Kinh doanh như Thế Giới Di Động: Thay đổi hay là chết?

Trong thời gian ngắn hạn gần đây, Thế Giới Di Động vật lộn với những thay đổi nhằm tạo doanh thu trong bối cảnh thị trường không dễ ăn như xưa, mặc dù họ đã có tầm nhìn dài hạn khi mở các chuỗi để kiếm tiền trong tương lai.

Kinh doanh như Thế Giới Di Động: Thay đổi hay là chết?

Trong các buổi họp với các nhà phân tích, khi được hỏi về kế hoạch phát triển trong vài ba năm tới, ông Nguyễn Đức Tài - đồng sáng lập và chủ tịch HĐQT Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) - thường trả lời ước lượng trong vòng một năm, vì cho rằng công việc kinh doanh bán lẻ, nhất là mảng công nghệ, vận động cực kỳ nhanh chóng, công ty buộc phải thích nghi và thay đổi hàng ngày, do đó không lên kế hoạch dài hạn.

"Chả nhẽ giờ tôi bỏ dữ liệu vào file Excel xong rồi dự báo cho các bạn kết quả 3 năm, 5 năm sau? Như vậy dễ quá và không thật, không thực tế", ông Tài nói.

"Kinh doanh như thuyền ngược dòng sông vậy, bạn không bơi đi thì tất sẽ lùi lại", người nắm giữ cổ phần lớn nhất tại Thế Giới Di Động phân tích.

Từ một chuỗi bán lẻ điện thoại đơn thuần, Thế Giới Di Động bắt đầu bán laptop, sau đó lấn sân sang bán lẻ điện máy. Tiếp đến, mở chuỗi bán lẻ Bách hoá Xanh, mua vào chuỗi nhà thuốc An Khang. Thế Giới Di Động đã thử và dẹp bỏ hàng loạt mô hình. Vì vậy, có thể nói "thay đổi" chính là từ khoá ổn định nhất ở chuỗi bán lẻ này.

Ông Nguyễn Đức Tài (đứng) và những nhân sự chủ chốt nhất của MWG tại đại hội cổ đông của công ty năm 2019. Ảnh: Hải Đăng

Những thay đổi từng ngày ở chuỗi Bách hoá Xanh
Lấy khách hàng làm trung tâm, chuỗi bán lẻ Thế Giới Di Động thường xuyên thay đổi để thích nghi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người đi mua sắm.

Chẳng hạn tại các shop Bách hoá Xanh đang được Thế Giới Di Động vận hành, chuỗi này vẫn thường xuyên thay đổi để phù hợp với các yêu cầu mới nhất.

Với một cửa hàng ở góc đường Quách Thị Trang (Tân Bình, TP.HCM), năm ngoái khi đi ngang người ta có thể thấy cửa hàng được bài trí đồ khô ở gần cổng ra vào, nhưng sau đó thịt cá được ưu tiên bày ra trước. Hay sau đó, góc tường cũ được đập đi thay bằng mặt kính để tận dụng hai mặt tiền đường.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO Cty CP Thế Giới Di Động (chung tập đoàn, không phụ trách Bách hoá Xanh), nhân câu chuyện đó từng nói: "Anh cứ đi qua cửa hàng đó và để ý, việc thay đổi sẽ diễn ra đều đặn, âm thầm nhưng hiệu quả. Chủ yếu để hút khách nhiều nhất, tiện cho khách mua sắm nhất".

Thế Giới Di Động là một trong những chuỗi bán lẻ rất sẵn lòng thử cái mới. Chẳng hạn tại Bách hoá Xanh từng thử nghiệm mô hình "rô-bốt" giữ xe. Giải thích việc này, ông Tài cho rằng khách đi "chợ" Bách hoá Xanh thường vào nhanh rồi ra, không cần nhân viên bảo vệ tiếp đón như ở chuỗi Thế Giới Di Động. Do đó, chuỗi này thử nghiệm mô hình khách vào tự khoá bánh xe vào rãnh có sẵn, máy sẽ tự động nhả thẻ để sau khi mua sắm khách có thể lấy xe về.

Tuy nhiên đến nay mô hình này không được nhân rộng, có lẽ do máy giữ xe tự động yêu cầu mặt bằng rộng, và khách hàng rõ ràng chưa sẵn sàng với việc tự động khoá xe so với việc được một nhân viên bảo vệ giữ xe giúp.

Vì vây, có thể nói, Bách hoá Xanh chính là bài toán phát triển tiếp theo của Thế Giới Di Động trong bối cảnh mặt hàng công nghệ đang tăng trưởng chậm lại. Trong các chuỗi bán lẻ công nghệ hiện tại, chỉ mỗi Thế Giới Di Động chịu lấn sân sang lĩnh vực mới mẻ hoàn toàn sớm nhất.

Từ thời điểm mở Bách hoá Xanh cách đây 5 năm, chuỗi này gánh chịu những nghi ngờ từ các nhà đầu tư, dẫn đến cổ phiếu lao đao vài phen, nhưng do những kết quả đạt được gần một năm trở lại, mã MWG đã bắt đầu tăng lại và đạt các mốc cao lịch sử.

Lấn sang lĩnh vực điện máy khi các chuỗi vẫn yên tâm bán điện thoại

Từ một chuỗi chỉ thuần bán điện thoại và laptop, Thế Giới Di Động cũng nhanh chóng lấn sân sang thị trường điện máy với việc mở thêm chuỗi Điện máy Xanh hồi năm 2010, thời điểm mà các chuỗi bán lẻ di động vẫn sống khoẻ, không phải lo cho tương lai.

Điều này cho thấy một mâu thuẫn nhỏ trong lời ông Tài. Dù rằng không đưa ra các dự báo tương lai xa, nhưng chuỗi này rõ ràng nhìn trước được viễn cảnh bão hoà của bán lẻ điện thoại và nhanh chóng thay đổi, tìm kiếm các nguồn doanh thu mới ngay khi cảm nhận được những khó khăn có thể xảy ra trong tương lai.

Từ một chuỗi điện máy nhỏ, đóng vai phụ cho Thế Giới Di Động, đồng thời cực kỳ non trẻ so với các chuỗi Nguyễn Kim, Điện máy Chợ Lớn, Thiên Hoà, Trần Anh, Pico,... Điện máy Xanh sau vài năm thử nghiệm đã bứt tốc và trở thành chuỗi có thị phần lớn nhất hiện nay, chiếm gần 40% thị phần.

Khi lĩnh vực điện máy vẫn tăng trưởng nhưng không còn như xưa, Thế Giới Di Động lập tức đầu tư mạnh vào Bách hoá Xanh. Nửa cuối năm 2018, công ty lập tức thay đổi CEO. Đưa ông Trần Kinh Doanh, CEO dày dạn kinh nghiệm của Thế Giới Di Động sang vận hành chuỗi Bách hoá Xanh để tìm kiếm doanh thu cho tương lai xa. Chuỗi Thế Giới Di Động và Điện máy Xanh được giao lại cho người trẻ hơn là ông Đoàn Văn Hiểu Em, với nhiệm vụ duy trì doanh thu cho tập đoàn trong vài năm sau đó.

Để đảm bảo kế hoạch kinh doanh, kể từ khi nhận chức CEO Cty CP Thế Giới Di Động, chuỗi có doanh thu chủ lực cho tập đoàn, ông Hiểu Em đã thực hiện hàng loạt thay đổi. Trong đó có sự đổi mới cách trưng bày hàng hoá để đặt được nhiều sản phẩm hơn, tận dụng được diện tích hơn; chuyển đổi các cửa hàng nhỏ thành cửa hàng Điện máy Xanh lớn, hoặc chuyển Thế Giới Di Động thành Điện máy Xanh. Kết quả, doanh thu tăng trung bình 30% ở các cửa hàng có nâng cấp. Những việc "nhỏ nhặt" này sẽ khó thấy ở các chuỗi bán lẻ khác.

Có thể nói, những thay đổi nhỏ hàng ngày cộng với chiến lược dài hạn đã khiến chuỗi Thế Giới Di Động giữ được sự mới mẻ nhất định, dần hoàn thiện hơn và giữ được đà tăng doanh thu, lợi nhuận hai con số hàng năm.

Theo ICTNews

Link nội dung: https://thuongtruong24h.vn/kinh-doanh-nhu-the-gioi-di-dong-thay-doi-hay-la-chet-a128799.html