Trước sự việc một doanh nghiệp trong nước đăng ký thành lập mới tại Hà Nội với số vốn "khủng" lên tới 144.000 tỷ đồng (khoảng 6,3 tỷ USD), TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng: "Đó là hiện tượng bình thường của kinh tế thị trường" và "biết đâu họ sẽ tạo ra sự khác biệt".
Giới đầu tư đang xôn xao khi Tổng cục thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, trong tháng 1/2020 đã xuất hiện 1 doanh nghiệp thành lập mới tại Hà Nội có vốn đăng ký là 144.000 tỷ đồng với tên gọi là CTCP Tư vấn đầu tư quốc tế và dịch vụ thương mại USC (USC Interco) (Thành lập ngày 17/1/2020).
Con số 144.000 tỷ đồng vốn đăng ký gây xôn xao vì nó còn lớn hơn cả doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam là Viettel và bằng 4 ngân hàng quốc doanh Big4 cộng lại. Đáng chú ý hơn là 3 cổ đông góp vốn vào doanh nghiệp này đều là người Việt Nam. Không những thế, địa chỉ đăng ký làm trụ sở doanh nghiệp rất lớn này không phải ở trung tâm thủ đô Hà Nội mà là một thôn, xóm thuộc huyện Đan Phượng.
Đứng trước con số vốn khủng 144.000 tỷ đồng mà doanh nghiệp này đăng ký, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, con số này ở đâu ra? Có "đáng ngờ"?
Có một hướng nhìn rất khác so với đa số cách tiếp cận với câu chuyện có phần "bi hài" này, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện Trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không có gì là đáng ngờ, đó là hiện tượng bình thường của kinh tế thị trường.
Theo đó, ông Cung cho rằng, "suy nghĩ một cách tích cực thì có những người có ý tưởng điên rồ và chính những ý tưởng điên rồ đó tạo sự khác biệt trong thị trường".
Về mặt pháp luật, ông Cung cho biết, vẫn phải giám sát doanh nghiệp này vì đây là trường hợp "đặc biệt", "bất thường" nhưng vẫn hợp pháp. "Họ có thời gian 90 ngày để góp đủ vốn. Cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm tra, ghi lại con số thực tế họ góp vốn. Nếu họ góp không đủ số vốn đăng ký thì sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật", ông Cung nói.
Tuy nhiên, ông Cung cũng đặt vấn đề, biết đâu họ góp đủ vốn. Nhiều khi sự bất thường lại tạo ra hình thức kinh doanh mới, sản phẩm kinh doanh mới. "Làm gì có ai biết một công ty công nghệ có thể tăng từ vài trăm nghìn USD lên tới trăm tỷ USD chỉ trong vài ba năm như nhiều doanh nghiệp đang tồn tại ở Mỹ", ông Cung nói.
Mới đây, trả lời báo chí, cổ đông Kim Thị Phương (theo đăng ký kinh doanh là người góp 30% vốn vào doanh nghiệp, tương ứng 43.200 tỷ đồng) cho biết, phải lo chạy ăn từng bữa và chẳng có đồng nào để góp vốn vào công ty.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, các cổ đông phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Trong trường hợp không thực hiện được đúng cam kết, tức cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua, đồng nghĩa sẽ không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác.
Với trường hợp cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán và không được chuyển nhượng quyền mua số cổ phần chưa thanh toán cho người khác.
Số cổ phần chưa thanh toán còn lại được coi là cổ phần chưa bán và HĐQT được quyền bán.
Nếu không tuân thủ yêu cầu về đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ khi các cổ đông không hoàn tất nghĩa vụ góp vốn, doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Cụ thể, khoản 3 điều 28 Nghị định nói trên cho biết, hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ như đã đang ký bị phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng. Điều kiện khắc phục đi kèm là doanh nghiệp phải thực hiện điều chỉnh vốn góp theo số vốn đã thực góp.
Cùng với đó, Điều 17 Luật Doanh nghiệp cũng nghiêm cấm hành vi kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký; cố ý định giá tài sản góp vốn không đúng giá trị.
Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/ts-nguyen-dinh-cung-doanh-nghiep-144-000-ty-biet-dau-ho-tao-ra-su-khac-biet-cho-thi-truong-a128300.html