đường, Lý Gia Thành luôn rất có ý thức trong việc giữ chữ tín, coi thành tín là sinh mệnh thứ hai của mình, ngay cả khi phá sản, cũng không được phép để mình thất hứa! Thành tín, là một trong những đạo căn bản của ông trong làm ăn kinh doanh.
4. Mượn gà đẻ trứng, học cách mượn ngoại lực phát triển
Lý Gia Thành cũng đã từng trải qua giai đoạn từ không đến có, từ nhỏ thành to, giai đoạn đầu khởi nghiệp, ông thực ra cũng không có quan hệ xã hội hay nguồn lực nào, nhưng cái ông giỏi là mở rộng quan hệ, biết cách mượn lực, thông qua "mượn gà đẻ trứng" để tích tiểu thành đại, những ngoại lực này không chỉ là người mà còn là tài nguyên.
5. Nhìn xa trông rộng, việc làm ăn mới có thể trở nên lớn mạnh
Lý Gia Thành cho rằng muốn làm to làm lớn, bắt buộc phải thường xuyên nghĩ về tương lai, có một tầm nhìn xa, nhận thức rõ ra được xu thế thị trường và phương hướng phát triển cho doanh nghiệp, đồng thời học cách phán đoán trước một cách tương đối các biến hóa hay bất ngờ có thể xảy ra trong tương lai, có như vậy mới có thể đi trước đón đầu, nắm bắt tốt cơ hội, nắm được thế chủ động trong cạnh tranh.
6. Ổn định không quên phát triển, phát triển không quên ổn định
Lý Gia Thành chính là một bậc thầy đầu tư ổn định, quan niệm đầu tư của ông là từng bước làm nên, chậm mà chắc, xem trọng việc vạch kế hoạch, đưa nguy hiểm xuống mức thấp nhất. Lý Gia Thành luôn thận trọng với từng hạng mục đầu tư, triết lý kinh doanh của ông là muốn thành công, trước tiên hãy dành 90% thời gian đi nghĩ về thất bại.
Sách lược đầu tư của ông là "hai chân đi đường", ổn định nhưng không quên phát triển, phát triển nhưng vẫn cần chú trọng sự ổn định. Cũng chính vì vậy mà ông luôn có thể khống chế rủi ro ở tỷ lệ rất thấp, luôn có thể hóa nguy cơ thành cơ hội.
7. Lãnh đạo là đầu tàu, là người mang tới sức sống cho doanh nghiệp
Lý Gia Thành cũng có những kinh nghiệm độc đáo của riêng mình trong quản lý doanh nghiệp. Theo ông, mỗi ngày trong giới kinh doanh giống như một cuộc chiến khốc liệt, các lãnh đạo doanh nghiệp cần bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp và cổ đông, cố gắng hết sức để mở nguồn và giảm chi tiêu.
Ông nhấn mạnh rằng nghệ thuật quản lý nằm ở việc có thể chấp nhận những thứ mới, suy nghĩ mới và đổi mới tư duy truyền thống, và việc này cần phải được thực hiện ngay từ các "đầu tàu", có như vậy các doanh nghiệp mới có thể theo kịp được thị hiếu thị trường đồng thời luôn giữ được sự linh hoạt và sức sống của mình.
8. Chú trọng tuyển dụng nhân tài, nhân tài mới là nền tảng cơ bản nhất của một công việc kinh doanh
Nhân tài là lực lượng phát triển đầu tiên, đây là nguyên tắc nền tảng giúp một doanh nghiệp trở nên lớn mạnh hơn. Lý Gia Thành tất nhiên là một người rất giỏi dùng nhân tài, ông chiêu mộ nhân tài một cách rộng rãi, chú trọng bồi dưỡng người tài, để nhân tài "có đất dụng võ", phát huy sở trường cá nhân, có những chính sách giữ chân nhân tài.... tất cả những điều này khiến nhân viên một lòng vì ông dốc sức, tình nguyện cống hiến chất xám của mình cho ông.
9. Điều mà nhà doanh nghiệp nên nghĩ mỗi ngày là nguy cơ ở đâu
Lý Gia Thành có ý thức về nguy cơ, rủi ro rất mạnh mẽ, ông cho rằng một trong những nhiệm vụ cơ bản của một người làm ăn kinh doanh là lo trước tính sau, suy nghĩ xem rủi ro ở đâu đồng thời đưa ra những sách lược ứng phó liên quan, nhận thức về rủi ro này là một trong những nhân tố không thể thiếu nếu muốn doanh nghiệp phát triển ổn định, cũng giống như ông từng nói "dành 90% thời gian để nghĩ về thất bại".
Trước khi thành công, dự đoán về những nguy cơ có thể tồn tại, đồng thời nghĩ cách hóa giải những nguy cơ đó, đây mới là sách lược đúng đắn mà một người làm ăn kinh doanh nên nghĩ tới.
10. Hợp tác, đôi bên cùng có lợi
Ở nơi thương trường, thứ mọi người hướng đến đều là chữ "lợi", có tiền mọi người cùng nhau kiếm, hòa khí mới có thể sinh tài. Lý Gia Thành cho rằng, làm ăn kinh doanh cũng là làm người, quan trọng nhất là cùng nhau hợp tác, cùng nhau phát triển, có như vậy mới có thể tạo ra được một chiếc bánh ngọt khổng lồ, lợi ích thu được cũng sẽ nhiều hơn. Đối với bạn làm ăn, luôn phải hào phóng, sẵn sàng chia sẻ thậm chí nhường lợi ích, thà mình chịu thiệt chứ không để người khác thiệt thòi, cách làm này sẽ khiến người khác luôn biết ơn bạn, cũng là một cách tạo nên chữ "tín" trong lòng người khác. Nhớ rằng, muốn đi nhanh, bạn có thể đi một mình, nhưng muốn đi lâu dài, đi vững chắc, bạn phải đi cùng mọi người.
11. Tâm "lớn", tính khí ôn hòa, tạo nên một doanh nhân thành đạt
Lý Gia Thành nổi tiếng là một người hào phóng, khoan dung, tình tình ôn hòa. Ông bao dung nhân viên, bao dung khách hàng, đối tác và thậm chí cả đối thủ cạnh tranh. Đồng thời, cũng biết cách bao dung những thiếu sót của mình, hiểu rằng mình cần không ngừng học hỏi, không ngừng tự nhìn lại bản thân, không ngừng rèn luyện bản năng người lãnh đạo. Chính tính cách này đã góp phần thành toàn nên một thương nhân, một tỷ phú nổi tiếng như hiện tại.
Văn Minh / Pháp luật 4 Phương
Theo Pháp Luật VN
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/11-quy-tac-vang-giup-ly-gia-thanh-tro-thanh-ty-phu-so-1-chau-a-a127756.html